HV151 - GS Nguyễn Xiển và con đường của Cách mạng tháng Tám

Nguyễn Xiển sinh ngày 27-7-1907 tại làng Trung Mỹ, xã Yên Trường (nay là phường Hồng Sơn), thành phố Vinh, tỉnh Nghệ An trong một gia đình phong kiến quan lại. Ông nội làm quan trong triều Nguyễn theo vua Hàm Nghi xuất bôn ra Quảng Bình. Thân phụ đậu Cử nhân, làm Tri huyện Nghi Xuân, để sổng những sĩ phu Văn thân chống Pháp - trong đó có đội Phấn, liền bị mất chức, trở về làng làm thầy đồ kiêm thầy thuốc kê đơn, sống thanh bạch. Nguyễn Xiển học chữ Hán rồi chuyển sang học chữ quốc ngữ ở trường Tiểu học Pháp - Việt rồi trường Quốc học Vinh. Năm 1925 có bằng diplôme có thể ra làm “thầy ký”, “ông phán” nhưng Nguyễn Xiển ra học trường Bưởi. Tham gia hoạt động để tang cụ Phan Châu Trinh, rồi cùng bãi khóa, Nguyễn Xiển bị đuổi học và “cấm thi tú tài bản xứ”. Quyết không thua người Pháp, Nguyễn Xiển cùng một số bạn học quyết thi đỗ tú tài Tây mà luật lệ không cấm học sinh tự do. Đậu đầu kỳ thi tú tài Tây năm 1928, Nguyễn Xiển cùng Hoàng Xuân Hãn, Nguyễn Văn Định và Trần Văn Tý cùng quê Nghệ Tĩnh được chọn đi du học ở Pháp. Thế nhưng chỉ có Hoàng Xuân Hãn học trường Albert Sarraut được học bổng của Chính phủ Đông Dương được đi, ba người còn lại là học sinh bãi khóa trường Bưởi nên bị đình lại. May sao, Tổng đốc Nghệ An Phạm Liệu  và Án sát Nguyễn Khắc Niêm kêu nài Công sứ đương thời là Marty, được chấp thuận. Cả ba được nhận học bổng của Hội Như Tây du học do Thượng thư Bộ Lại Nguyễn Hữu Bài đứng đầu chu cấp. Sau mấy năm học ở Viện kỹ thuật cơ điện thực hành rồi trường Đại học Tổng hợp Toulouse, Nguyễn Xiển đạt chứng chỉ Đại học trong đó có ba chứng chỉ đủ phong học vị Cử nhân dạy học (licence d’enseignement) để bảo vệ luận án cao học.

