Khi vợ từ trong bếp, vẫn mang tạp dề, ra phòng khách, Nghiệp giới thiệu với tôi có vẻ hơi ngượng. Tôi hiểu ngay, vợ Nghiệp không được đẹp, dáng thon thả nhưng mặt hơi thô, gò má cao, răng vổ, so với cậu làm sao sánh bằng. Cô lễ phép chào tôi và trò chuyện với tôi như quen biết từ lâu, phong thái của người giao thiệp nhiều, nhưng hình như trên gương mặt ẩn chứa ấm ức điều gì đó nên không được vui. Chợt cô xin lỗi để trở vào bếp, chắc nhớ tới món ăn đang đun nấu. Nghiệp nói nhỏ với tôi: “Hồi đó nhiều cô gái chết mê chết mệt với cháu nhưng cháu quyết định chọn cô Xuyến này. Tuy lúc đó cô ấy đã vượt ngưỡng tuổi ba mươi, nhưng là phó phòng tín dụng một ngân hàng lớn, có bố đang giữ chức chánh văn phòng ủy ban một quận nội thành. Đặt bút ký vào giấy kết hôn xong là cháu được đứng tên trong một ngôi nhà mặt tiền đường Hồng Phúc này. Được làm dân phố Hồng Phúc đâu phải dễ”. Tôi xúc động vì cậu đã thổ lộ những điều sâu kín như thế. Nói xong, Nghiệp dẫn tôi đi xem nhà.
Ngôi nhà ống mặt phố Hồng Phúc, diện tích gần trăm mét vuông, trước cửa rộng chỉ năm mét, phía sau rộng tới tám mét, theo thuật phong thủy là nở hậu, phát tài phát lộc. Kể ra, ông bố, bà mẹ ấy hồi môn cho con gái món của này thật hào phóng. Nghiệp cho biết, khi được bố vợ giao sổ chủ quyền là nhà cấp 4 xập xệ, vợ chồng họ cất lên ba lầu, tầng trệt là phòng khách, bếp ăn, tầng hai có ba phòng ngủ, tầng ba là phòng karaoke, tập thể dục, trên cùng dành cho việc thờ tổ tiên, thờ thần tài. Thần tài là vị thần người gốc Hoa mà dân miền Nam thường thờ, ai dè bây giờ đã được bê về đất kinh kỳ này. Các phòng ngủ được trang bị đồ điện lạnh, điện tử rất hiện đại. Nhà nhiều phòng nhưng tuyệt nhiên không có một giá sách. Thông thường gia đình người Hà Nội có học thức ắt có sách. Chớ xem thường sách, nhờ chúng ngôi nhà thêm phần hồn trí thức, tạo nên sự vững chãi cho ngôi nhà. Nhà này có thể giàu của cải nhưng trông hơi lạnh lẽo. Trong khi Nghiệp giới thiệu cho tôi ba cái tủ toàn rượu nổi tiếng trên thế giới, hai đứa con Nghiệp từ phòng vi tính chạy vào, con gái lên mười, con trai lên bảy, khôi ngô, linh lợi. Nghiệp nói:
- Để có chỗ ngồi cho hai nhóc ở trường nổi tiếng cháu phải thảy ra sáu ngàn đô đấy. Nhưng mà cháu không hề tiếc, vì đời này chẳng có gì được mà không mất cả. Như việc cháu được sống trong ngôi nhà rộng rãi, tiện nghi sang trọng này thì phải ở với cô vợ nhan sắc chưa ưng ý.
Nghiệp làm tôi bất ngờ với sự bộc bạch quá ngay thẳng.
- Vâng, cháu thích dùng “sách trắng” trong ứng xử, thế hệ chúng cháu là vậy đó.
Tôi nói với Nghiệp:
- Có một gia đình như thế này, cậu còn ao ước gì nữa…
Nghiệp cho hay, cậu quý gia đình, xem gia đình là số một, hằng tháng thường tự lái xe hơi đưa cả gia đình đi nghỉ ở các khu nghỉ dưỡng, vào dịp lễ tết thì du lịch ở các nước.
