Hồ Chí Minh có nhiều lời tiên tri đã được tổng hợp. Trong số đó, theo dư luận có khoảng 10 điều đã được ứng nghiệm. Đó là những lời dự đoán trong các văn kiện, trong các thông tin, hoặc cả những sáng tác văn học như thơ ca, truyện ký… Những lời tiên tri ấy chính xác khiến nhân dân ta và cả thế giới phải hết sức kinh ngạc, cũng như vô cùng khâm phục.
Những lời tiên tri về các sự kiện lịch sử trong nước
1. Dự đoán thời cơ kết thúc chiến tranh thế giới II, và nhân dân ta khởi nghĩa giành độc lập
Trong bài “Năm mới, công việc mới” trên báo Việt Nam độc lập số 44 (1942), trả lời câu hỏi “Năm nay tình hình trong nước và thế giới sẽ thế nào?” là sự khẳng định của lãnh tụ cách mạng: “Ta có thể quyết đoán rằng, Nga nhất định sẽ thắng, Đức nhất định bại. Anh, Mỹ sẽ được, Nhật Bản sẽ thua. Đó là một dịp rất tốt cho dân ta đánh đuổi Pháp, Nhật, làm cho Tổ quốc ta độc lập, tự do”.
Tình hình chiến sự đang diễn biến ác liệt. Vậy mà, chỉ 3 năm sau, bàn cờ thế giới đã xoay chuyển như dự báo thiên tài - thời cơ nghìn năm có một với Việt Nam đã xuất hiện.
2. Dự đoán vô cùng chính xác về năm độc lập của dân tộc ta
Trong bài “Đông Dương” đăng trên tạp chí Cộng sản (Pháp) năm 1921, Nguyễn Ái Quốc đã dự báo về sức mạnh quật khởi tiềm ẩn của người Đông Dương: “…một cái gì đang sôi sục, đang gào thét, và sẽ bùng nổ một cách ghê gớm khi thời cơ đến”.
Cái “thời cơ” ấy - thời cơ để giải phóng Đông Dương quả thực đã đến sau hơn 20 năm.
Trong tác phẩm diễn ca Lịch sử nước ta gồm có 236 câu, viết vào tháng 12-1942 có một Phụ lục ghi tường tận biên niên 30 thời điểm. Ở dòng đầu ghi: “Trước Tây lịch: 2879 - Hồng Bàng”. Và dòng cuối ghi: “1945: Việt Nam độc lập”. Đồng chí phụ trách đăng báo phân vân dòng cuối này, nhưng Người quyết định cứ in như vậy.
Tổng khởi nghĩa thành công, Người đọc Tuyên ngôn Độc lập vào tháng 9-1945. Nắm bắt thời cơ, tạo ra thời điểm chuẩn xác như một điều kỳ diệu: ngót 3 năm sau, “Việt Nam độc lập” - lời tiên đoán đã thành hiện thực.
Tác giả đã diễn ca nhớ chính xác Những năm quan trọng có 29 thời điểm lớn, để dẫn đến 1945 ghi sự kiện lịch sử thứ 30 như thời điểm cực kỳ quan trọng, mở ra kỷ nguyên độc lập, tự do của dân tộc trong thời đại mới.
Các dự báo là cực kỳ sáng suốt, căn cứ vào diễn biến phức tạp, mau lẹ của thời cuộc. Các nguyên thủ quốc gia trong phe Đồng minh tại Hội nghị Tehran (năm 1943) dự tính phải đến năm 1946 mới có thể đánh bại hai lực lượng phát xít hùng hổ nhất. Vậy mà, lịch sử lại diễn ra đúng như tiên đoán của Người. Lúc này, chính là thời cơ đã tạo thời vận, vận nước đã tới với cơ hội ngàn năm có một, để Việt Nam làm cuộc cách mạng long trời lở đất ở Đông Nam Á.
3. Dự báo kháng chiến trường kỳ, gian khổ, nhưng thắng lợi vẻ vang
Hồ Chủ tịch đã tiên đoán từ lâu về kháng chiến toàn quốc chống trả thực dân Pháp xâm lược trở lại. Nhân dân ta phải cầm súng tự vệ, mở cuộc kháng chiến trường kỳ, gian khổ nhưng rất anh dũng trong 8 năm. Kết thúc bằng chiến thắng Điện Biên Phủ 1954 “lừng lẫy năm châu, chấn động địa cầu” (Tố Hữu).
