HV150 - Lạc tiên

TRUYỆN NGẮN 

LTS: Nguyễn Văn Thọ, dân Hà Nội chính hiệu, còn có biệt danh là “Thọ muối”, “Thọ Quyên” (tên bạn đọc gọi từ tác phẩm của anh), vào bộ đội đánh Mỹ từ năm 18 tuổi. 11 năm trong quân ngũ, chiến đấu ròng rã trên các chiến trường từ Nam ra Bắc: Hà Nội (Phòng không), Khu 4 - Nam Lào, Tây Nguyên và cuối cùng giải phóng Sài Gòn 1975. Sau đó sang Đức làm đội trưởng một đội lao động, rồi nước Đức biến động, anh ở đấy làm ăn, dầm mình trong tuyết giá gần 30 năm. Nhưng tất cả, từ chiến tranh đến hòa bình, đã cho Nguyễn Văn Thọ một vốn sống khó có, độc đáo, để viết nên tiểu thuyết Quyên và viết hàng trăm truyện ngắn về Hà Nội, về chiến tranh… Tất cả, từ bút pháp, cách thể hiện đến những thông điệp từ cuộc sống… đều chứa chan sự sống, khát vọng sống của con người thời đại chúng ta, một thời gian khó, hy sinh nhưng vĩ đại.

Hồn Việt giới thiệu dưới đây một truyện ngắn của nhà văn Nguyễn Văn Thọ.
 

 

 

Tôi có người bạn thân từ lớp 1 tới lớp 9 tên là Minh. Minh “tàu hỏa”. Bởi vì cha Minh lái tàu hỏa nên tụi học trò từ thời cùng lớp 5 (lớp 1 bây giờ), trường tư thục Vạn Hạnh, lấy cái nghề của cha mẹ mà réo, cho đỡ trùng tên với ba thằng Minh khác. Tên Minh quả là lắm, tận tới khi cùng ở khối 9 Trưng Vương, trường tôi năm ấy có tới bốn thằng Minh, nhưng chỉ một bạn tôi có biệt danh Minh “tàu hỏa”.

Minh đậm, thấp và chắc chắn. Nó là con nhà lao động. Cha làm công nhân hỏa xa, mẹ ở Hà Nội mà vẫn làm vườn ở nhà với khoảnh đất trên cái ao sau nhà. Minh không nghịch, hiền, nên chả thích học võ vẽ gì. Tụi tôi quen nhau từ trường tư thục Vạn Hạnh, nhưng tình bạn chỉ gắn kết thực sâu, khó dỡ bỏ, có lẽ suốt đời, sau thử thách năm ấy. Năm ấy cả lớp 9A Trưng Vương tới hồ Ha-le có bài ngoại khóa buổi sáng. Bấy giờ đã gần trưa, chỉ còn hai tổ học trò quanh hồ.

Cuộc va chạm diễn ra khi một thằng nhóc ra dáng anh chị túm tóc một bạn gái ở tổ của Cường “Bạch Mai”. Cường la lớn, thằng kia bỏ tóc nó ra. Song nó không dám xông vào cứu bạn. Tôi chạy tới. Tôi đẩy thằng mất dạy ra. Nó gườm gườm. Tóc nó vàng cháy, mặt đầy tàn hương, nhỉnh hơn tôi nửa đầu. Tôi gằn giọng: “Sao mày tóm tóc nó?”. Chát, thằng kia không thèm trả lời, thoi cho tôi một cú đánh ngắn, rất nhanh vào mồm, trong tiếng cười hô hố của một lũ nhóc tuổi sàn sàn như nó, đứng sau lưng thằng nhóc. Cú đánh nhanh, như tia chớp, làm tôi không tránh kịp, cũng không thể ngờ, nó lại dám chọi mình trước.