- Đây là điều thế hệ chúng cháu khác các chú, các bác. Các vị làm ra tiền thường bỏ vào quỹ tiết kiệm hoặc mua vàng nhét vào tủ, đấy là tâm lý của người từng sống thời chiến tranh, loạn lạc, nền kinh tế thiếu bền vững. Còn chúng cháu biết tận hưởng các lạc thú, tuổi trẻ không chơi, già thoi thóp trên đống vàng, thảm tiền, tới lúc ấy mới hối tiếc.
Nghe Nghiệp thuyết trình, tôi im lặng. Quan niệm sống là điều không nên tranh luận. Nghiệp lại thuộc về người của hôm nay, lời lẽ của cậu vang lắm, khó ai tranh cãi nổi. Nghiệp nói tiếp:
- Bây giờ cháu mời chú đi ăn tối ở nhà hàng Hồ Tây. Cháu với chú tản bộ để chú ngắm cảnh sắc phố phường Hà Nội hôm nay, vợ con cháu lát nữa đi taxi ra đó.
Khi đi qua chái sân nhỏ trước nhà, Nghiệp chỉ chiếc xe hơi bảy chỗ màu xanh nước biển còn mới:
- Con Chevrolet này cháu tậu năm ngoái, thay cho chiếc Lexus bốn chỗ. Bạn bè chê con này màu xanh không hợp mốt, cháu đang tính thảy đi để thay con khác màu đen, tất nhiên là lỗ không dưới trăm triệu. Nhưng đã dùng xe hơi mà để bạn bè diễu là buốt óc lắm, tốn thế chứ tốn nữa cũng chơi, đã thích thì tiếc gì tiền.
Đi với Nghiệp một quãng, từ phố Hồng Phúc tới đường Hòe Nhai, thấy rất nhiều người nhìn theo cậu, tôi hãnh diện lây. Nghiệp có vóc dáng cao lớn, khuôn mặt sắc lạnh, vệt râu quai nón mờ bên thái dương, mặc áo phông, quần ka ki lửng, thanh thoát, tràn trề sức sống của tuổi ngoài ba mươi, đảm đương chức tước khá cao, thường xuất hiện trên phương tiện nghe nhìn, cũng là nhân vật của công chúng nên có sức hấp dẫn riêng. Tôi biết Nghiệp từ hồi cậu đang học phổ thông cấp II. Bố Nghiệp tên là Diện, đồng đội của tôi những năm đánh giặc xâm chiếm biên giới Tây Nam, một chàng trai Hà Nội dẫu sống giữa chiến hào vẫn giữ được nét hào hoa, giọng nói trong và ấm, những lúc địch không lấn chiếm tôi thường được nghe anh kể về Hà Nội. Trước khi nhập ngũ, anh đã là công nhân làm việc ở ga Hàng Cỏ, anh thường giành những việc khó về mình, một chiến sĩ bắn tỉa thường hạ gục những tên lính áo đen diệt chủng cách vài trăm mét. Một lần, trung đội trưởng cử tôi lên đại đội nhận bánh mì, đường lên hậu cần đại đội chỉ vài cây số địch thường lẻn sang cài mìn, Diện giành lấy đi thay tôi. Anh xuất phát được đâu mười phút, nghe tiếng nổ âm âm, biết là chuyện chẳng lành, chúng tôi chạy ra, anh đang vật vã giữa đường, mặt mũi lấm khói, đất đen sạm, máu đẫm hai ống quần. May sao, mảnh mìn chỉ gặm phần mềm ở chân và vai, anh nằm bệnh viện quân đoàn hai tháng, đến đoàn an dưỡng ở Vũng Tàu một năm rồi phục viên. Trở về Hà Nội, Diện trở lại làm công nhân nhà ga Hàng Cỏ. “Tôi muốn được thấy người bước xuống tàu gặp được người thân, những cuộc hội ngộ cho tôi niềm xúc động lớn. Tôi cũng thích ngắm người ta xách va li, mang túi xách thong dong sải bước trên sân ga rồi ngồi lên tàu, phía trước họ là miền đất mới đang chờ đón. Đất nước hòa bình mới có được cảnh ấy”. Người chiến sĩ từng bám giữ đất ở biên giới Tây Nam và giúp nhân dân Campuchia thoát khỏi họa diệt chủng nói với tôi vậy. Tôi là người mang ơn máu với Diện, coi con anh như chính con mình vậy. Những năm học ở Hà Nội, thỉnh thoảng và dịp cuối tuần, tôi thường đèo cậu bé Nghiệp bằng xe đạp đi xem xiếc ở công viên, xem phim thiếu nhi ở rạp, và bao giờ chú cháu cũng kết thúc bằng bữa kem Tràng Tiền. Người đời bảo, con nhà tông không giống lông cũng giống cánh, nhưng với Nghiệp, tôi thấy cậu hoàn toàn chẳng giống bố cậu tí nào cả. Thôi thì, người mỗi thời mỗi khác, Nghiệp trưởng thành trong xã hội hòa bình, mở cửa bang giao khắp thế giới, còn bố cậu lớn lên thời chiến, đất nước bị phong tỏa bởi giặc giã, bom đạn, nên khác nhau cũng là lẽ thường.
