HV150 - Ông Đoàn Duy Thành (nguyên Phó thủ tướng) nói về Tố Hữu

* Xin ông cho biết cảm nghĩ về Tố Hữu dưới góc độ một nhà quản lý, nhà thơ và một người bạn.

- Ông ĐOÀN DUY THÀNH: 

Anh Tố Hữu đối với tôi là một bậc đàn anh, về tuổi đời lẫn tuổi cách mạng. Tuổi đời anh hơn tôi 9 tuổi. Anh tham gia cách mạng từ thập kỷ 30. Cho nên về lĩnh vực nào anh Tố Hữu cũng là bậc đàn anh của tôi. Nhưng sau này, về mặt công tác anh em gần gũi thân thiết nhau, vì vậy tôi rất quý trọng anh.


                                                                         Nhà thơ Tố Hữu (1920-2002)

Có thể nói, về toàn diện, anh là một người thông thái. Nói về thơ văn thì đó là lĩnh vực mà người ta nhớ đến nhà thơ Tố Hữu. Thơ của anh đầy cảm xúc về cách mạng, về chân lý làm người. Có những câu thơ đến nay tôi không thể nào quên và nhất là khi đương thời nhà văn, nhà viết báo, nhà viết kịch, nhà chính trị Trần Bạch Đằng mỗi khi gặp tôi bàn thơ văn đều nhắc đến anh Tố Hữu. Chúng tôi thường bàn với nhau về công tác chính trị, tư tưởng, văn hóa. Nói đến văn thơ là phải nói đến anh Tố Hữu, những câu thơ chúng tôi thích thú nhất và cho là tuyệt tác, trước đây có thể gọi là thần cú. Thời kỳ đó anh còn rất trẻ, đó là thời kỳ chiến tranh. Đó là thế chiến II những năm 1939 - 1945, giữa cuộc chiến tranh Trung - Nhật, đánh nhau tại Mãn Châu. Có một bài thơ anh nói về một người tướng thất trận vào mùa đông ở Mãn Châu, đó là bài thơ Ly rượu thọ. Và chúng tôi nhớ câu thơ hay nhất:

“Mã Chiếm Sơn buông cương và ngẫm nghĩ

Ngựa rung đầu hí lạnh giữa tàn quân”

Câu thơ nói về ông tướng thất trận thực thụ, tả con ngựa để nói hết cuộc chiến tranh, sự thất bại của ông tướng và khích lệ. Câu thơ “Ngựa rung đầu hí lạnh giữa tàn quân” là rất khó, khó có nhà thơ nào tả về con ngựa mà nói lên cả cuộc chiến tranh. Đấy là những câu thơ đến bây giờ chúng tôi nói chuyện vẫn nhớ. Về thơ cách mạng, bài thơ mà chúng tôi nhớ đến khi ở trong tù gặp khó khăn, nói về triết lý con người, nhất là triết lý con người làm cách mạng, đó là bài thơ Dậy mà đi:

“Dậy mà đi

Đừng tiếc nữa, can chi mà tiếc mãi?

Ai chiến thắng mà không hề chiến bại

Ai nên khôn mà chẳng dại đôi lần?”

Con người cần phải như thế, và như thế thì đừng ân hận khi sai. Tôi nghĩ, với hai bài thơ hoặc mấy câu thơ đó mà nhà văn Trần Bạch Đằng (tuy là nhà viết kịch, viết báo, nhà chính trị nhưng ông ấy cũng rất thích thơ) viết thư cho tôi bảo nói đến thơ là phải nhắc về anh Tố Hữu, một nhà thơ tuyệt vời ở Việt Nam. Tôi nói như thế vì anh Trần Bạch Đằng tuy đã qua đời rồi, nhưng là một con người rất thẳng thắn, một con người có trí tuệ. Ở bài thơ thứ hai, nhắc lại là khi ở trong tù, khi hoạt động, nhất là khi gặp những anh em cầu an, chúng tôi hay bảo nhau là đọc lại bài thơ của anh Tố Hữu đi:

“Ai chiến thắng mà không hề chiến bại

Ai nên khôn mà chẳng dại đôi lần?”