Tôi quệt máu. Tại trường có bạn Chân  là em võ sư Dương Như Hải, hay tổ chức tập đấm bốc từ lớp tám. Tuần nào chả đánh cặp vài lần ở nhà Chân hay Thảo “Bạch Mai”. Tôi nổi tiếng với các cú thọc thẳng. Bỏ cái cặp xuống bên trái. Bất ngờ, tôi tung cú tay trái đìa rếch và trúng. Nghiêng người sang trái, lại lắc phải, bổ sung liên tục hai nhát xuynh. Những cú đánh cầu vồng từ cao dội xuống với tốc độ cao rất hiệu nghiệm. Đối thủ của tôi không ngờ gặp một đứa nhỏ con hơn nó, tưởng đã bị tóe máu mồm, chắc sợ hãi bỏ chạy, ai ngờ tôi lại ra đòn như bão vậy. Nó bị bất ngờ, không biết lối nào mà lần, lùi sát hồ. Tôi chỉ chờ thế, nghiêng người lao thẳng vào, tung cú đạp rất mạnh, trúng giữa ngực, buộc nó ngã bổ chửng, gục xuống. Thấy tướng bị ở thế thua, tất cả tụi bụi đời xô vào bao lấy tôi. Không ngờ bị tứ phía tấn công, tôi đành hai tay ôm đầu che gáy, nhảy sang bên. Chẳng một bạn nào trong hai tổ học sinh dám xông vào. Thằng bạn thân hơn Minh “tàu hỏa”, tên Cường, chỉ đứng nhìn la lên: “Ơ kìa, sao lại chơi hội đồng!”. Cường là đứa cùng học đấm bốc với tôi ở nhà Thảo và Chân “Bạch Mai”. Chỉ mình Minh “tàu hỏa”, vâng mình nó, chả võ vẽ gì, với chiếc cặp da có nẹp những miếng sắt ở góc cặp. Những cú đánh quăng, lăng, đập với cả hai tay, cũng kiên quyết và quá mạnh làm bốn năm thằng bụi đời kinh sợ bỏ chạy, để tôi rảnh tay trị đối thủ của tôi, quẳng nó xuống hồ. Trẻ ranh, học trò hồi ấy đánh nhau với bụi đời đường phố là thường.

Giải tán. Ai về nhà nấy. Bạn gái cùng học lí nhí cám ơn. Minh hỏi, bạn đau không và đưa tay quệt vệt máu còn trên miệng tôi. Đứt lợi tí thôi mà! - tôi nói. Thôi về nhà tớ, hôm nay mẹ mình có lòng lợn ông bô lấy từ căng tin đoạn đầu máy Hà Nội - Minh “tàu hỏa”cười rất tươi, vỗ vào vai tôi.

Tôi theo Minh về phố Khâm Thiên ngay gần đó. Nhà Minh ở sâu trong ngõ. Đây là lần đầu tiên, tôi tới nhà Minh từ trưa và ở lại tới chiều.Nắng tháng 7 dữ dội. Trong căn nhà phía sau, kế vạt đất là cả cái hồ lớn. Mẹ Minh dọn cơm ra và cô em gái chạy từ đâu về, hớn hở giúp hai ông anh dọn bát đĩa. Em gái tên Thảo, kém chúng tôi hai tuổi. Em có hai bím tóc đuôi sam và tôi trêu, cái đuôi gà của em thật giống y như đuôi con gà trống nhà anh. Thảo cũng hiền như anh, nó chả giận tôi bao giờ. Nó ngước mắt nhìn tôi khâm phục, y như em đứng trước một anh hùng, khi Minh kể cho nó nghe trận chiến vừa rồi và không quên nhắc, cấm không được mách mẹ đấy, rồi tí nữa anh cho ra đảo.

- Đảo ư? - Thảo nhảy lên. Nó chạy đi một lát và quay lại với cái lẵng nan tre nhỏ.

Chúng tôi ra hồ. Minh kéo cái bè chuối và đặt Thảo ngồi lên. Hai đứa tụt quần dài, bơi chầm chậm. Bấy giờ, sau phố Khâm Thiên còn cơ man đất ruộng và hồ. Cái cồn giữa hồ là đất của gia đình Minh. Trên đó, mẹ Minh trồng bốn mùa đủ loại rau, đỗ, cả khoai nước, khoai lang. Tôi đã ra đấy vào mùa đông năm trước,  hái ớt và cắt ít lá sả cùng Minh. Nhưng cũng chưa có dịp tham quan kỹ hết mảnh đất tới hơn ngàn mét vuông ấy. Chúng tôi hái ớt, mướp, rau muống và cả những quả cà nho nhỏ màu trắng, hái đám rau ngót xanh rượi, lá óng như phết mỡ, ánh lên trong ráng nắng. Chợt Thảo quay lại kéo tôi đi, để mặc Minh hái đỗ. Hóa ra bên vạt đất sát hồ có một thứ cây leo rất xanh, rất lạ bò lan ra cả ven hồ, leo lên cả đám rào tre, ngọn vươn lên tua túa.

