HV147 - Trường trung học Chấn Thanh một thời ở Đà Nẵng

LTS: Trường trung học Chấn Thanh là nơi nhà thơ Chế Lan Viên thời trẻ đã giảng dạy; đã yêu cô học trò Nguyễn Thị Giáo và sau đó họ cưới nhau, vượt qua những khó khăn về gia đình họ nhà gái (về việc này xin xem Quách Tấn: Trường Xuyên thi thoại, Trung tâm Nghiên cứu Quốc học xuất bản). Cái tên trường Chấn Thanh cũng được đặt tên cho con gái của nhà thơ: Phan Thị Chấn Thanh. Bài viết của tác giả Xuân Tùng nhiều tư liệu quý cho thấy đây là một ngôi trường lớn, cách mạng, với nhiều danh nhân yêu nước đã tham gia kháng chiến. Thiết tưởng lãnh đạo thành phố Đà Nẵng nên dựng một tấm bia trước trường để ghi nhớ cho người đời sau.

Trường Thành Chung - Đà Nẵng ra đời năm 1937 do sáng kiến và tâm huyết của một số cán bộ cách mạng và trí thức ở Quảng Nam-Đà Nẵng không muốn đi làm công chức cho Pháp và bộ máy Nam triều. Anh Nguyễn Xuân Nhĩ đã mang ruộng gia đình đi bán lấy tiền thuê nhà, mua bàn ghế, sách vở mở trường cho học sinh học. Các thầy phần lớn có hoạt động chính trị và có xu hướng tiến bộ như các anh Nguyễn Xuân Nhĩ, Nguyễn Đức Thiệu, Nguyễn Xuân Đãi, Trần Tống, Huỳnh Lý, Nguyễn Như Hạnh, Bùi Công Trọng, kỹ sư Xuân Phương… cùng tham gia dạy. Thầy giáo Nguyễn Sĩ Huynh được đảng bộ Đảng Cộng sản Việt Nam tại Quảng Nam-Đà Nẵng cử ra làm Hiệu trưởng, hoạt động công khai. Trường mang cái tên tiếng Pháp “Institution primaire complémentaire”, có nghĩa là trường tư thục bổ túc, để dạy các học sinh vừa tốt nghiệp tiểu học, cần học bổ túc thêm để năm sau thi vào trường trung học: các trường trung học phổ thông ở Huế như trường Khải Định, trường nữ Đồng Khánh... hay các trường trung học Collège de Vinh, Collège de Quy Nhơn, hoặc ra Hà Nội, vào Sài Gòn thi vào học các trường trung học khác.

 

Niên học 1936-1937, học trò trường Thành Chung tích cực tham gia tuyên truyền giới thiệu ông Phan Thanh, một nhà giáo ra tranh cử chức Hội đồng dân biểu Trung Kỳ. Sau khi ông Phan Thanh chết đột ngột, học sinh trường Thành Chung lại tham gia vận động bầu ông Đặng Thai Mai vào chức Hội đồng dân biểu Trung Kỳ. 

Trường bổ túc Thành Chung tham gia vào phong trào truyền bá quốc ngữ năm 1939. Học viên là đông đảo anh em phu xe kéo, anh chị em công nhân nhà ga xe lửa Đà Nẵng, anh chị em công nhân khuân vác ở cảng và sân bay Đà Nẵng... Từ đây Hội truyền bá quốc ngữ còn tổ chức được nhiều cuộc đình công đòi quyền lợi, nhiều cuộc biểu tình trên đường phố Marc Pourpre cạnh nhà tù ngã năm... Bọn mật thám và bọn cảnh sát thực dân Pháp không để yên cho những hoạt động của trường Thành Chung. Nha Giáo dục Trung Kỳ ra quyết định đóng cửa trường Tiểu học bổ túc Thành Chung. Một số tổ chức của thành Đà Nẵng bị vỡ (ngoài trường Thành Chung), Đoàn Thanh niên dân chủ đầu tiên ở Đà Nẵng do anh Trần Tống tổ chức ở hiệu sách Việt Quảng cũng vỡ. Phong trào cách mạng ở Đà Nẵng nói chung tạm thời lắng xuống. 

Những học sinh cũ của trường Tiểu học bổ túc Thành Chung đã được thử thách, chủ động liên lạc với các cán bộ có trách nhiệm của Đảng để tiếp tục hoạt động. Những ngày đầu niên học 1940-1941 của trường Trung học Chấn Thanh do giáo sư Phan Bá Lân tổ chức và khai giảng năm học đầu tiên. Vừa học, anh chị em vừa cố gắng tiếp bước cha anh, các thầy giáo cũ trường Thành Chung đảm nhận tổ chức phong trào học sinh và công nhân ở Đà Nẵng. 