Ai mà khôn tất cả được, nhất là trong tù nó đánh như thế, sống kề với chết, thì anh phải là con người từng trải trong các nhà tù của đế quốc và thực dân Pháp, và kết tinh lại thành ra vấn đề triết lý của con người trong cuộc đời. Nên tôi phải nói thực sự là, trong hàng nghìn câu thơ, hai bài thơ này tôi và bạn tôi Trần Bạch Đằng rất thích lý tưởng của hai bài.

Còn về cuộc đời của anh, anh là người hết lòng vì dân vì nước. Vì tôi gặp anh trong bất kể giờ phút nào, bất kể lúc nào cũng chỉ bàn chuyện về việc đất nước, bàn về thơ nhưng cũng là thơ về đất nước. Thỉnh thoảng khi đang ngồi ăn cơm đôi khi nói một vài câu thơ cho anh ấy đọc, chứ đã nói là nói việc nước. Trong giai đoạn tôi làm việc với anh ấy, tôi thấy không bao giờ nói những chuyện gì ngoài mà chỉ lo việc người, việc nước, việc bạn bè và việc ngoài nước, trong nước như thế nào thôi. Tôi nghĩ rằng trong cuộc đời mà công việc là của đất nước, Đảng phân công anh trong lĩnh vực tuyên giáo là rất hay, hay về đường lối chính sách chung là rất hợp. Nhưng về cụ thể thì cần phải có nhiều thời gian. Bởi vì lĩnh vực văn thơ, tuyên giáo, tư tưởng, chính trị là mang thuyết tư duy trừu tượng tổng hợp, còn về kinh tế là tư duy cụ thể, muốn làm tốt dù có thông minh mấy cũng phải có thời gian. Không thể nào một sớm một chiều mà có thể giỏi ngay được. Huống chi là trong điều kiện Việt Nam rất khó khăn, trải qua hai cuộc chiến tranh chống Mỹ và chống Pháp 30 năm từ 1946 đến 1975, gian khổ, tất cả trí não vật lộn với cuộc sống tranh giành độc lập dân tộc với thực dân Pháp và đế quốc Mỹ vất vả lắm. Khi hòa bình lập lại, lại bị chiến tranh chống chủ nghĩa bá quyền ở biên giới phía Bắc và Tây Nam gian khổ như thế, trong thời gian 75 năm từ khi khởi nghĩa đến nay thì chúng ta mất đến 40 năm cho chiến tranh. Thế nên chúng ta mất trí tuệ vào đấy, nên thời gian học tập không có nhiều, học kinh tế không có nhiều.

Tôi nghĩ là có những người chịu khó học tập nhiều nhưng không thể học ngay mà hiểu được, mà phải hành động, vì kinh tế rất phức tạp. Hai là, giữa các hệ thống kinh tế có sự khác nhau. Giữa Liên Xô và phe xã hội chủ nghĩa, tư bản chủ nghĩa, nước Việt Nam chưa phát triển tư bản mà còn là thời kỳ nông nghiệp lạc hậu, phong kiến cho nên rất phức tạp. Trình độ kiến thức có hạn, hiểu biết không nhiều, thế mà được phân công vào vai trò đó, cho nên đến hôm nay tôi vẫn cứ nghĩ rằng việc đó là khách quan, người nào mà phân công vào việc đó cũng phải thấy. 

Tôi nhắc lại, người ta còn nhớ đến vấn đề giá - lương - tiền. Giá là do Nhà nước quyết định không phải do thị trường, thì quyết định thế nào. Lương thì rất thấp, rất nhỏ giọt. Theo mô hình XHCN do Liên Xô đứng đầu, chúng ta chỉ là một nước nhỏ, nông nghiệp lạc hậu, nghèo, có thể nói là cực nghèo. Đến tháng 2-1945 chúng ta là đất nước nông nghiệp mà chết đói 2 triệu người tức là 10% lúc bấy giờ. Ở trong hoàn cảnh như thế, 30 năm trực tiếp chiến tranh, 10 năm xen kẽ xây dựng, tổng cộng 40 năm thì làm sao cái đầu mình giỏi được.

