HV146 - Những con đường làm phim của điện ảnh Việt Nam hiện tại

Có thể nói, chưa bao giờ các nhà làm phim Việt Nam lại có nhiều cơ hội thể hiện tài năng của mình như lúc này. Những ai có tiền, thích làm phim đều có điều kiện thi thố. Trong khoảng 20 năm trở lại đây, ở nước ta, vô hình trung, đã hình thành ba cách làm phim. Thứ nhất, đó là cách làm phim theo kiểu truyền thống. Thứ hai, cách làm phim theo kiểu Việt kiều. Và thứ ba, cách làm phim theo kiểu lập dự án, xin tiền nước ngoài. Ngỡ rằng, ba cách làm phim trên sẽ làm cho diện mạo điện ảnh Việt Nam mang sắc thái mới. Nhưng thực ra, chúng đã bộc lộ nhiều điểm yếu như một căn bệnh mãn tính… 

Cách làm phim theo kiểu truyền thống 

Cách làm phim này chỉ tồn tại trong ba hãng phim nhà nước. Nhưng cả ba hãng phim này, hiện nay, chỉ còn cái danh mà thôi. Hầu như cả ba hãng đều không còn đội ngũ biên kịch, đạo diễn hay người quay phim… tài năng. Tất cả những ai có khả năng đều lần lượt bỏ hãng. Họ trở thành lao động tự do. Vì vậy, khi kinh phí làm phim được duyệt, các hãng đều gặp khó khăn trong việc tìm ê kíp làm phim. Và các hãng này cũng không có thiết bị. Tất cả đều phải thuê của các công ty tư nhân. Nhân lực đã thiếu, cơ sở vật chất và các thiết bị kỹ thuật cũng không có. Vì vậy, sản phẩm của các hãng phim nhà nước làm ra dường như không được dư luận chú ý. Có ý kiến cho rằng, các hãng phim nhà nước không được cấp tiền quảng cáo. Nhưng đó chỉ là một yếu tố. Điều quan trọng là, chất lượng các bộ phim của các hãng phim nhà nước thường không cao. Đơn cử như bộ phim Hợp đồng bán mình của Hãng phim Giải phóng (2019). Hãng tổ chức họp báo công chiếu và gửi phim này tham dự Liên hoan phim quốc gia tại Vũng Tàu, nhưng không nhận được sự quan tâm của người xem. Hãng phim truyện 1 đang hoàn thành phim Lính chiến. Nhưng dư luận cũng không mong đợi những gì mới mẻ trong cách thể hiện của phim này. Bởi khi phát hành, ngay cái tên hãng phim nhà nước bây giờ cũng gây hoài nghi với khán giả. Hơn nữa, cách phân chia số tiền làm phim không hợp lý. Như việc giữ lại một nửa kinh phí làm tiền lương. Sau đó là những chi phí không chính thức khiến số tiền thực để làm phim không đáng là bao. Người xem không còn lòng tin nữa.


Phim Song Lang

Tên tuổi các đạo diễn, diễn viên - những thành phần “hot” - cũng không còn có sức hút. Đặc biệt, cách trình bày câu chuyện rất cũ khiến khán giả không muốn xem. Họ xem phim truyền hình không mất tiền có khi còn dễ chịu hơn. Vì cách làm  phim truyền hình nhiều tập của ta đang thay đổi nhiều, nhất là cách quay, cách thể hiện câu chuyện, cách diễn của các diễn viên. Nếu không nhận ra những yếu kém của mình và quyết tâm thay đổi, chỉ trong nay mai thôi, các hãng phim nhà nước sẽ không còn được ai nhắc tới nữa.


Cách làm phim theo kiểu Việt kiều 

Một số tên tuổi các nhà làm phim Việt kiều như Leon Quang Lê, Victor Vũ hay Ngô Thanh Vân… đã được người xem mến mộ. Nhưng phần lớn phim được sản xuất theo công thức “da Sài Gòn, hồn Hollywood”. Do một số nhà làm phim Việt kiều không thực sự cảm nhận được văn hóa, tâm hồn người Việt. Một vài người mắc bệnh ảo tưởng “cũ người mới ta”. Nghĩa là cứ mang những cốt truyện cũ của Hollywood về Sài Gòn, xào xáo, biến cải một chút rồi hóa thành phim của mình. Dư luận đã nhiều lần lên tiếng phê bình những phim của Việt kiều giống như một số phim “người hùng” của Mỹ. Nhưng người hùng kiểu Việt Nam khác người hùng kiểu Mỹ. Người hùng Việt Nam thầm lặng, khiêm nhường chứ không “gặp đâu uýnh đó” như kiểu Mỹ. Thực trạng cách làm phim này, từ nhiều năm trước, đã rơi vào sự bế tắc. Một đạo diễn thú nhận: “Chúng tôi làm ra sản phẩm ở Sài Gòn nhưng chúng sẽ chết ở Cà Mau”. Vì sao? Bởi những phim này, dù có phụ đề tiếng Anh, nhưng không thể có đường ra nước ngoài. Bởi ở nước ngoài, nếu làm phim thị trường, thì vấn đề họ đưa ra cũng có tính toàn cầu… Mà nếu phim Việt làm theo kiểu Mỹ thì khán giả sẽ xem phim Mỹ, việc gì phải xem phim Việt. Đó là lý do vì sao Cô Ba Sài Gòn và Song lang được chào đón ở các Liên hoan phim quốc tế. Họ tìm ở phim Việt bản sắc văn hóa Việt, đó mới là chất men kích thích để họ tìm đến với điện ảnh Việt Nam. Và đó chính là con đường đúng đắn mà một số đạo diễn Việt kiều đang hướng tới. Thành quả của Ngô Thanh Vân, Leon Quang Lê, Victor Vũ với những phim đầy tâm huyết của họ đã được làm bằng đồng vốn tư nhân, nhưng nếu nhà nước biết tận dụng tài năng thì tài năng sẽ không phụ. Đó cũng là thành công của Tôi thấy hoa vàng trên cỏ xanh có một phần đầu tư của nhà nước…

