Cuộc khởi nghĩa chống Pháp giành độc lập diễn ra tại phủ Tam Kỳ (tỉnh Quảng Nam) đêm 3-5-1916 đã bị thất bại: Cụ Trịnh Uyên, người làng Kim Đới, phủ Tam Kỳ (nay thuộc xã Tam Thăng, thành phố Tam Kỳ) bị chúng bắn chết ngay tại chỗ khi treo cờ khởi nghĩa của Việt Nam Quang phục hội. Nhiều người trong tổ chức bị chúng bắt những ngày sau đó.
Chí sĩ Lương Đình Thực trong đêm khởi nghĩa được phân công ở một địa điểm khác, không có mặt tại phủ, nhưng mười ngày sau bọn quan lại và lính tập đến nhà bắt cụ, rồi đưa lên phủ Tam Kỳ thẩm vấn ngày 17-5-1916.
Tại sao chúng biết cụ là người trong cuộc khởi nghĩa để đến nhà bắt?
Dưới đây sẽ lần lượt dẫn ra các chứng cứ cụ thể do đâu thực dân Pháp biết để bắt cụ cùng các nhà yêu nước khác:
Trước đây nhiều năm, tạp chí Sông Hương số 124 (tháng 6-1999) đăng bài “Ai đã tiếp tay cho thực dân Pháp đàn áp đẫm máu phong trào Nghĩa hội Quảng Nam hồi cuối thế kỷ XIX?” của Nguyễn Đắc Xuân. Có đoạn viết:
“Qua các dẫn chứng lịch sử chứng tỏ ông tuần làng An Quán được sử sách văn thơ ghi lại bằng ba danh xưng: Nguyễn Đĩnh, Nguyễn Dĩnh, Nguyễn Hiển Dĩnh (NHD) là người đã tiếp tay cho thực dân Pháp và Nguyễn Thân đàn áp đẫm máu phong trào Nghĩa hội Quảng Nam”.
Cuộc khởi nghĩa Duy Tân ở phủ Tam Kỳ, trong sách Quảng Nam - Đất nước và Nhân vật của Nguyễn Q.Thắng, viết như sau: “Ở Quảng Nam không những cơ mưu bị bại lộ, lại còn thêm lời tố giác của tuần vũ Nguyễn Đĩnh [tức Nguyễn Hiển Dĩnh]. Vì đầy đủ hồ sơ của Đĩnh cung cấp nên Pháp bắt không sót một người”.

Vua Duy Tân lúc nhỏ
Tạp chí Sông Hương số 125 (tháng 7-1999) với bài “Bản danh sách những nhà yêu nước Quảng Nam tham gia khởi nghĩa Duy Tân 1916 đến tay thực dân Pháp như thế nào?” của Nguyễn Đắc Xuân đã trích trong Việt Nam tranh đấu sử của tác giả Phạm Văn Sơn như sau:
“Ở Quảng Nam cũng bị vỡ lở trước ngày bạo động. Nguyễn Đĩnh phản Đảng, đem giấy má sổ sách báo với người Pháp. Đĩnh người An Quán, trước làm Tuần phủ. Vì vậy ở Hội An, y sĩ Lê Đình Dương bị bắt đưa vào Nam rồi đày lên Ban Mê Thuột. Ở Đà Nẵng, Phan Thành Tài bị xét nhà. Ông trốn thoát, nhưng sau bị bắt và bị chém vào ngày 9-6-1916”.
Trong tạp chí Sông Hương nói trên, Nguyễn Đắc Xuân cũng dẫn đến tập hồi ký Khúc Tiêu Đồng của cụ Hà Ngại kể lại ý đồ của Nguyễn Hiển Dĩnh về tập danh sách những người tham gia khởi nghĩa nộp cho thực dân Pháp.
Và bây giờ xin dẫn hai tài liệu mới tìm thấy của người Pháp viết về Quan bố Nguyễn Hiển Dĩnh bằng tiếng Pháp, đang lưu trữ ở thư khố quốc gia hải ngoại Pháp tại Aix-en-Provence (ANOM) mà các nhà sử học chúng ta nhờ các mối quan hệ nên đã có được.