Tháng 8-1932 anh trai mất, gia đình khánh kiệt, Nguyễn Xiển phải về nước tìm cách giúp đỡ gia đình và chăm sóc cha mẹ già yếu. Không muốn làm quan cho triều đình Huế sặc mùi quan lộ phong kiến, mang xu hướng làm một trí thức tự do, năm 1933 Nguyễn Xiển ra Hà Nội dạy học ở các trường tư: Thăng Long, Gia Long và Hồng Bàng. Năm 1935 vì điều kiện kinh tế, ông đến làm việc ở Đài khí tượng Phủ Diễn (Kiến An, Hải Phòng). Năm 1938 vào Sài Gòn, năm 1941 ra Hà Nội rồi lại về Đài khí tượng Phủ Diễn - phụ trách đài và làm Hội trưởng Hội truyền bá chữ quốc ngữ của Hải Phòng. Từ 1941 đến 1945, tình hình chính trị sôi nổi và phức tạp, nhóm Nước Pháp tự do theo De Gaulle lôi kéo, ông không nhận lời. Rồi nhóm Đại Việt thân Nhật lôi kéo, ông cự tuyệt. Bạn cũ ở Pháp Nguyễn Văn Ninh vận động theo tổ chức nhưng không rõ tổ chức nào, ông không nhận. Ngày 9-3-1945, Nhật đảo chính Pháp, công sứ Monvoisin kéo cờ trắng đầu hàng nhưng vẫn được Nhật để làm quan đầu tỉnh. Y ra lệnh nạp vũ khí và đài thu thanh của trạm khí tượng cho Nhật thì GS Nguyễn Xiển chuyển cho một thanh niên trong Hội truyền bá quốc ngữ, người của Việt Minh. Đốc lý Hải Phòng Vũ Trọng Khánh gợi ý cho Nhật phế truất Monvoisin, các thân hào trí thức họp ở dinh tuần phủ cử Nguyễn Xiển làm tỉnh trưởng nhưng ông từ chối. Sợ nguy hiểm, ông gửi vợ con sang nhà bạn ở An Dương còn mình lên Hà Nội, vào làm việc ở Nha khí tượng. Cách mạng bùng nổ, ngày 22-8-1945, GS Nguyễn Xiển cùng các giáo sư Nguyễn Văn Huyên, Ngụy Như Kontum, Hồ Hữu Tường đánh điện vào Huế yêu cầu Bảo Đại thoái vị giao chính quyền cho Việt Minh. Ngày 24-8 có lời mời của Ủy ban dân tộc giải phóng, GS Nguyễn Xiển đến Bắc Bộ Phủ. Đồng chí Võ Nguyên Giáp mời ông tham gia chính phủ, phụ trách Bộ Giao thông công chánh, ông từ chối. Ngày 25-8 có người mời ông đến gặp Hồ Chủ tịch. Biết Chủ tịch chính là Nguyễn Ái Quốc, ông rất xúc động. Bác thân mật trao đổi, đại ý: là trí thức yêu nước thì phải nhận trách nhiệm trước lịch sử, không nhận làm bộ trưởng thì làm Ủy ban nhân dân Bắc Bộ. Sau một lúc chuyện trò, trước sự tin cậy của Hồ Chủ tịch, ông nhận lời. Ngày 28-8, Chính phủ ký quyết định thành lập Ủy ban nhân dân Bắc Bộ và cử ông làm Chủ tịch. Ngày 29-8, Chính phủ cũng ký quyết định cử ông kiêm nhiệm làm Giám đốc Nha khí tượng Việt Nam. Trong hoàn cảnh cực kỳ khó khăn của chính thể mới, trên cương vị Chủ tịch Ủy ban nhân dân Bắc Bộ (sau đổi là Ủy ban hành chính), ông đã cùng các cộng sự bắt tay tiếp quản bộ máy chính quyền cũ, lập bộ máy chính quyền mới, khẩn trương giải quyết những việc cấp bách. Điều ông bằng lòng nhất là tổ chức tốt việc sửa chữa đê đập bị vỡ bởi trận lũ lớn tháng 8-1945, hoàn thành đắp đê Lâm Thao-Hạc Trì, đê Đồng Lao (Hà Đông)… Quyền Chủ tịch nước Huỳnh Thúc Kháng đã ký quyết định tặng Bằng khen của Chính phủ cho Chủ tịch Ủy ban hành chính Bắc Bộ Nguyễn Xiển và các thành viên khác. Tới ngày 6-1-1946, ông là đại biểu Quốc hội khóa I. Từ đây, GS Nguyễn Xiển trở thành một trong những thành viên của chính thể mới nước Việt Nam Dân chủ Cộng hòa. Nhìn lại chặng đường này, trong Hồi ký của mình, ông viết: “Là một trí thức có tấm lòng yêu nước tiềm ẩn, tôi đã đi theo con đường của Cách mạng tháng Tám như là một bản năng gần như tự nhiên do hoàn cảnh cụ thể của gia đình, quê hương và đất nước thôi thúc”(1).

Kháng chiến toàn quốc bùng nổ, nước Việt Nam trải qua cuộc kháng chiến chống Pháp (1946 - 1954) rồi xây dựng chủ nghĩa ở miền Bắc, đấu tranh để thống nhất nước nhà (1955 - 1975), GS Nguyễn Xiển là Giám đốc Nha khí tượng thủy văn nước Việt Nam (1945 - 1975), đại biểu Quốc hội từ khóa I đến khóa VIII, bốn khóa làm Phó chủ tịch Quốc hội (khóa I, II, III, IV 1956 - 1975), Phó tổng thư ký rồi Tổng thư ký Đảng Xã hội Việt Nam (1947 - 1958) cùng nhiều chức vụ khác. Ông đã được nhận nhiều huân chương trong nước và quốc tế trong đó có Huân chương Hồ Chí Minh, Huân chương Hữu nghị của Liên Xô, Huân chương Copernic về khoa học của Ba Lan và Giải thưởng Hồ Chí Minh đợt I về khoa học công nghệ.

