HV151 - Thời sự và suy ngẫm

Nguyên Tổng bí thư Lê Khả Phiêu từ trần. Quốc tang được cử hành cả nước. Cuộc đời ông từ tuổi mười tám, đôi mươi là cuộc đời người lính trận. Ông đã chỉ huy chiến đấu ở mặt trận Quảng Trị khốc liệt, đã chỉ huy ở mặt trận phía Tây Nam, đánh Pol Pot, giải phóng và hồi sinh cho đất bạn. Từ quân đội, ông làm Tổng bí thư, một công việc đòi hỏi mới và cao hơn nhiều. Tình hình trong, ngoài nước phức tạp, ông đem cái tâm người lính chiến ra lo liệu. Nhiều thành tựu nhưng cũng lắm cái gieo neo. Ông về hưu, nhưng vẫn đem trí tuệ, tấm lòng luôn lo nước, đóng góp ý kiến chân tình, có chất lượng cho việc nước.

Các nhà văn, nhất là nhà văn quân đội rất quý ông, người hiểu và yêu văn nghệ, phát biểu nhiều ý kiến góp phần vào xây dựng mặt trận văn nghệ. Nay ông đã ra đi, người ta sẽ còn nhớ đến ông, nhớ đến một cuộc đời lạ lùng, như huyền thoại, từ chàng trai làng ra lính làm đến Tổng bí thư, gánh vác quân cơ quốc kế, đối nội đối ngoại, chiến lược, sách lược trên vai…

 

Về bầu cử Tổng thống Mỹ: Đến hôm nay thì nhìn chung, Joe Biden vẫn dẫn trước Donald Trump qua thăm dò dư luận (khoảng 10%, nay đã tụt xuống còn khoảng 4%). Nếu bầu cử ngay bây giờ, thì J. Biden thắng cử. Nhưng hãy còn non 3 tháng nữa. D. Trump đang dốc lực. Một mặt, trong cuộc chạy đua với dịch COVID-19, ông ta cho mở lại các trường, tuyên bố lạc quan là dịch sẽ qua. Rồi chạy đua vắc xin, nhiều lắm là đến cuối năm, Mỹ sẽ có vắc xin. COVID-19 chỉ được giải quyết khi có vắc xin. Hiện giờ, nhiều nước đang ngấp nghé thử nghiệm vắc xin ở những bước cuối cùng. Nga sắp đưa vào sử dụng đại trà vắc xin Sputnik V, và bán ra thế giới. Nga rất có kinh nghệm về vắc xin, nên hy vọng Nga sẽ thành công, dù chưa thử nghiệm bước cuối. Chúc mừng Nga! Các bạn sẽ qua đại dịch, và có khi cải thiện được cả kinh tế nữa, trong khó khăn cấm vận. Việt Nam đã đặt mua vắc xin Nga, và Việt Nam cũng đang chạy đua nước rút để hoàn thiện vắc xin của mình.

COVID-19 đã làm tiêu tan thành quả mà D. Trump đạt được, từ việc tăng trưởng kinh tế đến việc giảm thiểu thất nghiệp - hai thành quả làm cho D. Trump nắm chắc kết quả bầu cử. Thế rồi bỗng nhiên như trong một cơn ác mộng, COVID-19 xuất hiện. Ban đầu, rất dễ coi thường nó, xem nó như một thứ dịch cúm theo mùa, dễ trị thôi. Đâu ngờ, nó lây lan nhanh chóng và bất trị, cuốn phăng cả thế giới vào cái vẻ ngoài có vẻ “vương hậu” của nó. Mỹ lại là nước bị tổn thất nặng nhất: hơn 5,69 triệu người mắc, hơn 176.000 người chết. Tang thương trùm lên một cách bất ngờ và nặng nề vào người dân Mỹ, vốn không quen chịu đựng và đối phó với tai ương, ngây thơ và thích tự do cá nhân. Chính quyền Trump bị cáo buộc là đối phó chậm chạp và không hiệu quả.

Bây giờ, nếu bộ phận cử tri chủ chốt đi bỏ phiếu, tỉnh táo một chút, nghĩ lại, thì có lẽ người ta sẽ khoan dung và bỏ phiếu cho Trump. Hãy cho ông thời gian và cơ hội để ông tiếp tục khắc phục hậu quả, và hy vọng cuối cùng tình hình sẽ tốt.

