Đứng trên đồi Lâu Đài (Hill Castle), có thể nhìn thấy cả thành phố Budapest với những tòa nhà cổ kính có từ thời La Mã, những thánh đường hàng nghìn năm tuổi, và một dòng sông xanh biếc uốn mình qua 9 cây cầu vắt ngang nối liền giữa bờ Tây và bờ Đông. Những cây cầu đẹp với kiến trúc cổ kính như những chiếc kẹp tóc mỹ miều vắt lên mái tóc xanh lả lướt của cô gái đẹp. Dòng sông Danube thơ mộng ấy đã chia đôi thành phố thành hai phần Buda và Pest.
rong số đó, cầu Chain (còn gọi là Cầu Xích) là cây cầu nổi tiếng nhất, hoành tráng nhất với 4 tượng sư tử đá lớn đặt ở hai đầu cầu, là một trong những biểu tượng của thành phố. Dù chỉ cách nhau có một dòng sông nhưng Buda và Pest hoàn toàn đối lập nhau về khung cảnh, địa hình lẫn lối sống. Nếu như bên bờ Buda là núi với địa hình đồi núi cao và những tòa lâu đài cổ nguy nga thì phía bên kia thành phố, Pest là một vùng đồng bằng với những tòa dinh thự tráng lệ.
Đặc biệt, khi nhắc đến những công trình kiến trúc cổ kính của Budapest, không thể không kể đến thành Ngư Phủ nằm bên bờ Buda của sông Danube. Theo truyền thuyết, từ thời Trung cổ, thành Ngư Phủ đã được giao cho những người đánh cá để phòng thủ khu vực đồi Lâu Đài. Họ đã chiến đấu hết mình và hy sinh anh dũng để phòng thủ nơi đây. Bởi vậy, pháo đài được đặt tên là thành Ngư Phủ để tưởng nhớ đến công lao của những người đánh cá dũng cảm này. Đó là 7 tòa tháp trắng tinh khiết biểu tượng của 7 vị lãnh tụ và họ đã họp nhau lại tại chính pháo đài để chống giặc và thành lập nước Hungary ngày nay.

Thành Ngư Phủ bên bờ Buda
Những kiến trúc đẹp nhất của thành phố này đều nằm dọc hai bên dòng Danube. Bờ sông Danube ở Budapest - nơi được xếp vào danh sách Di sản Thế giới - đã góp phần làm cho Budapest trở thành một trong những thành phố đẹp nhất châu Âu. Nổi bật nhất, hùng vĩ và kiêu hãnh nhất trong các kiến trúc nơi đây là tòa nhà Quốc hội Hungary nằm trên quảng trường Kossuth Lajos, một trong những tòa nhà lập pháp cổ xưa nhất châu Âu. Cung điện Buda hay lâu đài Buda là một lâu đài lịch sử kết hợp cung điện của các vị vua Hungary ở Budapest. Trong quá khứ còn có tên gọi Cung điện Hoàng gia, nổi tiếng sở hữu các tòa nhà, giáo đường Công giáo và tòa nhà công cộng thế kỷ 19 theo phong cách Trung cổ.