Ông Phan Bá Lân là con trai nhà cách mạng Phan Thành Tài ở Bảo An, hoạt động cùng thời với các nhà cách mạng Trần Cao Vân và Thái Phiên đã bị thực dân Pháp xử bắn ở Bảo An và bắn ở Huế năm 1916. Ông vừa đỗ cao đẳng tiểu học sư phạm trường Bưởi. Ông bị chính quyền thực dân Pháp không cho dạy học ở các trường công lập. Ông vào Sài Gòn mở trường tư thục Chấn Thanh. Đầu năm 1940, ông từ Sài Gòn ra Huế để gặp các thầy giáo người Quảng Nam đang dạy học ở các trường trung học ở Huế, bàn về việc thành lập trường trung học Chấn Thanh ở thành phố Đà Nẵng và mời các thầy về Đà Nẵng tham gia giảng dạy. Học sinh đến đăng ký dự thi rất đông, không những chỉ học sinh học ở Huế kéo về mà cả đông đảo học sinh ở miền Trung Trung Bộ kéo về xin đăng ký dự thi. Trường Trung học tư thục Chấn Thanh là trường duy nhất ở miền Trung tuyển sinh học sinh nam và nữ học chung. Các thầy giáo các nơi xin chuyển về trường Chấn Thanh - Đà Nẵng làm việc. Trường còn mở thêm một lớp nhất (supérieur) do thầy Phạm Đức phụ trách. Khoảng ngày 15-91940, trường tư thục Chấn Thanh - Đà Nẵng khai giảng năm học đầu tiên cùng với ngày khai giảng của các trường khác trong thành phố. Hai nhà thơ Việt Nam Lưu Trọng Lư và Phan Ngọc Hoan (tức Chế Lan Viên) cũng được mời về giảng dạy môn Việt văn. Trường có nhiều học sinh nữ xinh đẹp, ăn mặc toàn áo dài màu tím và màu trắng như các cô Maria Thúy, Phạm Thị Minh Hải, Hồ Thị Tân, Hoàng Thị Em, Nguyễn Thị Vũ Nữ, Nguyễn Thị Giáo và cô hoa khôi miền Trung Nguyễn Thị Kỳ Nam mà nhiều học sinh nam để ý, nhất là các thầy giáo trẻ chưa lập gia đình như thầy giáo Chế Lan Viên. Một nhóm học sinh nam lớn tuổi coi như nhóm hâm mộ ghép tên bốn cô nữ sinh xinh đẹp của trường gồm bốn chữ đầu TÂN, EM, NỮ, GIÁO thành một dòng TENG xem như Chấn Thanh tứ đại mỹ nhân, giống ở Trung Quốc gọi bốn cô gái đẹp nhất: Chiêu Quân, Tây Thi, Điêu Thuyền, Dương Quý Phi là Trung Hoa tứ đại mỹ nhân. Học viên trường Trung học Chấn Thanh đã làm bài thơ Tình học sinh để tặng TENG:

Thuở đèn sách bao nhiêu tình si dại 
Nở trong phòng học ấm áp thân yêu 
Đầu song song gây luyến ái thêm nhiều 
Áo đen láng quyến áo màu mực tím 
Trường rực rỡ những nàng tiên áo tím
Búp tay non ve vuốt lược cài xanh 
Ngồi bên nhau hai dãy ghế yên lành 
Tình phẳng lặng như bút chì cán thước 
Ai thuở ấy ngời son vang gót bước 
Dìu dịu bên lòng, tha thướt trên sân 
Mắt rưng rưng cho thợ khẽ gieo vần 
Tình ấp ủ đã nhiều lần toan nói? 
Chưa kịp tình trao, nguồn yêu mến đổi 
Giờ chia xa còn dấu nỗi thân thương 
Người lên xe ta đứng giữa sân trường 
Nghe gió kể, những dặm đường cách trở... 
Giờ học cuối năm nào ai còn nhớ 
Lặng nhìn nhau như biết phải xa lâu 
Nón nghiêng nghiêng cả một trời sầu 
Lòng hớn hở vội trả chào mắt ngọc... 
Bóng tối ôm hiên, sầu vào lớp học 
Bàn ghế thân hẳn lặng khóc người hoa? 
Người xa ta, xa lớp cũ trường già 
Năm tháng mất theo những tà áo tím...

