1. Mối đe dọa từ Xiêm
Năm 1350, nước Xiêm định đô ở Ayuthya (hay Ayudhya). Từ đó, vương quốc này trở thành mối đe dọa thường trực đối với nước láng giềng Chân Lạp.
Chỉ một năm sau đó, 1351, vua Xiêm Râmâdhipati đích thân cầm quân bao vây kinh đô Angkor (cách Ayuthya khoảng 100km). Biên niên sử Chân Lạp chép: “Người ta chỉ còn nghe tiếng than khóc của muôn dân; các tướng lĩnh, các chỉ huy cứ chết dần chết mòn; chim chóc hót một cách sầu thảm trong kinh thành bị bao vây”. Sau khi chiếm được Angkor, vua Xiêm bắt khoảng 90% cư dân của kinh đô về Ayuthya làm nô lệ, mang theo vô số chiến lợi phẩm, rồi đặt con trai của mình là Chau Basath lên làm vua Chân Lạp, cử bà con trong dòng họ mình chia nhau cai trị các tỉnh.
Cứ vài chục năm, cảnh ấy lại tái diễn.
Vua Xiêm Ramesuen lại đánh chiếm Chân Lạp, giết vua nước này là Dhammâsoka (1393) rồi đưa con trai mình là Ento lên ngôi báu (1394), bắt 7 vạn người Chân Lạp đem về Xiêm, cướp đi nhiều tượng Phật quý.
Năm 1430, vua Xiêm Paramaraja II thân chinh xua quân bao vây Angkor trong 7 tháng trời trước khi chiếm được kinh đô. Cảnh đốt phá cung điện và cướp bóc của cải lại diễn ra.
Sau khi quân Xiêm rút về nước, vua Chân Lạp Soryopor quyết định bỏ Angkor, dời đô về phía đông cho xa biên giới với Xiêm, lúc đầu về Srei Santhor (1433), năm sau dời tiếp đến Chaturmukha (tức Phnôm Pênh ngày nay).
Nhưng Xiêm chưa chịu từ bỏ tham vọng xâm lăng Chân Lạp.
Năm 1472, Xiêm chiếm cố đô Angkor cùngcác tỉnh Korat và Chantaboun, rồi tiến quân về Chaturmukha. Vua Chân Lạp Râmathupdey đầu hàng, bị bắt đưa về Ayuthya và bị bỏ đói cho đến chết.
Năm 1528, vua Chân Lạp Ang Chan I dời đô lên Lôvek.
Năm 1583, hoàng tử Xiêm Phra Naret dẫn 10 vạn quân sang chiếm 2 tỉnh Battambang và Pursat.
Mười năm sau, Phra Naret (lúc này đã lên ngôi vua) tấn công Lôvek, thề “sẽ rửa chân bằng máu của cha con Sâtha I”. Thượng hoàng Sâtha I cùng con là vua Chey Chêttha I chạy trốn sang Lào rồi chết ở đó. Quân Xiêm chiếm kinh đô (1594), phá hủy hoàng cung và chùa chiền, đốt kinh kệ, sách luật và sách sử, cướp kho tàng, lấy đi nhiều tượng bằng đá quý và bắt nhiều người Chân Lạp đem về Xiêm.
2. Chỗ dựa ở Đàng Trong
Chân Lạp từng là một đế quốc hùng mạnh với nền văn minh Angkor rực rỡ một góc trời Đông Nam Á. Chẳng lẽ Chân Lạp mãi mãi là nạn nhân của tham vọng bành trướng đến từ phía Tây? Trên Tập san của Trường Viễn Đông bác cổ của Pháp (Bulletin de l’École française d’ExtrêmeOrient, viết tắt là BEFEO) số LXXIII năm 1984, hai nhà nghiên cứu Mak Phoeun và Po Dharma viết: “Mối bận tâm chính của các quốc vương Chân Lạp trong chính sách đối ngoại là sự đe dọa của Xiêm, bởi vì nước này không từ bỏ kế hoạch xâm lấn Chân Lạp và đặt Chân Lạp dưới sự bảo hộ của Xiêm. Một phần vì để có thể toàn tâm toàn ý đối phó với sự đe dọa của Xiêm mà vua Paramaraja VII (Sri Suriyobarm)(1), vào cuối thời gian trị vì của ông, đã chấp nhận kết giao với chúa Sãi” của Đàng Trong.
