Chiều 30 Tết Mậu Thân 1968, tôi trở về Sài Gòn bằng xe Honda trên đường số 1. Tối, xuống đến xã An Tịnh thuộc huyện Trảng Bàng thì xe tăng quân đội Mỹ đã dàn ngang đường và kiểm soát người qua lại. Sau lời chúc xã giao đầu năm mới bằng tiếng Mỹ, tôi hỏi chúng tại sao dàn quân trên đường như vậy thì chúng nói đêm qua ngoài miền Trung, Việt Cộng nổ súng đánh lớn vào các thành phố, thị xã nên trong này có lệnh báo động.
Về đến Sài Gòn, đi phổ biến xong cho các thành viên trong Cụm tình báo để ai vào việc nấy thì đã 11 giờ đêm. Chợp mắt được một lúc, hơn 2 giờ khuya, đã nghe tiếng súng tấn công nổ đều tại các mục tiêu trọng yếu như: Tòa Đại sứ Mỹ, Dinh Độc Lập, Bộ Tư lệnh Hải quân, Đài phát thanh Sài Gòn, Bộ Tư lệnh Biệt khu Thủ đô, Bộ Tổng tham mưu ngụy…
Tôi đang ở trong căn nhà số 136B đường Gia Long (nay là đường Lý Tự Trọng, quận 1, thành phố Hồ Chí Minh). Đó là nhà của cô Nguyễn Thị Yên Thảo, một điệp viên của Cụm tình báo H.63, nhà chỉ cách mục tiêu Dinh Độc Lập khoảng 200m.
Tiểu đội quân biệt động do anh Tô Hoài Thanh chỉ huy đánh vào cửa bên hông Dinh Độc Lập tại rìa đường Nguyễn Du. Nổ súng lúc 2 giờ khuya, tiểu đội biệt động không vào được bên trong dinh và bị đánh bật ra đường. Tại góc đường Nguyễn Du - Thủ Khoa Huân có cái nhà lầu 5 tầng đang xây dở dang, anh chị em vào bám trụ trong đó để chống trả các đợt tấn công của địch.
Anh chị em chiến đấu rất dũng cảm, dùng tiểu liên AK, lựu đạn đẩy lùi nhiều đợt xung phong của lính ngụy có máy bay yểm trợ. Qua một đêm, sang ngày hôm sau, địch tăng cường đến những đội đặc nhiệm lính Mỹ, lính Nam Triều Tiên. Máy bay trực thăng võ trang bắn hỏa tiễn thẳng vào tòa nhà, máy bay tâm lý chiến phát loa gọi hàng, kết hợp nhiều đợt xung phong, anh chị em vẫn không nao núng, nhưng qua tiếng nổ rời rạc từng quả lựu đạn, từng phát một tiểu liên AK, tôi phán đoán đạn dược và cả sức lực đơn vị bạn đã cạn dần.
Từ cửa sổ nhà cô Tám Thảo được hé mở, tôi quan sát trận địa, rất thông cảm cho tình thế nguy ngập của đơn vị biệt động. Theo kế hoạch tôi được biết thì các cánh quân biệt động của ta đồng loạt nổ súng lúc khuya thì đến sáng các đơn vị chủ lực của ta sẽ vào thành phố. Kế hoạch là như vậy nhưng các sư đoàn chủ lực của ta chỉ đánh được ở vòng ngoài, không xuyên thủng được các vành đai phòng thủ Sài Gòn của Mỹ - ngụy. Do đó mà các đơn vị biệt động của ta dù đã hoàn thành nhiệm vụ trên giao là làm rối loạn chỉ huy địch, kéo dài trận đánh đến sáng, nhưng không có quân tiếp viện, thời gian càng kéo dài, các đơn vị biệt động đặc công tinh nhuệ của ta đều bị lâm vào tình thế nguy hiểm là chiến đấu đến viên đạn cuối cùng. Tôi phán đoán anh chị em trong nhà lầu 5 tầng kia cố gắng cầm cự đến đêm sẽ tìm đường rút.
