HV148 - Đã “chạy chức”, “chạy quyền” thì dứt khoát không dùng!

Vấn đề “chạy” những năm gần đây diễn ra muôn hình vạn trạng nhằm thỏa mãn được sự đòi hỏi có tính ích kỷ (bất chấp pháp luật và đạo lý) của ai đó, luôn là vấn đề được dư luận và công luận quan tâm theo dõi, lên án dưới nhiều hình thức. Bởi những người đàng hoàng, chân chính, lương thiện không bao giờ chấp nhận thói lừa lọc tranh giành, chụp giật của những kẻ coi thường pháp luật, xem nhẹ nếp sống văn minh của cộng đồng! Và bởi, những kẻ chuyên chực chờ có cơ hội là “chạy”, đây đích thị là thủ phạm gây ra không biết bao nhiêu sự bất ổn trong xã hội (trực tiếp hoặc gián tiếp), loại người này thường lợi dụng kẽ hở của pháp luật, sự lỏng lẻo của các cán bộ thi hành công vụ, nhất là những cán bộ có chức vụ nắm quyền chi phối về kinh tế, cầm trịch về sắp xếp, bố trí, đề bạt, bổ nhiệm, điều chuyển cán bộ!

Chuyện “chạy” thời nay thường thấy diễn ra như: Để được trúng thầu xây dựng công trình nào đó thì lo “chạy” dự án; muốn cho con được chỗ học vừa ý thì lo “chạy” trường; sinh viên tốt nghiệp muốn có việc làm thì lo “chạy” việc; muốn cho con thi được đỗ đạt thì lo “chạy” điểm (như các vụ chạy điểm của năm 2018 mà báo chí từng nêu); muốn người nhà không phải ngồi tù hoặc được tuyên án nhẹ thì lo “chạy” án; muốn được đề bạt cất nhắc, dự nguồn kế cận thì lo “chạy” bằng; sắp nghỉ hưu mà chưa muốn nghỉ thì lo “chạy” tuổi; muốn thăng hàm, nâng cấp thì lo “chạy” chức… cùng vô số kiểu “chạy” khác, làm cho các mối quan hệ xã hội thêm rối tung. Tất nhiên, muốn “chạy” có kết quả như ý thì phải “biết điều” và hết sức tế nhị!

Theo quy luật tự nhiên có cầu ắt có cung, do cái sự “chạy” có nhu cầu khá lớn và thường xuyên nên xã hội tự nhiên hình thành một “đội ngũ” chuyên làm “nghề” móc nối, được gọi là “cò”. Đối với nhu cầu “chạy” chuyện gì thì có ngay loại “cò” đó.

Những năm gần đây, nhờ sự phát triển tiến bộ của xã hội ta về kinh tế, về văn hóa, văn minh, nên đời sống vật chất và tinh thần của người dân được nâng lên đáng kể, đáng mừng. Nhưng chúng ta không khỏi buồn lòng vì đây đó vẫn còn một bộ phận cán bộ trong cơ quan Đảng và Nhà nước coi trọng đồng tiền hơn tình đồng chí, nghĩa đồng bào; để “lương lậu” làm mờ nhạt lương tri, lấn át lương tâm, thật đáng chê trách! Hệ lụy của sự “chạy” với sự tiếp tay của các loại “cò” như kể ở trên đã làm khá nhiều quan chức ở các cấp gục ngã nhục nhã trước những “viên đạn bọc đường”, có nhiều người lâm vào vòng lao lý.

Sinh thời, Chủ tịch Hồ Chí Minh đã dạy: “Các cơ quan cần phải rất chú ý đến việc huấn luyện cán bộ. Phải lựa chọn rất cẩn thận những nhân viên phụ trách việc huấn luyện đó. Những người lãnh đạo cần phải tham gia việc dạy. Không nên bủn xỉn về các vấn đề chi tiêu trong việc huấn luyện”(1).

Người cũng luôn nhắc nhở chúng ta rằng: “Bồi dưỡng thế hệ cách mạng cho đời sau là một việc rất quan trọng và rất cần thiết”(2).

Chấp hành Chỉ thị ngày 30-5-2019 của Bộ Chính trị Trung ương Đảng về Đại hội Đảng bộ các cấp tiến tới Đại hội Đại biểu toàn quốc lần thứ XIII của Đảng, ngay bây giờ chúng ta phải hết sức chú ý đề phòng sự biến tướng của cái sự “chạy” như nêu ở trên, nhất là những vấn đề liên quan đến công tác sắp xếp, bố trí, đào tạo, bồi dưỡng, bổ nhiệm… cán bộ tham gia cấp ủy của mỗi cấp ở nhiệm kỳ mới này. Đúng theo tinh thần chỉ đạo của Tổng bí thư, Chủ tịch nước Nguyễn Phú Trọng tại cuộc họp của Bộ Chính trị ngày 15- 5-2019 về công tác chuẩn bị cho Hội nghị Trung ương 10 (khóa XII), Kỳ họp thứ 7 Quốc hội khóa XIV và một số vấn đề quan trọng khác: “…Năm 2019- 2020, chúng ta đã và sẽ tiếp tục chỉ đạo Đại hội Đảng bộ các cấp tiến tới Đại hội XIII của Đảng, lần này phải quan tâm, chỉ đạo sâu sát hơn Đại hội Đảng bộ các cấp từ nội dung đến công tác nhân sự của Đại hội… kiên quyết chống chạy chức, chạy quyền, đã chạy là không dùng…”.

Công tác cán bộ phải được các cấp ủy luôn đặc biệt quan tâm, bởi đây là khâu “then chốt” của nhiệm vụ “then chốt”. Hy vọng, với quyết tâm chính trị của toàn Đảng, đứng đầu là đồng chí Tổng bí thư, Chủ tịch nước Nguyễn Phú Trọng, cả hệ thống chính trị và toàn dân cùng vào cuộc tập trung trí lực cho đợt sinh hoạt chính trị to lớn và có ý nghĩa hết sức quan trọng, trong bối cảnh nước nhà và quốc tế đã và đang có nhiều chuyển biến sâu sắc, làm sao để việc chạy chọt, mưu cầu lợi ích cá nhân một cách không trong sáng sẽ được phát hiện và lên án, tẩy chay kịp thời, để ai đó nếu tìm cách “chạy” thì dứt khoát không dùng! ♦


(1) Hồ Chí Minh - toàn tập, NXB Chính trị Quốc gia, Hà Nội, 1995, tập 12, tr.439.

(2) Sđd, tr.510.

MAI MỘNG TƯỞNG (quận Sơn Trà, thành phố Đà Nẵng)