Vậy mà, chỉ sau 2 năm nổ súng kháng chiến, vị tướng lãnh đạo cao nhất đã viết truyện có tính chất viễn tưởng đậm màu lãng mạn. Giấc ngủ mười năm được xuất bản ở Tổng bộ Việt Minh năm 1948. Đây là giai đoạn cầm cự gay go của hai lực lượng ta và địch - thực dân đế quốc cáo già đang còn lực lượng quân sự hùng hậu.
Chuyện kể về anh cố nông Cao Bằng - Nông Văn Minh - tham gia trận Bông Lau cuối năm 1947. Do bị thương, anh nằm viện, và có giấc ngủ mười năm đến 5-5-1958 mới tỉnh dậy trong sự ngỡ ngàng về sự đổi thay kỳ lạ của gia đình và cuộc sống xã hội xung quanh mình. Qua chuyện được nghe kể, thì Hà Nội đã được giải phóng, bộ đội kéo về, nhân dân đón mừng trong những dòng sông và làn sóng cờ đỏ. Cuộc sống hòa bình, hạnh phúc ở xóm làng thôn quê và phố xá thành thị: Người dân đã thoát nạn mù chữ. Trường học, bệnh viện, nhà hát mọc lên khắp nơi. Gia đình cũng đổi thay. Vợ anh - Thị Xuân làm chủ tịch xã. Con gái là sinh viên Y khoa, đang thực tập ở bệnh viện.
Dự đoán là kết quả của trí tuệ và niềm tin thật mạnh mẽ. Ngay đầu năm 1947, Chủ tịch nước đã chúc Tết đồng bào cả nước:
Trường kỳ kháng chiến, nhất định thắng lợi!
Thống nhất độc lập, nhất định thành công!
Truyện Giấc ngủ mười năm vẽ ra một viễn cảnh hiện thực gần gũi mà không hề ảo tưởng. Ít ra, ở đây có hai tiên đoán chính xác: một là, kháng chiến thắng lợi; hai là, kết thúc bằng giải phóng tiếp quản thủ đô. Cả hai điều đều ứng nghiệm nhưng điều thứ hai này mới thật là kỳ diệu: kẻ thù phải đầu hàng, rút chạy hoàn toàn đúng như lịch sử diễn ra.
4. Dự đoán chính xác năm kháng chiến chống Pháp kết thúc
Sau chiến thắng chiến dịch Biên giới 1950, Bác Hồ gửi thư cho Bộ trưởng Phan Anh có câu: “Thu này, kháng chiến đã ba thu/ Hoàn toàn thắng lợi, vài thu chắc”. Trong hội nghị Hội đồng Chính phủ vào đầu xuân 1953, Bác làm mấy câu thơ vui dặn dò, trao nhiệm vụ cho các Bộ khi kết thúc: “…Diệt thù giải phóng quê ta/ Ấy là nghĩa nặng, ấy là tình sâu/ Đành lòng chờ đợi ít lâu/ Chầy ra là một năm sau vội gì”. Quả nhiên đó là tiên đoán thần kỳ!
5. Dự đoán thời gian Mỹ tham chiến tại Việt Nam
Mới sau chiến thắng Điện Biên Phủ, Hồ Chủ tịch đã nhắc đồng chí Tố Hữu về công tác tư tưởng, và chỉ rõ ngay từ ngày 8-5: “Chiến thắng Pháp rồi, phải nhớ trước mặt ta còn có kẻ địch hùng mạnh hơn, hung hãn hơn, đó là đế quốc Mỹ”.
Quả vậy, Mỹ sau tổn thất nặng trong chiến tranh ở bán đảo Triều Tiên đã quay sang can thiệp, thế chân Pháp để tiến hành xâm lược ở miền Nam Việt Nam.
6. Dự đoán cuộc kháng chiến chống Mỹ ác liệt ở Việt Nam, và kết cục thất bại thảm hại của Mỹ
Dự đoán được cuộc đụng độ lịch sử với Mỹ đã là sự thông tuệ thời thế quốc tế. Tuy nhiên, dự báo và quyết đoán được thắng lợi trong cuộc chiến tranh với đế quốc siêu cường hàng đầu thế giới lại còn thể hiện được một năng lực tiên tri kỳ diệu. Điều này đã từng bước giải đáp cho câu hỏi lớn của thế giới đương đại: “Việt Nam dám đánh Mỹ, và đã thắng Mỹ như một điều kỳ diệu ngày nay”.