Thấy Nghiệp thành đạt trên cả phương diện xã hội và gia đình, tôi mừng như chính mình được vậy. Tuy thế, cũng thấy hơi gai, cậu đã trở nên một người quá sòng phẳng, tính toán đến lạnh lùng. Đó là khi chúng tôi đến vườn hoa Hàng Đậu gặp một người đàn ông, vai mang túi xách, tay cầm chiếc điếu cày, nhìn khuôn mặt sạm nắng gió biết là dân ruộng vườn, đến ngập ngừng hỏi đường về ga tàu Hà Nội, Nghiệp lắc đầu đáp rất ngọt ngào: “Thưa, cháu không biết đâu ạ”. Ga Hà Nội cách đây chừng vài ba cây số, từ nhỏ hắn vẫn ra đó chơi với bố, vậy mà không biết sao? Tôi liền chỉ cho người đàn ông đường tới ga một cách gần nhất rồi theo ứng xử của người thành phố Hồ Chí Minh, tôi cầm tay đưa ông ta vượt đường Phan Đình Phùng kín xe. Khi quay lại, Nghiệp có vẻ không vui: “Chú làm vậy có ngày chuốc họa đấy”. Rồi cậu giải thích, “chỉ trỏ đường là việc của mấy ông cảnh sát giao thông. Chú làm thế là sai chức năng, tốn thời gian, hơn nữa, dắt người ta băng đường nhỡ xe húc phải thì sao?”. Nghe cậu nói vậy, tôi chỉ biết im lặng.
Nghiệp dẫn tôi tới một nhà hàng bên Hồ Tây. “Ở đây có đủ đặc sản, chú thích dùng gì cứ gọi”, cậu nói.
Khách của nhà hàng này như vừa bước ra từ dự hội nghị lớn, nhiều vị vận com lê, cổ cồn trắng, hầu hết đến bằng xe hơi đời mới, tự lái lấy, có mấy nhóm người đưa tay vẫy hay nháy mắt chào Nghiệp. Nghiệp cho biết họ đều là người nắm chức tước quan trọng ở thành phố và cơ quan các bộ. Họ tới đây ăn uống và bàn công việc luôn. Vâng, tôi xin chào thua công bộc thời này.
- Chú thường dùng rượu gì? À, ông chú thân yêu của tôi đâu có xài rượu mạnh, đúng không? Vậy thì ta dùng vang vậy, vang Chile được lắm. Chú gọi món đi.
Bây giờ, nhiều từ ngữ người miền Nam đã được dân ngoài này sử dụng rồi. Tôi nói:
- Chờ vợ con cháu tới để xem cô ấy và các cháu thích món gì.
- Đàn bà trẻ con ăn gì chẳng được. Chú cứ chọn đi.
