HV149 - Thi sĩ TẢN ĐÀ chống tham nhũng

Thi sĩ Tản Đà 

Tản Đà, nhà thơ lớn của thế kỷ 20, để lại cho văn học nước ta khối lượng tác phẩm đồ sộ. Bộ Tản Đà toàn tập (NXB Văn học, 2002) gồm 5 cuốn, với hàng ngàn trang, bao gồm thơ, tiểu thuyết, bút ký nhàn đàm, dịch thuật, chú giải… Sức lao động của Tản Đà thật đáng khâm phục. Thi sĩ đã để lại nhiều giai thoại như một nhà Nho tài tử kiểu Nguyễn Công Trứ, Chu Mạnh Trinh… Ấy vậy mà khi làm báo An Nam Tạp chí Tản Đà luôn chủ trương bám sát thời sự, nói theo ngôn ngữ hôm nay là tin nóng, diễn ra hằng ngày. Những sự kiện ấy được thi sĩ viết thành thơ. Hai bài thơ sau đây chứng tỏ điều đó. 

Xem tiểu thuyết “Tờ chúc thư” cảm đề

Thật có hay là mắc tiếng oan

Kém năm trăm nữa đủ ba ngàn

Hơi đồng đã sạch mồm ông lớn

Mặt sắt còn bia miệng thế gian

Cũng bởi thằng dân ngu quá lợn

Cho nên quân nó dễ làm quan

Đào mà đào được còn đào mãi

Mềm cứng bây giờ đất Vĩnh An

(An Nam Tạp chí, số 8-1927)

Chuyện trong thơ là có thực ngoài đời. Hồi bấy giờ ở tỉnh Thái Bình có viên tuần phủ tên là Đào Trọng Vận, nhân một vụ kiện cáo dân sự đã ăn của đút hai trăm ngàn đồng. Đồng bạc hồi bấy giờ rất có giá trị, một lượng vàng chỉ có hai trăm đồng. Tản Đà lúc ấy đang là chủ bút An Nam Tạp chí đã gợi ý nhà báo Ngô Tiếp viết truyện Tờ chúc thư, phản ánh vụ ăn của đút để làm sai lệch vụ án này. Khi báo đăng truyện ấy được đông đảo công chúng hoan nghênh, số lượng phát hành tăng vọt. Tản Đà đã làm bài thơ ấy như là sự đồng cảm với người viết văn xuôi và cũng là đòn đánh bồi vào viên quan tham.

Trong bài thơ nghiêng về trào lộng này, Tản Đà đã thông tin rất cụ thể vụ tham nhũng. “Kém năm trăm nữa đủ ba ngàn/ Hơi đồng đã sạch mồm ông lớn/ Mặt sắt còn bia miệng thế gian”. Và nhà thơ chỉ thẳng vào đối tượng tham nhũng với cái họ cụ thể “Đào mà đào được còn đào mãi”. Nghệ thuật chơi chữ, chọn chữ thật đắt. Thơ cổ nghiêng về chơi chữ khiến ý sâu sắc, người đọc vận dụng suy nghĩ để thấy được sự cao tay của tác giả, sức nặng của câu chữ, của điển tích khiến bài thơ nặng hơn. Thơ hiện đại ít sử dụng phép chơi chữ, khiến tác phẩm có phần nhẹ đi, cái hay nổi lên bề mặt bài thơ hay nói cách khác là tác giả nói trắng ra không cần úp mở. Vậy nên bình thơ cổ điển rất thú vị, nhiều khi đòi hỏi người bình phải có vốn văn hóa cổ. Được biết, ngay sau khi bài thơ ấy của Tản Đà ra mắt, độc giả khắp nơi bàn luận, nhiều người còn họa lại. Tưởng đâu Đào Trọng Vận sẽ mất chức, sẽ đối mặt với án tù.

Trớ trêu thay, sau vụ kiện ăn của đút ấy, Đào Trọng Vận được thuyên chuyển lên Vĩnh An giữ chức tuần phủ! Vậy là, nhà cầm quyền đã phớt lờ, thách thức dư luận, công luận. Dĩ nhiên, chủ bút Tản Đà đâu có buông xuôi, câu thơ kết thúc bài đầy châm biếm thâm thúy “Mềm cứng bây giờ đất Vĩnh An”. Vâng, bây giờ quan lớn được chuyển đi nơi khác, đất ấy liệu có mềm cứng thế nào để ông đục khoét tiếp. Đó cũng là mũi truy kích kế tiếp của Tản Đà.

