HV149 - Một bản sắc văn hóa phi vật thể sắp biến mất

Bản sắc văn hóa của Việt Nam ta rất đa dạng khắp mọi miền Bắc - Trung - Nam đã nói lên cốt cách dân tộc Rồng Tiên từ thượng cổ. Hiện nay ta đã phục hồi, giữ gìn và phát triển được một số bản sắc văn hóa phi vật thể được thế giới vinh danh là của nhân loại như: Quan họ Bắc Ninh, hát xoan Phú Thọ, đờn ca tài tử Nam Bộ… Nhưng có một bản sắc văn hóa phi vật thể rất đặc sắc, đã ngự trị rộng rãi và sâu sắc trên toàn cõi Việt Nam đã bị quên lãng, có nguy cơ biến mất hoàn toàn: đó là điệu hát ru làm say đắm lòng người. 

Hát ru của Việt Nam ở mỗi vùng miền phụ thuộc vào phương ngữ, nhưng hết thảy đều êm đềm dịu ngọt, nhẹ nhàng mà sâu lắng, nó thâm nhập sâu sắc và bền vững trong hồn mỗi cá nhân, khi thì như tiếng chim hót mỗi buổi sớm mai, lúc lại như tiếng sáo diều ngày hạ từ trên không vẳng về vi vu theo làn gió… Âm điệu hát ru đưa trẻ sơ sinh chìm vào giấc ngủ sâu rất êm đềm, dù trước đó không lâu trẻ quấy khóc. 

Trong điệu hát ru không chỉ là tiếng hát để ru trẻ ngủ, nó còn mang tính giáo dục phong phú, sâu sắc thấm dần vào tim óc trẻ thơ, còn hơn cả các phương cách giáo dục hiện đại do tính hiệu quả tức thì đưa trẻ vào giấc ngủ ngon, còn về lâu dài thì nó rất bền vững từ khi bé cất tiếng khóc chào đời cho đến khi trưởng thành, làm cha làm mẹ, lên ông lên bà, cho đến khi nhắm mắt xuôi tay. 


Tranh minh họa

Điệu hát ru được truyền miệng qua nhiều thế hệ từ các bà, các mẹ… và một số không nhiều ở phái nam có năng khiếu bằng các bài ca dao, tục ngữ như Lính thú ngày xưa, Thằng Bờm, “Công cha như núi Thái Sơn…”, “Hỡi cô mà thắt bao xanh…”, “…Tháng hai trồng đậu, tháng ba trồng cà…”…; rồi thì hát ru bằng những câu Kiều, Lục Vân Tiên, Cung oán ngâm khúc, và các bà, các chị, các mẹ còn hát những bài học thuộc lòng đã được đến lớp từ xưa như: Bà ở quê ra, Bà Trưng, những bài ca dao về kháng chiến, về công ơn Bác Hồ:

“Hành quân dưới rặng cây xanh

Tưởng như đi dưới ân tình Bác che

Màu xanh thăm thẳm đường quê,

Lòng con nhớ Bác tết về trồng cây.

Con đi, bóng mát che đầy,

Đếm sao hết được rừng cây Bác Hồ!”

Với những ví dụ cụ thể thì thấy tất cả các lời của bài hát ru đều dạy con người từ tấm bé lòng biết ơn đấng sinh thành, yêu thương đồng loại, ca ngợi quê hương, kinh nghiệm sản xuất, chê bai cái xấu. Tất cả các bài hát ru đều bằng thể thơ lục bát và song thất lục bát đã vang lên từ nghìn năm nay. Mặc dù đã bước sang thế kỷ 21 được hai chục năm thì nội dung của hát ru vẫn đúng tới 100%. Dù kinh tế nước ta có phát triển rực rỡ đến đâu, thì điệu hát ru vẫn chứa đựng đầy ắp tính nhân văn, đề cao đạo đức đúng đắn, cao cả, góp phần diệt trừ cái ác cái xấu len lỏi trong cộng đồng.

Ngược thời gian về với quá khứ khi dân ta còn nghèo đói và đau khổ vì chiến tranh, những buổi trưa hè, đi vào một lũy tre hoặc con phố nào đó, nghe vẳng ra từ một nếp nhà tranh hay ngôi nhà cổ kính những điệu hát ru ấm áp, lòng ta xốn xang dâng lên tình cảm thân thương trìu mến, giống như mẹ ta, bà ta đã cho ta những cơn gió mát lành để ta lớn lên thành người. Và cũng vô cùng sung sướng, cảm động khi được nghe kinh nhà Phật lại phát ra từ những ngôi nhà đơn sơ bởi giọng điệu móm mém của các vãi ru đưa cháu vào giấc ngủ trong tiếng kẽo kẹt trên chiếc võng gai...