Giáo sư khoa học chính trị Mỹ Helmut Norpoth, một người đã dự đoán đúng 5/6 trường hợp bầu cử Tổng thống Mỹ, đoan chắc là 91% D. Trump sẽ thắng cử. Điều tra dư luận nhiều khi trật lất. Điển hình là trường hợp H. Clinton, bà bỏ xa D. Trump phiếu phổ thông nhưng rồi lại thua ở phiếu đại cử tri. Lần này thì người ta không tin tưởng nhiều lắm vào điều tra dư luận nữa, nhưng dù sao nó vẫn là một kênh tham khảo đáng giá. Bầu cử Mỹ có 538 đại cử tri, dựa trên dân số. Ứng viên cần đạt 270 phiếu đại cử tri để thắng. Chiến thắng chung cuộc sẽ thể hiện ra ở những bang “chiến trường”. Đó là những bang mà cơ hội chiến thắng của hai ứng viên ngang nhau, ngoại trừ những bang mà cử tri luôn luôn bỏ phiếu ủng hộ cho một đảng. Hiện tại, J. Biden đang dẫn đầu tại các bang Michigan, Pennsylvania và Wisconsin - 3 bang công nghiệp. Còn ở Iowa, Ohio và Texas, nơi D. Trump thắng lớn năm 2016, nhưng nay tỉ lệ ủng hộ Trump lại chỉ ngang với Biden. D. Trump quyết định thay thế người quản lý chiến dịch tranh cử, và ông cho các cuộc thăm dò là “thăm dò giả”. Tỷ lệ cá cược mới nhất cho Trump cơ hội thắng là 1/3.

Có một điều nữa đáng chú ý: J. Biden quá già để làm tổng thống. Có làm thì cũng chỉ được một khóa. Ông đã 77 tuổi rồi. Suốt ngày ngồi ở tầng hầm nhà mình chứ ít dám ra ngoài để vận động tranh cử. Ôn hòa, hiền lành nhưng ăn nói dường như đã lẫn vì tuổi tác, có nhiều cái hớ hênh để đối phương khoét vào. Còn D. Trump thì thô bạo, kiêu mạn. Ông ta là một thương gia, ngày đêm chỉ quan tâm đến lợi ích. Tính trời như thế, nhưng được cái là ông ta thật và cũng có nhiều lúc dễ thương (như khi đến Việt Nam, ông ta cầm cờ đỏ sao vàng vẫy chào đám đông, thật ấn tượng).

Người ta cũng đặt vấn đề là giữa D. Trump và J. Biden ai cứng rắn với Trung Quốc hơn? J. Biden vốn là phó của Obama, đảng Dân chủ, một thời tỏ ra ôn hòa, và quá mềm, quá nhún với Trung Quốc. D. Trump nay làm dữ hơn, tấn công toàn diện Trung Quốc, quyết không để Trung Quốc qua mặt mình, và về mặt này, D. Trump được cả Cộng hòa lẫn Dân chủ ủng hộ. Đối sách với Trung Quốc là quyền lợi của chung nước Mỹ, không chỉ là của riêng ai. Ta không cần lo là nếu J. Biden lên thì sẽ cài đặt lại chính sách với Trung Quốc. Thời thế đã chuyển rồi, Trung Quốc bị cô lập, bị nhiều đòn tấn công, khiến họ phải nói giọng mềm (tất nhiên dùng giọng để khỏa lấp, chứ bản chất chưa bao giờ thay đổi).

Việt Nam ta kiên định và kiên trì đường lối ngoại giao hòa bình, tôn trọng luật pháp quốc tế, tôn trọng lợi ích của tất cả các bên, mở rộng hợp tác không chỉ trong ASEAN, châu Á láng giềng mà cả châu Âu (EVFTA). Đó là một chính sách đúng, thông minh giữa thời “đại loạn”, Trung - Mỹ tranh cường…

Nên nói thêm mấy câu về J. Biden, đối thủ của D. Trump. “Nhược điểm của Trump đang khiến đối thủ Biden trở nên mạnh mẽ”, “những nhược điểm đó khó bảo đảm việc được đề cử làm ứng viên Tổng thống của đảng Dân chủ, nhưng cuối cùng lại chính là điều sẽ giúp ông dễ dàng giành được chức Tổng thống”… (báo nước ngoài).

