Từ điền trang Mikhailovskoe…
Sau khi Pushkin mất, bà vợ góa của ông chuyển tới ở với anh ruột của mình. Tại đây bà trải qua một cuộc sống đơn độc, đem toàn bộ tâm huyết và sức khỏe để nuôi dạy những đứa trẻ. Cũng nhiều lần những người đàn ông tới cầu hôn với bà, nhưng Natalia Goncharova đều từ chối. Mãi 7 năm sau khi Pushkin qua đời, bà mới tái giá. Người chồng thứ hai là bạn đồng ngũ với người anh của bà - thiếu tướng Pyotr Lanskoy. Họ sống với nhau được 20 năm. Natalia Goncharova sinh cho Lanskoy ba người con. Và bà mất ở tuổi 52. Pyotr
Lanskoy chăm nom, dạy bảo những đứa con của thi hào Pushkin như con đẻ của mình. Grigori Pushkin, con trai thứ, gia nhập quân đội. Anh phục vụ nghiệp binh tới lúc mang hàm trung tá thì giải ngũ. Trở về đời thường, Grigori Pushkin nhận chức quan tòa danh dự ở trấn Opocheski. Nơi này ở vùng đất thuộc trang trại Mikhailovskoe-Pushkin. Cậu con thứ của Pushkin định cư tại đây từ năm 1860. Grigori kiên trì phục hưng tất cả những gì liên quan tới nhà thơ. Ví như ông cho phục hồi gian phòng làm việc của Pushkin với toàn bộ những hiện vật còn giữ được. Chính bằng việc làm này nước Nga có được góc tưởng niệm Pushkin đầu tiên. Góp công sức vào việc này, người ta còn nhắc tới bà Arina Rodinovna - nhũ mẫu của nhà thơ.
Vào hôm trước kỷ niệm 100 năm ngày sinh của thi hào Pushkin, năm 1899, Grigori Pushkin quyết định bán lại điền trang Mikhailovskoe cho Viện Hàn lâm khoa học Nga. Việc làm này cho phép gìn giữ, phát triển cơ ngơi của Pushkin thành viện bảo tàng tương lai. Trước đó, người con trai thứ của Pushkin còn chuyển giao thư viện của thi hào như một món quà tặng cho Bảo tàng Rumiansevsky.
Grigori Pushkin kết hôn vào năm 1884, ở tuổi 48 với Varvara Alekseevna Moskovaia, 28 tuổi. Sau khi bán điền trang Mikhailovskoe, hai vợ chồng chuyển tới ở cơ ngơi của vợ tại Marcutie. Grigori Pushkin trút hơi thở cuối cùng tại đây. Hai vợ chồng ông không có con.
Con trai cả hàm cấp tướng và 11 người con
Aleksandr, con cả của thi hào Pushkin, phục vụ trong quân ngũ đến hàm thiếu tướng. Ông chỉ huy trung đoàn kỵ binh số 13 tham gia vào những trận đánh giải phóng nước Bulgaria. Aleksandr còn chỉ huy đội danh dự đầu tiên của sư đoàn kỵ binh số 13 tháp tùng nhà vua Nga. Ông được trao tặng Huân chương Georgi Vàng vì lòng dũng cảm và Huân chương Vladimir cấp 4.
Aleksandr sống hạnh phúc trong cuộc hôn nhân với người vợ đầu là Sophia Lanscoi. Sophia là cháu nội của Pier Lanscoi, cha dượng của Aleksandr. Bà Sophia mất năm 40 tuổi. Ông tướng ở lại cùng 9 đứa con. Trong số đó 2 con chết khi còn nhỏ. Biết rằng ngôi nhà của mình thiếu vắng một người đàn bà là không ổn, Aleksandr tái giá với bà Maria Pavlova, cháu gái của người vợ đã quá cố. Qua một thời gian, Aleksandr hiểu rằng cuộc hôn nhân đó là một sai lầm. Maria kém chồng 14 tuổi và chỉ quen với những cung cách ứng xử nơi vũ hội, tiệc tùng của giới thượng lưu. Bà Maria sinh cho ông tướng hai người con.
Aleksandr Pushkin mất vào năm 1914 khi ông 82 tuổi. Khi Aleksandr còn sống, hai cô em gái của ông là Maria và Natalia đã trợ giúp anh mình rất nhiều. Cô con gái út của thi hào Puskin là Natalia vào năm 17 tuổi đã kết hôn với Mikhail Dubelt. Cặp vợ chồng sinh được hai đứa con nhưng hôn nhân không bền lâu. Hai người rất hay xô xát. Natalia kết tội chồng là người máu mê cờ bạc, còn Dubelt la lối vì vợ sống lãng phí, xa hoa. Natalia chủ động phá bỏ giấy xác nhận hôn thú.

