HV149 - LÁ THƯ BẠN ĐỌC - Tâm sự cùng Hồn Việt

Là độc giả thường nguyệt, thường niên của Hồn Việt, tôi rất vui khi nhiều người đặt mua tạp chí tại các quầy báo lớn ở thành phố Hoa Phượng Đỏ trong đó có tôi.

Không phải ngẫu nhiên mà Hồn Việt lại có duyên như thế. Theo tôi, tạp chí đã làm được rất nhiều việc theo phong cách riêng biệt của mình như: Mỗi tháng có sản phẩm một lần, đều đặn; độc giả được đón nhận tờ tạp chí đúng hạn; kích cỡ vừa tay, vừa tầm mắt; màu sắc mượt mà, trang nhã; đường nét trình bày tinh tế; ngôn ngữ trong sáng, chuẩn mực; các bài viết được duyệt hết sức công phu, cẩn thận; tạp chí quy tụ rất nhiều trí thức và nhân chứng lịch sử đáng kính vì thế tài sản của Hồn Việt giàu có vô cùng; thể loại, đề tài được tạp chí sử dụng đa dạng. Sợi chỉ thẩm mỹ mà Hồn Việt kết từ số này sang số khác là cái “hồn” của lịch sử, của văn hóa Việt Nam từ quá khứ đến hiện tại và tương lai đồng thời lan tỏa trong cộng đồng quốc tế.

Về nội dung, các bài viết trước hết là sự chân thật tôn trọng bạn đọc từ phía tác giả. Bài mở đầu “Thời sự và suy ngẫm” rất mẫu mực, tích hợp trong đó những trải nghiệm sâu sắc với một văn phong ung dung, thẳng thắn có tầm khái quát. Các bài viết khác đều khơi nguồn từ sự thật của cuộc sống, bày tỏ suy nghĩ và tình cảm rất rõ ràng, nhất là các bài viết về nhà thơ Tố Hữu, nhà thơ Chế Lan Viên, các bài viết về các liệt sĩ: Chu Cẩm Phong, Dương Thị Xuân Quý, Lê Anh Xuân. Các gương mặt tình báo Việt Nam như Phạm Xuân Ẩn, Tư Cang, các điệp viên nữ Cụm tình báo H.63… đều được khai thác rất sâu ở nhiều khía cạnh và đặc biệt xúc động. Có nhiều chi tiết lịch sử đã trở thành trầm tích sâu lắng của hồn đất nước được chia sẻ đầy trách nhiệm như bài về nhà thơ Tố Hữu, bài về anh hùng Phạm Ngọc Thảo, anh hùng Trần Quốc Hương.

Có những bài gợi nhớ kỷ niệm, trăn trở, nhắc nhở về nghề nghiệp như bài thơ Tụng ca của cô giáo Phan Thị Quỳnh Nga in trong số tháng 12 năm 2016. Tôi rất kính trọng cụm từ cô giáo viết về nghề dạy học là “nghề đưa nôi”. Cô giáo đã sống thật sự như vậy khi chúng tôi là sinh viên khoa Ngữ văn Đại học Sư phạm Huế những năm sau giải phóng, được cô trực tiếp giảng dạy và rèn luyện. Khoảng rất riêng, rất khiêm tốn ở cuối tạp chí thường sắc, tạo ấn tượng mạnh gai góc về những vấn đề nóng của thời cuộc mà vẫn mềm mại tươi xanh. Khoảng riêng ấy được đặt tên rất hấp dẫn: “Thơ sự đời”.

Hồn Việt không thể thiếu đối với tôi và nhiều bạn đọc trên cả nước. Càng đọc chúng tôi càng thấy tự hào về đất nước mình và thấm thía từng hạt phù sa của lịch sử, của văn hóa Việt Nam mà mình được hưởng. Những hạt phù sa ấy đã tác động rất nhiều, rất tích cực tới các thế hệ độc giả Việt Nam.

Xin kính chúc sức khỏe Tổng biên tập - tổng công trình sư, GS-TS Mai Quốc Liên. Kính chúc Ban biên tập tạp chí Hồn Việt thật vui và hạnh phúc, góp phần bồi đắp các vỉa tầng văn hóa - lịch sử của đất nước trong tâm hồn bạn đọc.