Nhược điểm gì vậy?

Chủ nghĩa ôn hòa, thực dụng của J. Biden, việc thiếu khả năng làm sôi động đám đông…, rồi gần giống như tiếng nhạc nền nhẹ nhàng (so với tiếng kim loại nặng nề của D. Trump)… rồi đến mọi người đều dễ bị sốc khi người đàn ông 77 tuổi này hầu như không thể điều chỉnh giai điệu. Phát biểu của ông trở thành những lời độc thoại lan man, vòng vo uốn khúc và dòng suy nghĩ của ông thường xuyên trật ra khỏi đường ray… Ông là một ứng viên ít tỏa sáng nhất, thậm chí còn tệ hơn Jeb Bush năm 2016. Do vậy, J. Biden có thể đã được ủng hộ nhiều ở những nơi chính vì sự vắng mặt của ông ấy. Càng nhiều cử tri nhìn thấy ông, họ càng ít có khả năng bỏ phiếu cho ông. Việc phong tỏa vì đại dịch đã mang lại nhiều lợi ích cho cuộc tranh cử của Biden. Giãn cách xã hội thậm chí đã giúp vô hiệu hóa một vấn đề mà trước đây có nguy cơ làm hại chiến dịch tranh cử của ông: rằng ông ta không khéo léo với phụ nữ, thân tình không đúng chỗ. Biden mất sự hỗ trợ của cử tri trẻ cấp tiến, nhưng được sự ủng hộ của người cao niên và người về hưu…

Trọng tâm của cử tri Mỹ hiện đang tập trung vào D. Trump. Thường thì tổng thống đương nhiệm có rất nhiều lợi thế, nhưng D. Trump đã đánh mất lợi thế do xử lý sai về đại dịch. Rồi việc xử lý các cuộc biểu tình chủng tộc, sau cái chết của George Floyd bị cho là do bị cảnh sát trưởng da trắng giết hại. Vấn đề này ai cũng biết có tác động của đảng Dân chủ.

Dù sao, thì vẫn cần thận trọng. D. Trump có thể giành được ghế tổng thống cả khi ông thua phiếu phổ thông như trường hợp năm 2016. Cũng không thể loại trừ một cuộc bầu cử bị khiếu nại sẽ phải được quyết định tại Tòa (mà có thể ông D. Trump có lợi thế). Cho nên, lần này đảng Dân chủ rất thận trọng. Khi chưa nắm chắc thắng lợi thì không tự ru ngủ trong những ảo vọng.

Đảng Dân chủ, qua Đại hội, với những gương mặt uy tín, sáng giá như vợ chồng B. Clinton, vợ chồng Obama… công kích Trump nặng nề, quyết hạ Trump. Trump làm mất lòng quá nhiều người, ông làm sao ra khỏi tình thế bị cô lập này? Ông quyết không bỏ mất vị trí trung tâm của mình, và mấy hôm nay, có vẻ chỉ số tín nhiệm của ông có nhích lên. Dù sao, tình hình từ nay đến bầu cử (3-11) sẽ còn nhiều diễn biến.

“Việt Nam là nạn nhân của chiến thắng của chính mình” - một nhà báo nước ngoài nhận xét về tình hình dịch COVID-19 ở Việt Nam hiện nay. Tức là do chủ quan mà gánh vạ. Nhưng khách quan mà xét, thì cũng rất khó tránh. Thủ tướng đã nhiều lần cảnh báo không được chủ quan - Nhưng một đường biên dài hơn 5.500km với nhiều nước, đặc biệt là với Trung Quốc, nơi cũng đã tái dịch, mà người qua lại thì rất phức tạp. Đà Nẵng, thành phố xinh đẹp bên sông Hàn, “thành phố đáng sống” là nơi hứng chịu hậu quả. Cũng không ngờ người ta du lịch đến Đà Nẵng đông như thế. Riêng Hà Nội đã là gần 100 ngàn người. Đà Nẵng trở thành ổ dịch từ các bệnh viện. Bây giờ, cả nước dốc lực dập dịch cho Đà Nẵng. Đà Nẵng mà yên, thì cả nước ổn, đúng vậy. Và chúng ta tin rằng với kinh nghiệm và chủ trương đúng, cách làm đúng, quyết liệt, nhất định chúng ta sẽ dập được dịch (dự định cuối tháng 8 sẽ dập được dịch ở Đà Nẵng).