Tôi là người từ nhỏ đến lớn làm rất nhiều việc, trong nhiều lĩnh vực, nên tôi hiểu. Từ anh Phó chủ nhiệm công ty, từ anh Bí thư Quận ủy đến khi ở tù về, về làm ở các Sở… thì nói chung là thấy khó khăn lắm. Thế nên câu chuyện giá - lương - tiền cũng nên được nói cho rõ, tại sao chúng ta bàn giá - lương - tiền trong khi rất khó khăn như thế, trong điều kiện kinh tế như thế, lạm phát trên 100%. Thế mà lại đổi tiền, ai đặt ra vấn đề đó. Đổi tiền một lần sau giải phóng miền Bắc và giải phóng miền Nam, cái thay đổi đó không có tác hại lớn gì, đồng tiền miền Nam thống nhất với miền Bắc. Còn đổi tiền theo cách đổi năm 1985 là cực kỳ khắc nghiệt và chúng ta không thể hiểu được tác hại như thế nào; trong khi mình lệ thuộc kinh tế vào phe XHCN, Liên Xô. Hằng năm Liên Xô viện trợ cho chúng ta khoảng gần 1 tỉ rúp tương đương gần 1 tỉ USD vào những năm 1983, 1984, 1985 là to như thế, trong hoàn cảnh Việt Nam mình như thế. Mình khó khăn, hằng năm mình phải đi sang Liên Xô đưa vật tư về sản xuất ra bán lấy tiền.

Đồng chí Chủ tịch Hội đồng Bộ trưởng Moldavia, một trong 15 nước cộng hòa của Liên bang Xô viết, và là cố vấn cho Việt Nam, đã đề xuất việc đổi tiền. Liên Xô in tiền ra cho mình. Vấn đề đổi tiền là vấn đề tuyệt mật. Tôi là Bí thư Thành ủy, Ủy viên Trung ương, mà chỉ được biết trước 24 tiếng đồng hồ. Cho nên Tố Hữu không có gì để trao đổi với tôi được. Nhưng tôi tinh ý và thấy sự chuẩn bị, tôi biết rằng sắp đổi tiền, song tôi không nói ra. Mà nghĩ cho cùng, biết cũng không tính được vì chỉ có ngồi vào bàn phân tích, hỏi ngay thì không thể nào tính được. Tôi nói điều này để những người không hiểu thông cảm cho những con người lúc đó, ngay cả Bộ Chính trị. Thế là sau khi đổi tiền thì sinh ra rất nhiều vấn đề rất phức tạp. Đổi tiền làm sụt giá đồng tiền cũ 10 lần và sau 3 tháng chúng ta lại đánh giá hàng lên 10 lần, thành ra đồng tiền mất giá 20 lần. Tôi nhớ một câu chuyện rất đau lòng. Đồng chí Nguyễn Thị Định - Ủy viên Trung ương, Chủ tịch Hội liên hiệp Phụ nữ Việt Nam và đồng chí Hoàng Thị Mai - Thường vụ, Phó chủ tịch Hải Phòng nói với tôi như thế này: “Anh Thành ạ! Tôi tiếc cả cuộc đời tôi chuẩn bị 2 triệu để về hưu rồi, mà đổi tiền từ 2 triệu còn 200 nghìn và 3 tháng sau giá hàng lại lên 10 lần, tôi còn có 20 nghìn”. Nói như thế là để thấy rằng việc đổi tiền tác hại như thế nào. Năm 1985, 1986, 1987, 1988 lạm phát lên 784%. Thế thì cả nước người ta thấy bị tước đoạt chứ còn gì nữa, ai mà chẳng oán hận, nhất là người dân. Mình phải nói rằng Đảng mình, nhà nước mình, với lòng tin về Bác Hồ, tất cả vì dân mà làm. Quả thật là lúc đó dân mình nghèo, không có nhiều tiền, chứ nếu như bây giờ thì chắc là kinh khủng lắm. Tôi nói ra điều đó để thấy việc đó là một việc rất khó. Sau khi xảy ra như thế rồi thì Trung ương kiểm điểm, khi đó tập trung vào anh Tố Hữu vì anh phụ trách chung thay thủ tướng giải quyết vấn đề kinh tế, và người trực tiếp phụ trách khối lưu thông phân phối tiền ngân hàng là đồng chí Trần Phương - Phó thủ tướng, Ủy viên Trung ương, vậy là quy tụ vào hai người. Sau sự việc xảy ra, tôi mới hỏi anh Tố Hữu việc này anh thấy thế nào mà anh lại nghe theo. Thì anh ấy nói rằng người ta cho mình một năm gần 1 tỉ đô la, mà bằng vật tư để sản xuất và sống nhờ nó, người ta bảo phân cho kinh tế tư nhân thì sẽ loạn, thị trường lung tung mất rồi. Và bàn đi bàn lại anh em đều như thế, vì chúng ta đã làm kinh tế thị trường đâu, thành ra không có gắn liền với thực tế. Không hiểu được và cũng không biết rằng nó hay hay không hay, chỉ biết rằng đổi lấy như thế nó kiềm hãm sự phát triển của tư bản chủ nghĩa đi. Từ lập trường như thế, tiềm năng nhờ họ, sống nhờ họ thì không nghe họ còn nghe ai? Cho nên có một điều, lúc đó Trung ương các đồng chí lãnh đạo không dám đứng ra nhận, nên tôi có cảm thấy hơi buồn. Cuối cùng hai người không phải đưa ra kỷ luật nhưng cuối kỳ Đại hội VI không bầu hai ông. Nói cho cùng đây là việc rất khó, nếu ai vào thì cũng bị chứ không riêng hai vị này mà anh Tố Hữu bị mang tiếng nhiều nhất. Khi tôi làm Phó chủ tịch Hội đồng Bộ trưởng, kiểm tra vào kho bạc chỉ có hơn 1 triệu đô la tiền mặt, trong khi đó người ta cho gần 1 tỉ đô la mà sống, như thế thì không nghe cũng không được. Nói như thế để các đồng chí thông tin đến mọi người để cùng hiểu tình hình lúc đó và hiểu rằng ai vào cuộc cũng đều bị như thế. Đáng lẽ chúng ta không nên để một vài cá nhân bị thiệt thòi như thế.