7. Dự đoán về chiến thắng oanh liệt 12 ngày đêm của Hà Nội
Bộ Tư lệnh Phòng không - Không quân đã nhận chỉ thị như dự báo của Chủ tịch nước - vị đại thống soái của chiến cuộc về kết thúc thảm bại của Không lực Hoa Kỳ: “Sớm muộn rồi đế quốc Mỹ cũng đưa B-52 ra đánh Hà Nội rồi có thua nó mới chịu thua”. Quả nhiên, lịch sử đã diễn ra đúng như vậy. Cuối năm 1972, quân và dân ta đã làm trận chiến thắng “Điện Biên Phủ trên không” chấn động dư luận thế giới.
8. Dự đoán ngày đất nước thống nhất
Trong diễn văn vào ngày Quốc khánh 2-91960, có đoạn viết: “Toàn dân ta đoàn kết, nhất trí, bền bỉ đấu tranh, thì chậm lắm là 15 năm nữa, Tổ quốc ta nhất định sẽ thống nhất, Bắc - Nam nhất định sẽ sum họp một nhà”. Quả nhiên, chiến dịch Hồ Chí Minh đã dẫn tới Đại thắng mùa xuân năm 1975 vào tháng 5 lịch sử - đúng như lời tiên đoán của Người.
9. Những tiên tri cập nhật nhất hiện nay là tiên tri chiến lược bảo vệ biển Đông
Biển Đông rộng lớn với diện tích gần 4 triệu km2, là một vùng biển có ý nghĩa rất quan trọng về kinh tế - thương mại và quốc phòng. Đây là kho chứa dầu khí rất lớn - 200 tỉ thùng (dưới đáy biển), có rất nhiều thủy hải sản và khoáng sản quý hiếm. Đồng thời, đây cũng là nơi thuận lợi cho các hoạt động quân sự, tàu ngầm, tàu lớn của hải quân hiện đại khi chiếm lĩnh thế trận nếu xảy ra chiến tranh.
Biển Đông cũng nằm trên tuyến đường hàng hải quốc tế thiết yếu, hằng năm có tới khoảng 40.000 lượt tàu thuyền qua lại để vận chuyển hàng hóa, phát triển kinh tế cho các khu vực thuộc từ Đông Bắc Á tới các nước Ấn Độ Dương, Trung Đông, cho tới cả các nước vùng Tây Thái Bình Dương. Tháng 3-1961, khi đi công tác về vùng biên giới, hải đảo, Chủ tịch Hồ Chí Minh đã chỉ rõ: “Ngày trước, ta chỉ có đêm và rừng, ngày nay ta có trời, có biển. Bờ biển ta dài, tươi đẹp, ta phải biết giữ gìn lấy nó”. Và Người giao trọng trách: “Bờ biển nước ta có vị trí rất quan trọng. Vì vậy, nhiệm vụ của Hải quân, trước mắt cũng như lâu dài, rất nặng nề, nhưng cũng rất vẻ vang. Phải biết tìm ra cách đánh phù hợp với điều kiện con người, địa hình bờ biển nước ta, và vũ khí, trang bị mình có. Hải quân ta phải học tập kinh nghiệm chiến đấu hiện đại, nhưng không được quên truyền thống đánh giặc xa xưa của tổ tiên” (Hồ Chí Minh - biên niên tiểu sử, NXB Chính trị Quốc gia, 2008).
Tình hình biển đảo của Việt Nam và biển Đông hiện nay đang có diễn biến phức tạp do chủ nghĩa bá quyền phương Bắc. ASEAN đã có tiếng nói chung phản đối, và thế giới - trong đó có Mỹ đã lên tiếng chỉ trích âm mưu và hành động xâm phạm chủ quyền biển đảo và lợi ích chính đáng của Việt Nam.
Hiện nay, ta cũng đang tiến hành các cuộc đấu tranh chống trả trên các mặt trận chính trị, ngoại giao và cả việc chuẩn bị lực lượng ứng phó khi cần thiết. Đây là cuộc đấu tranh trong hòa bình, dựa trên pháp luật quốc tế với mục tiêu cao nhất là thực hiện tầm nhìn, và khát vọng độc lập, tự do của nhà tiên tri vĩ đại Hồ Chí Minh.
Hành động để hiện thực hóa tiên tri
Dự đoán, tiên tri là quan trọng, nhưng hành động để hiện thực hóa hoạt động cách mạng để ứng phó, tạo điều kiện để chiến thắng là quan trọng nhất. Trong quá trình lãnh đạo cách mạng, Nguyễn Ái Quốc-Hồ Chí Minh đã thể hiện tài năng lỗi lạc để đi từ thắng lợi này đến thắng lợi khác. Sau đây là cái nhìn tổng quan hoạt động nổi bật qua mấy thời kỳ lớn.