Aleksandr Pushkin - con trai cả, thiếu tướng trong quân đội Nga hoàng
Ít lâu sau Natalia tìm được hạnh phúc của mình với một luật gia người Đức, hoàng thân Nicolai-Wilhelm Nassausky. Hoàng thân không cố chấp vì bà vợ đã có ba con riêng. Ông mê đắm sắc đẹp của vợ. Và cũng không chỉ mình ông. Con trai của nhà văn lãng mạn Zagoskin cũng đã nhớ lại như sau: “Trong đời tôi chưa thấy một người đàn bà nào đẹp hơn Natalia Aleksandrovna, con gái thi hào Pushkin. Vóc dáng cao ráo, rất cân đối, đôi bờ vai hình chuông, gương mặt trắng bóc, từ đó như phản chiếu một thứ ánh sáng kỳ lạ”. Natalia Aleksandrovna sinh cho ông hoàng thân ba đứa con. Trong cuộc hôn nhân này Natalia đạt tới tước hiệu nữ bá tước. Bà mất vào năm 1913.
Người con gái lớn và Cách mạng tháng Mười
Sống lâu nhất trong bốn người con của thi hào Pushkin là cô chị lớn Maria Aleksandr. Năm 28 tuổi, Maria thành hôn với thiếu tướng Leonid Gartung. Cuộc hôn nhân này đối với bà tuyệt vời hạnh phúc. Cuộc sống vợ chồng kéo dài được 17 năm, tính đến ngày tai họa chưa xảy ra. Người ta bôi nhọ ông chồng bà bằng cách gửi tới cho ông những ngân phiếu giả. Vì tấm lòng hào hiệp, tốt bụng, thiếu tướng Gartung không phản bác lại và tìm tới cái chết bằng cách tự vẫn. Chẳng bao lâu sau ông được minh oan, nhưng tấn bi kịch cũng đã xảy ra rồi. Kể từ đó Maria không tái giá lần nào nữa. Bà sống chủ yếu ở Moskva, trợ giúp nuôi dạy 9 đứa con của ông anh Aleksandr, sau ngày bà chị dâu Sophia từ trần. Vào năm 1899 nhân kỷ niệm 100 năm ngày sinh của thi hào Nga Pushkin, tại Moskva đã khai trương Thư viện đọc của thành phố. Maria Aleksandr nhiều năm đã đứng đầu thư viện này. Bà là người con duy nhất của thi hào Pushkin sống tận đến ngày nổ ra cuộc cách mạng vô sản Nga tháng 10 năm 1917.

Maria Aleksandr, con gái lớn của thi hào Pushkin
Chính quyền Xô viết nhớ tới nguồn gốc quý tộc của người đàn bà cao tuổi ấy cùng sự phục vụ của bà dưới thời Nga hoàng nên bà được giao trông coi một phần điền trang của Nga hoàng. Dù ở giữa những ngày nước Nga sôi réo biến động ấy, tuy đã ngoài 80 tuổi bà Maria vẫn đủ sức khỏe để hằng ngày tới thăm viếng đài tưởng niệm của thi hào Puskin dựng tại quảng trường mang tên ông, khánh thành vào năm 1880. Đi tới và ngồi rất lâu trên chiếc ghế đá cạnh bia tưởng niệm thi hào. Bà là người con duy nhất trong số con cái của thi hào ngồi đó, để những người đến đặt vòng hoa ở đài tưởng niệm nhớ tới Puskin. Vì người đương thời cho rằng, trong bốn người con của Pushkin, bà Maria là người giống cha nhất. Chả thế mà Pushkin đã viết trong nhật ký một dòng như thế này: “Vợ tôi đã cho ra đời một bản sao của tôi”. Bà Maria cũng như ba người con đều nhận được một nền giáo dục rất tốt. Bà thông thạo một số ngoại ngữ, khá am tường văn học. Chuyện kể rằng, vào những năm đầy khó khăn sau cách mạng, nhiều người cũng đã có ý định xin cho bà Maria một khoản lương hưu. Đáng tiếc, các thủ tục giấy tờ quá kéo dài. Bà Maria Aleksandrova Pushkin đã chết vì đói trong một căn phòng nhỏ tại một ngã ba không xa phố Arbat, vào năm 1919. Bà thọ 86 tuổi. Cái ngã ba ấy nay không còn dấu tích. Nó đã bị san ủi vào những năm 1960 khi phố Arbat được mở rộng.♦