Paramaraja VII có ý định “kết giao với chúa Sãi” nhưng ông quá ốm yếu sau tám năm bị quản thúc ở Xiêm (1594-1603) và chết năm 1619.

Tranh minh họa
Người thực hiện ý định ấy là con trai của ông, Chey Chêtthâ II.
Từng trải qua những năm tháng tủi nhục của người dân mất nước khi bị giam giữ ở Xiêm cùng với cha, Chey Chêtthâ II có tinh thần yêu nước nồng nàn, ngày đêm nghĩ đến phương kế bảo vệ nền độc lập của nước nhà. Năm 1620, tức hai năm sau khi lên ngôi báu, Chey Chêtthâ II có hai quyết định quan trọng:
- Dời kinh đô từ Lôvek xuống Udong (Udong sẽ là kinh đô của vương quốc Chân Lạp trong hai thế kỷ rưỡi, từ 1620 đến 1867).
- Cầu hôn con gái của chúa Sãi, mặc dù trước đó Chey Chêtthâ II đã có ít nhất hai bà vợ người Chân Lạp và người Lào.
Đây là một cuộc hôn nhân mang tính chất chính trị. Các nhà nghiên cứu đều nhận định: “Chey Chêtthâ II tìm sự yểm trợ của Triều đình Huế nhằm quân bình với sức ép của Xiêm”.
Một trong những cách “thiết lập các liên minh” là hôn nhân.
Năm 1619, chúa Sãi gả một con gái của mình cho thương nhân Nhật Bản Araki Soutarou (Hoàng Mộc Tông Thái Lang), ban cho người này quốc tính và tên Việt Nam (Nguyễn Hiển Hùng). Araki Soutarou trở thành hoàng thân ở Đàng Trong.
Năm 1620, chúa Sãi chấp nhận lời cầu hôn của quốc vương Chân Lạp.
Những đóng góp của bà Ang Cuv vào công cuộc mở đất phương Nam
1. Với tư cách là hoàng hậu (1620-1628)
Các sử gia phương Tây (như Jean Moura, Georges Maspero, Henri Russier…) đều ca ngợi công nữ xứ Đàng Trong rất đẹp (“très belle”, “d’une grande beauté”). Hơn thế nữa, bà được giáo dục từ nhỏ trong nền đạo đức Phật giáo nên hội nhập một cách dễ dàng và nhanh chóng vào môi trường văn hóa của Chân Lạp - nơi mà tuyệt đại đa số dân chúng là Phật tử.
Do đó, tuy Chey Chêtthâ II đã có ít nhất hai vợ, cô gái Huế thùy mị nết na ấy vẫn “rất được yêu quý vì sắc đẹp và đức tính của bà” và được phong làm “Đệ nhất Hoàng hậu” (la première reine) với tước hiệu “Somdach Prea Peaccac Vodey Prea Voreac Khsattrey”. Biên niên sử hoàng gia Chân Lạp gọi bà là Hoàng hậu Ang Cuv.
Các sử gia phương Tây cũng nhất trí thừa nhận: bà có ảnh hưởng lớn đối với vua nên cuộc hôn nhân Chey Chêtthâ II - Ang Cuv mở ra một chương mới trong lịch sử quan hệ Đàng Trong - Chân Lạp.