Trong 40 năm làm công tác khí tượng (1937 - 1977), ông đã cùng đồng nghiệp biết tiếp thu và cải tạo gia tài khí tượng nghèo nàn thời thuộc Pháp, mở rộng mạng lưới trên toàn quốc, có quan hệ quốc tế rộng rãi, nâng cao trình độ trở thành công cụ đắc lực phục vụ hiệu quả cho các cuộc kháng chiến và xây dựng đất nước.

Là thành viên chủ chốt của Quốc hội, ông đã đem hết tâm sức hoạt động, được tín nhiệm cao, giữ cương vị Phó chủ tịch liên tục trong thời gian dài trên hai chục năm. Là một trí thức có quan niệm “tính tương đối độc lập về tư tưởng của người trí thức là một điều gì rất tự nhiên và bình thường”, nêu cao tinh thần trách nhiệm với Tổ quốc, với nhân dân, không sợ ảnh hưởng đến vị trí của mình, ông đã có một số ý kiến, chủ động đề xuất với Quốc hội. Ngay trong kháng chiến chống thực dân Pháp phải tập trung tất cả để chiến thắng kẻ thù, ông đã “đề nghị tòa án được xét xử độc lập, tránh sự can thiệp quá sâu của cấp ủy Đảng, nhưng bị gạt đi, cho là tư tưởng tư sản, tam quyền phân lập”(2). Khi mới thống nhất đất nước, ông “phê bình việc sáp nhập các tỉnh vừa phá tổ chức sẵn có, vừa thiếu chuẩn bị”. Năm 1979 trong tham luận đọc trước Quốc hội, ông đã nêu hiện tượng tập trung quan liêu trong bộ máy nhà nước, nói nhiều làm ít, nói mà không làm, quên lời giáo huấn của Hồ Chủ tịch. Ông đã “phê bình quyết định vội vàng hợp nhất hai tỉnh Cao - Lạng khi rục rịch có chiến sự xảy ra ở biên giới”. Tại kỳ họp thứ 10 khóa 7 cuối 1975, Phó chủ tịch Quốc hội Nguyễn Xiển phát biểu nêu rõ “đất nước đã có nhiều biểu hiện khủng hoảng về kinh tế, xã hội và đang đò hỏi phải xem xét lại về nhiều mặt lãnh đạo và chỉ đạo”“vấn đề dân chủ là một yêu cầu cấp thiết hàng đầu để ổn định, củng cố và phát triển đất nước”(3). Cũng trong kỳ họp này ông đã “phê bình việc Quốc hội không được bàn bạc trước nghị quyết quan trọng về giá, lương, tiền nên đã không hạn chế được tác hại của nó đến đời sống kinh tế xã hội do chủ quan nóng vội”(4).

Trong 32 năm đứng đầu Đảng Xã hội, GS Nguyễn Xiển đã kiên trì thuyết phục, tổ chức, tập hợp trí thức Việt Nam đem hết sức mình tăng cường sự đoàn kết xung quanh ngọn cờ của Đảng Cộng sản và Chủ tịch Hồ Chí Minh, gây được những ảnh hưởng chính trị và tâm lý tích cực với các bạn trí thức sống trong vùng địch tạm chiếm thời chống Pháp, chống Mỹ, với đồng bào ở xa Tổ quốc. Năm 1960, ông thành lập Ban đấu tranh của trí thức chống Mỹ và tay sai khủng bố trí thức miền Nam. Năm 1966, tổ chức thành công Hội nghị trí thức Việt Nam chống Mỹ cứu nước. Đảng Xã hội đã tổ chức và tập hợp được đông đảo các tầng lớp trí thức đi theo cách mạng, đi với nhân dân, “đã có những đóng góp tích cực vào sự nghiệp vẻ vang của dân tộc” (Tổng bí thư Nguyễn Văn Linh). Từ năm 1985 thấy rõ lực lượng đảng viên ít, phần lớn cao tuổi, không có khả năng thực tế đảm nhiệm trước những yêu cầu khẩn trương, phức tạp của lịch sử, “không nên thiên về vai trò chậu cảnh trong vườn hoa”(5). Ngày 22-7-1988, Tổng thư ký Đảng Xã hội cùng các cộng sự tuyên bố giải thể đảng.

