Mới đây, vụ việc bé trai 5 tuổi ở Quỳnh Lưu (Nghệ An) chết trong tình trạng bị trói hai tay trong ngôi nhà bỏ hoang vì bị một học sinh lớp 11 đưa đi “giấu” theo game online khiến dư luận phẫn nộ. Triệu Quân Sự, phạm nhân từng hai lần trốn khỏi trại giam ở Quảng Ngãi (năm 2015 và 2020), cũng là một kẻ nghiện game online. Cả hai lần bị bắt lại, Sự đều đang chơi game tại quán Internet.
Game online còn làm tha hóa đạo đức của một bộ phận giới trẻ Việt Nam đến mức tột cùng. Cứ vào Google gõ cụm từ “game online” và “giết người” là thế nào cũng có ít nhiều những tin tức có mặt cả hai cụm từ này trong đó. Chẳng hạn, ngày 2-4-2020, Công an tỉnh Tây Ninh tạm giữ hình sự Nguyễn Minh Cường (25 tuổi, sinh viên, ngụ xã Cầu Khởi, huyện Dương Minh Châu) về hành vi giết người. Nạn nhân, bà Ngô Thị Giàu (64 tuổi), chính là bà ngoại của Cường! Gia đình cho biết Cường trước đây thường xuyên chơi game online, từ khoảng tháng 2 đến nay, Cường có dấu hiệu trầm cảm, sinh hoạt và phát ngôn trong gia đình bất thường. Khai báo với Công an, Cường cho biết mình “đuổi theo cây chuối và chém đứt cây chuối”!
Trên thực tế, game online có khả năng gây nghiện. Các nhà làm game đều tối ưu hóa lợi nhuận bằng các thiết kế có yếu tố gây nghiện và lôi kéo người chơi. Người chơi cần phải đầu tư rất nhiều thời gian, công sức và tiền bạc để đạt kết Game online và biện pháp ngăn ngừa sự tiêu cực của nó ¿ NGUYỄN VĂN TOÀN quả cao trong game. Việc tăng thời gian vào thế giới ảo làm ảnh hưởng đến cuộc sống và các mối quan hệ của người chơi như mâu thuẫn với gia đình, bạn bè, đồng nghiệp; bỏ học, thất nghiệp; nợ nần, cầm cố, trộm cắp; ảnh hưởng đến sức khỏe. Báo cáo đầu tiên về nghiện game online có từ năm 1994, khi tạp chí Wired (Mỹ) lưu ý rằng một số sinh viên chơi game tới 12 giờ mỗi ngày và không còn chú ý gì đến việc học hành. Theo một nghiên cứu của Trung Quốc, nếu game thủ chơi quá 3 giờ mỗi ngày thì sẽ bỏ bê 50% các công việc khác, tỷ lệ này lên đến 100% nếu game thủ chơi quá 5 giờ mỗi ngày. Bộ Quốc phòng Phần Lan cũng cho biết trong thời gian từ năm 2000 đến 2005, có 13 binh sĩ nước này không thể hoàn thành nghĩa vụ quân sự vì nghiện game online.