Để việc liên lạc giữa hai triều đình được chặt chẽ và thường xuyên, một sứ quán thường trực (ambassade à demeure) của Đàng Trong được thiết lập tại kinh đô Udong. Hai bên thường trao đổi các sứ bộ để thắt chặt tình đoàn kết và tương trợ.
Một trong những yêu cầu tha thiết nhất của Chey Chêtthâ II cũng như của triều thần và nhân dân Chân Lạp lúc đó là Đàng Trong giúp tăng cường khả năng quốc phòng để Chân Lạp bảo vệ độc lập và toàn vẹn lãnh thổ. Chúa Sãi đáp ứng một cách thuận lợi. Theo Cristoforo Borri, chúa Sãi “chuẩn bị vũ khí liên tục và mộ binh giúp vua Campuchia, cung cấp cho vua này thuyền chiến và quân binh để cầm cự với vua Xiêm”.
Tức giận trước việc Chân Lạp nhận viện trợ quân sự của Đàng Trong, cuối năm 1621 - đầu năm 1622, vua Xiêm xua hai đạo quân sang đánh Chân Lạp. Với vũ khí và binh sĩ được Đàng Trong chi viện, Chey Chêtthâ II đích thân chỉ huy tướng sĩ tiêu diệt một đạo quân Xiêm ở Bâribaur, còn hoàng đệ Utey(2) đẩy lui đạo quân thứ hai của Xiêm ở Bantey Meas.
Năm sau, Xiêm tấn công Chân Lạp một lần nữa để trả thù. Nhưng cũng như lần trước, quân Xiêm bị tổn thất nặng nề và phải tháo chạy về nước.
Các sử gia phương Tây đều kết luận: Chân Lạp hai lần giành được chiến thắng trước quân Xiêm là nhờ sự giúp đỡ về mặt quân sự của Đàng Trong. Trong hai chiến thắng đó, có sự đóng góp của quân tình nguyện Việt Nam lần đầu tiên tham chiến ở Xứ Chùa Tháp.
Để hoàng hậu đỡ nhớ quê hương, Chey Chêtthâ II cho phép nhiều người Đàng Trong đến sinh sống trên lãnh thổ Chân Lạp. Một số buôn bán hay làm thợ thủ công ở vùng kinh đô, có người được giữ chức hệ trọng trong triều. Nhưng đông đảo hơn là những người đến làm ăn ở vùng đông nam của Chân Lạp.
Lãnh thổ Chân Lạp tương đối rộng, nhưng dân số Chân Lạp lại ít, nên người dân chủ yếu sống tập trung ở vùng đất màu mỡ xung quanh Biển Hồ (Tonle Sap) hay dọc theo sông Mekong. Vùng đông nam của Chân Lạp vẫn còn bỏ hoang. Giáo sĩ người Pháp Alexandre de Rhodes (1591-1660) cho biết: cho đến thế kỷ 17, vùng đất đó vẫn còn “quạnh hiu, hoang mạc” và “không có vật gì thuộc về sự sống”. Theo nhà sử học Philippe Devillers, trước khi người Việt đến, “đồng bằng sông Cửu Long chỉ là đầm lầy hôi thối, những bãi bùn và cây đước rộng mênh mông”.
Từ cuối thế kỷ 16, một số người Việt rời quê hương đến đây để làm ruộng, đánh cá… Các cuộc di dân ấy mang tính tự phát, lẻ tẻ. Chỉ từ năm 1620 trở đi, nhờ sự can thiệp của hoàng hậu Ang Cuv, số lượng người Việt vào đây mới bắt đầu tăng lên đáng kể. Trong lúc Chân Lạp chưa đủ nhân công và tiền của để khai phá một cách quy mô vùng đất còn hoang dã đó, triều đình Udong muốn nhờ tới sức lao động của lưu dân Việt Nam. Mặt khác khi di dân Đàng Trong có mặt ở đây, triều đình Huế sẽ có trách nhiệm nhiều hơn trong việc giúp đỡ Chân Lạp đối phó với nạn xâm lăng từ phía tây.