Về giá - lương - tiền là như vậy. Những vấn đề khác về kinh tế thì tôi với anh hay trao đổi, vì anh hay kể cho tôi nghe. Mình ở trong một nước nghèo, chưa qua phát triển tư bản chủ nghĩa, việc học hành có hạn, thâm nhập vào phe xã hội chủ nghĩa trẻ, phe Liên Xô, cho nên không được cái nhìn rộng ra bên ngoài thì việc đó cũng là đương nhiên, nhưng có những việc sau khi tôi và anh ngồi trao đổi lại thì họ cũng thấy là không đúng. Tôi nói như thế để cho thấy rằng anh em không phải người ta xấu mà do người ta chưa hiểu, mình được như hôm nay cũng đã trải qua sai lầm rất nhiều. Nếu không có Bác Hồ, không có tư duy lý luận, không có một tư tưởng lý luận Hồ Chí Minh để uốn nắn lại thì không có hôm nay. Chúng ta phải thật khiêm tốn, phải học hành và phải sáng tạo.


Bác Hồ cùng với nhà thơ Tố Hữu về thăm Pác Bó năm 1961

Năm nay là 100 năm năm sinh Tố Hữu, tôi nghĩ rằng anh đã cống hiến cho đời, cho đất nước về lĩnh vực tư tưởng, giáo dục, thơ ca và công việc cách mạng. Đọc thơ Tố Hữu là người ta thấy tinh thần hưng phấn lên để chiến đấu.

“Rét Thái Nguyên rét về Yên Thế

Gió qua rừng Đèo Khế gió sang”

Đấy là những câu thơ đi vào lòng người trong cuộc chiến tranh 1946-1947.

Riêng với Hải Phòng, anh rất tâm huyết với nhiều việc. Anh đã có bài thơ Mừng Hải Phòng. Anh làm mấy câu đầu:“Bốn cống, ba cầu, năm cửa ô!/ Đào kênh, lấn biển, dựng cơ đồ” vì anh rất chú ý đến cơ sở hạ tầng; ta đã lấn biển được 14 nghìn hécta, nhiều hơn cụ Nguyễn Công Trứ. “Làm ăn hai chữ, à ra thế…” là câu kết lại. Sau đó Hải Phòng phát động mọi người làm câu thơ thứ 4. Trong 5 tháng, cả nước đã hưởng ứng làm hơn 7.000 câu thơ, trong đó có 10 câu hay nhất, tôi chỉ nhớ một câu của Đống Ngạc - trợ lý Tổng bí thư Lê Duẩn - là “Nghĩa Đảng, lòng dân, ý Bác Hồ”. Theo tôi đó là câu hay nhất, nhưng anh nói là 10 câu đều hay cả và anh làm thêm một câu: “Chèo chống ngàn tay một tiếng hô”. Ý là cả phong trào chỉ có một người chỉ huy, một người hô là hàng ngàn người làm theo. Sau này anh làm thêm 8 câu thơ nữa, tổng cộng là 12 câu. Bài thơ thể hiện tấm lòng anh đối với đất nước và Hải Phòng.