Chúc các bạn đọc mỗi tháng một lần được đón nhận đặc sản Hồn Việt với niềm vui, lòng tự hào, kính trọng!♦

3-6-2020 


Thơ sự đời

Sự đời như cái lá đa

Đen như mõm chó...

                 (Ca dao)

Hai đại ca

♦ HOÀNG THIẾU PHỦ

Trước đây có Năm Cam xưng hùng ở 

                                thành phố Hồ Chí Minh

 

Nay lại thêm Đường “Nhuệ” xưng bá ở đất

                                                    Thái Bình

Hai đại ca làm mưa làm gió

Trong này ngoài đó, ai dám tranh ăn?

  

Băng Năm Cam như một khối ung

Đập vỡ ổ, văng ra tùm lum

Sát thủ, côn đồ cùng cớm bẩn

Quan lớn quan nhỏ ngầm chống lưng

Hơn trăm mạng trước vành móng ngựa

Lúc nhúc như bầy thú trong chuồng

Tướng, tá, yêng hùng... cúi đầu nhận tội

Đứa vô tù, đứa ra pháp trường

Đồng bào rất đồng tình phấn khởi

Khen quan tòa rất đỗi nghiêm minh.

 

Ấy ai có ra quê ta Thái Bình

Hỏi rằng án “Nhuệ” - Dương năm nay phá

                                                được chăng?

 

Lệnh phá án tuyệt không vùng cấm

Kiếm Thượng Phương đã nắm trong tay

Liệu ông Bao Công phen này

Có còn phải sợ bứt dây động rừng?

Có dám phăng tới cùng hang ổ

Đòi công bằng, truy tố quan tham

Có chịu công khai trình làng

Những bàn tay đỏ nhúng chàm thành đen?

 

Cả nước đang thường xuyên theo dõi

Dân Thái Bình chờ đợi ngày đêm

 

Ngày đêm mở mắt chong đèn

Chờ xem công lý hiển linh thế nào

 

Án này ngâm đã quá lâu(*)

Xin ai chớ để cứt trâu hóa bùn.


(*) Băng đảng Nguyễn Xuân Đường - Nguyễn Thị Dương bắt đầu gây án từ năm 2010. Ngang nhiên lộng hành từ năm 2012. Nhưng phải đến tháng 1-2020 Công an Thái Bình mới thành lập chuyên án và cho đến tháng 4-2020, vợ chồng Đường - Dương và một số con cò be bé mới bị sờ gáy. Vấn đề là: Ai đã chống lưng cho băng mafia này hoạt động phi pháp trong hơn mười năm qua? Trên báo Mặt trận - cơ quan của Ủy ban trung ương Mặt trận Tổ quốc Việt Nam số ngày 8-5-2020, nhà văn Nguyễn Như Phương, cây bút nổi tiếng chuyên viết tiểu thuyết hình sự, đã đưa ra lời cảnh báo: “Nếu không tìm được ai bao che, bảo kê cho vợ chồng giang hồ Đường - Dương thì sẽ là thất bại cay đắng của chuyên án”.

Phen này quyết tâm

                                    ♦ NGHI HUYỀN

Phen này “con ông cháu cha”

Phải xem xét kỹ, chớ mà nể nhau

Lắm tiền mua được bằng cao

Cán mai dốt đặc, cho vào là nguy

“Mua quan bán chức”, bỏ đi

Trước là hại nước, sau thì hại dân

Đức tài xem xét thông tinh

Ô dù xé toạc, tan tành dợ dây…

Chống tham nhũng quyết ra tay

Trắng đen phân tỏ, dở hay luận bàn

Sàng đi lọc lại, rõ ràng

Vàng cho thử lửa, lại càng phân minh

Chọn người vì nước, vì dân

“Tài hèn đức kém”, ta cần bỏ ngay

“Gìn vàng giữ ngọc cho hay”

“Đảng mạnh, trong sạch”, phen này

                                            quyết tâm!

 

 

PHẠM VĂN THANH (thị trấn Núi Đèo, huyện Thủy Nguyên, TP.Hải Phòng)