HV151 - Món ăn sám hối

Cô bạn đến nhà, tặng tôi bốn chữ: “Sám hối, tha thứ, cảm ơn, yêu thương”. Cô nói: “Đó là cốt lõi thiền cà phê”. Tôi thử thực hành, vào giữa đêm thanh vắng. Tôi nhớ lại từng việc làm không tốt của mình, từ thời thơ bé đến giờ. Ôi chao, một sớ táo quân dài dằng dặc của tội lỗi. Tôi đã từng rất tệ với mẹ của mình. Tôi lúc còn nhỏ đủ thói hư tật xấu: ăn cắp, nói dối, điêu ngoa, hỗn láo, lười biếng... Nếu không có tình thương, sự kiên trì giáo dưỡng của mẹ, chắc chắn tôi không có được ngày hôm nay. Càng nghĩ, càng ân hận vì mẹ không còn để tôi nói lời tạ lỗi. Kỳ lạ thay, nhiều hình  ảnh, chi tiết rõ mồn một từ đáy sâu tiềm thức cứ hiện về...

Trái dưa bể ngày tết

Hồi đó, dưa hấu là thứ trái cây quý hiếm và đắt. Chỉ những dịp Tết, mẹ mới bấm bụng đổi vài chục giạ lúa lấy vài chục dưa cúng ông bà, chất ngay ngắn trên bộ ván gõ. Mẹ không muốn chúng tôi ăn dưa sớm để rồi Tết “ngồi ngóc mỏ”, chẳng có cái gì ăn. Mẹ muốn chưng dưa trên bộ ván để khách tới nhà xuýt xoa, khen ngợi. Mẹ rất kiên định trước những lời năn nỉ ỉ ôi của chúng tôi. Tôi bèn nghĩ ra một cách. Đợi không có ai, tôi từ từ lấy tay đẩy quả dưa xuống sàn. Một tiếng bụp trĩu nặng vang lên. Tôi làm ra vẻ hốt hoảng, tiếc nuối hô hoán lên: “Mẹ ơi, dưa bể”. Nghe chuyện chẳng lành, mẹ từ bếp chạy lên. Bà ôm trái dưa hấu lên, xuýt xoa, tiếc nuối, tháp đi tháp lại nhiều lần, gương mặt rầu rĩ trước một thực tế phũ phàng: trái dưa đã nứt. Dưa mà nứt, dập thì làm sao mà để dành, có nước chẻ ra cho mỗi đứa một miếng. (Dưa hấu quê tôi thuở đó bón bằng phân cá, không có phân hóa học nên ngọt lịm, để dành được vài tháng chớ không chỉ vài ngày như bây giờ). Vậy là nhờ cú “lăn dưa” của tôi, cả đám trẻ được thưởng thức dưa. 

Kẽ tay nứt của mẹ

Có những chi tiết dù nhỏ nhặt nhưng đã đi theo tôi suốt cuộc đời. Đó là ngày cuối năm lạnh giá. Mẹ tôi xách vòng hái ra cánh đồng gặt lúa khi trời còn tinh mơ cùng với tốp thợ gặt. Mẹ tôi vốn tham công tiếc việc, bà không thể ngồi nhà khi lúa chín vàng ngoài đồng. Tôi đi sau lưng bà, bộ quần áo đồng phục sạch đẹp, chân mang giày, vai mang cặp rất tinh tươm. Mẹ vẫn không hề hay biết tôi đang lặng lẽ phía sau bà... Kiến thức về chất silic làm lá lúa nhám bén cứa vào trái tim thơ dại của tôi. Những kẽ tay nứt của mẹ đập vào mắt tôi. Những chiếc lá lúa nhám bén làm mặt mẹ tôi co rúm, nhăn lại vì đau đớn. Những nạm lúa vàng thấm cả mồ hôi và máu của mẹ tôi. Đó là bài học vỡ lòng “lấy gạo đong chữ” cho đàn con 10 đứa mà tôi được biết.