Vị trí sở chỉ huy của giặc được đặt đối diện với tòa nhà xây dở dang, nơi anh chị em mình cố thủ, chỉ cách một con đường Thủ Khoa Huân. Từ đó, bọn chỉ huy Mỹ và Nam Triều Tiên đang hò hét chỉ huy từng đợt xung phong băng qua đường để tiến vào tòa nhà. Từ trên lầu, gạch đá được ném tới tấp vào đội hình bọn lính làm chúng cũng phải chùn bước. Tôi nghĩ: Đã phải dùng tới gạch đá thì đạn dược cạn kiệt rồi. Phải cứu anh chị em, kéo thêm thời gian, trời sắp tối, đó là thời cơ để rút. Vị trí sở chỉ huy của chúng nó được đặt trên sân thượng một nhà lầu ở góc đường ngang với cửa sổ đang hé mở là nơi mà tôi và Tám Thảo đang ngồi để nhìn qua trận địa, chỉ cách nhau trên dưới 50m, là trong tầm bắn của súng ngắn K.54. Thương anh chị em biệt động quá, không đắn đo gì nữa, tôi đưa súng lên theo yếu lĩnh bắn nhanh mỗi giây một viên đã tập nhiều năm ngoài miền Bắc và đã được công nhận là xạ thủ súng ngắn cấp quốc gia, tôi nhắm vào 2 cái đầu gần kề nhau của 2 thằng chỉ huy nổ 2 viên. Sau đó, khép nhẹ cửa sổ lại, cầm 2 khẩu súng đem giấu.
Cần nói thêm đôi nét về cô Tám Thảo và gia đình: Ông cụ, bà cụ là người xã Nội Duệ (Bắc Ninh) vào miền Nam làm ăn từ trước Cách mạng tháng Tám 1945. Nhà cửa ở dưới Cà Mau, cách mạng nổ ra, ông cụ có tham gia ban lãnh đạo chánh quyền xã, cô Tám Thảo tham gia công tác phụ nữ được kết nạp vào Đảng Cộng sản năm 1953. Giặc Pháp càn quét, truy lùng ráo riết, cả gia đình dời về Sài Gòn sinh sống và tạo được căn nhà 136B đường Gia Long.
Ông bà có 8 người con: anh cả Lễ thoát ly kháng chiến, cán bộ Công đoàn; anh Hồng, bác sĩ Quân y tập kết ra miền Bắc. Cùng ra miền Bắc học tập, công tác còn có chị Nghĩa, anh Nhân. Ở nhà cùng với ông bà có 4 cô gái: cô Tám Thảo, cô Chín Chi, cô Lan đều công tác cho Cụm tình báo H.63 (đầu năm 1964 cô Chín Chi thoát ly đi vào chiến khu phụ trách công tác trinh sát kỹ thuật của Phòng Quân báo Miền), cô Huệ đi học và phụ việc với gia đình. Tại nhà còn có 2 cháu trai nhỏ tuổi, mỗi ngày cắp sách đến trường: một đứa là con anh cả Lễ, một đứa là con anh Hồng. Nói chung là một gia đình rất tốt đối với cách mạng, lại có sạp vải Tân Mỹ trong chợ Bến Thành rất thuận tiện cho việc liên lạc, giao nhận tài liệu, thư từ. Cô Tám Thảo là một thiếu nữ đẹp lại giỏi tiếng Anh nên được tổ chức đưa vào làm thư ký riêng cho tên thiếu tá tình báo Mỹ, cố vấn tình báo cho Bộ Tư lệnh Hải quân Việt Nam Cộng hòa. Cô được thiếu tá Mỹ ưu ái, ra vào nơi làm việc không bị xét hỏi nên thường lấy được những tài liệu quan trọng đem về cho Cụm trưởng để báo cáo về cấp trên. Năm 1966, tôi vào ở luôn trong Sài Gòn để kịp thời giải quyết công việc, thì mỗi sáng tôi chở cô đến sở làm bằng Honda, sau đó tôi quay về nơi làm việc của tôi là Phòng kế toán tư tại lầu 1 thương xá Tax ở đường Nguyễn Huệ, được viết tắt là OCOGES (Office de Comptabilité et de Gestion). Vào Sài Gòn mà không có việc làm để che mắt địch thì dễ bị lộ.