- Anh nhìn này - Bàn tay nhỏ bé với các búp ngón thon thon của em Thảo bới các khóm lá và bứt ra những quả nho nhỏ vàng to hơn hạt lạc, bọc trong lớp vỏ bốn cánh mỏng như lưới giấy. Thứ quả tôi chưa nhìn thấy bao giờ! Những quả ấy mọc ở kẽ lá, bị che trong đám lá xanh rợm, rậm rì thì khó ai có thể nhận ra.

- Ăn thế nào em? - tôi hỏi. Thảo tách lớp vỏ giấy ra, trong bàn tay hồng của em hiện một quả tròn xoe như viên bi màu vàng chanh bóng. Ăn đi, em hái nữa cho anh! - nó đưa vào miệng tôi. Tôi cắn. Trời! Ắc! Giòn. Chua chua và dìu dịu. Chua! - tôi kêu. Anh ngậm miệng lại nuốt nước bọt đi! - Thảo ngước đôi mắt đen láy, đưa hai tay bưng lên trước mắt tôi một bụm quả vàng ươm như nắng đầy. Đôi đuôi sam của em vung vẩy. Tôi làm như cái máy. Ồ, ngọt nhỉ. Ngọt hậu! - tôi nghĩ.

Tôi ngồi ở mô đất bên cạnh ăn chùm quả Thảo đưa, khi em thoăn thoắt hái các đọt ngọn và lá Lạc tiên cho vào giỏ nhỏ. Hái làm gì nhiều thế? - tôi hỏi. Thảo cười, cho mẹ nấu canh để khỏi mất ngủ anh ạ. Mẹ em mất ngủ lâu rồi…

Hóa ra mẹ Thảo sau khi sinh Thảo thường xuyên mất ngủ, tới tận hai ba giờ sáng mới đặt mình. Bà đã châm cứu, uống thuốc và một thầy lang nào đó đã mách bà dùng thứ lá này sau thời gian chữa trị thuốc nam với châm cứu. Thảo tới bên tôi với cái giỏ đầy lá và ngọn Lạc tiên non. Canh ngọn rau thứ này ngon đấy. Mẹ em ăn quen rồi, nó làm mẹ em ngủ ngon và sâu hơn... Một giấc ngủ ngon và sâu, sâu nhẹ nhàng, sau này nghe cha tôi giảng giải, tôi mới hiểu giấc ngủ sâu và nhẹ do Lạc tiên thảo mộc mang lại, nó cần thiết ra sao sau một ngày người ta lao động miệt mài, để tái hồi sinh lực.

*

Ngày 2 tháng 8, năm 1964, sự kiện Vịnh Bắc Bộ, và ngày 5 tháng 8 Mỹ ném bom miền Bắc. Triển lãm máy bay siêu thanh Mỹ bị ta bắn rơi đủ loại ở Vân Hồ. Những tin đồn về chiến tranh loang ra và người ta bắt đầu đào hầm trú ẩn. Hà Nội được đặt những ống cống làm cái hầm trú máy bay dọc ven hồ Gươm và các tuyến phố. Không khí lớp học có vẻ rã đám. Một ngày Minh bảo, mai tao thôi học. Tôi giật mình. Sao lại thôi? À, ở đoạn đầu máy Hà Nội lấy thợ lái tàu. Tao bỏ học. Quyết định rồi. Quyết định rồi? - tôi hỏi lại. Thứ bảy, tôi tới nhà Minh. Hóa ra cha cậu quyết định điều ấy. Cha truyền con nối. Chiến tranh tới rồi và nghề lái tàu hỏa cũng đâu dễ mà xin vào, phải là con em của ngành.