Năm 1623, sau hai chiến thắng của Chân Lạp, chúa Sãi gửi một sứ bộ mang theo rất nhiều tặng phẩm đến Udong để đảm bảo với Chey Chêtthâ II về sự ủng hộ và tình hữu nghị của triều đình Huế.
Vào thời điểm đó, số di dân Đàng Trong ở các địa phương như Preah Suakea (Bà Rịa), Kâmpéâp Srêkatrey (Biên Hòa), Kas Krobei (Bến Nghé, sau này là Sài Gòn), Prei Nokor (Chợ Lớn)… đã đông hơn trước. Biên niên sử chép tay của Chân Lạp ghi: “Sứ thần của chúa Đàng Trong mang đến quốc vương Chân Lạp Chey Chêtthâ II một bức thư trong đó chúa Đàng Trong ngỏ ý muốn mượn xứ Prei Nokor và Kas Krobei của Chân Lạp để lập các trạm thuế thương chính” trong thời gian 5 năm.
Theo Henri Russier, “hoàng hậu [Ang Cuv] năn nỉ chồng để yêu cầu của những người đồng hương của bà được chấp nhận”. Mặt khác, theo Mak Phoeun và Po Dharma, “chính sự đe dọa [của Xiêm] khiến Chey Chêtthâ II chấp nhận lời yêu cầu của Việt Nam”.
Tuy vậy, Chey Chêtthâ II không đơn phương quyết định mà đưa vấn đề ra cho triều thần cùng thảo luận. Vẫn theo Biên niên sử chép tay của Chân Lạp, “sau khi tham khảo ý kiến các quan thượng thư, Chey Chêtthâ II thuận theo yêu cầu của chúa Đàng Trong và gửi cho ông này một bức thư cho biết ông chấp nhận điều mà chúa Đàng Trong yêu cầu”.
Năm 1624, hoàng hậu Ang Cuv sinh hạ công chúa Ang Na Ksatri. Chey Chêtthâ II rất yêu quý con gái(3).
2. Với tư cách là thái hậu (1628-?)
Sau năm 1628, sự tranh giành ngôi báu - khi ngấm ngầm, lúc công khai - giữa các con của tiên vương Chey Chêtthâ II và các con của nhiếp chính vương Utey làm mất đi ít nhiều tính ổn định chính trị trong nội bộ vương triều Chân Lạp. Chỉ chưa đầy nửa thế kỷ (1628-1674), có đến 7 vua thay nhau trị vì trong đó có 4 vua bị giết, các vua còn lại đều chết một cách không bình thường.
Tuy nhiên, với đức độ và trí thông minh, thái hậu Ang Cuv vượt lên trên mọi mâu thuẫn phe phái. Mak Phoeun và Po Dharma nhận định: “Dường như (…) bà hoàng Việt Nam Ang Cuv biết hòa hợp với hoàng gia Chân Lạp và có được một ảnh hưởng không thể chối cãi đối với các ông hoàng trẻ Khmer, cả các con của Chey Chêtthâ II lẫn các con của Utey”. Bà “tiếp tục sống ở kinh đô Chân Lạp” và “không ngừng giữ một vai trò quan trọng” trong đời sống chính trị của Chân Lạp.
Năm 1628, hoàng thái tử Cau Bana Tu(4) nối ngôi vua, có chú là Utey nhiếp chính. Tuy là con của bà thái hậu người Chân Lạp, quốc vương Tu rất kính trọng và yêu mến bà Ang Cuv, tôn bà lên tước vị cao quý Samtec Brah Dav Dhita. Tước vị này cho phép bà được cấp 3 tỉnh làm thái ấp và có những quan lại riêng. Chúa Sãi gửi sang Udong 2 quan chức và 500 quân sĩ người Việt để phục vụ và bảo vệ bà.