Bốn cống, ba cầu, năm cửa ô!

Đào kênh, lấn biển, dựng cơ đồ

Làm ăn hai chữ, à ra thế…

Chèo chống ngàn tay một tiếng hô.
 

Nhộn nhịp Sáu Kho vui bến cảng

Khang trang Tam Bạc rộn Thành Tô

Giá còn nữ tướng Lê Chân nhỉ

Ắt cũng khen con cháu Bác Hồ.
 

Triều dâng, sóng dậy, đời ca hát

Gió tự Đồ Sơn mát... thủ đô

Tám nghề, bảy chữ đừng tham nhé

Chín chắn mười mươi cũng chớ phô!

Hai câu cuối cùng “Tám nghề, bảy chữ đừng tham nhé/ Chín chắn mười mươi cũng chớ phô!” là để nhắc nhở phải khiêm tốn. Ấy thế mà lúc đó cũng có một số người xem đoạn ấy là như thế này: “Có cầu, có cống, phải có ô” [cười to]; thấy không, cái gì người ta cũng có thể bẻ ý, cái gì cũng có mặt trái của nó. Huân chương cũng có mặt trái của nó nữa là. “Có cầu, có cống, phải có ô”, ô là ô dù. Nói như thế để thấy rằng, xã hội con người rất phong phú và có nhiều mặt, mỗi con người ai mà có thể hoàn thiện được, tôi nghĩ anh Tố Hữu là con người hoàn thiện về tấm lòng. Tình cảm của anh đối với Hải Phòng của tôi là rất nhiều, những tâm sự của anh rất nhiều. Anh gọi tôi “Tối nay anh Thành nhá, chuẩn bị cơm 10 giờ, tối nay anh em mình đón giao thừa ở Hải Phòng rồi mình mới về Hà Nội”. Thế là anh em tôi ăn cơm cùng với nhiều người, cho đến đúng 12 giờ bay từ Hải Phòng ra Hà Nội, hôm ấy anh đọc cho tôi nghe “Đêm cuối năm. Riêng một ngọn đèn”, tôi rất lấy làm quý bài thơ ấy. Bài thơ ấy anh đã xác định là phức tạp lắm rồi. “Dở hay, khôn dại những chê khen” tức là có đủ cả, nhưng đấy là anh rất lắng nghe, có phải không. Anh ấy là nhà thơ mà, nói chuyện có chút gì đó trừu tượng nên có người thích, cũng có người không thích. Thế nhưng cái tấm lòng, tôi ở cùng anh mấy chục năm, tôi thấy đến mãi sau này, đến khi anh ấy mất, vẫn mãi là anh em; tôi rất hay đến thăm anh, cả những dịp tết. Lúc đó cũng hay tâm sự với anh, anh hay đọc tôi nghe những bài thơ. Nhiều bài thơ tôi thấy rất hay, nhưng hay bảo “độ này anh có tâm tư”. Đối với anh Tố Hữu, tôi nghĩ anh ấy là một người trong sáng, hết lòng vì dân vì nước, trí tuệ thông minh, nhưng mà phân công không hợp lý. Nhưng dù có phân công hợp lý cũng không thể tránh khỏi, mà là dù ông có giỏi mấy ông cũng “chết”. Đồng chí Trần Phương của chúng ta tuy không làm cụ thể nhiều nhưng ông ấy cũng là người làm về kinh tế từ sớm, kinh nghiệm cũng nhiều, có học thức và trí tuệ thông minh; nhưng tôi nói thật sự, đặt trong hoàn cảnh điều kiện như thế và nếu nói khác đi chỉ sau khi Liên Xô và phe XHCN sụp đổ thì người ta mới thấy rằng cách làm là sai, chứ còn lúc trước cũng chưa ai dám kết luận đó là sai. Tôi là người phản biện với đồng chí Liên Xô 4 vấn đề rất nhiều lần và trước khi đồng chí về còn nói là “Tôi còn nợ đồng chí 4 vấn đề”. Sau đó vài ba tháng Liên Xô sụp đổ và đến đấy là kết thúc.