Minh đi học phụ lái, đốt lò và học lái tàu hơi nước. Tôi nghe nó kể, tưởng ra cảnh nó đội mũ lưỡi trai xanh, mặt nhọ, lấm lem đầy than và cái tàu thở phì phì tung khói trắng lướt băng băng qua núi rừng, đồng ruộng. Tao đã đi khắp đất nước! - Minh tự hào bảo. Thi thoảng nó tạt qua nhà tôi cho cái phiếu phở. Những học viên thực tập trên các chuyến tàu được ăn hơn mọi người, trước khi đi vào đạn bom, vào cõi chết, được ăn sáng với hai bát phở thịt lợn ở căng tin dọc đường Nam Bộ, dãy nhà từ ga Hàng Cỏ xuống sát đầu Khâm Thiên.

Rồi chiến tranh rộng ra. Tháng 7 năm 1965, lớp tôi hơn mười thằng lên đường, trong đó có tôi. Trước khi đi hai ngày, tôi tới nhà Minh. Minh không có nhà. Anh Minh đang phụ chạy tàu ở Khu 4! - Thảo nói với tôi. Em sẽ sơ tán chứ? - tôi hỏi. Không! Bố em lái tàu, anh Minh lái tàu, em và mẹ phải ở lại đây phục vụ. Tôi nhìn cái giỏ xanh ăm ắp lá và dây Lạc tiên. Dạo này mẹ em lại mất ngủ trở lại! - Thảo bảo.

Thảo tiễn tôi ra ngoài ngõ. Tôi nắm nhẹ bàn tay nhỏ, có mười búp dài hồng của em. Được hai ba bước chân, tôi quay lại. Vẫy tay, thôi em vào nhà đi, anh đi đây. Ngoan nhé! Nó như muốn khóc. Đôi mắt to, đen nhay nháy, nhìn tôi không chớp. Tóc đuôi sam tong teo. Nó đứng chỉ tới ngực tôi. Năm ấy Thảo 13 tuổi. Nó nói lí nhí, anh đi đi, ngày mai nhớ trở về!

Tôi lên đường.

Chiến tranh như cơn lốc cuốn ào ào chúng tôi đi trên khắp các mặt trận bảo vệ quanh Hà Nội, Hải Dương, Thái Nguyên, Phú Thọ… Rồi Khu 4 ác liệt ngập trong khói bom và cái chết.

Năm 1967, tôi chẳng thể ngờ lại gặp Minh ở Nghệ Tĩnh. Chuyến tàu của nó bị đánh tan. Các toa tàu cuối đầy súng đạn, lương thực bị đánh văng trên ruộng. Phải cắt đầu máy khỏi toa, cứu đầu tàu. Địch đuổi đầu tàu bắn riết. Thợ chính tử thương, chết gục ngay bên tay lái. Thợ phụ đốt lò cũng chết. Minh chỉ có một mình, cầm lái thục mạng kéo nước hết cỡ. Nó may mắn thoát chết, chỉ bị thương nhẹ ở cánh tay và tụi tôi gặp nhau trong bệnh viện dã chiến Hưng Nguyên, khi tôi cũng bị hai phát bi vào bụng chân. Minh đi tàu cũng như chiến đấu đầy nguy hiểm, song may mắn hơn tôi, nó vẫn được về nhà sau những chuyến đi dài, sau hai ba tuần ở tuyến trong. Thảo và mẹ thế nào? - tôi hỏi. Minh lấy trong túi ra cái ảnh đen trắng. Trong ảnh, cô gái 16 xuân xanh cười. Mắt to và đẹp. Môi nó bắt đầu ra dáng môi con gái. Nét nào ra nét đấy. Cái mũi hơi hếch tinh nghịch, nhưng sống mũi thẳng dài. Vẫn hai cái búp tóc đuôi sam ngúng nguẩy đuôi gà trống! Có vẻ nó lớn nhỉ! - tôi cười, bảo. Ừ, không có nó có lẽ gay bạn ạ. Bây giờ nó ở nhà thay mẹ tớ làm vườn, nuôi lợn. Mẹ Minh yếu lắm rồi. Mất ngủ lại hen nữa. Thảo phải bỏ học. Chiến tranh mà. Tôi im lặng.

Chúng tôi được bên nhau một tuần ở bệnh viện Hưng Nguyên. Máy bay địch vẫn bay đen trên bầu trời và thành phố Vinh chìm trong bom đạn. Chiều chiều, qua những đụn khói đen và trắng cuộn lên, hai đứa yên lặng ngồi dưới bóng phi lao nhìn về phương Bắc. Hà Nội giờ đây ra sao? Tôi nhớ cái cầu thang nhỏ mà mợ tôi vẫn chui vào, mỗi khi còi thành phố tại Nhà hát Lớn rú lên.