Sau khi Tu qua đời (1632), em là Cau Bana Nu lên thay. Lúc này, thời hạn 5 năm mượn đất để lập 2 trạm thuế quan đã hết. Thái hậu yêu cầu Nu gia hạn và Nu đã nghe theo.
Năm 1640, Ang Nan (con của nhiếp chính vương Utey) thay Nu làm vua, cưới công chúa Ang Na Ksatri (con gái của thái hậu Ang Cuv)(5) và phong cho Ang Na Ksatri làm hoàng hậu.
Cau Bana Cand (con của Chey Chêtthâ II và bà người Lào, sử Việt Nam gọi là Nặc Ông Chân) cưới vợ người Mã Lai theo đạo Hồi, bỏ đạo Phật để theo đạo của vợ, lấy tên là Ibrahim. Năm 1642, Cand dựa vào một nhóm người Mã Lai và người Chiêm Thành theo đạo Hồi giết vua Ang Nan để cướp ngôi. Cand cho người giết Utey (chú ruột của Cand), nhiều người trong hoàng tộc (trong đó có 2 con trai của vua Ang Nan) và nhiều quan lại mà Cand cho là trung thành với vua. Nhiều người bị giết một cách dã man như “xuyên cọc vào hậu môn và lột da sống” (empaler et écorcher vifs).
Việc Cand thay đổi tôn giáo đã khiến nhân dân Chân Lạp tức giận, những việc làm độc ác của ông ta càng làm cho họ căm ghét.
Ngày 25-1-1658, hai người con của Utey là Ang Sur và Ang Tan (sử Việt Nam gọi là Nặc Ông Xô và Nặc Ông Tân) cầm đầu cuộc nổi dậy để lật đổ một ông vua không được lòng dân và cũng để báo thù cho cha và anh. Cuộc nổi dậy không thành công vì lực lượng của Cand còn mạnh. Ang Sur và Ang Tan bí mật đến gặp thái hậu Ang Cuv, nhờ bà xin chúa Nguyễn giúp đỡ. Bà đồng ý, viết thư cho chúa Hiền (Nguyễn Phúc Tần, cháu gọi bà bằng cô). Đáp ứng yêu cầu của hai hoàng thân Chân Lạp, chúa Hiền sai phó tướng Trấn Biên (lúc đó là Phú Yên) là Tôn Thất Yến, cai đội là Xuân Thắng, tham mưu là Minh Lộc đem 3.000 quân đến thành Hưng Phúc (bấy giờ gọi là Mỗi Xuy, tức Mô Xoài, nay thuộc huyện Phúc Chánh, tỉnh Biên Hòa), đánh phá được, bắt Nặc Ông Chân đưa về Quảng Bình.
Ang Sur, người cầm đầu cuộc nổi dậy, lên ngôi, chấp nhận thần phục triều đình Phú Xuân. Năm 1664, Ang Sur phong em là Ang Tan làm phó vương (ubhayoraj). Trong suốt thời gian trị vì của anh mình, Ang Tan nếu không phải là người bảo vệ thì cũng là người ủng hộ di dân Việt Nam sống ở Chân Lạp.
Được sự che chở của thái hậu Ang Cuv, người Đàng Trong đến khai phá vùng đất hoang của Chân Lạp ngày càng đông.
Nhưng nội bộ hoàng gia Chân Lạp lại rơi vào tình hình cực kỳ rối ren. Nhiều cuộc nội chiến đã diễn ra. Sau cùng, theo quyết định của triều đình, Nặc [Ông] Thu là dòng đích (con của vua Ang Sur) được phong làm vua chính, đóng ở thành Long Úc (Udong); Nặc [Ông] Nộn (là dòng thứ, con nuôi của phó vương Ang Tan) làm vua thứ nhì, đóng ở thành Sài Gòn, cùng coi việc nước, hàng năm triều cống. Thế là nước Chân Lạp yên. Giải pháp này cho thấy chúa Nguyễn không muốn can thiệp sâu vào chuyện nội bộ của Chân Lạp mà chỉ muốn tạo điều kiện thuận lợi cho di dân Đàng Trong tới Chân Lạp làm ăn.