Cô Tám Thảo thời trẻ
Tối hôm đó anh chị em biệt động lần theo các mái nhà lân cận rút đi. Sau này tôi được biết cả đội 15 người chỉ còn 7 người, 6 nam 1 nữ, tất cả đều bị thương và kiệt sức không đi nhanh và đi xa được nên đã bị địch bắt lại. Và cũng tối hôm đó, giặc bố trí canh gác chặt chẽ khu nhà liền kề chỗ tôi ở, canh gác cả trên mái ngói. Tôi ngồi im trong nơi ẩn nấp. Ông cụ gõ mõ tụng kinh một lúc, gần nửa đêm ông lần mò vào chỗ tôi trốn đem cho tôi bánh in, hồng khô, trái vải khô, nước uống, cảm động nhất là ông phải bò vào mà mang cho tôi một cái bô và giấy vệ sinh. Ông kề tai tôi bảo: “Con cứ trốn trên này, đừng xuống, giặc đang rình khu nhà mình dữ lắm”.
Rất cám ơn tấm lòng người dân yêu nước, dám sẵn sàng hy sinh tính mạng, tài sản để che giấu cán bộ. Đêm nào tôi cũng ngủ chung trên bộ ván với ông, có đêm ông tâm sự: “Tài sản của ba hiện nay, không tính sạp vải ngoài chợ, ba gởi ngân hàng 36 triệu đồng (vàng lúc đó 3 ngàn đồng/ lượng - vị chi là 12.000 lượng vàng). Ba biết nếu chúng nó bắt con trong nhà này thì tất cả tiêu tan hết, cả mấy đứa cháu đều không đi học được nữa, nhưng ba thương cách mạng, ba thương con, con cứ yên tâm mà làm việc, đừng lo lắng gì cả…”. Có hôm ông còn nói: “Bữa nào rảnh con tập cho mấy em biết đi xe gắn máy để có thể phụ giúp con trong công việc”.
Tôi nhớ mãi lời nói của ông cụ trong đêm ấy. Đủ biết tấm lòng của người dân thành phố đối với cách mạng như thế nào.
*
Tối mùng 2, đơn vị biệt động rút đi, sáng mùng 3 trận địa gần Dinh Độc Lập im tiếng súng, bọn giặc bắt đầu lùng sục xung quanh. Một trung đội cảnh sát dã chiến chạy xộc vào hẻm 136. Hẻm này có 4 căn nhà liền kề là A, B, C, D. Nhà Tám Thảo là căn B. Và căn B mới là trọng tâm để lục soát vì các căn nhà A, C, D, căn thì ngoại kiều, căn thì có con em là sĩ quan ngụy.
Từ chỗ ẩn nấp trên gác nhìn ra con đường hẻm, tôi thấy tên Định đi đầu với tên chỉ huy. Hắn vừa đi vừa khoa tay nói lớn: “Bắt được thằng Việt Cộng này mổ bụng ra xem lá gan bao lớn mà dám vào ở vùng này”. Tên Định mập, trắng, lùn. Nhà nó ở đầu hẻm. Nhiều đêm nó có đi lảng vảng trước cổng nhà Tám Thảo. Đêm tôi thường đứng ra dạy kèm Pháp văn, Anh văn cho các em luyện thi tú tài. Có thể nó nghĩ cô Tám Thảo rước ông thầy giáo này ở đâu về mà xứng đôi quá, vì nó thường đứng tránh sang một bên để nhìn tôi và Tám Thảo ăn mặc đàng hoàng, cùng trên một chiếc Honda ra đường buổi sáng đến nơi làm việc. Nhưng có thể nó cũng đặt nghi vấn đối với tôi.