Lật giở cuốn giới thiệu món ăn, tôi hơi choáng, món thấp nhất giá năm trăm ngàn, cao là hai triệu. Ở Sài Gòn, nơi được xem là giá cả đắt đỏ, hầu như hiếm có nhà hàng đặc sản giá cả ngất ngưởng thế này. Chẳng phải tôi không có tiền nhưng phung phí là không nên. Thấy tôi lúng túng, Nghiệp gọi luôn món thịt nai luộc, cá chình nướng muối ớt, nồi lẩu nấm linh chi… Món ăn đa dạng nhưng hổ lốn, chẳng có khoa học, văn hóa ẩm thực gì cả, nhưng thực khách chẳng biết vì họ chỉ cần cái mác và món lạ của nhà hàng. Tiếng gọi món sang sảng, chén tì tì và nhóm này cười nói rôm rả, bàn kia ghé tai nhau thầm thì như đang bàn chuyện bí mật.
Vợ và hai đứa con Nghiệp đến. Chắc là ăn uống ở hàng quán nhiều nên họ thông thạo. Nghiệp ngồi giữa hai đứa con cưng rồi nhẹ nhàng hỏi từng đứa thích món gì, cả hai nhóc đều muốn ăn món tôm hùm nướng. Nghiệp gọi cho chúng mỗi đứa một con rồi bóc vỏ đặt vào bát cho từng đứa. Trong lúc đó, Xuyến ngồi lặng lẽ, khuôn mặt lạnh băng.
Chúng tôi vừa xong ly rượu khai vị thì một người đàn ông trồi lên từ đám người cụm lại ở cái bàn dài phía góc nhà khệnh khạng bước đến, tay trái đút túi quần, tay phải cầm ly rượu màu mận chín cụng với chúng tôi. Rồi quay sang cúi đầu chào Xuyến: “Thằng em xin chào phu nhân”. Xuyến chỉ gật đầu nhẹ, cười buồn, rồi đứng dậy kéo hai đứa con ra hành lang. Nghiệp ngó theo, nói: “Cô này có tật vậy đó”. Rồi Nghiệp giới thiệu với tôi người đến chúc rượu là cán bộ trong ban phục hồi, trùng tu phố cổ Hà Nội. Tôi hỏi thân mật: “Cậu là kỹ sư xây dựng?” -“Tôi học nông nghiệp chuyên ngành trồng khoai tây, từng làm ở trại nghiên cứu khoai tây giống ở Ba Vì, suốt năm tháng lẩn quẩn trong phòng thí nghiệm mà lương ba cọc ba đồng nên chạy được về ban phục hồi, trùng tu phố cổ”. Trả lời thẳng thắn đến thế là cùng. Rồi anh hỏi tôi: “Sài Gòn có phố cổ không, anh?”. Tôi cho anh biết, “Sài Gòn là đất mới, hình thành cách đây khoảng ba trăm năm, nhà cửa cất theo kiến trúc đô thị mới, cổ nhất là những ngôi nhà xây từ thời Nguyễn”. Chúng tôi cụng ly và uống cạn rượu. Nghiệp nói với tôi: “Chú quen biết rộng, nếu gợi ý với chính quyền làm dự án phục hồi nhà cổ thời Nguyễn thì hay lắm. Dĩ nhiên, chúng cháu lo tất cả thủ tục ngoài này, chú sẽ hưởng hoa hồng chạy dự án”. Tôi gượng cười và cho họ biết, mình chỉ là người viết văn, làm báo, lấn sang việc chạy dự án sẽ tréo cẳng ngỗng, nói chẳng ai nghe. Nghiệp nói: “Chúng cháu sẽ chỉ cho chú cách thuyết phục cơ quan chức năng, độ quen biết là nền tảng, sau đó quyết định của bọn họ phụ thuộc vào độ chung chi của mình”.