Minh bảo, lần trước tao về, Thảo nó bắt tao đào cho nó cái hầm lớn ở ngay nền nhà, ken tre dày, chả hiểu để làm gì. Mày biết không, dạo này nó đi học đàn buổi tối đấy.

- Nó muốn làm nghệ sĩ hả? - tôi hỏi. Không, nó sinh hoạt chi đoàn, thi thoảng đi ủy lạo với Khu đoàn. Nó hát hay lắm mày ạ, thi thoảng lại thấy tụi nó ngồi tập hát ở ngay bên cái hầm tao mới đào - Minh bảo.

Rồi Minh lại khoác ba lô về với đoàn tàu của nó. Công việc lái tàu thực nguy hiểm. Tôi còn bắn lại được kẻ muốn giết mình, chứ công nhân lái tàu hơi nước ì à ì ạch..., địch chủ động bắn, chỉ có nước là chạy thục mạnh trên đôi ray mong manh. Minh từng kể, có hôm máy bay đánh tan hai đầu ray, tàu kẹt ở giữa, lên xuống đều không được, kẹt trong khu chả có người, khát và đói vài ngày đêm là thường.

Tự nhiên thấy luyến tiếc thời học trò thế, bọn tôi chẳng bao giờ có suy nghĩ gì đâu, hạnh phúc ở vô tư!

Hôm Minh sắp đi, tôi lục ba lô lấy ra cái lược Đuya-ra, hì hụi chuốt lại răng lược. Tôi lấy mũi dao găm khắc ba chữ: Tặng em Thảo. Ngần ngừ tí tôi khắc thêm: Chiến thắng - Đúng là, khi tôi khắc, tôi có nhớ tới cái đuôi sam vắt va vắt vẻo như cái đuôi con gà trống của Thảo. Ừ, mỗi bận con gà ra sân vươn cổ: Ò í o…o...o. Cái đuôi lắc la lắc lư...

- Chả có gì, mày về đưa cho nó - tôi đưa cho Minh hai mảnh dù pháo sáng, hai phong lương khô BB702. Cái này - tôi chỉ hai miếng dù - mày đưa cho mẹ tao một cái, mẹ mày một. Lụa thật đấy. Đây nữa! - tôi đưa cho Minh cái lược chuốt rất kỹ từng răng - Mày bảo với nó, là tao làm từ mảnh chiếc F-4, xử lũ giặc trời rơi tại chỗ, tháng trước ở Đò Lèn…

Minh không nói gì, nhận quà, nhìn tôi bảo, mắt mày thâm quầng. Không hiểu sao, sau khi bị thương, mất nhiều máu, tôi mất ngủ. Cứ 3 giờ sáng là tỉnh như sáo. Tôi mới 21 tuổi. Tuổi ăn tuổi ngủ.
 

Minh đi ra Bắc. Tôi lại vào Nam.

Địch phong tỏa gắt gao đầu đường 20. Tụi OV-10 bay quần đảo trên đầu 12 tiếng, thay nhau săm soi. L-19 lượn thấp rà rà suốt bắn đạn 20 li. Đêm là tụi C-130 bay dọc tuyến thì thủm bắn đạn cối, hay đạn súng 20 li sáu nòng, ìn ìn kêu, dai như chão rưới dây lửa xuống bất kỳ vật gì nghi ngờ. Máy bay B-52 thì cày đi cày lại. Đất đá, rừng nguyên sinh biến thành cả một miền bụi dày tới nửa bắp chân. Cây cháy trơ như những cánh tay đen đủi hua lên trời. Cả một miền xưa là rừng xanh thẳm triền miên dài rộng hàng mấy trăm héc ta ngay cửa khẩu trắng xóa. Trên núi đá, những bầy vượn đen, hon hót suốt sớm sớm cũng biến mất. Buổi chiều hôm trước núi còn xanh, qua một đêm, ba đợt bom B-52 dội, sớm ra nhìn trắng xóa. Đến đá cũng thành vôi. Tụi Hà Nội chúng tôi cùng lính nông dân các vùng khác cứ bên nhau bền bỉ sống lăn lộn với đất với súng để đánh nhau, chờ đợi!