Ở phía bờ thành phố Pest có quảng trường Anh Hùng, đại lộ Andrassy, Đài tưởng niệm Thiên niên kỷ nơi dựng tượng của những vị vua chúa, những người anh hùng từ thời lập quốc Hungary. Do đó người ta nói nơi đây không chỉ chứa đựng giá trị lịch sử mà còn là biểu tượng của sức mạnh đất nước. Nhà hát Opera cũng được xem là tuyệt tác kiến trúc đáng tự hào của thời kỳ Tân Phục hưng…
.jpg)
Nhưng tất cả những mảng màu trắng xám, những vết tích cổ xưa ấy gần như lùi dần trong bóng đêm khi cả thành phố lên đèn. Bây giờ thì mái tóc xanh lãng mạn dưới ánh nắng hanh vàng đã chỉ còn là một dải màu lóng lánh dưới ánh đèn sáng rực ở hai bên bờ. Trên chiếc du thuyền, tất cả chúng tôi đều như rơi vào thinh lặng trong giai điệu tuyệt vời của bản valse Dòng Danube xanh… Dường như có tiếng hát theo rất nhẹ như hơi thở:
Một dòng xanh xanh, một dòng tràn mông mênh
Một dòng nồng ý biếc, một dòng sầu mấy kiếp
Một dòng trời xao xuyến, một dòng tình thương mến
Một dòng còn quyến luyến, một dòng nhớ… quay về miền đời lúc mơ huyền…
Tương truyền rằng nhà soạn nhạc người Áo Johann Strauss đã đứng bên bờ sông Danube vĩnh biệt mối tình của ông bằng giai điệu lừng danh này. Vợ ông, một nữ ca sĩ tài danh, đã đến gặp người tình của ông và thay vì đánh ghen, bà lại dặn dò cô gái hãy chăm sóc cho ông thật kỹ. Và bà đã ngất xỉu trước mặt ông vì quá đau đớn. Người tình của ông ra đi không lời từ biệt, và khi ông đuổi theo cô thì chỉ còn nhìn thấy dòng sông gợn sóng khi chiếc tàu đã rời bến xa dần. Ông đứng nhìn theo mãi và Dòng Danube xanh đã dập dờn trong trái tim ông như một lời vĩnh biệt…

Cung điện Hoàng gia
Và bây giờ, sau gần 150 năm ra đời, cũng trên dòng sông này, giai điệu bất hủ ấy vẫn réo rắt những lời tình tự, làm xao xuyến lòng người. Chàng nhạc sĩ đứng giữa hai người phụ nữ yêu anh bằng mối tình hy sinh và cao thượng, nên trong sự chia xa, ta không hề nhìn thấy nỗi niềm khổ đau u tối mà chỉ là những giai điệu vô cùng sáng trong như màu biếc xanh của dòng sông…
Trời đã tối hẳn, màu xanh của sông giờ chỉ còn lấp lánh ánh đèn giữa hai bờ. Và Budapest giờ bỗng như rực sáng long lanh đến lạ kỳ. Những tòa lâu đài cổ kính dưới ánh nắng ban chiều giờ rực sáng như ngàn viên kim cương kết tụ. Cả hai bờ Buda và Pest trôi theo dòng sông… Và 9 chiếc cầu lặng lẽ nối liền hai bờ bỗng sáng rực như những chiếc kẹp tóc bằng kim cương. Dưới ánh nắng vàng ban mai, những chiếc kẹp nổi bật giữa trời xanh, nước xanh, còn bây giờ dòng nước đã ánh lên sóng sánh màu vàng rực… Bầu trời trong đen thẫm một màu, dòng sông trôi nhè nhẹ trong gió lạnh… Nhạc vẫn chơi vơi hòa quyện cùng gió, cùng ánh đèn rực rỡ hai bên bờ…
Và tôi đang trôi vào giấc mơ của chính tôi, giấc mơ hơn nửa thế kỷ trước.
Một dòng xanh xanh, một dòng tràn mông mênh
Một dòng nồng ý biếc, một dòng sầu mấy kiếp
Một dòng trời xao xuyến, một dòng tình thương mến
Một dòng còn quyến luyến, một dòng nhớ… quay về miền đời lúc mơ huyền…
.jpg)
Thủ đô Budapest, nằm bên dòng sông Danube thơ mộng, là thành phố lớn nhất Hungary và là một trong những điểm đến lãng mạn nhất của du lịch châu Âu.
Thủ đô 1.000 năm tuổi từng là nguồn cảm hứng của rất nhiều tác phẩm thi ca nhạc họa và được biết đến với nhiều tên gọi mỹ miều: Viên ngọc của Danube, Nữ hoàng của Danube, Paris phía Đông, Trái tim của châu Âu hay Thủ đô của Tự do.
Budapest được hợp nhất vào ngày 17-11-1873, bởi hai thành phố bên dòng sông Danube là Buda ở bờ Tây và Pest ở bờ phía Đông. Sở hữu lối kiến trúc cổ kính và phong cách hữu tình, Budapest không chỉ là trung tâm chính trị, văn hóa, thương mại, công nghiệp và giao thông vận tải của Hungary mà còn là một trung tâm quan trọng của Trung Âu.
Danube là con sông dài nhất trong khối Liên minh châu Âu và là con sông dài thứ hai của châu Âu, sau sông Volga. Với độ dài 2.850 km, sông Danube chảy qua khá nhiều thành phố của 9 quốc gia, trong đó có 4 thủ đô: Vienna của Áo, Bratislava của Slovakia, Belgrade của Serbia và Budapest của Hungary.