Gởi các anh
Việc nước xưa nay có bại thành,
Miễn sao giữ trọn được thanh danh.
Phục thù chí lớn không hề nản,
Ngọc nát còn hơn giữ ngói lành.
Thân dẫu lao tù lâm cảnh hiểm,
Chí còn theo đuổi mộng tung hoành.
Hỡi bạn gần xa hăng chiến đấu,
Trước sau xin giữ tấm lòng thành(*).
HOÀNG VĂN THỤ
Hoàng Văn Thụ (1909-1944), Bí thư Xứ ủy Bắc Kỳ, Ủy viên Ban Thường vụ Trung ương Đảng Cộng sản Đông Dương, là một nhà yêu nước kiên trung, bất khuất. Khi bị địch bắt, trước kẻ thù ông để lại câu nói được lưu truyền mãi: “Giữa chúng tôi, những người mất nước và các ông, những kẻ cướp nước, sự hy sinh của những người như chúng tôi là lẽ tất nhiên. Chỉ biết rằng, cuối cùng chúng tôi sẽ thắng”. Trước khi rời nhà lao, ra pháp trường, ông để lại bài thơ. Đó là một kiệt tác của một tâm hồn chiến sĩ. Từng câu, từng chữ thấm đượm chí khí chiến đấu, quyết hy sinh cho sự nghiệp cứu nước. Có những câu danh cú, được đời sau truyền tụng: “Ngọc nát còn hơn giữ ngói lành”.
Anh Hoàng Văn Thụ, đời anh là một viên ngọc quý của đời. Tiếc thay, anh mất quá sớm (35 tuổi). Nếu không, sau Cách mạng tháng Tám, hẳn anh sẽ được bên cạnh Hồ Chủ tịch
cống hiến lớn lao cho sự nghiệp vĩ đại của toàn dân tộc.
Bài thơ của đồng chí Hoàng Văn Thụ, một nhà Hán học dân tộc Tày, thể hiện ý niệm coi cái chết nhẹ như lông hồng của truyền thống phương Đông, làm tôi liên tưởng đến bài thơ Tạm biệt của Jindrich Vichara, liệt sĩ cách mạng Tiệp Khắc, viết trước khi lên máy chém:
Bạn ơi! Dù đầu ta rơi mất,
Ta sẽ nâng trái đất trên vai,
Từ đôi mắt mẹ khóc hoài
Sẽ đưa trái đất ra ngoài lệ đau.
…
Ta sẽ bước qua bao thây ngã
Sợi chỉ hồng xiên cả đường xa
Chém đi, bay cứ chém ta
Sức ta chẳng kém hôm qua chút nào!
…
Phí hoài đâu những hy sinh
Bạn ơi, tạm biệt! Chết là việc mới cho mình đó thôi.
(TỐ HỮU dịch)
Tứ thơ cao diệu, lạ kỳ, lớn lao của người chiến sĩ, thấm đẫm tình cảm đối với mẹ, bạn bè, đồng chí, chạm vào tim người đọc như một vệt sáng linh diệu.
Biết bao cái chết, biết bao sự hy sinh, nhưng như Hoàng Văn Thụ quan niệm, đó là lẽ cố nhiên trong cuộc đấu tranh sinh tử. Chúng ta cúi đầu trước tất cả sự hy sinh cao thượng đó.♦
(*) Nguồn: Thơ viết trong nhà tù Hỏa Lò (1899 - 1954), NXB Văn hóa Dân tộc, 2006.