.jpg)
Các trò chơi vận động như rồng rắn lên mây, trốn tìm rất tốt cho thanh thiếu nhi
Các trò chơi vận động như rồng rắn lên mây, trốn tìm rất tốt cho thanh thiếu nhi
Hiện nay giới trẻ tiếp cận công nghệ thông tin rất sớm. Trong nhiều gia đình có tình trạng: Để giữ các bé “ngồi im một chỗ”, nhiều bậc phụ huynh đã dùng đến smartphone (điện thoại thông minh). Các video vui nhộn hay trò chơi điện tử ngay lập tức khiến các bé dán mắt vào màn hình smartphone. Tuy nhiên, trên trang web Lifehacker, chuyên gia cai nghiện hàng đầu nước Anh Mandy Saligari đã khẳng định: “Cho trẻ em sử dụng smartphone giống như việc bạn đưa ma túy cho chúng”. Bên cạnh đó, có nhiều công trình nghiên cứu cũng chỉ ra tác hại của việc trẻ em “nghiện” smartphone. Chẳng hạn, giáo sư Jean Twenge và giáo sư Keith Campbell từ Đại học San Diego (Mỹ) đã thu thập dữ liệu từ 40.000 trẻ em ở Mỹ từ 2 đến 17 tuổi. Kết quả cho thấy sử dụng smartphone trong thời gian dài gây ảnh hưởng đến cảm xúc của chúng. Cụ thể, 1/2 số trẻ sử dụng smartphone trên 2 giờ/ ngày thường dễ mất bình tĩnh. Những trẻ dán mắt vào smartphone trên 4 giờ/ngày thường hay cãi lý, lo lắng và ít muốn học hỏi, từ đó dẫn đến ít hòa đồng với xã hội, bạn bè hơn. Trên thế giới ảo cũng từng có nhiều trào lưu mang tính tiêu cực như thử thách cá voi xanh (hướng dẫn tự sát), thử thách ăn viên giặt tẩy…
Từ thế giới ảo sang thế giới thực là rất mong manh. Nghiên cứu của Trung tâm Nghiên cứu tội phạm học và điều tra tội phạm (Học viện Cảnh sát nhân dân) cũng chỉ ra rằng, một số phạm nhân phạm tội giết người bị nghiện game online và cách hành xử của họ bị ảnh hưởng nặng bởi game online. Trên thực tế, để thỏa mãn thú vui riêng tư nhỏ nhen của cá nhân như mua đồ ảo trong game online, nhiều thanh thiếu niên sẵn sàng phạm tội, không những gây tai họa cho cộng đồng xã hội mà còn gây họa cả đối với gia đình. Chẳng hạn, vào đầu tháng 8-2012, Triệu Quân Sự vì mê game online đã đào ngũ khỏi đơn vị và về Hà Nội, sống lang thang. Khi đang lang thang trên địa bàn quận Long Biên, Sự thấy chủ quán cà phê có nhiều đồ trang sức bằng vàng nên đã dùng con dao mang theo người đâm một nhát vào cổ khiến nạn nhân tử vong tại chỗ, sau đó lấy đi một số trang sức vàng, tiền và điện thoại di động. Đầu tháng 3-2013, Tòa án Quân sự Quân khu 1 đã tuyên phạt Triệu Quân Sự tù chung thân vì 3 tội: giết người, cướp tài sản và đào ngũ.
Giải pháp nào để ngăn chặn những hiện tượng nói trên?
Một là, cần coi trọng giáo dục đạo đức. Giáo dục đạo đức phải chiếm tỷ lệ nhiều hơn giáo dục kiến thức. Kiến thức có thể tự học, tự bồi dưỡng nhưng đạo đức phải do người khác, những người sống có đạo đức, truyền dạy lại mà thành.
“Nhân chi sơ tính bổn thiện” (Mạnh Tử), cái xấu, cái ác sẽ không có nếu không có những môi trường xấu tác động. Nhưng cũng có câu: “Nhân chi sơ tính bổn ác” (Tuân Tử), ý nói không giáo dục thì sẽ không có người lương thiện. Và cũng có câu “Tiên học Lễ, hậu học Văn”. Nghĩa là, học đạo đức trước khi học về kiến thức.
Giáo dục đạo đức ở đâu? Đó là ở gia đình và ngoài xã hội. Nếu thiếu một bên, đạo đức con người sẽ bị mai một dần.
Ai giáo dục? Đó là ông bà cha mẹ, thầy cô và nhà nước cùng các đoàn thể xã hội.
Giáo dục đạo đức khi nào? Đó là trong mọi lúc có thể, là hoạt động thường xuyên suốt đời.
Thả diều là một trò chơi thú vị
Hai là, cần phát huy truyền thống văn hóa tốt đẹp.