Đó là tài liệu về cụ Lương Đình Thực và tài liệu là một báo cáo của Công sứ Pháp tại Hội An cho Khâm sứ Pháp. Tài liệu này cho thấy người Pháp nói về công lao của Nguyễn Hiển Dĩnh với thực dân Pháp để bắt bớ những người yêu nước (hai tài liệu trên tác giả đang lưu giữ).
Trước hết xin đề cập tài liệu 6 trang về chí sĩ Lương Đình Thực, bị Pháp bắt và chúng khảo cung tại Tam Kỳ ngày 17-5-1916.
Bản cung với dòng chữ: “Quan Bố trong thực thi nhiệm vụ” (Le Quan Bố en mission) và: “Gởi ông Công sứ Pháp tại Hội An” (à Monsieur le Résident de France à Faifoo). Cuối bản cung có chữ ký của Sogni (tên mật thám Pháp). Bản cung được gởi đi ngày 19-5-1916.
Vậy “Quan Bố” là ai? Và vai trò như thế nào mà gọi là “thực thi nhiệm vụ”?
Câu trả lời nằm trong tài liệu “Báo cáo của Công sứ Pháp ở Hội An cho Khâm sứ Trung Kỳ ở Huế” (RAPPORT - à Monsieur le Résident supérieur en Annam à Huế) (số 75 - Hồ sơ 65530 (ANOM) đề ngày 1-6-1916) viết cụ thể rõ ràng trong các trang 7, 8, 10 của tài liệu 14 trang ký tên Lesterlin đã phơi bày tất cả sự thật:

Lính thị vệ hoàng cung - một lực lượng khởi nghĩa của vua Duy Tân
Ảnh tư liệu
- Quan Bố là Nguyễn Hiển Dĩnh, một viên quan làm việc cho thực dân Pháp đã về hưu, quê ở An Quán, Điện Bàn, được Pháp tin cẩn sử dụng để lùng bắt, khủng bố các nhà yêu nước trong cuộc khởi nghĩa ở Tam Kỳ, trong đó có cụ Lương Đình Thực.
Xin trích nguyên văn 3 đoạn ngắn đã dịch sang tiếng Việt như sau:
- “…Trong lúc đó có mấy cuộc lùng bắt - 4 cuộc khi xảy ra sự việc. Ngay từ hôm sau, Quan Bố mà tôi phái gấp vào ban đêm đã đến nhiều nơi…” (trang 7).
- “…Đến bây giờ tôi có thể nói rằng các cuộc truy bắt đã thực hiện xong và sứ mệnh của Quan Bố tại Tam Kỳ đã chấm dứt…” (trang 8).
- “…Chúng ta ghi công đối với cựu quan lại - Quan Bố Nguyễn Hiển Dĩnh - nghỉ hưu ở làng An Quán, Điện Bàn về lòng trung thành và sự tận tụy của ông…” (trang 10) .
Thực dân Pháp đàn áp, bắt bớ những người yêu nước tham gia khởi nghĩa tại phủ Tam Kỳ đêm 3-5-1916, trong đó chí sĩ Lương Đình Thực bị “Quan Bố thực thi nhiệm vụ” - Người thực thi nhiệm vụ gọi là “Quan Bố” đó, chính là Nguyễn Hiển Dĩnh.
Chí sĩ Lương Đình Thực bị chúng bắt, bị kêu án chung thân đày đi biệt xứ ở nhà tù trong thành Bình Định, thuộc tỉnh Bình Định. Chuẩn bị đưa cụ xuống tàu đày ra Côn Đảo thì cụ lâm bệnh rồi qua đời đúng vào ngày 2 tháng 11 năm Đinh Tỵ (1917) tại Cửa Giả (Nay là cảng Thị Nại) tỉnh Bình Định.
Với độ dài thời gian sau một thế kỷ, cùng với những biến đổi và tiến bộ của công nghệ thông tin, những vấn đề xác đáng đúng với sự thật lịch sử sẽ lần lượt được phơi bày, Quan Bố Nguyễn Hiển Dĩnh là một trường hợp như vậy.♦