Thật bất ngờ, tháng 6 tôi có thư. Thư Minh.

Thế là nó đã ra Hà Nội rồi! Thư Minh kể, nó tới Chợ Dậu thăm mợ tôi. Cậu tôi vẫn dạy ở kiến trúc, sơ tán tận Lâm Thao. Anh tôi thì đi Thanh niên xung phong vào Khu 4 làm đường, mà sao không gặp! Trời, còn lá thư nữa. Lá thư dán kín, đặt giữa thư Minh.

Thư của Thảo.

Chữ con gái mềm. Thư dài đến bốn trang giấy pơ luya mỏng trắng lốp. Nó cảm ơn về cái lược, khen lược làm rất nghệ thuật lại bắt tóc, hơn hẳn cái lược sừng của anh Minh mua. Hừ, nó nịnh đây! Tôi đọc đoạn cuối. Thư nói về sự mất ngủ. Thảo chép tất cả tác dụng về Lạc tiên. Thu hái ra sao. Rễ, cành, thân và tác dụng ra sao với giấc ngủ. Hóa ra Minh đã kể là tôi mất ngủ. Nó làm như lính tráng có thể tự do đi hái thuốc cho mình. Vả lại, tôi còn mất ngủ nữa đâu. Mệt nhoài suốt đêm ngày, quần nhau ở cửa khẩu này, có ngày đêm táng nhau tới 21 trận, thì chả thuốc men gì, cũng ngủ quay trên đất. Song thế là nó quan tâm tới tôi, những dòng chữ thật giản dị làm tôi cảm động. Tôi không có em gái. Kể ra, tôi cũng có tình cảm như anh em với nó.

Đêm trong gian hầm ở hang núi lạnh, tôi đọc đi đọc lại thư Minh, rồi thư Thảo. Và, đêm ấy tôi mơ trở về Hà Nội. Không hiểu sao trong giấc mơ tôi toàn thấy Thảo và Minh cho tôi ăn Lạc tiên. Thấy cả cảm giác rất rõ ở lưỡi, vị chua chua và ngọt hậu. Suốt 11 năm chiến trường, trong cả cuộc chiến, đấy là giấc mơ đẹp duy nhất. Giấc mơ thần tiên của chiến tranh. Lạc tiên!

*

Rồi mùa mưa tới, tụi tôi thọc sâu vào Lào. Đánh chiếm Bolaven. Tràn xuống tận Campuchia rồi quay lại Lào. Thấm thoát thời gian veo veo trôi, đã là 1972, tuổi thanh xuân rũ đi, bạc phếch trong những trận chiến, trong rừng. Tụi tôi quây thành phố Khungsedon, ròng rã từ đầu năm tới tận cuối năm 1972. Tôi chỉ huy một trung đội phục bên bến sông, nơi địch tiếp tế với máy bay C-123 cho thành phố bị vây. Chọi nhau với T-28, L-19, với cả pháo kích và có lần chúng bắn thẳng ba bốn phát DKZ từ bên kia bờ sang, lửa cháy khét lẹt, cây đổ ngổn ngang.

Đêm 26 tháng 12, quá nửa đêm, đường dây điện thoại hữu tuyến bất ngờ reo. Tôi chửi tục, vồ lấy máy. Mỹ đã đánh Hà Nội bằng B-52! Giọng thằng Tâm phố Huế, trực ở tiểu đoàn hét lên thất thần trong máy. Chúng nó đánh sập toàn bộ Khâm Thiên rồi! Nhà thằng Minh bạn mày chắc chả còn.

Tôi tỉnh như sáo. B-52! Trời ạ. Chúng tôi đụng độ bao lần với tụi này. Một máy bay là hơn trăm quả bom. Ba chiếc đều thả cùng một lúc thì còn gì nữa. Tới núi cũng sạt, rừng cũng tan. Tôi thức tới sáng, bật vô tuyến nghe BBC, nghe đài Việt Nam Cộng hòa và Đài Tiếng nói Việt Nam. Không biết mợ tôi ra sao? Không thấy tin tụi Mỹ đánh vào Chợ Giời, nơi nhà tôi. Chúng nó đánh vào Khâm Thiên, gần nhà ga mà. Thảo sơ tán hay ở nhà? Thằng Minh thì ở đâu? Không có giấy mà viết một cái thư. Có giấy cũng gửi ai mà đưa thư chuyển ra Bắc! Tôi trằn trọc tới sáng. Mai lại hành quân. Mai lại hành quân.

