Mời các bạn thử nghe ý kiến sau đây của một học giả người Nga, ông Dmitry Mosyakov, Giám đốc Trung tâm nghiên cứu ASEAN, Australia và châu Đại Dương thuộc Viện Đông phương học - Viện Hàn lâm khoa học Nga. Chúng ta biết Nga đang liên minh với Trung Quốc, chống lại sự bao vây cấm vận của Mỹ và EU, nên nhiều khi phải nhảy theo điệu “ương ca” của Trung Quốc. Nhưng ông vẫn rất khách quan. Ông viết:
“Tình hình biển Đông đang trở nên rất nguy hiểm, vì bất cứ hành động nào cũng có thể dẫn đến bờ vực xung đột vũ trang. Hơn nữa, Mỹ cũng cho thấy rõ họ không có ý định rời khỏi khu vực này. Bây giờ, ở vùng biển xung quanh các đảo nhân tạo xuất hiện không chỉ các tàu khu trục, mà một đội gồm 3-4 tàu Hải quân Mỹ”.
Ông ủng hộ giải pháp hòa bình cho vấn đề của Việt Nam: “Trong bối cảnh này, chính sách của Việt Nam với tư cách Chủ tịch luân phiên ASEAN là đặc biệt quan trọng. Tôi muốn nhấn mạnh rằng chính sách đối ngoại của Việt Nam xử lý tương đối công bằng quan hệ các đối tác. Việt Nam sở hữu lực lượng hải quân rất mạnh không chỉ theo tiêu chuẩn của Đông Nam Á: 6 tàu đa năng, một loạt tàu hộ tống và tàu khu trục, lực lượng phòng thủ bờ biển, lực lượng không quân hiện đại, và các lực lượng này không ngừng xây dựng và phát triển”.

Nhóm tác chiến tàu sân bay USS Ronald Reagan và USS Nimitz diễn tập trên biển Đông ngày 6-7-2020
Theo ông, tất nhiên lực lượng của Việt Nam không sánh được với Trung Quốc, nhưng không nghi ngờ gì rằng Việt Nam có đủ sức chịu đựng mọi thử thách trong vấn đề biển Đông. Nhưng Hà Nội chính thức tuyên bố muốn giải quyết tranh chấp ở biển Đông bằng biện pháp hòa bình thông qua các cuộc đàm phán và thương lượng. Hội nghị cấp cao ASEAN vừa qua là một tiếng nói mạnh mẽ và mới mẻ, thông qua tuyên bố của Chủ tịch ASEAN rằng mọi vấn đề phải được giải quyết hòa bình trên cơ sở luật pháp quốc tế. Tức là Luật biển 1982. Đồng thời, phải tôn trọng những thỏa thuận đã đạt được, không làm phức tạp thêm tình hình, tiến tới COC thực chất, hiệu quả.
Ai đã làm phức tạp thêm tình hình? Ai cũng biết đó chính là Trung Quốc. Giữa lúc “thiên hạ đại loạn” vì dịch COVID-19, thì họ đưa tàu chiến, tàu hải cảng, tàu thăm dò… đến biển Đông, đến tận bãi Tư Chính của ta, nhằm ngăn chặn Việt Nam và các nước khai thác dầu khí. Lần này, không những chỉ Việt Nam lên án mạnh mẽ mà Malaysia, Philippines, Indonesia - dưới những cách khác nhau, cũng lên án Trung Quốc, chỉ ra cái phi lý của “đường 9 đoạn” mà Trung Quốc vẽ ra để làm cái cớ tranh chấp. Chuyện này chúng ta đã nói nhiều. Đến nỗi, Trung Quốc cũng cảm thấy nó “lố bịch” như chữ dùng của một tờ báo Malaysia, nên lại đổi công thức, từ “9 đoạn” qua “Tam Sa” - rượu mới, bình cũ. Cái chính là dầu, là cá, là vị trí chiến lược của biển Đông.
Ngày 12-7, Philippines một lần nữa kêu gọi Trung Quốc tuân thủ phán quyết của Tòa trọng tài quốc tế La Hay (PCA), trong đó vô hiệu hóa những yêu sách phi lý của Trung Quốc tại biển Đông dựa trên các căn cứ lịch sử mà không có bất kỳ khả năng thỏa hiệp nào. Đây là một phán quyết cực kỳ quan trọng. ASEAN nên tập trung vào việc đòi Trung Quốc thi hành phán quyết này. Chỉ có như vậy mới giải quyết được tranh chấp.