Người thầy dạy tôi viết văn

Nhớ khi truyện ngắn đầu tiên được đăng báo, tôi mang về nhà, lòng đầy vui sướng, hớn hở khoe mẹ. Bà bình tĩnh đeo kính, chăm chú đọc. Rồi bà giở kính, mắt nhìn xa xôi nói: “Ở Trung Quốc vào đời Đường có nàng Tiết Đào giỏi văn thơ. Đọc văn, thơ con, mẹ cũng có cảm giác như phụ thân nàng Tiết Đào nghe con gái đọc thơ vậy. Nó phá phách, đa đoan...”. Tôi cười nói: “Mẹ ơi, văn chương hiện đại đâu có đòi hỏi chương hồi, kết thúc có hậu như Thủy hử, Tam quốc chí… mà mẹ đã từng đọc. Bi kịch bỏ lửng để người đọc tự suy ngẫm...”. Về mặt này mẹ tôi rất bảo thủ: “Cái gì cũng có gốc, có ngọn, mẹ không hợp với loại văn chương hiện đại kiểu con nói. Cứ như nàng Tiết Đào…”.  Tôi nhìn sững mẹ. Nàng Tiết Đào là ai?! Mẹ tôi đã đọc giai thoại văn học này ở đâu, kỳ thực tôi chưa bao giờ được học đến. Trong lòng tôi có nhiều hoài nghi, thắc mắc nhưng tôi không dám hỏi thêm. Quá tin vào dịch vụ giải đáp điện thoại, tôi gọi tổng đài 1080. Tiếng nhạc chờ ò ó o hơn nửa tiếng vang lên nhưng thông tin về nàng Tiết Đào vẫn bặt vô âm tín. Mãi sau này tôi mới biết vài dòng thông tin ngắn ngủi về Tiết Đào. Nàng là con một viên quan đời Đường, có tài văn chương nhưng duyên phận bẽ bàng. Xinh đẹp, tài hoa mà phải làm lẽ, góa bụa nuôi con. Chỉ vài dòng ngắn ngủi sao tự dưng lòng tôi trào lên niềm đồng cảm dữ dội với người con gái tài hoa bạc phận ấy. Nếu quả như vậy nàng có lỗi gì đâu. Có thể trong mắt người đương thời, nàng đáng chê trách vì không biết khép mình vào tam tòng tứ đức. Tấm thân liễu yếu đào tơ của nàng chứa đựng một tâm hồn nổi loạn. Nàng có lỗi gì khi khao khát tự do, muốn được thoát ra khỏi bốn bức tường khuê môn bất xuất đầy áp đặt, bất công dành cho phận gái. Nàng có lỗi gì khi muốn bình đẳng với nam giới trong thưởng thức thiên nhiên và sáng tạo. Còn đời nàng truân chuyên, lận đận là lẽ đương nhiên. Vào cái thời triều đình bị phân quyền đầy phe phái, loạn lạc, nhiễu nhương, những trang hảo hán còn không có đất sống huống chi một cánh đào mỏng manh trước gió. Tôi im lặng vì biết tranh luận với mẹ về văn chương và phẩm hạnh của nàng Tiết Đào chẳng ích gì, bởi bà là mẫu người của một thế kỷ bị trói buộc và cả tự trói mình. Nhưng dù sao, lời tiên tri của mẹ về vận mệnh đứa con gái rơi vào nghiệp văn chương cũng làm tôi suy nghĩ và bị ám ảnh. Lời tiên tri của bà có phần đúng. Cái giá phải trả cho những trang văn nào có ít. Bi kịch, sự hy sinh chịu đựng của mẹ theo suốt đời tôi. Chính mẹ là người thầy đầu tiên dạy tôi trở thành nhà văn, dù bà không hề biết.