Trường Chấn Thanh - Đà Nẵng
1942-1943
Lưu Quang Thành

Trường Trung học Chấn Thanh phát triển tốt. Các lớp từ nhất niên đến tứ niên năm nào cũng tăng số lượng học sinh. Con em trong vùng đến đăng ký xin học nhiều, nhiều gia đình cho hai đến ba con em đến xin học. Ví dụ như ba anh em nhà ông Võ Châu, Võ Cơ, Võ Cư ở Cẩm Sa; hai anh em nhà ông Lâm Quang Huyên, Lâm Quang Thiệp con trai ông Lâm Quang Thự. Hai anh em ông Võ Thủ Lê, Võ Thủ Tịnh đang học ở Collège de Quy Nhơn cũng xin về học Trung học Chấn Thanh. Ba chị em gái con nhà buôn Nguyễn Sơn Hà: Nguyễn Thị Kim Quán, Hồng Nhị, Kim Cúc. Ba anh em Hồ Thấu, Hồ Nghinh, Hồ Liễn (Hoàng Bích Sơn). Hai anh em con trai nhà thơ Khương Hữu Dụng: Khương Thế Xương, Khương Thế Hưng. Ba anh em nhà thơ Lưu Quang Thành, Lưu Quý Thảo, Lưu Trùng Dương... Các học trò của trường Trung học Chấn Thanh không những học giỏi mà còn hoạt động chính trị - xã hội rất tốt. Sau Cách mạng tháng 8-1945 nhiều học sinh trường Trung học Chấn Thanh đã có trình độ giữ chức Bí thư tỉnh ủy, thành ủy vững vàng như các anh Chế Phẩm tức Chế Viết Tấn, Cao Sơn Pháo... người thì làm Bí thư thành ủy Đà Nẵng, người thì làm Bí thư tỉnh Quảng Nam. Các thầy giáo chẳng những dạy văn hóa giỏi mà dạy các khoa mục kỹ thuật quân sự, các môn khoa học có trình độ vững vàng. Ví dụ như thầy Phan Hàm dạy khoa học tự nhiên, khi có lệnh của cấp trên làm nhiệm vụ đào tạo cán bộ quân sự cấp từ tiểu đội đến đại đội bằng một quyển sách mua được của hàng sách bằng tiếng Pháp Le Fantasin (Người lính bộ binh) đem dịch đến đâu dạy đến đó. Nhiều thanh niên đến xin học môn quân sự nhằm bắn được súng để sau ngày 16-8-1945 đi tham gia cướp chính quyền ở Quảng Nam - Đà Nẵng. Sau này thành cán bộ quân sự cao cấp của Quân đội nhân dân Việt Nam, các ông thường bảo với con cháu: nhờ dạy ở trường Trung học Chấn Thanh tham gia cách mạng mà sau đã trở thành tướng như thiếu tướng Phan Hàm, thiếu tướng Hoàng Kim, thiếu tướng Nguyễn Sĩ Huynh, thiếu tướng Xuân Nhã, trung tướng Trương Công Cẩn... Trường Trung học Chấn Thanh hoạt động hơn bốn năm, đã tập hợp được nhiều thanh niên trai trẻ tài năng của các ngành văn hóa nghệ thuật, như: Về nhạc có nhạc sĩ Phan Huỳnh Điểu, nhóm nhạc anh em Dương Minh Vinh, Dương Minh Hòa, Dương Minh Viên, anh em nhạc sĩ Trương Đình Quang, Trương Đình Bản, nhóm nhạc sĩ La Hối người Minh Hương ở Hội An. Thi sĩ, ngoài hai nhà thơ gạo cội dạy môn văn học Lưu Trọng Lư, Chế Lan Viên còn có các anh Hồ Thấu, Khôi Anh (Phạm Văn Kỳ), Lưu Quý Thảo, Trần Nguyên (Trần Phác), Ngô Bách Bộ... Về họa có Đào Thế, Văn Đình Quang, Tú Mỹ, Nguyễn Huynh. Về kịch có Lưu Quang Thuận, Huỳnh Chinh... Về ca sĩ có vợ chồng Nguyễn Hữu Thiết - Ngọc Cẩm, nhóm Đồng Vọng ở Hải Phòng vào, nhóm Phạm Duy - Văn Trọng ở Quảng Trị vào… Đà Nẵng tập hợp được nhiều văn nghệ sĩ vì Đà Nẵng là vùng đất đẹp có những hai nhà hát to đẹp: Vĩnh Lạc, Hòa Bình... có chỗ dung nạp văn nghệ sĩ. 

Trong số giáo viên, học sinh trường Trung học Chấn Thanh một thời ở Đà Nẵng có một chi bộ Đảng Cộng sản 16 người. Có một học sinh của trường đi suốt gần 30 năm qua hai cuộc kháng chiến chống Pháp và chống Mỹ cho đến ngày giải phóng miền Nam thống nhất đất nước, tháng 4-1975. Đó là Bùi Văn Tùng, Đại tá chính ủy Lữ đoàn xe tăng Quân đội nhân dân Việt Nam, thuộc quân đoàn 2 lữ đoàn tăng 203, đã dẫn đoàn xe tăng gần 100 chiếc thừa thắng xông lên. Ông chính là nhân chứng lịch sử trong ngày 30-41975, tại Dinh Độc Lập thủ phủ chế độ Sài Gòn, viết lời tuyên bố đầu hàng cho Tổng thống - Đại tướng Dương Văn Minh, chấm dứt cuộc chiến tranh đẫm máu. 

Sau gần 30 năm hoạt động, đến cuối năm 1944 đóng cửa, trường Trung học Chấn Thanh một thời ở Đà Nẵng còn khắc sâu trong tim mọi người.

 Xuân 2020

XUÂN TÙNG