Chiến tranh chả khi nào hứa hẹn. Mà có lời hứa cũng mấy khi thực hiện được. Thư gửi Thảo nhờ Minh đưa trước đây, tôi viết hẹn, tôi sẽ về thăm nó và kiếm cho nó hẳn một cái dù pháo sáng. Dù thì giờ đây có đủ cả ba bốn cái, mấy mảnh dù hàng loang lổ rất đẹp, Thảo ạ. Nhưng anh chưa về được! Anh phải ở đây chiến đấu cùng anh Minh!

Cứ như thế, cuộc chiến kéo tôi từ đứa trẻ 16 tuổi tới khi đã 27 tuổi, tiến vào Sài Gòn. Ngày nào ria mép chưa có, bây giờ râu tôi đã đen cứng và lởm chởm, ra dáng một thằng đàn ông phong trần quá đi thôi.

*

Ngay sau ngày hòa bình đầu tiên, tôi được về phép. Đó là suất ưu tiên, bởi tôi nhận được điện Trung đoàn cho những sĩ quan có cha mẹ mất trong chiến tranh mà chưa được về. Hóa ra, mợ tôi mất đúng vào giai đoạn gay cấn nhất của Hà Nội. Tất cả cho tiền tuyến, mợ tôi nhịn ăn tiếp tế cho chồng con, gầy gò như xác ve, và hạ đường huyết chết trong buồng tắm.

Hà Nội đầy sắc lính từ các mặt trận tràn về. Không một ai để ý tới một tay lính cựu chiến binh già, lụi cụi một mình đi tìm bạn.

Tôi tới Khâm Thiên, không thể nào tìm ra lối cũ vào nhà Minh. Ngõ cũ, đường cũ trôi đâu, mất đâu? Hỏi thăm, không ai biết Minh “tàu hỏa” của tôi ở đâu. Đường không còn ngõ để vào. Chắc vạt ruộng vườn của nhà nó chả còn.

Rồi qua bạn bè tôi cũng tìm được nó. “Giờ Minh đã có vợ. Nó ở ngay ngõ sát khu chuyên gia Kim Liên”. Tôi cầm mảnh giấy của thằng Cường vẽ đường, lếch thếch đi bộ, tìm tới Minh “tàu hỏa”. Cái cửa gỗ sơn xanh đóng từ nắp hòn đạn im ỉm. Gõ cửa mấy lần, mới thấy cái đầu đứa trẻ ngơ ngác nhìn. - Bác hỏi ai ạ? - Bác hỏi chú Minh - Bố cháu vừa về. Đang ở trên gác - Gọi xuống đây cho chú. Bảo bố là, có bạn thân bố tới.

Tiếng chân bước rất thong thả trên cầu thang gác xép đi xuống. Minh hiện ra. Nó già và hơi đẫy ra so với trước. Đen nhẻm. Thấp và đậm.

- Trời ơi! Mày sống hả - Minh nhao tới.

Cả hai ôm nhau. Ứa nước mắt. Chúng tôi ngồi bên nhau.

Trước mặt tôi tấm ảnh 9x12 ép ni lông rõ hình em Thảo. Một cô gái Hà Nội đẹp, tươi mơn mởn. Hai cái đuôi sam đen to, nhanh nhánh hai bên vai và miệng cười rõ tươi. Đôi mắt to, đẹp nhìn thẳng vào mắt tôi và cái mũi hếch tinh nghịch. Cây đàn ghi ta Thảo cầm trên tay. Thấp thoáng sau Thảo là một thanh niên rất trẻ và vài người lính áo Tô Châu, mũ sắt. Một cái đầu nòng 57, đen đen nhô ra ở góc ảnh.