Tranh minh họa

Cũng có lẽ được ngấm vào lòng điệu hát ru khi vừa lọt lòng mẹ mà phần lớn trẻ con ngày xưa đều hiền lành, chân chất, tuy còn non nớt đã biết ứng xử: “đi thưa về gửi”, tôn kính bề trên, biết “ăn trông nồi, ngồi trông hướng”, biết “chị ngã em nâng” và biết nhường nhịn khi chơi với bạn, và khi trưởng thành biết tự nguyện cầm vũ khí giết giặc như Trần Quốc Toản, như các chiến sĩ xả thân đánh giặc Pháp, giặc Mỹ. Chính điệu hát ru đã dạy dỗ, hình thành nên nhân cách người Việt nên dân ta có câu thành ngữ xác đáng muôn năm tự cổ xưa: “Phúc đức tại mẫu” để ghi công lao vĩ đại của các bà mẹ Việt Nam đã nuôi nấng, dạy dỗ các con, xây dựng gia đình no ấm, dâng cho Tổ quốc các hiền tài và các anh hùng bằng điệu hátru mê hoặc. Phải chăng, chúng ta - người Việt yêu gia đình, yêu quê hương và Tổ quốc cũng bắt đầu từ yêu tiếng mẹ sinh từ lúc nằm nôi bởi tiếng ru ngọt ngào như sữa mẹ, để rồi thành tiếng lòng của mỗi người.

Khi tôi 6 tuổi, bốn chị em tôi bất hạnh vì mẹ mất. May mắn, em út tôi (11 tháng) được bà ngoại, dì ruột và chị gái thương yêu chăm bẵm bằng điệu hát ru. Chính khi này hồn tôi cũng được tưới thêm bởi âm điệu kỳ diệu của hát ru nhập tâm vĩnh viễn, để đến khi nghỉ hưu (1990) tôi cũng dùng lời hát ru để chăm nom bốn cháu nội ngoại sàn sàn tuổi nhau. Sẵn có chất giọng trầm ấm, tôi dùng điệu hát ru để bồi dưỡng tâm hồn cho chúng bằng Truyện Kiều, thơ Tố Hữu, thơ Nguyễn Bính, thơ Xuân Quỳnh… đã thực sự quyến rũ các cháu đến nỗi: ngày hè oi ả, năm ông cháu nằm phản mà cháu nào cũng muốn nằm cạnh ông; cháu đích tôn đứt cúc áo, nhất định không cho mẹ khâu, đòi ông khâu; lại có cháu ngoại nghịch quá, tôi khuyên mãi không được, liền đuổi về, cháu về đến nhà bảo mẹ: “Con không sang ông nữa đâu!”, ấy thế mà chỉ 15 phút sau, cháu lại sang quấn quýt lấy ông. Hồi đó, với đồng lương hưu còm, vật chất chả có gì mà cũng “cám dỗ” được trẻ thơ, đủ thấy điệu hát ru quyến rũ hồn người biết nhường nào. Con dâu tôi bảo: “Bố ru các cháu như thế thì đến chúng con cũng phải ngủ!”.

Nếu vừa hát ru vừa xoa lưng hay vỗ nhẹ vào mông bé thì còn hiệu quả hơn nữa. Ôi! Điệu hát ru của người Việt thật vĩ đại và quý giá, nó êm đềm mà mạnh mẽ, mộc mạc mà bền vững, nó không là bánh kẹo hay dòng sữa ngọt, nhưng nó quyến rũ tâm hồn trẻ kiểu mưa dầm thấm lâu. Hát ru là truyền dạy cách ứng xử mọi vấn đề trong cuộc sống con người sẽ gặp. Chính nội dung và âm điệu của hát ru tạo nên tâm hồn trong sáng đầu đời trẻ được nghe rồi lớn lên sẽ trở thành người có ích cho xã hội.