Người cán bộ quản lý phố cổ vừa dạt đi, Xuyến dắt hai đứa con vào, nhưng một người cỡ tuổi trung niên, túi mắt trĩu xuống như con đỉa bám, tóc xanh đen nhón bước đến. Dáng mập, bụng phưỡn, bước đi dợm nhẹ, hai tay bơi bơi trông ngộ đến buồn cười. Anh ta ghé tai thì thầm một lúc với Nghiệp, mắt vẫn canh chừng sợ tôi nghe được, tôi biết ý vội lùi ghế và đánh mắt về hướng khác. Còn Xuyến, chị lại đưa hai con ra hành lang. Người kia, đưa hai tay nắm chặt tay tôi. “Nhà văn là người vô hại, dễ chơi, ngán nhất là đám báo chí hung hăng, lập danh theo kiểu hù dọa mọi người, kiếm ăn bằng cách xoi mói thiên hạ”, anh ta nói. Nghiệp giới thiệu anh ta là một trong những người dính vào vụ đốn hạ cây xanh ở thành phố. “Chúng tôi không may bị nạn do rò rỉ tin tức, nói cho đúng là mất cảnh giác, chủ quan khinh địch. Địch ở đây chính là những kẻ ghen ăn tức ở. Phương án đốn bỏ, trồng mới mấy ngàn cây xanh đã lên, kinh phí đã duyệt, vậy mà đám truyền thông nhao lên rồi ông hội đồng này, bà đại biểu quốc hội nọ, đồng thanh lên tiếng. Vậy là phải dừng lại, đau đến buốt tim”. Tôi nói: “Vụ đốn phá cây xanh, các cậu cần thấy mình sai to rồi”. Anh ta nói: “Biết là sai, nhiều sếp sòng dính kỷ luật nặng rồi, nhưng cái âm ỉ đau là chuyện làm ăn của mình bị đổ bể, hàng loại cây non đã mua rồi, biết đẩy đi đâu”. Nghiệp vội kéo người ấy đến gần cửa hậu phía trong, hai người to nhỏ điều gì. Một lát họ quay lại. Anh ta ngồi xuống ghế choàng tay lên vai tôi thân mật: “Được biết anh ở Sài Gòn lâu, nhà văn hẳn giao thiệp rộng. Anh móc mối xem thành phố Hồ Chí Minh có cơ quan nào thầu cây con không?”. Tôi đáp thẳng thừng: “Nghe bảo mấy ông lập dự án là trồng vàng tâm, lát hoa nhưng rồi tráo bằng thứ cây mỡ, cây mèo gì đó, lại còn để nguyên bọc gói rễ nhét xuống hố, đúng không? Thành phố chúng tôi không trồng loại cây đó và không thể chấp nhận kiểu làm ăn ba chạ vậy đâu”. Hắn ngó sững tôi một chặp rồi nói ngọt như dao: “Vâng. Mấy anh nhà văn trong sáng thì khỏi nói ai cũng biết, nhìn dáng người cũng thừa biết”. Dứt lời anh ta đi như lủi về bàn mình.
Nghiệp cho tôi biết, mấy người vừa rồi là những nhân vật đang lên, sống biết điều lắm. Một hồi sau, một người đàn ông dáng hơi thấp, đeo kính trắng gọng vàng, cắp cái cặp da đen to từ ngoài đi vào, ngó thấy Nghiệp liền bước tới chào thân mật, cười một cách bí hiểm. Đáp lại, thái độ của Nghiệp lạnh nhạt, khiến người kia sượng mặt và bước nhanh như lủi vào phía trong quán. Nghiệp nói: “Cha ấy là giáo sư, tiến sĩ, chuyên ngồi ở hội đồng chấm luận án thạc sĩ, tiến sĩ. Năm kia cháu phải nhét vào cái cặp da ấy ba ngàn đô mới có tấm bằng thạc sĩ loại khá”. Tôi nói: “Nhưng dù sao cũng từng là thầy của mình, không kính trọng thì cậu cũng phải thân tình chứ?”. Nghiệp dốc cạn ly rượu, chép miệng: “Hết việc rồi thì nên tránh xa đi là tốt nhất”.
Tôi đắng lòng, cảm thấy gặp bữa ăn dẫu nhiều món đặc sản nhưng nhạt nhẽo vì gặp phải những người quá tầm thường. Nghiệp uống cạn ly rượu, chép miệng, nói:
- Nói cho cùng, mình cần phải thông cảm cho hết thảy mọi người. Đời công tác mỗi người thời này chỉ một vài ba nhiệm kỳ, cao lắm mười lăm năm. Trong quãng thời gian ấy buộc ta phải kiếm được số tiền để sống tiếp những năm cuối đời một cách ung dung. Mà cuối đời lại phải chi nhiều cho sức khỏe, lễ lạt. Đúng là nhiều lúc cháu cư xử quá tệ với nhiều người.
