HV147 - Những điệp viên nữ trong Cụm tình báo H.63

Công tác tình báo trong Sài Gòn rất cần đến phụ nữ. Chị em đi lại khá dễ dàng trong vùng giặc kiểm soát, có người là điệp viên chui sâu trong các cơ quan tối mật của địch để thu thập tài liệu, tin tức, nhưng số đông chị em làm công tác giao thông liên lạc để nối đường dây từ ấp chiến lược vào Sài Gòn và ngược lại.

Cụm Tình báo H.63 có 16 chị, trong số đó có 9 đảng viên cộng sản. Điều đáng mừng là từ ngày thành lập Cụm năm 1961 cho đến ngày kết thúc cuộc chiến tranh chống Mỹ năm 1975, từ điệp viên cho đến giao thông viên thuộc diện mật của Cụm không hao một người, không ai bị lộ, bị giặc bắt ngày nào. Được như vậy là nhờ chấp hành tốt nguyên tắc bí mật, ngăn cắt. Gương dũng cảm, thông minh, hoàn thành tốt nhiệm vụ thì có nhiều, dưới đây tôi chỉ kể về 4 đồng chí tiêu biểu đã lập thành tích xuất sắc góp phần vào thành tích chung của Cụm Tình báo H.63, đơn vị Anh hùng lực lượng vũ trang nhân dân.

Điệp viên Nguyễn Thị Yên Thảo – tự Tám Thảo.

Lúc điệp viên Phạm Xuân Ẩn – sau này là thiếu tướng, Anh hùng lực lưỡng vũ trang nhân dân – từ Mỹ trở về sau ba năm học về công tác báo chí, người phụ trách chỉ huy là đồng chí Trần Quốc Hương (Mười Hương) đã bị Ngô Đình Diệm bắt bỏ tù, thì chính cô Tám Thảo là người đưa anh Phạm Xuân Ẩn ra chiến khu để nối liên lạc với Ban Địch Tình Xứ Ủy và được cách mạng giao nhiệm vụ mới.

Những năm 1967 – 1968, cuộc chiến tranh giữa nhân dân ta và đế quốc Mỹ diễn ra vô cùng ác liệt. Tám Thảo là một thiếu nữ trẻ, đẹp, giỏi tiếng Mỹ được cụm trưởng đưa vào làm việc trong văn phòng cố vấn Mỹ tại Bộ Tư lệnh Hải quân ngụy. Nhiệm vụ được giao cho cô là lấy các tài liệu tuyệt mật của tình báo Mỹ xem phía địch đã hiểu về ta như thế nào, đánh giá lực lượng, ý đồ của ta ra sao trước, trong và sau cuộc tổng tấn công Mậu Thân 1968 lực lượng ta đồng loạt đánh vào Sài Gòn và các thành phố, đô thị trên toàn miền Nam, lấy con số thật về thiệt hại của lính Mỹ. Không chỉ đọc rồi ghi lại mà phải là tài liệu nguyên bản của địch.

Người nũ điệp viên dũng cảm ấy nhận nhiệm vụ, mỗi ngày đi vào nơi nguy hiểm với một sự bình tĩnh, thanh thản lạ thường. Cô có câu nói đùa mà tôi không bao giờ quên. Một hôm, trên đường đến nơi làm việc tại Bộ Tư Lệnh Hải Quân ngụy ở Bến Bạch Đằng, ngồi sau lưng tôi trên một chiếc Honda nữ màu đỏ, cô nói: “Đời em nghĩ cũng sung sướng thật”. Tôi day lại hỏi: “Sung sướng gì đâu?”. Cô cười khúc khích và nói: “Có ai được như em? Sáng, thiếu tá tình báo Việt Cộng đưa đi làm, chiều thiếu tá tình báo Mỹ chở về. Thiếu tá Việt Cộng đưa đi bằng Honda, thiếu tá Mỹ chở về bằng Mercury (loại ô tô con của sĩ quan hải quân Mỹ)”. Lúc đó là đang đi ngang chợ Bến Thành hướng về đại lộ Hàm Nghi, tôi thấy câu nói đùa hay hay nên nhớ mãi.

Quả thật, tên thiếu tá tình báo Mỹ trẻ, đẹp trai, trưa và chiều vào giờ tan sở thường lái ô tô đưa cô về nhà. Chiếc ô tô con của hải quân Mỹ đậu ngoài đầu hẻm 136 đường Gia Long (nay là 136 đường Lý Tự Trọng, quận 1, thành phố Hồ Chí Minh), thiếu tá Mỹ rất “ga lăng” cùng đi với cô suốt con hẻm 100 mét vào tận nhà. Hắn thường lưu lại trò chuyện vui vẻ với cô tại phòng khách, còn tôi thì nằm chờ trên gác. Trong túi xách đi làm của cô, thường có tài liệu địch được cô chọn mang về. Giờ cô nghỉ trưa, tôi soạn ra sao chụp lại nguyên bản rồi xếp lại gọn gàng để đến giờ làm việc, cô mang trả lại văn phòng cố vấn Mỹ.

Một buổi chiều, có hai tên Mỹ nhân viên chống gián điệp đến chở cô về phòng điều tra của chúng trong Chợ Lớn để cho cái máy đo sự thật điều tra. Với sự bình tĩnh ứng phó của người cán bộ tình báo cách mạng, cô đã vượt qua được cuộc tra hỏi “máy móc” của chúng một cách dễ dàng để rồi sau đó, cô nữ thư ký xinh đẹp của thiếu tá cố vấn tình báo Mỹ được tin dùng hơn và cách mạng có được nhiều tài liệu tuyệt mật của địch. Vì cái máy đo sự thật của Mỹ đã xác định Tám Thảo, cô nhân viên đang làm việc trong ngành tình báo Mỹ không phải là Việt Cộng, không có gì để nghi ngờ!.

Phục vụ cuộc tổng tấn công Mậu Thân 1968, Cụm H.63 được cấp trên giao điều tra mục tiêu Bộ Tư lệnh Hải quân ngụy. Vòng ngoài thì tôi, cụm trường cùng với điệp viên Phạm Xuân Ẩn dùng thuyền đi “dạo mát” trên sông để nghiên cứu, vẽ sơ đồ, còn bên trong thì gì giao cho Tám Thảo. Cô đã khéo léo mời “sếp” là tên thiếu tá Mỹ chụp ảnh cùng với cô từ góc này đến góc khác các tòa nhà trong vòng rào của Bộ Tư Lệnh Hải Quân ngụy, và giao cho tôi một xấp ảnh gửi về trên để lập sa bàn cho trận đánh.


Nữ tình báo Tám Thảo cùng người chỉ huy Tư Cang (thứ hai từ trái sang) và đồng đội

Với thành tích phục vụ cuộc tấn công Mậu Thân 1968, Tám Thảo được cấp trên tặng thưởng Huân chương chiến công hạng 3. Sau ngày giải phóng miền Nam, cô được xác định cấp bậc thượng úy và cho chuyển ngành về làm cán bộ tổ chức Trung tâm Nghiên cứu Dịch thuật thuộc Sở Thông tin Văn hóa thành phố Hồ Chí Minh. Hiện nay, đã gần 80 tuổi và được nghỉ hưu tại quận Phú Nhuận, thành phố Hồ Chí Minh.

(Còn tiếp kỳ sau)


* Xem Hồn Việt từ số 146 (tháng 4-2020), loạt bài Chuyện kể về Cụm tình báo H.63
 

NGUYỄN VĂN TÀU