Là một trí thức đi theo con đường của Cách mạng tháng Tám, được đảm nhận những trọng trách trong Quốc hội, các đảng phái, qua thực tiễn lớn lao của dân tộc, GS Nguyễn Xiển đã khẳng định: “Trí thức nước ta, nếu là trí thức chân chính, về bản chất đều có lòng yêu nước và chuộng tiến bộ, những người có hoàn cảnh gặp gỡ cách mạng thì sẵn sàng đi với cách mạng. Trí thức thường có tinh thần dân chủ và nguyện vọng sáng tạo, đồng thời muốn được tôn trọng sự độc lập suy nghĩ và nhân cách”, “Quan hệ giữa trí thức và cách mạng không phải là một quá trình đơn giản mà ở đó có đấu tranh gian khổ và phức tạp, vừa phụ thược vào nỗ lực chủ quan, vừa tùy thuộc ở chính sách và điều kiện cụ thể, nhất là tầm nhìn và phong cách của người lãnh đạo”, “Khi cách mạng có chính sách đúng và sử dụng thích hợp thì trí thức phát huy được tài năng, đóng góp nhiều cho đất nước. Trái lại có những trường hợp cụ thể do đối xử hẹp hòi, cứng nhắc sẽ dễ gây nên mâu thuẫn, thậm chí cả bi kịch về tâm lý và tư tưởng trong con người trí thức”(6). Đó là một ý kiến rất tâm huyết và trung thực.

Thế nhưng, chỉ ra những điều đó, ông không đổ lỗi cho hoàn cảnh mà chỉ rõ cách hành xử cần thiết của người trí thức: “Tuy nhiên, nếu người trí thức hướng tới cái lớn, cái căn bản, và có cái nhìn thực tế thì có thể vượt qua thử thách và nghịch cảnh”(7). Đó là một ý kiến rất đúng đắn. Cả cuộc đời của GS Nguyễn Xiển bắt gặp con đường Cách mạng tháng Tám, đi theo con đường đó, đã hành động với tinh thần đó, đã có những đóng góp lớn cho dân tộc. Vì thế, năm 1995, ở tuổi 88, nhìn lại cuộc đời mình, ông “khép lại tập hồi ký với sự thanh thản trong lòng, sức mình, điều kiện của mình đến đâu mình đã làm tới đó. Nếu còn có lo âu thì đó là sự lo âu cho tương lai đất nước, liệu có tìm được con đường ngắn nhất, tranh thủ được khả năng tốt nhất vươn lên trong một thế giới đầy biến động, bất trắc, phức tạp như thế giới ngày nay? Số phận của riêng tôi có thể nó đã an bài, vấn đề là số phận của nhân dân, của đất nước muôn vàn yêu thương”.

Giáo sư ra đi ngày 9-11-1997 nhưng sự nghiệp vẻ vang của người trí thức đi với con đường Cách mạng tháng Tám cùng với nỗi lo cháy bỏng vẫn còn đó, gợi cho chúng ta nhiều điều suy nghĩ, trăn trở.♦


(1) Giáo sư Nguyễn Xiển - cuộc đời và sự nghiệp, NXB Hội Nhà văn, 2007, tr.89.

(2) Sđd, tr.123.

(3) Sđd, tr.125, 126.

(4) Sđd, tr.130.

(5) Sđd, tr.146.

(6) Sđd, tr.158, 169.

(7) Sđd, tr.159.

NGUYỄN THẾ QUANG