* Ông có kể về bài thơ Đêm cuối năm , ông có thể bình luận thêm về bài thơ ấy?

- Tôi nghĩ là tâm tư vào đêm cuối năm “Dở hay, khôn dại những chê khen”, tức câu đó là anh Tố Hữu đã thấy rằng mình có những cái thiếu sót, có những cái hay, cái dở và anh ấy để cho người ta chê khen thoải mái, chứ không phải tự nhiên mà thấy mình có những cái chưa được. Tôi thấy bài ấy có nhiều cái khiêm tốn và rất hay. Tôi có nói vui với anh, anh làm thơ hay, anh viết bài thơ này là người ta phục anh, nhưng có một số cũng xuyên tạc anh, là vì anh là thơ giấy. Tôi coi bài ấy là bài rất sâu sắc về con người anh Tố Hữu vì nói lên cái tâm tư tình cảm đối với dân với nước. Hôm đó anh rất phấn khởi chứ không bi quan gì. Mọi người nói chuyện đến khuya, rất đông khoảng 20 người, anh đọc toàn văn bài thơ cho tất cả mọi người nghe. Và hôm đó tôi có nói là bài thơ anh rất là hay, thể hiện được tấm lòng của anh, tấm lòng trung thực đối với dân với nước, chứ không có giấu giếm gì cả.

Hằng năm, về sau này khi tôi còn làm Chủ tịch Phòng Thương mại, Tết nào tôi cũng đều mời các anh Bộ Chính trị, Bí thư về hưu để họp mặt. Hôm đấy có rất đông, anh Tố Hữu mới nói với chị Thanh (chị Thanh là một bà vợ tuyệt vời, sau này khi anh thất sủng, chị vẫn rất chu đáo): “Bà Thanh ơi, tìm vợ thì dễ, tìm người tri kỷ thì khó lắm, ông Thành là người tri kỷ của tôi”. Lúc ấy có rất đông người. Thấy thế tôi mới nói với anh là tôi không dám làm tri kỷ đâu, tôi chỉ là học trò của anh thôi. Riêng về mặt trung thành với nước với dân là có, anh ở tù là tôi cũng ở tù, tra tấn cực kỳ, không ở tù không biết, không bị tra tấn không biết, tôi còn bị gãy xương sườn số 9, bị thương 3/4. Đánh nhau thì tôi cũng đánh nhau trực tiếp nhưng mà không bị thương. Nói như thế để thấy rằng gian khổ lắm, một con người đã từng trải qua hy sinh như thế. Và về sau này, anh ấy nói với tôi nhiều tâm tư. Không bao giờ anh ấy nghĩ đến vị trí, chức danh, chưa bao giờ thấy anh ấy nói hai cái chuyện đó, chỉ nói việc nước. Con người anh Tố Hữu là vậy: trung thành với nước với dân và hết lòng với mọi người.♦


Lại nhớ mùa thu 


Ảnh minh họa

DƯƠNG LINH

Em biết chăng mùa thu

Mùa của Thương và Nhớ

Mùa của Trăng và Gió

Mùa của Nhạc và Thơ

Thương một cánh chim trời

Nhớ miền quê xa khơi

Gió đưa hương đồng nội

Trăng vàng lên chơi vơi

Nhạc ai chiều gác vắng

Từng tiếng buông lả lơi

Thơ ai tình giấu kín

Trăm ý chẳng nên lời

Ơi mùa thu, mùa thu…

Một mùa ngắn nhất

Mùa ta chưa kịp nhớ đã qua rồi

Nhưng chẳng có mùa thu trên trái đất

Chắc gì em nhặt cánh thơ rơi!

Đầu thu Canh Tý 2020
 

 

 

HỒNG MINH (ghi)