Tôi thấy hoa vàng trên cỏ xanh (phim) – Wikipedia tiếng Việt
Phim Tôi thấy hoa vàng trên cỏ xanh


Cách làm phim theo kiểu xin tiền nước ngoài

Cách này, có thể mới ở Việt Nam, nhưng cũ ở nước ngoài từ lâu. Tức là, các nhà làm phim có dự án, xin tiền của một vài Quỹ điện ảnh nước ngoài để làm phim. Những Quỹ điện ảnh này thường tập trung ở các nước phương Tây. Đừng tưởng họ cho tiền một cách vô tư. Chính các nhà sản xuất phim phương Tây đã sớm nhận ra sức mạnh tuyên truyền của điện ảnh. Và họ sớm coi trọng nghệ thuật điện ảnh là công cụ thể hiện tư tưởng dân tộc và dùng điện ảnh làm phương tiện đấu tranh. Thể hiện rõ nhất là sau khi bức tường Berlin được dựng lên, các nước phương Tây, được Mỹ ủng hộ, lập ra Liên hoan phim Berlin làm căn cứ tuyên truyền cho hệ thống điện ảnh tư bản chủ nghĩa. Sau khi hệ thống xã hội chủ nghĩa và Liên Xô sụp đổ, các Quỹ điện ảnh phương Tây cấp tiền cho nhiều nhà làm phim của Nga, Romania, Séc… làm những bộ phim tố cáo mặt trái của các nước XHCN. Phim Xích lô của Trần Anh Hùng cũng nằm trong dòng phim này. (Xem các phim Trở về của Nga, Bốn tháng, ba tuần, hai ngày của Romania, Người tốt ở Tam Hiệp, Cung điện mùa hè của Trung Quốc v.v…). Nhiều đạo diễn trẻ của Việt Nam đã dấy lên cơn sóng bắt chước Trần Anh Hùng. Và lúc đầu, những nhà làm phim trẻ này, được một số Liên hoan phim quốc tế mời đến, như những “bông hoa lạ”. Nhưng rồi, họ nhận thấy, những bông hoa lạ này, thực ra, quá nghèo nàn về ý tưởng. Nhiều cảnh, nhiều đoạn trong phim của họ, người xem dễ dàng nhận ra chúng giống ở nhiều phim nổi tiếng khác của nước ngoài. Bởi nội dung phim không xuất phát từ chính họ mà họ làm chỉ với mục đích “làm vừa lòng ông chủ cho tiền”. Và cái “trò chơi” này không bền. Các Quỹ nước ngoài nhận thấy sự đơn điệu và cũ kỹ về ý tưởng của các nhà làm phim trẻ, họ lập tức ngừng rót kinh phí hoặc rót rất ít, có tính tượng trưng. Phần còn lại để các nhà làm phim trẻ “đi vận động tiếp”. Những dự án kiểu này đã bốc mùi mốc trong ngăn kéo. Thêm một kiểu làm phim “lấy tí văn hóa Trung Hoa cho vào phim Việt” hay “lấy chút tục tập miền núi nhét xuống miền xuôi” chỉ lòe thiên hạ được một lần. Rồi cái kiểu dàn dựng “tiền cảnh thì nghèo hèn, hậu cảnh thì khốn khổ” cũng chỉ như cái thứ trò trẻ con, “tưởng hay cứ làm mãi”. Và nó cũng chỉ gọi là “có ảnh hưởng”’ đến mấy em nhỏ thích làm phim, chập chững vào nghề mà thôi. Một đạo diễn từng một thời vênh vang nhận tiền nước ngoài, giờ cay đắng thốt lên: “Xin tiền nước ngoài khó hơn xin tiền nhà nước nhiều! Khi họ không thấy mình có lợi cho ý đồ của họ nữa thì ‘bái bai’ ngay!”. 

Gặp lại Lê Văn Lộc, người đạp xích lô ra thế giới… - 31-01-2014 ...
Phim Xích Lô

Kết luận 

Làm phim ở Việt Nam mà tâm tưởng cứ vọng ra nước ngoài thì chỉ tạo ra những bộ phim “đầu Ngô mình Sở”. Khi chính những người làm phim trì trệ mọi mặt, không tin ở bản thân hoặc học mót mỗi nơi một ít thì không sớm thì muộn, nghề điện ảnh sẽ trả lời cho họ một cách sòng phẳng. Và nếu được nước ngoài trao giải thưởng thì chớ vội vui. “Tưởng dzậy mà không phải dzậy” đâu.

PHỤNG CÔNG