Mỹ không có lý gì để Trung Quốc lấn lướt trước một vấn đề lớn, nghiêm trọng như vậy. Mỹ đã nhiều lần điều động tàu chiến, hàng không mẫu hạm, đến biển Đông để răn đe Trung Quốc tham vọng và bắt nạt các nước ở Đông Nam Á. Trung Quốc ngoài mặt thì cho rằng tàu chiến Mỹ là “con hổ giấy” - vẫn là cái giọng A.Q, “phép thắng lợi tinh thần”. Nhưng thực chất thì gần đây, trước những đòn dồn dập từ mọi hướng của Mỹ, Trung Quốc đã dịu giọng. Họ cũng cảm thấy là “khó nuốt” trước cả thế giới, không chỉ Mỹ mà cả EU (họp với Trung Quốc nhưng không ra được Tuyên bố chung), cả Australia (càng ngày càng thẳng thừng với Trung Quốc), còn Ấn Độ (mới đây xung đột biên giới với Trung Quốc), với Nhật (tàu Trung Quốc vẫn xâm phạm các đảo Senkaku…). Theo lẽ thường, các nước oán hận Trung Quốc đã khơi mầm đại dịch (họ cho rằng Trung Quốc và cả WHO đã không cảnh báo sớm và đúng, để cho đại dịch làm hơn 14,6 triệu người nhiễm và còn đang bùng phát, hơn 600 ngàn người tử vong, kinh tế khốn đốn, năm nay phát triển âm từ 5%-8% là ít), Trung Quốc bị nhìn như một nước không thể thân thiện, mặc dù ai cũng ngán cái thị trường, cái công xưởng thế giới 1,4 tỉ dân.
Chúng ta là nước láng giềng của Trung Quốc, chúng ta không mong gì hơn là hòa bình, hữu nghị. Nếu Trung Quốc duy trì đạo lý, “đạo lý sớm nghe, chiều chết cam lòng” (Khổng Tử), thì Việt Nam sẵn lòng xây dựng, hữu hảo với Trung Quốc - có gì láng giềng, anh em lại không giải quyết được. Còn như ỷ mạnh hiếp yếu, thì 14 cuộc xâm lăng trong lịch sử, không cuộc nào khuất phục được Việt Nam!
Nay đã là xã hội chủ nghĩa, dù là mang đặc sắc Trung Hoa, thì càng cần “đạo lý”. Một dân tộc xâm lấn, ức hiếp dân tộc khác, dân tộc đó mất tự do! “Của phi nghĩa có bao giờ được chầy” (Nguyễn Trãi). Cho nên “giấc mộng Trung Hoa” không nên chập chờn sóng biển Đông của các dân tộc khác!
Ngoại trưởng Mỹ M. Pompeo vừa có một tuyên bố dứt khoát, cứng rắn về vấn đề biển Đông mà dư luận báo chí thế giới đang bàn luận râm ran. Tuyên bố này, nói rõ những yêu sách của Trung Quốc ở biển Đông đều là phi pháp, Luật biển 1982, kết án của Tòa trọng tài quốc tế đã khẳng định điều đó, nhưng Trung Quốc ỷ mình là nước lớn, muốn tự mình làm luật để độc chiếm biển Đông, để biển Đông trở thành “đế chế hàng hải”, thành cái “ao nhà” của Trung Quốc.
Trung Quôc dĩ nhiên là phản ứng gay gắt. Họ lập luận rằng tình hình biển Đông đang ổn và ngày càng ổn do đối thoại Trung Quốc và ASEAN, đang tiến tới COC. Nhưng có trời biết là COC sẽ ra sao theo ý đồ của Trung Quốc: trước hết, Trung Quốc muốn hất cẳng Mỹ ra ngoài, cho là Mỹ “không có phần”, không có tranh chấp gì ở đấy! Giữa Trung Quốc và Mỹ đang căng thẳng toàn diện, từ vấn đề Hồng Kông, vấn đề Đài Loan, vấn đề biển Đông, vấn đề thương mại, công nghệ… Việt Nam ta, qua lời tuyên bố của người phát ngôn Bộ Ngoại giao, hoan nghênh tất cả các nước có những tuyên bố tích cực về vấn đề biển Đông. Chúng ta chỉ muốn bảo vệ cái phần mà chúng ta vốn có, và hòa bình, thương thảo trên luật pháp. Có vậy thôi.
Việt Nam cơ bản khống chế được đại dịch COVID-19, nơi bình yên cả thế giới hướng về, đang dấn bước phục hồi kinh tế. 30,8 triệu người dân bị ảnh hưởng bởi đại dịch. Mất việc làm cũng có, thu nhập kém đi cũng có… nhưng trong khó khăn, cả nước đùm bọc nhau, không để ai đói, ai rét, dần dà chờ đợi thế giới phục hồi, buôn bán xuất khẩu trở lại. Chứ bây giờ là bị ảnh hưởng bởi sự đứt gãy toàn cầu. Nhưng trên dưới quyết tâm, đồng lòng, đã chống được dịch, thì nay sẽ thắng lợi trong làm ăn
| | | | | | | | | |
Text-to-speech function is limited to 200 characters