Nếu thái hậu Ang Cuv giữ một vai trò quan trọng trong cuộc can thiệp lần thứ nhất của Đàng Trong (1658-1659) thì đến cuộc can thiệp lần sau, các bộ sử không nhắc đến bà. Có lẽ lúc này bà đã ngoài 70 tuổi nên không còn tham gia vào đời sống chính trị nữa, cũng có thể bà đã qua đời.
Dù sao đi nữa, những việc bà làm từ sau năm 1620 đã mang lại kết quả khả quan: vào cuối thế kỷ 17, có hơn 4 vạn hộ di dân Đàng Trong (dân dư tứ vạn hộ) sống rải rác trên địa bàn “rộng nghìn dặm” ở vùng đông nam Chân Lạp. Người Việt Nam trở thành thành phần dân cư đa số. Họ cần cù lao động, đổ mồ hôi, đôi khi đổ cả máu nữa để biến mảnh đất hoang sơ này thành một vùng trù phú. Họ lập nên làng xóm, bầu người đại diện để quản lý các vấn đề chung của cộng đồng, dựng phố chợ để trao đổi hàng hóa. Theo nhà sử học Philippe Devillers, khi người Việt Nam tới, một bộ phận người Chân Lạp ở lại chung sống một cách hòa hợp với người Việt Nam, vì lúc đó đất rộng người thưa nên không có chuyện tranh giành.
Năm 1698, chúa Minh (Nguyễn Phúc Chu) cử thống suất Nguyễn Hữu Kính (còn gọi là Cảnh) vào nam, lập phủ Gia Định trên phần đất đã được người Việt Nam khai phá, bao gồm huyện Phước Long (có dinh Trấn Biên) và huyện Tân Bình (có dinh Phiên Trấn). Đến đây, giai đoạn lưu dân tự phát và tự quản kết thúc. Quá trình “di dân khẩn hoang trước, nhà nước lập chính quyền sau” diễn ra một cách hòa bình, chứ không phải như một nhà nghiên cứu Campuchia ở Pháp đã viết một cách ác ý: “Chúa [Nguyễn] ở Huế ra lệnh dùng vũ lực chiếm các tỉnh Sài Gòn, Bà Rịa và Đồng Nai của Chân Lạp”(6).
Tất cả những gì chúng ta biết được về bà Ang Cuv là nhờ biên niên sử hoàng gia Chân Lạp cũng như các công trình nghiên cứu của các nhà sử học nước ngoài. Vì một lý do nào đó, các sử quan nhà Nguyễn hoàn toàn không nhắc đến cuộc hôn nhân Việt Nam - Chân Lạp năm 1620 (cũng như các cuộc hôn nhân Việt Nam - Nhật Bản và Việt Nam - Chiêm Thành diễn ra trong cùng thời kỳ ấy).
Ở thế kỷ 14, cuộc hôn nhân Huyền Trân - Chế Mân đã đưa hai châu Ô và Rí vào bản đồ Đại Việt. Bà công chúa Đại Việt được đời sau nhớ ơn. Tên của bà được đặt cho đường phố. Mới đây nhân dân Huế đã lập một đền thờ tráng lệ để tôn vinh bà.
Hơn ba thế kỷ sau, cuộc hôn nhân của một công nữ họ Nguyễn với Chey Chêtthâ II tạo điều kiện cho người Đàng Trong vào làm ăn ở Chân Lạp, dẫn đến sự thành lập phủ Gia Định vào cuối thế kỷ 17. Bất công thay sử quán nhà Nguyễn không hề nhắc tới “người phụ nữ đã đem về cho người Việt một vùng đất lớn” như nhận định của tiến sĩ Li Tana, khiến ngày nay hậu thế không biết bà là ai?