Từ trên gác nhìn xuống, những tên đi đầu chỉ cách tôi độ 20m, tôi muốn bắn hạ vài thằng, nhất là tên Định, thấy bộ dạng đáng ghét. Nhưng suy nghĩ thương gia đình, thương ông bà cụ mà tôi coi như ba má... nên thôi, tự nhủ lòng vào thế cùng đường mới dùng đến súng, tránh cảnh đổ vỡ tan nát khi còn tránh được.
Tiếng đập mạnh cổng sắt ngoài ngõ. Em Lan cầm chìa khóa ra mở cửa. Tôi biết bao giờ em cũng rề rà, giả bộ tìm chìa khóa, rề rà chọn chìa khóa mở cửa cổng, rồi chọn chìa khóa mở cửa trước nhà. Những đêm cảnh sát vào xét sổ gia đình, cũng với những động tác chậm chạp ấy, em cố kéo dài thêm thời gian để tôi vào nơi ẩn nấp (vì ban ngày ra đường, ăn mặc sang trọng đi ào ào thì được, nhưng về nhà thì phải trốn vì không có tên trong sổ gia đình).
Bọn lính đã vào nhà. Tôi nghe tên chỉ huy quát tháo ầm ĩ: “Mở hết các cánh tủ ra, giở hết nắp hồ, nắp lu ra”.
Có toán mở cửa đi luôn ra phía sau, nơi nhà vệ sinh.
Giọng nói hách dịch của thằng chỉ huy:
- Chúng mày lục soát cho kỹ. Mấy thằng đặc công trốn giỏi lắm. Có thấy gì không?
- Dạ không. Lục soát kỹ rồi. Không thấy gì.
- À, nhà có căn gác. Có ai trên ấy không ông già?
Tiếng ông cụ trả lời lắp bắp, có lẽ ông cụ theo chân tên chỉ huy tự nãy giờ:
- Dạ, có con gái tôi đang ngủ trên ấy.
Hắn quát:
- Giờ này mà còn ngủ cái gì. Lên xét, tụi bây!
Tiếng giày bọn lính lên thang gác bằng gỗ làm cả căn gác gỗ rung rinh. Ngồi trong chỗ ẩn nấp tối tù mù, 2 khẩu súng ngắn đã lắp đạn vào băng, và còn số đạn rời để trước mặt, tôi nhẩm tính: cô Hai Ánh mang xuống 27 viên đạn, đã bắn hết 2 viên chiều hôm qua, còn 25, lắp vào 2 băng trong súng mỗi băng 7 viên, còn 11 viên rời. Rủi cho tên lính nào thấy tôi trước. Nó đã chui vào cái lỗ hẹp này thì tôi không thể nào bắn trật được. Sau đó, mình sẽ cố thủ tại đây như đội biệt động anh hùng đã cố thủ bên nhà lầu 5 tầng gần Dinh Độc Lập. Và tôi tự nhủ lòng lần nữa, vì tình thương đối với ba má, đối với gia đình, cùng lắm mới bắn, nếu tên lính chui vào mà mình nép kỹ vào bóng tối, nó không thấy thì thôi, mình chưa cần nổ súng, phải bình tĩnh đến phút chót. Nhưng... nếu đã chiến đấu với chúng đến hết đạn thì sao? Nhất định không để chúng bắt sống. Từ kẹt nhà này, chúng chỉ có thể lôi ra một xác chết mà thôi! Bụng nghĩ vậy, tôi lấy 1 viên đạn rời bỏ vào túi áo sơ mi. Đó là viên đạn cuối cùng dành cho mình. Nhưng lại nghĩ: Loại đạn súng ngắn K.54 này nhiều khi cũng lép, nên bỏ thêm vào túi áo 1 viên nữa cho chắc ăn. Chừng đó, nạp 2 viên vào 2 khẩu súng, cùng đưa lên mang tai bóp cò một lượt, có lép 1 viên cũng còn nổ 1 viên. Đã quyết định vậy rồi, lòng thanh thản, chỉ còn tập trung tư tưởng theo dõi diễn biến và sẵn sàng chiến đấu.
.jpg)
Đêm trước trận đánh năm Mậu Thân 1968
Có tiếng quát của tên chỉ huy:
- Ông già, mở tủ ra!