Vụ Đào Trọng Vận chưa dứt thì ở Nghệ An lại nổi lên vụ tham nhũng khác. Viên tuần phủ huyện Anh Sơn tên là Phan Tử lấy cắp ba ngàn đồng tiền thuế của dân. Tản Đà đánh tiếp: Cảm đề

Thái Bình chưa dứt tiếng kêu oan

Lại tiếng kêu trời ở Nghệ An

Một phủ Anh Sơn trong mấy tháng

Mà tay Phan Tử lấy ba ngàn

Cũng phường dối nước, quân ăn cắp

Cũng lũ tàn dân, giống hại đàn

Lạnh lẽo hơi sương tòa tạp chí

Lệ ai giàn giụa với giang san

(An Nam Tạp chí, số 9-1927)

Vậy là bọn quan tham có mặt khắp nơi, gây ra nhiều vụ tham nhũng động trời, “Thái Bình chưa dứt tiếng kêu oan/ Lại tiếng kêu trời ở Nghệ An”. Dân kêu oan ở Thái Bình chưa dứt thì dân kêu trời ở Nghệ An. Kêu trời, chỉ hai tiếng ấy đã dội vào lòng người đọc sự nhức nhối, dân không tin vào công lý mà phải ngửa mặt kêu trời. Nghe đâu khi đọc bài thơ ấy, có người khuyên Tản Đà nên đổi “kêu trời” bằng “than trời” vì câu trên đã “kêu oan”. Nhưng Tản Đà cho rằng “than trời” không hay bằng “kêu trời” khi phản ánh nỗi căm phẫn của dân chúng trước họa tham nhũng.

Ở bài Cảm đề này, Tản Đà đã chỉ tay, vạch mặt tên tham nhũng một cách cụ thể “Một phủ Anh Sơn trong mấy tháng/ Mà tay Phan Tử lấy ba ngàn”. Vẫn là bút pháp báo chí, thông tấn cụ thể. Vẫn là số tiền ba ngàn rất lớn vậy mà chỉ trong mấy tháng là quan viên Phan Tử đã lấy ba ngàn. Hồi ấy Anh Sơn là huyện miền núi Nghệ An ruộng đất ít, cằn cỗi, dân  chúng sống nghèo khổ, phải lên rừng lấy củ mài, củ chụp làm thức ăn. Một người đứng đầu địa phương ấy lại đang tâm lấy cắp những ba ngàn chỉ trong thời gian ngắn.

Với hai bài thơ này, chủ bút Tản Đà đã cho thấy nạn tham nhũng diễn ra nhiều nơi, gây căm phẫn trong dân chúng. “Thái Bình chưa dứt tiếng kêu oan/ Lại tiếng kêu trời ở Nghệ An”. Tác giả đã chỉ tay, vạch mặt bọn tham nhũng một cách cụ thể, “Một phủ Anh Sơn trong mấy tháng/ Mà tay Phan Tử lấy ba ngàn”. Đó là bút pháp thông tấn, báo chí rất cụ thể nhưng rất thơ. Và Tản Đà kết án mạnh mẽ, đanh thép như quan tòa: phường dối nước, quân ăn cắp, lũ tàn dân, giống hại đàn. Sức công phá của bài thơ được tăng lên mạnh mẽ.

Ở bài thơ Xem tiểu thuyết “Tờ chúc thư” cảm đề, hai câu kết “Cũng bởi thằng dân ngu quá lợn/ Cho nên quân nó dễ làm quan”, nhiều người cho rằng Tản Đà xúc phạm, coi thường dân, ví dân như lợn là phạm. Nhưng có người cho rằng, chính sách của thực dân Pháp đã làm cho dân ngu đi, nên Tản Đà viết vậy rất đúng. Hai bài thơ này còn cho chúng ta biết, tệ nạn tham nhũng thời nào, chế độ nào cũng có thể xảy ra. Chế độ nào phát huy được dân chủ, luật pháp nghiêm minh, chính sách minh bạch sẽ hạn chế được tham nhũng. Tản Đà viết hầu hết các thể loại, thể tài. Nhà thơ để lại dấu ấn trên nhiều lĩnh vực. Khi viết thơ chống tham nhũng, bút pháp trào lộng, đả kích được huy động tối đa. Với hai bài thơ này, Tản Đà thể hiện lòng căm phẫn của thi sĩ, chủ bút Tản Đà đối với đám quan tham trong xã hội thuộc địa. Điều đó chứng minh nhân cách lớn của Tản Đà.♦

 

NGUYỄN QUỐC TRUNG