Bên cạnh việc dập dịch, thì việc khôi phục và phát triển kinh tế đang được ráo riết tiến hành. Điều làm chúng ta yên tâm là nhiều chỉ số kinh tế đang báo hiệu những tốt lành. Chẳng hạn, theo dự kiến của thế giới, năm nay GDP của chúng ta tăng 2,1% (dù không cao, nhưng là nước tăng trưởng hiếm hoi ở châu Á trong đại dịch). Còn định mức phấn đấu có thể là hơn 4%. Có nhiều cái khó, ta đã biết. Hai ngành hàng không, du lịch đều ế ẩm, thua lỗ. Nhiều xí nghiệp bí cả đầu ra lẫn đầu vào (chuỗi cung ứng nguyên vật liệu bị đứt gãy vì dịch). Do đó, số người thất nghiệp sẽ tăng lên; số khó khăn sẽ tăng lên, và không thể có sự giúp đỡ, chi viện nào dù đầy thiện chí, có hiệu lực.

Từ ngày 1-8-2020, Hiệp định thương mại tự do Việt Nam - EU bắt đầu có hiệu lực. Thị trường EU gồm 27 nước, dân số 450 triệu người, bắt đầu tiếp nhận hoa quả, gạo, hàng dệt may, giày dép, túi xách… miễn thuế, sẽ là một động lực vào giữa lúc khó khăn này. Tuy vậy, hiệp định không phải là một bữa tiệc dọn sẵn, mà phải qua biết bao cố gắng, nhất là giữa lúc đại dịch này.

Một tin vui: vừa phát hiện mỏ dầu khí lớn nhất ở ngoài khơi thềm lục địa phía Bắc Việt Nam. Mỏ Kèn Bầu này cách đất liền gần nhất thuộc tỉnh Quảng Trị 65km, cách Đà Nẵng 86km, được đánh giá có trữ lượng dầu khí lớn nhất của dầu khí Việt Nam. Hợp đồng dầu khí Lô 114 này hiện do Eni Vietnam B.V. là người điều hành, nắm giữ 50% quyền lợi tham gia. ESSAR E&P Limited nắm giữ 50% quyền lợi tham gia và đang trong giai đoạn tìm kiếm thăm dò. Dự kiến phát hiện Kèn Bầu có thể đưa vào khai thác từ năm 2028 (theo Giáo dục và Thời đại và các báo khác). Tuy thế, vẫn cần cảnh giác mưu mô và hành động tranh chấp của Trung Quốc dựa vào cái đường lưỡi bò lố bịch và phi pháp, như đã từng xảy ra ở nhiều chỗ, nhiều nơi (nhất là quanh bãi Tư Chính).

Trung Quốc đang xua tàu đánh cá có trang bị hiện đại (có cả thảy 200.000 tàu, họ được tài trợ của nhà nước 28 tỉ USD) xuống biển Đông để vơ vét cá. Biển Đông vốn không phải của họ, nên họ tận thu tận diệt cá tôm ở đấy, nhằm mục đích khẳng định chủ quyền mà họ tranh chấp, họ cũng chẳng tiếc gì, mặc dù họ nói họ cấm đánh cá vừa qua là nhằm bảo vệ môi trường! Còn tàu của ngư dân ta là tàu gỗ, làm sao tranh với họ được. Chính sách này của Trung Quốc thật là thâm sâu nên cả khu tự trị dân tộc Choang cũng có nhiều tàu đánh cá, chứ không chỉ Hải Nam, Quảng Đông… Bà con đánh bắt cá của ta đang đứng trước một thách thức lớn!

20-8-2020

HỒN VIỆT