- Dạ thưa thầy, tủ toàn đựng kinh Phật không có khóa.
- Mà tôi bảo ông mở ra! - nó gằn giọng nghe rất hung dữ.
Tôi biết từ cầu thang bước lên là cái tủ thờ, bên trên thờ Phật bà Quan Âm, trong tủ chất đầy kinh Phật, giở hết kinh sách ra sẽ lộ một tấm ván mỏng chắn ngang. Bên kia tấm ván là khoảng trống vừa đủ một người ngồi. Một buổi trưa, tôi cùng với ông cụ mang cưa đục lên làm cho tôi chỗ ẩn nấp ấy. Nhiều đêm, bọn cảnh sát vào xét sổ gia đình, dưới nhà cô Lan rề rà mở cửa thì trên này ông cụ cùng với Tám Thảo nhẹ nhàng bưng kinh sách ra, tôi lách người chui vào, người bên ngoài chất kinh vào và đóng cửa tủ lại.
- Ông già! Sách gì lắm thế?
- Dạ thưa thầy, tôi tu tại gia mấy chục năm rồi.
Tôi nghe từng chồng sách bị vứt mạnh xuống sàn gỗ. Lại tiếng quát của tên chỉ huy:
- Mạnh, đừng có dại mà đưa cái đầu mày vào đó. Đứng sang một bên để ông già làm. Tụi Việt Cộng này ghê lắm. Hôm qua, 2 phát súng bể 2 cái đầu mày không thấy à?
Đến đây, tôi nghe giọng nói nhỏ nhẹ, trong trẻo của Tám Thảo:
- Trời ơi! Các ông làm gì rầm rầm không để ai ngủ hết vậy! Ba xuống nghỉ đi ba, con làm cho.
Một phút im lặng. Tôi hình dung Tám Thảo vén màn bước ra, và tôi hình dung vì sao lại có một phút im lặng. Có lẽ viên huy cảnh sát bị bất ngờ, hơi bàng hoàng trước vẻ đẹp kiêu sa của người thiếu nữ tiểu tư sản với bộ đồ ngủ bằng lụa trắng. Sự hờn dỗi biểu lộ trên gương mặt đáng yêu càng làm hắn thêm bối rối.
Giọng hắn dịu lại, khác xa giọng quát tháo ầm ĩ từ khi mới vào lục soát nhà:
- Ồ! Cô em ngủ trên này à? Sao người đẹp lại ngủ trước bàn Phật vậy?
Thấy chỉ huy dịu giọng lại trổ mòi dê, bọn lính phá lên cười. Tám Thảo không trả lời câu trêu ghẹo ấy.
- Ba xuống đi ba, để con dọn kinh vào tủ lại cho. Mấy anh cứ giỏi hành hạ người già.
Lại tiếp tục giọng nói trêu đùa của viên chỉ huy cảnh sát:
- Sao cô em ngủ trên này có một mình vậy. Chồng con đâu?
- Tình hình chiến tranh như vầy, dại mới lấy chồng, ra trận chết như chơi!
- Ủa, ảnh thằng Mỹ nào đây? Các cô bây giờ ghê thật!
Lại một tràng cười.
- Các anh nghĩ sai rồi... - Tám Thảo phản ứng nhẹ nhàng, cô tiếp: ...Đó là thiếu tá Jame, cố vấn tình báo bên cạnh Bộ Tư lệnh Hải quân, sếp tôi đó. Là thư ký riêng mỗi ngày tôi đi làm ở đó, hôm nay còn lộn xộn nên ở nhà nghỉ.
Chưa nghe viên cảnh sát nói gì, Tám Thảo nói luôn:
- Đã không biết nhau thì thôi. Biết nhà tôi rồi, mời anh mai mốt đến chơi.
- Thôi! Đến thăm cô, đụng với thằng Mẽo này sanh chuyện khó lòng lắm... À, mà cô em tên gì?
- Mỹ Nhung.
- Ồ! Tên đẹp, người đẹp.
Và nó ra lệnh:
- Xuống, về tụi bây!... Nhưng nó lại nói: - Cái gì chất ngổn ngang thế kia?