Món canh sám hối

Khi tôi cố chứng minh với mẹ rằng tôi đã lập thân được bằng văn chương, dù đó là con đường nhọc nhằn, nếm trải không ít cay đắng thì mẹ đã không còn. Lấy chồng năm 17 tuổi, về làm dâu một gia tộc nhiều ruộng đất, con trai một, ai cũng cho bà có phước, “chuột sa hũ nếp”. Nhưng cũng từ ấy, đời mẹ không một ngày vui, khi bờ vai mảnh mai của bà sớm gánh vác giang sơn nhà chồng. Mẹ tôi sinh một dọc 11 đứa, nuôi được 10. Tôi là con gái thứ 9. Gánh nặng nuôi 10 đứa con ăn học dường như chỉ dồn trên tấm lưng mảnh mai của mẹ. Mười đứa con, mười nỗi đau đớn, nhọc nhằn truân chuyên nhân lên, tình thương của mẹ cũng được nhân lên. Bà lặng lẽ, cam chịu, nhẫn nại, bền bỉ cưu mang con, phục vụ chồng, vừa chuộc lại đất đai do cha tôi túng thiếu là cắt đất cầm bán. Cho đến giờ tôi cũng không hiểu người phụ nữ chưa đầy 40kg như mẹ tôi, lấy sức lực ở đâu để trụ vững cho cả một gia tộc đang xuống dốc vì thời cuộc. Tấm lưng còng khô xác của mẹ có cả sự lười nhác và nhẫn tâm của tôi và các anh chị dự phần. Nhà làm mấy mẫu ruộng, việc trong nhà ngoài đồng dồn lên đôi vai mẹ, rất cần người đỡ đần. Nhưng mẹ tôi có một phẩm chất đặc biệt, thấy anh chị em chúng tôi học bài là không bao giờ sai bảo điều gì. Mẹ lặng lẽ làm mọi việc cho chúng tôi an tâm học hành. Mẹ vẫn thường nói: “Lấy gạo đong chữ, miễn các con học giỏi là mẹ mừng!”. Lợi dụng sự tôn trọng cái chữ, mỗi khi cần trốn việc, tôi ngồi vào bàn, làm ra vẻ chú tâm học hành, kỳ thực đôi khi chỉ để đọc truyện kiếm hiệp. Giờ ngồi trong góc tĩnh lặng sám hối, tôi thật không tha thứ cho mình điều đó!

Mẹ bị chứng loãng xương vì cả đời vắt sữa nuôi con mà không bao giờ uống sữa hay bổ sung protein, khoáng chất. Có miếng ngon, mẹ cũng dành hết cho chồng, cho con. Có chiếc áo đẹp cũng tặng cho người khác. Sinh 11 đứa con, thiếu hụt dinh dưỡng trầm trọng. Mẹ thường hay phát lạnh vào ban đêm. Tôi thật không hiểu vì sao mẹ hay lạnh, run cầm cập trong khi tôi vẫn phong phanh chiếc áo mỏng. Những lúc ấy bà nhờ tôi đốt lửa để ngồi hơ, nhờ tôi nấu cho bà chai nước ủ ấm. Đang ngủ ngon, bị đánh thức, tôi cằn nhằn. Trời ơi, sau này học đông y, tôi mới hiểu, chỉ cần chiếc máy sấy là có thể giúp mẹ vượt qua cơn lạnh. Tất cả chỉ là do mẹ thiếu canxi và khoáng chất. Mỗi lần hoài thai, bộ xương mảnh mai của mẹ mất đi nhiều canxi cho hình hài đứa con. Chúng tôi 11 đứa nên vóc nên hình thì xương của mẹ ngày càng rỗng. Răng mẹ rụng sớm. Món ăn mẹ thích nhất là canh khoai lăng (khoai tím hay khoai mỡ) nấu với khoai từ cùng vài con tép đồng đâm nhuyễn, thêm ít hành lá, rau ngò om, rắc chút tiêu. Canh này mẹ dọn ăn cùng cơm nóng, dưa mắm trộn ớt, chanh, đường hay vài con khô mặn. Chỉ có vậy mà mẹ cứ tấm tắc khen ngon. Ăn hoài món canh khoai lăng khoai từ, tôi phát ớn. Mỗi khi mẹ nấu món canh này, tôi dằn mâm xán chén, vùng vằng: “Ăn vầy mà  ăn!”. Mẹ lặng lẽ làm món khác cho tôi ăn, còn phần mình vẫn trung thành món canh trơn nhớt ấy! Sau này, khi không còn trẻ nữa, tôi chợt thèm món canh xưa. Giờ thì tôi mới thấm: “Già được bát canh, trẻ được manh áo”. Vì rụng răng sớm, không có tiền trồng răng, mẹ hay nấu những món canh mềm cho dễ nuốt. Món canh khoai lăng khoai từ với mẹ vừa ngon, vừa trơn, không có răng cũng trệu trạo nuốt được. Ôi, đôi khi để hiểu ra một điều đơn giản, người ta phải đi gần hết một đời người. Chiều cuối năm, tôi ngồi tỉ mẩn nạo từng miếng khoai lăng, khoai từ; nấu món canh sám hối cùng vài con tép đồng đâm nhuyễn. Canh thơm, ngon và hơn mọi món canh khác là trơn, dễ nuốt. Mẹ ơi, giờ con thích nấu ăn, nấu được nhiều món ngon, đặc biệt những món mềm cho người sớm mất răng thì mẹ đã không còn!♦

TRẦM HƯƠNG