Giọng Minh trầm và đục:

- Tao hộc tốc chạy tàu từ Lạng Sơn về. Mày biết không, giữa nhà là ba  bốn cái hố bom. Không có một dấu vết nào ngôi nhà của gia đình tao nữa. Bàn học, tủ áo, cả cái hầm con Thảo nằm, tất cả biến mất. Nước ao cũng cạn vợi nửa, vì hơn chục quả bom tương xuống đó. Tao không thể ở mảnh đất ấy. Tao về đây mua đất dựng nhà mới ở cái ngõ này ở, cho giấc ngủ bình thường.

Tôi chùi nước mắt.

- Đây là tấm ảnh, vật còn lại duy nhất của Thảo đưa cho tao, trước khi nó mất hai tháng. Ảnh này phóng viên báo nào đó chụp, khi đoàn viên thành phố và Khu đoàn tới thăm trận địa pháo trên Trúc Bạch… - Minh nói và nó đưa tay quyệt ngang mắt. Vậy là cả nhà Minh hy sinh! Cha nó cùng cả đoàn tàu đang chạy rơi vào mưa bom ở sát Lạng Sơn, khi giải tỏa hàng viện trợ. Mẹ và Thảo hy sinh ở Khâm Thiên. Tôi ôm lấy Minh. Thằng bạn thân yêu từ lớp 1 và suốt cuộc đời ơi...

Tôi đưa tấm ảnh lên nhìn cho kỹ. Mắt tôi nhòa.

Thảo như còn sống. Đôi mắt em đen lay láy sống động như hôm em tiễn anh đi, giờ vẫn nhìn tôi. “Anh nhớ kỹ, hái rồi rửa sạch, cho tất cả vào nấu, ăn như canh, sau vài bữa sẽ ngủ sâu và nhẹ. Mất ngủ thì sao có sức khỏe mà chiến đâu với giặc Mỹ anh nhỉ…”. Như có ai đang đọc bên tai tôi đoạn thư vang lên trong hang đá năm ấy và vẫn thi thoảng nói bên tai cho tôi suốt cả đời hành quân. Tôi nhớ kỹ lá thư hôm nào.

Thảo ơi, em gái của anh, bây giờ hòa bình rồi, em đang phiêu du ở miền nảo miền nao. Tôi ứa nước mắt!

Chiến tranh thì làm gì có giấc ngủ sâu và nhẹ. Tự nhiên tôi nhớ tới những quả Lạc tiên trong bàn tay khum khum nhỏ bé của em, những búp tay thon dài đã hái rau cho mẹ, dọn cơm cho tôi và Minh; những búp tay ấy đã chơi đàn cho em và bạn bè người Hà Nội hát trong cuộc chiến cho người lính canh giữ bầu trời thủ đô. Những quả Lạc tiên nho nhỏ, giản dị, vàng như nắng thu, cả cái vị chua chua ngọt hậu.

Cuộc sống có ngọt hậu bao giờ? Khi nào, nếu chỉ có chiến tranh? Tôi tự hỏi!

Hôm sau tôi tra tài liệu thấy ghi: Hồi 22g45 ngày 26-12-1972... Cả một dãy phố Khâm Thiên phía chợ, hơn ba trăm người Hà Nội đã hy sinh.♦

                                                                                                                          Nước Đức - 2013 


LÁ THƯ BẠN ĐỌC

      Mừng Hồn Việt 150 số báo
              PHẠM VĂN THANH
 

                              Vị mặn từ máu, mồ hôi và nước mắt

                              Của cha ông của lịch sử ngàn đời,

                              Vẫn thao thức lời vàng cùng con cháu,

                              Để đất nước mình nhịp điệu mãi sinh sôi.

 

                              Mừng Hồn Việt tròn số một trăm năm mươi

                              Văn Sử bất phân, đa chiều, tích hợp.

                              Những người làm vườn đã miệt mài chưng cất,

                              Từ Vị mặn biển đời(*) thành trái ngọt thơm hương.
 

                              Bao nhiêu tự hào, bao nhiêu mến thương

                              Bao nhiêu niềm vui xin nhịp cùng Hồn Việt.

                              Và một ước ao: mặn nồng da diết

                              Những trang sách thơm đẹp mãi giữa cuộc đời.

                              Hải Phòng, ngày 7-7-2020


(*) Tên một tập thơ của GS-TS Tổng biên tập Mai Quốc Liên.
 

 

NGUYỄN VĂN THỌ