Chắc nó chỉ những bành vải sau giường ngủ của Tám Thảo. Leo qua giường ngủ, lật mấy bành vải ra sẽ lòi một lỗ vừa một người chui lọt vào bên trong là chỗ ẩn nấp của tôi giữa mái ngói và tường gạch.
Câu trả lời dịu dàng của Tám Thảo:
- Vải. Những bành vải dự trữ. Gia đình tôi có sạp vải Tân Mỹ ở cửa Bắc chợ Bến Thành. Hôm nào rảnh rỗi, anh dắt chị nhà ra đó mua sắm, ba tôi lấy giá đặc biệt cho.
Nghe nó cười: - Tôi cũng còn một mình, chưa có ai để dắt đi. Phải không tụi bây?
Chúng cười với nhau và lần lượt xuống thang gác. Nghe tiếng em Lan kéo cửa trong, khóa cửa ngoài. Theo kẹt nhà, tôi nhìn ra đường hẻm. Chúng lục tục kéo đi, vừa đi vừa đùa giỡn với nhau, chỉ có tên Định là còn ngoái lại nhìn lên mái nhà với vẻ tức tối.
Tôi khóa cò 2 khẩu súng, cất súng cùng với nắm đạn rời vào kẹt tường rồi chui ra khỏi nơi ẩn nấp.
Tám Thảo còn ngồi lặng im một mình trên giường. Thấy tôi, nước mắt cô tuôn ra, lăn dài trên má. Tôi ngồi cạnh bên, an ủi:
- Sao em khóc?
- Nguy hiểm quá anh ơi! Em chỉ lo cho anh. Thấy chết đến nơi.
- Ngồi trong đó, nghe em đối đáp, ứng phó rất giỏi. Anh rất cám ơn và cảm phục sự bình tĩnh của em.
Tôi rút khăn tay lau nước mắt cho người đồng đội trẻ, đẹp mà vô cùng dũng cảm. Nghe tiếng ông cụ gọi từ dưới nhà:
- Mỹ Nhung! Xuống ăn cơm đi con!
- Dạ, con xuống liền.
Day qua tôi cô nói:
- Anh ở tạm trên này vài bữa, tình hình im hãy xuống. Em lo cơm nước cho anh.♦
* Anh hùng Lực lượng Vũ trang nhân dân (HV)
Đẹp lắm phải không anh ♦ DƯƠNG LINH Xa lâu rồi sao tôi vẫn chưa quên Dãy cồn xanh trải dài trên sóng bạc Lá bần reo ngỡ đâu là tiếng hát Đêm trăng rằm nghe sóng vỗ bờ xa Bến Thủ Cù thuyền câu in nước biếc Mùa nước về tôm cá lượn đùa trăng Câu thơ cũ: “đây Cồn Bằng Cồn Nóc Hạt châu trầm chín khúc Cửu Long Giang…” Giếng nước trong bóng mây vờn qua đó Mỗi cành bần cũng gợi một vần thơ Sao yêu quá những bụi dừa nước nhỏ Uốn cong mình tắm mát dưới chiều mưa Ôi cồn xanh đâu chỉ đẹp lá đẹp dừa Đâu chỉ những đêm trăng sóng trào thao thức Mà đẹp nhất: cô gái Cồn Cò biển cười trong mắt Cách mạng về đi học lớp bình dân Cuộc trường chinh chống hai lũ giặc xâm lăng Dãy cồn xanh đã bao lần lửa đỏ Tàu giặc cháy… đất cồn rền súng nổ Cô gái Cồn Cò xưa, nay Bà mẹ anh hùng Giặc thua chạy rồi… êm xuôi dòng nước Cổ Chiên(*) Dãy cồn xanh vẫn tắm mình trên sóng bạc Lá bần reo nay đã thành khúc hát: “Sông nước Trà Vinh mình đẹp lắm phải không anh”. Cuối thu Canh Tý 2020
(*) Đoạn sông Cửu Long chảy qua tỉnh Vĩnh Long, Trà Vinh ra biển gọi là Cổ Chiên. |