Tôi ra hành lang nói với Xuyến:
- Cháu cứ để các con ăn uống tự nhiên, sao lại phải ra ngoài này.
Cô đáp giọng buồn tanh:
- Cháu sợ.
Khoảng 9 giờ đêm, vợ Nghiệp xin phép tôi dẫn hai con về trước để các cháu còn học bài. Nghiệp dặn vợ mấy câu rồi hôn nhẹ vào trán con tạm biệt. Có điều khi chồng dặn dò, vợ chỉ im lặng.
Nghiệp còn phải tiếp mấy người khách nữa, phần nhiều họ đã say khướt hoặc giả say, có kẻ nói năng lảm nhảm, tục tĩu, bẩn không thể tưởng. Chúng tôi rời nhà hàng khi trời đã lửng đêm. Nghiệp tính gọi taxi nhưng tôi muốn đi bộ xem cảnh Hà Nội về đêm. Cũng chẳng được ngắm cảnh vì đi trên vỉa hè bị xe cộ dựng bít kín, dưới lòng đường thì xe chạy bạt mạng, ai cũng lao ào ào như thể đi giành giật gì đó.
Nghiệp đưa tôi về đến cửa khách sạn Lý Nam Đế, nơi tôi đang mướn phòng tá túc trong những ngày công tác ở Hà Nội. Nghiệp đã vẫy một chiếc taxi để còn đi làm một việc gì đó. Khi chia tay, Nghiệp nhìn sững vào tôi:
- Chú sống ở thành phố Hồ Chí Minh khá lâu, quen biết rộng, cũng có danh. Thời này có danh như thế cũng không nhiều lắm đâu. Nhưng có danh cần phải có tiền, nếu không sẽ là danh hão. Phải biết tận dụng danh để hái tiền. Để rồi chúng cháu sẽ chỉ cho chú cách làm ra tiền. Hy vọng lần sau chú ra đây, cháu đón chú không chỉ bằng kỷ niệm xưa mà với một người biết hợp tác làm ăn. Bây giờ cháu còn phải đến gặp mấy sếp.
Nói xong, Nghiệp bước nhanh lên xe. Chiếc taxi tràn vào dòng người đi xe máy và ô tô cuốn vào bóng đêm đang dần đặc quánh.
Tôi về thành phố Hồ Chí Minh được chừng hai tháng, một hôm nhận được điện thoại của Nghiệp, cậu ngậm ngùi loan báo tin vợ chồng cậu vừa ra tòa ly hôn
- Con vợ cháu kiên quyết bỏ cháu, nói rằng không hợp nhau nữa. Cô ấy giành lấy nuôi hai đứa con. Dĩ nhiên lòng tự trọng của thằng đàn ông đã khiến cháu đồng ý.
Tôi không kìm được tiếng cười khẩy chua chát, đúng là chuyện thật mà như đùa, chẳng hiểu thế hệ mới mà Nghiệp thường nói, sống như thế nào. Tôi chỉ biết an ủi cậu mấy câu rất sáo.
Mấy hôm sau, bất chợt tôi nhận được dãy số máy lạ trên điện thoại di động. Hóa ra, người gọi chính là Xuyến. Tiếng cô rành rọt, bình thản, sau khi hỏi thăm sức khỏe tôi, cô đi vào chuyện chính:
- Căn nhà phố Hồng Phúc là của hồi môn của cháu nhưng cháu vẫn bán và thí cho anh ta một nửa tiền. Thiệt thòi thế chứ hơn nữa cháu cũng chấp nhận để cứu hai đứa con. Đàn bà bỏ chồng là chuyện hoàn toàn không hay ho gì, nhưng vì tương lai con cái nên cháu đành phải làm thế.
TP.Hồ Chí Minh, 2015-2019