1. Một hành động cực kỳ lớn lao là chớp thời cơ để chuẩn bị công cuộc giải phóng đất nước vào năm 1945
Từ tiên đoán tình hình Đông Dương là sự chuẩn bị ráo riết về các mặt chủ yếu nhất. Năm 1941, Người về nước, bí mật hoạt động trực tiếp cho sự kiện khởi nghĩa là thành lập Mặt trận Việt Minh, đứng trong hàng ngũ đấu tranh chống chủ nghĩa phát xít. Danh hiệu đầy đủ là Việt Nam độc lập đồng minh hội. Đó là tổ chức quần chúng cách mạng đông đảo như lực lượng chủ chốt. Khu giải phóng với đội Tuyên truyền vũ trang được thiết lập và xung trận lần đầu tiên.
Tháng 10-1944, trong Thư gửi đồng bào toàn quốc, tác giả viết: “Phe xâm lược gần đến ngày bị tiêu diệt. Các Đồng minh quốc sắp tranh được thắng lợi cuối cùng. Cơ hội cho dân tộc ta giải phóng chỉ trong một năm hoặc năm rưỡi nữa. Thời gian rất gấp. Ta phải làm nhanh”.
Vậy là, liên tục dự báo và gấp rút hành động. Thực tế lịch sử đã diễn ra còn nhanh hơn: chỉ trong vòng chưa đầy một năm, Tổng khởi nghĩa đã bùng nổ.
2. Chủ tịch nước đã dự đoán hết sức chính xác và ứng phó với cuộc kháng chiến chống Pháp sẽ nổ ra
Từ sau Hiệp định Sơ bộ 6-3 và Tạm ước Việt - Pháp 14-9, đến tháng 11-1946, thực dân Pháp liên tục trắng trợn gây hấn, bộc lộ dã tâm xâm lược. Dưới sự chỉ đạo của Người, quân dân đã tích cực chuẩn bị chiến đấu, trước hết là ở các thành phố lớn: đào công sự, đắp chiến lũy… Đêm 1912-1946, Hà Nội nổ súng, mở màn cuộc kháng chiến toàn quốc. Ngay đêm đó, Đài phát thanh Tiếng nói Việt Nam đã ra lời kêu gọi thiêng liêng của Chủ tịch nước.
3. Lãnh đạo chiến lược kháng chiến chống Mỹ sát hợp với dự đoán mọi âm mưu, thủ đoạn chiến tranh của đế quốc siêu cường
Thiên tài quân sự Hồ Chí Minh đã dự đoán vô cùng chính xác mọi diễn biến, âm mưu và ý đồ xâm lược qua các kiểu chiến tranh của quân xâm lược Mỹ và đã làm thất bại tất cả. Mỹ gây chiến tranh phá hoại miền Bắc, cả nước là chiến trường. Tình thế đó cũng đã được dự đoán và trù liệu. Thơ xuân các năm 1968, 1969 thực chất là hiệu lệnh tiến công để thực hiện: “Đánh cho Mỹ cút, đánh cho Ngụy nhào”. Lịch sử chiến thắng huy hoàng, diễn ra đúng như dự đoán đã minh chứng cho việc hoàn thành nhiệm vụ trọng đại mà Người đã nhận và giao phó.
4. Hạ gục B-52 ở thủ đô, đập tan âm mưu xâm lược của Mỹ
Ngay từ những năm đầu Mỹ gây chiến tranh phá hoại dữ dội ở miền Bắc, Chủ tịch Hồ Chí Minh đã căn dặn thượng tướng Phùng Thế Tài (vào năm 1967) về việc sớm muộn gì Mỹ cũng đưa B-52 ra đánh Hà Nội để thực hiện chiến tranh hủy diệt.
Người đã chỉ đạo cho cấp chỉ huy Quân chủng Phòng không - Không quân: “B-52 đã đánh ra miền Bắc. Phải tìm cách đánh cho được. Trách nhiệm này Bác giao cho các chú Phòng không - Không quân”.
Thực hiện tốt chỉ thị của Bác, quân đội đã sớm đưa tên lửa phòng không vào phía Nam Quân khu 4 để nghiên cứu cách đánh B-52. Địa bàn Quân khu 4 đã có 12 “cửa tử” mà máy bay Mỹ tập trung đánh phá, có nơi suốt 24 giờ mỗi ngày. Trước chiến đấu, đã có ba huyền thoại theo nhận xét của Tư lệnh kiêm Chính ủy Phòng không - Không quân Đặng Tính: “Đưa được cả trung đoàn cùng khối lượng binh khí kỹ thuật khổng lồ này vào tới chiến trường ‘lửa’ an toàn là một huyền thoại. Triển khai chiến đấu, đem cả được khối binh khí, khí tài xuống lòng đất mà kẻ thù không hay biết là hai huyền thoại. Giấu được quân, giấu được binh khí, khí tài, xe cộ là ba huyền thoại. Chỉ có một huyền thoại nữa là các đồng chí bắn rơi được B-52 trên đất lửa”.