Theo Đại Nam liệt truyện tiền biên, chúa Sãi có bốn con gái. Hai công nữ thứ nhất và thứ tư là Ngọc Liên (vợ của phó tướng Nguyễn Phúc Vĩnh, tức Nguyễn Hữu Vĩnh, trấn thủ dinh Trấn Biên) và Ngọc Đĩnh (vợ của phó tướng Nguyễn Phúc Kiều, tức Nguyễn Cửu Kiều, trấn thủ dinh Quảng Bình). Đối với hai công nữ thứ hai và thứ ba là Ngọc Vạn và Ngọc Khoa, Đại Nam liệt truyện tiền biên ghi “khuyết truyện” (không có tiểu sử).
Như vậy, trong hai công nữ Ngọc Vạn và Ngọc Khoa, ai là hoàng hậu Xứ Chùa Tháp, ai là phu nhân của thương gia Nhật Bản?
Trước đây, khá nhiều người cho rằng hoàng hậu Ang Cuv chính là công nữ Ngọc Vạn. Nhóm biên soạn Nguyễn Phúc tộc thế phả (NXB Thuận Hóa, Huế, 1995) thừa nhận như vậy. Từ điển bách khoa Việt Nam (NXB Từ điển bách khoa, Hà Nội, 2003, tập III, tr.125) cũng viết như vậy. Gần đây một số người lại cho rằng vợ của thương gia Araki Soutarou mới là công nữ Ngọc Vạn(7).
Tất cả chỉ dựa trên sự phỏng đoán chứ không căn cứ vào một tài liệu thành văn nào, nên độ tin cậy chưa cao.
Để nhớ ơn người phụ nữ đã đóng góp lớn vào công cuộc mở đất phương Nam, thiết nghĩ các nhà nghiên cứu lịch sử vẫn còn trách nhiệm tìm lời giải đáp cho câu hỏi nêu trên.♦
(1) Tức Soriopor, làm vua từ năm 1603 đến 1618.
(2) Còn viết Outey, Uday, em ruột của Chey Chêtthâ II. Cuốn Lịch sử Campuchia từ nguồn gốc đến ngày nay của Phạm Việt Trung, Nguyễn Xuân Kỳ và Đỗ Văn Nhung (NXB Đại học và Trung học chuyên nghiệp, Hà Nội, 1982) đã nhầm khi viết Utey là con của Chey Chêtthâ II và làm vua từ năm 1628 đến 1642.
(3) Trong 8 năm chung sống với Chey Chêtthâ II, bà Ang Cuv chỉ có một con gái.
(4) Mỗi vua Chân Lạp có nhiều tên và hiệu khác nhau, phiên âm sang chữ La tinh không giống nhau. Chúng tôi chọn tên dễ nhớ nhất.
(5) Hoàng gia Chân Lạp cho phép anh chị em cùng cha khác mẹ, cùng mẹ khác cha, anh chị em họ… được lấy nhau. Xét về quan hệ gia tộc, Ang Na Ksatri và Ang Nan là chị em chú bác ruột.
(6) Mak Phoeun, “La frontière entre le Cambodge et le Vietnam du XVIIè siècle à l’instauration du protectorat français, présentée à travers les chroniques royales khmères”, Les frontières du Vietnam (nhiều tác giả), NXB L’Harmattan, Paris, 1989.
(7) Vũ Minh Giang, “Người Nhật, phố Nhật và di tích Nhật Bản ở Hội An”, Đô thị cổ Hội An (nhiều tác giả), NXB Khoa học Xã hội, Hà Nội, 1991; Trịnh Tiến Thuận, Quan hệ Nhật Bản - Việt Nam thế kỷ XVI - XVII (luận án tiến sĩ sử học), Trường Đại học Sư phạm Hà Nội, 2002.
(Xem tiếp trang 62)