Nửa cuối thế kỷ 20 và hai chục năm đầu thế kỷ 21, tiếng hát ru đã vắng hẳn trên đất nước ta! Vì sao? Vì đã có dòng âm nhạc hiện đại, chỉ cần bật công tắc điện là nổi lên âm thanh chát chúa: “Chát, chát, xình” đến tức ngực và đinh tai nhức óc, át cả tiếng quấy khóc, giãy giụa của trẻ thơ, thậm chí khi cho bé ăn dặm, nếu không có loa đài thì phải có người “làm trò” múa may quay cuồng! Những hình ảnh và âm thanh ru trẻ “tân tiến” này trông thật xót xa, vì ngày nay người ta đang cưỡng bức tình cảm trẻ thơ bằng sức mạnh lấn át. Hát ru “lối mới” đã và đang góp phần tạo nên lối sống ích kỷ, tâm hồn lạc điệu với truyền thống văn hóa Lạc Việt.

Dân ta có câu “Dĩ thực vi tiên”. Đúng là phải có ăn đã rồi mới tính đến mọi chuyện. Song cũng đừng chỉ lo làm sao nhét cho đầy cái dạ dày, ăn sung mặc sướng để đến nỗi “no cơm ấm cật, giậm giật mọi nơi”, sung sướng đến nỗi thành kẻ trọc phú. Đã là con người thì ngoài vật chất còn cần lắm đời sống tinh thần, đó là: văn, thơ, nhạc, họa… làm đẹp tâm hồn để vượt qua mọi thử thách gian nan.

Văn hóa tinh thần có một sức mạnh ghê gớm. Dân tộc Việt Nam ta từng đánh thắng những đế quốc sừng sỏ dã man nhất thế giới để có non sông gấm vóc tươi đẹp như ngày nay là bởi một phần, các bà, các mẹ đã đầu tư bằng điệu hát ru thần kỳ cho con đàn cháu đống từ khi chúng còn đỏ hỏn!

Xin đừng để điệu hát ru - bản sắc văn hóa độc đáo có một không hai này của dân tộc ta biến mất. Trách nhiệm này là của toàn dân, nhưng trước hết là Đảng và Nhà nước ta, đặc biệt ngành văn hóa, giáo dục, hội phụ nữ nên có chính sách, chủ trương phục hồi điệu hát ru. Nên đưa hát ru vào nội khóa trong trường học. Riêng với lớp mẫu giáo nên bắt buộc giáo viên phải biết hát ru để dỗ cháu khóc, hát ru cho trẻ ngủ. Khởi động cho khôi phục hát ru thì nên tuyên truyền rộng rãi trong dân về chủ trương, rồi tìm và vinh danh nghệ nhân có giọng ru hay, bài ru nhiều ý nghĩa. Phát động thi hát ru và sáng tác bài hát ru phù hợp với thời đại mới.

Tin rằng, khi điệu hát ru của Việt Nam được hồi sinh và phát triển bởi sự quan tâm thích đáng thì tâm hồn người Việt ngày càng hồn hậu và đáng yêu hơn trong cõi nhân gian hội nhập!♦

22-4-2020

Ý KIẾN

Nhân đọc đoạn trích “Mẹ và con” trong cuốn Đường về Thăng Long

Tôi đọc đoạn trích “Mẹ và con” trong cuốn tiểu thuyết lịch sử Đường về Thăng Long của Nguyễn Thế Quang về cuộc gặp - đối thoại giữa hai mẹ con Nguyễn Tường Tam, một đoạn văn hay chứa nhiều ý nghĩa, đầy kịch tính, một đoạn văn đáng đưa vào sách giáo khoa cho học sinh học. Hai mẹ con mà hai suy nghĩ, hai chí hướng, và bà mẹ đứng về phía chính nghĩa, phía Cụ Hồ. Thật cảm động tấm lòng của bà mẹ yêu nước và suy nghĩ sâu sắc về vận nước. Bà xứng đáng là bà mẹ đất Quảng. 

Ở Hội An còn có nhà thờ họ Nguyễn Tường. Anh em Nhất Linh đã sinh ra tại đây trước khi ra Cẩm Giàng (Hải Dương) theo bố mẹ ra làm quan ở đấy. Bà mẹ Nhất Linh nhiều phần là người xứ Quảng, con dâu họ Nguyễn Tường. Nguyễn Tường Tam (Nhất Linh) về sau uống thuốc độc tự sát ở Sài Gòn vì chống Ngô Đình Diệm. Bà mẹ có lý vì biết con đã chọn nhầm đường. Dù sao văn nghiệp của Nhất Linh, của Tự Lực văn đoàn do ông sáng lập là một mốc son trong lịch sử văn học…♦

CHU CHÍ THÀNH

(Hội An)
 

 

 

NGUYỄN HOÀI VŨ