Chúng ta đã từng nghe các câu ca dao, tục ngữ như: “Thương người như thể thương thân”, “Một con ngựa đau cả tàu bỏ cỏ”, “Bầu ơi thương lấy bí cùng/ Tuy rằng khác giống nhưng chung một giàn”… Vậy chúng ta hiểu những ca dao, tục ngữ này như thế nào? Tại sao ông cha ta lại có nhiều câu tục ngữ, ca dao về tình nghĩa con người như vậy? Hẳn là ông cha ta thời xưa cũng đã băn khoăn rất nhiều về vấn đề đạo đức xã hội.
Trong các chuyện cổ tích thì có người tốt, có người xấu. Và người xấu lại nhiều hơn người tốt. Sự thiện ác thời xưa lại được thể hiện bằng câu: “Chuyện cô Tấm ở hiền, thằng Lý Thông ở ác” và lẽ thường “Thạch Sanh thì ít, Lý Thông thì nhiều”. Nhưng kết thúc của một cậu chuyện cổ tích thì luôn là “ở hiền gặp lành, ở ác gặp ác” và “ác giả ác báo”.
Thậm chí, còn có 18 tầng “Địa ngục” để trừng trị kẻ xấu, kẻ ác và có “Thiên đường” dành cho người lương thiện khi con người ta chết đi.
Trong Kinh thánh của Thiên Chúa giáo có 10 điều răn. Trong đó có những điều như: phải thảo kính cha mẹ; không được giết người; không được ngoại tình; không được trộm cắp; không được làm chứng dối hại người; không ham muốn vợ con, nhà cửa, của cải… của người khác.
Trong “Ngũ giới” (giới là hàng rào ngăn cấm những việc xấu của thân thể, lời nói, ý niệm) của Phật giáo có dạy: không được sát sinh, không được trộm cắp, không được tà dâm, không được nói dối, không được uống rượu.
Do đó, truyền thống văn hóa dân tộc và tín ngưỡng tôn giáo là một định hướng tốt cho xã hội. Đây là một cách khiến con người hạn chế cái xấu, cái ác từ hàng ngàn năm qua.
Ba là, cần đầu tư vào những công trình phúc lợi cho cộng đồng như nhà văn hóa, viện bảo tàng, thư viện, công viên, khu vui chơi giải trí lành mạnh cho thanh thiếu nhi… Đặc biệt, cần hướng thanh thiếu nhi vào các trò chơi vận động. Nhìn lại để so sánh, lứa tuổi không có game online, không có smartphone được vận động thường xuyên hơn. Ngày đó, các trẻ em thường tìm đến các trò chơi vận động như nhảy dây, bắn bi, trốn tìm, thả diều, rồng rắn lên mây, bịt mắt bắt dê… Trong đó, “rồng rắn lên mây” là một trong những trò chơi dân gian Việt Nam được lưu truyền từ ngàn xưa. Đây là một trò chơi theo nhóm, nhằm rèn luyện sự nhanh nhẹn, khéo léo, phát huy tinh thần đoàn kết, tôn trọng kỷ luật và khả năng đối đáp. Các trò chơi khác cũng có tác dụng rất tích cực đối với trẻ em. Chẳng hạn, tăng sức bền và độ dẻo dai (nhảy dây), tăng khả năng tinh mắt (bắn bi), tăng khả năng phán đoán (trốn tìm, bịt mắt bắt dê), tăng khả năng khéo léo (thả diều)… Từ đó trẻ em sẽ được phát triển toàn diện hơn về cả thể chất lẫn tinh thần.
Cuối cùng, truyền thông báo chí phản biện các việc xấu là đúng đắn. Nhưng sẽ tốt hơn nếu như nói nhiều hơn nữa việc nêu gương “người tốt việc tốt”. Như thế ai cũng cũng muốn làm các việc tốt. Người tốt tăng lên, kẻ xấu càng ít đi. Điều đó chỉ có ích lợi cho cộng đồng.l