Năm tháng sau, tháng 9-1967, bất ngờ “rồng lửa” xuất hiện, chiếc B-52 đầu tiên bị hạ gục, và sau đó 30 phút là chiếc thứ hai. Trung đoàn tiếp tục bắn hạ 4 chiếc nữa, nâng tổng số lên 6 chiếc pháo đài bay bị hạ trên đất Vĩnh Linh. Từ đó, ta có “sách đỏ” như cẩm nang chiến đấu của quân chủng. Đó là Phương án đánh máy bay B-52. Đơn vị thực hiện được ý nguyện của Bác Hồ là “Muốn bắt cọp, phải vào hang cọp”.
Và, đúng 5 năm sau, như dự đoán thiên tài của Bác: “Mỹ nhất định thua, nhưng nó chỉ chịu thua sau khi thua trên bầu trời Hà Nội”. “Rồng lửa Thăng Long”, uy danh quân chủng, cùng với quân dân miền Bắc anh hùng đã hạ gục 34 chiếc B-52, làm nên huyền thoại “Điện Biên Phủ trên không”, chấn động địa cầu.
5. Ứng phó với tình hình bảo vệ chủ quyền đất nước và lãnh hải hiện nay
Đây cũng là hoạt động chuẩn bị đấu tranh tích cực về mọi mặt - chính trị, kinh tế, quân sự, ngoại giao… Phải vận dụng sức mạnh nội tại của dân tộc, và cả sức mạnh thời đại cách mạng chính là bí quyết chiến thắng của dân tộc trong trường kỳ lịch sử.
Giải mã những tiên tri thần kỳ
Nhận định về thất bại của Không lực Hoa kỳ đã dẫn đến thất bại thảm hại trong cuộc chiến ở Việt Nam là một bình luận rất chính xác và sâu sắc của E. Tiny trong tác phẩm Gió ngang: Những điều không thể thiếu về văn hóa của chiến tranh đường không (tạp chí Quốc phòng toàn dân): “Cuộc chiến tranh của Mỹ đã thất bại từ lâu. Nó thất bại vì đối phương đã đề ra chiến lược quân sự giỏi hơn, một chiến lược nhận thức chiến tranh ở phạm vi rộng lớn hơn, coi như một hiện tượng văn hóa, kết hợp chặt chẽ các mặt xã hội, kinh tế, chính trị, ngoại giao cũng như quân sự… để loại bỏ những lợi thế và làm tê liệt sức mạnh lớn nhất của Mỹ”.
Văn hóa của chiến tranh đường không, hiểu rộng ra, là văn hóa chiến tranh, thực chất là khoa học và nghệ thuật chiến tranh. Cụ thể là việc hoạch định chiến lược, xác định đường hướng chiến đấu, phương pháp tác chiến. Đồng thời là tài mưu trí thao lược, ứng biến linh hoạt trong lãnh đạo và vận dụng. Văn hóa này cần kết hợp toàn diện các mặt xã hội, kinh tế, chính trị, ngoại giao. Phẩm chất này như một yếu tố cơ bản của cốt cách và bản lĩnh của vị thống soái anh hùng và nhà văn hóa kiệt xuất Hồ Chí Minh. Thiên tài trí tuệ hiếm có, tiên tri và đã đồng thời biết vận dụng sáng tạo lý luận, phương pháp luận khoa học mác xít, huy động toàn bộ tri thức lịch sử, thực tiễn rộng lớn cùng với tư duy phân tích sắc sảo.
Nhà báo Cuba Luis Baez khẳng định: “Hồ Chí Minh là một nhà tiên tri vĩ đại của cách mạng Việt Nam, đó là điều không phải bàn cãi”. Bởi, những lời tiên đoán của Người đã trở thành hiện thực trước mắt nhân loại.
Và một điều kỳ diệu lớn lao được khẳng định chắc chắn - cũng theo lời nhà báo này: “Lịch sử đã chứng minh rằng Người hoàn toàn đúng”. Đó là hiện thực lịch sử, hàm chứa nhiều điều linh diệu thần kỳ, khó tưởng tượng nổi.
* PGS-TS Trường đại học Sư phạm Hà Nội (HV)