Sau khi được tin cấp báo anh Tâm bị bọn mật vụ Ngô Đình Cẩn bắt giữ, chị Tâm vội vàng chạy qua bên ngoại gởi thằng con trai lên năm, tất tả đi vào Sài Gòn lánh nạn.
Khi xe đổ khách ở gần Ngã Bảy thì trời vừa sáng. Chị không dám đi xích lô vì sợ hết tiền - mấy chả thấy mình lớ ngớ bèn chở đi quanh vòng vo rồi lột sạch túi. Chị cứ vừa đi vừa hỏi, đáo tới, lộn lui, cho đến trưa trờ trưa trật mệt thấy mồ tổ mới tìm ra nhà Chín Mực, con ông bác họ. Anh Chín cùng quê Hòa Vang, trước có hoạt động nhưng cách đây chừng một năm tổ chức bị bể, công an ngụy quyền chụp hụt nên anh thoát được chạy vào Sài Gòn, đạp xe ba gác gần chợ Cầu Muối.
Thấy chị, anh mừng vì gặp bà con nhưng cũng ngán ngại vì sợ liên lụy. Bấy giờ, cán bộ hoạt động ngoài Trung bị địch đánh phá, nhiều người chạy vào Sài Gòn để dễ ẩn mình giữa chốn rừng người. Vì vậy, Cẩn đưa một toán mật vụ vào Nam, ban đầu thiết lập bản doanh ở bến Vân Đồn, lùng sục truy bắt cán bộ kháng chiến đem về khai thác.
Kể ra vợ chồng anh Chín không niềm nở lắm mà cũng không quá lạt lẽo, nhưng ở mới được ba ngày chị Tâm đã rầu thúi ruột. Ăn rồi ngồi không ở nhà người ta, coi dị hợm quá. Chị lấy cớ tìm việc làm, ra đi lang thang, nhưng chỉ loanh quanh các phố gần nhất, vì sợ lạc đường.
Sài Gòn ngộ thiệt, người ta như thích ăn ngoài vỉa hè. Thuốc lá thì xé bao ra, bán lẻ từng điếu. Còn cà phê đen lại rót ra dĩa, bưng hớp cho mau nguội, chẳng kiểu cọ gì. Lúc đầu, thấy món thịt bò vò viên, chị cứ ngơ ngác, không tin là thiệt. Ai lại hoang phí ăn toàn là thịt! Năm ba viên đó, đem mà quết nhỏ, nấu cũng được nồi canh rau tổ chảng, ăn đủ cả nhà. Nhưng khó coi nhứt là cái gối ôm. Không có người khác thì ráng mà nhịn, chớ ôm cái gối coi mắc cỡ quá.
Đến ngày thứ tư, chị Tâm nói với vợ chồng anh Chín:
- Ở không, rầu quá mà lại nhớ nhà. Anh chị kiếm giúp một công chiện để lòm.
Anh Chín đưa mấy ngón tay cào dưới cổ họng như tìm một lời giải đáp. Rồi hỏi:
- Cô có chiên môn chi không?
- Chiên môn chiên khoai chi đâu. Mình là thứ dân lòm ruộng, quanh năm chỉ biết có chiện đồng oán.
- Kẹt thiệt! Phải chi cuốc được đường sá Sài Gòn mà trồng khoai mì thì cũng đỡ khổ… Mà thôi, cô nè, ngộ biến mình tùng quyền vậy, cứ đi ở mướn cho qua truông ni rồi mình liệu tới. Ở mướn, phải làm đủ thứ công chiện trên đời mà không cần có chiên môn chi hết.
- Thôi, rứa cũng được. Chớ anh trước kia là phó chủ tịch mà nay cũng biết đạp xe ba gác đó tề.
- Mà đạp không thua bất cứ thèng nào! Tui nghĩ: đánh eng thèng Tây thì làm cái chi coi cũng dễ ợt. Để chiều ni tui về sớm ghé lại bà Năm Cá Kèo nhờ bả tìm cho.
Qua ngày hôm sau, bà Năm đã đến.
- Ai là cô Tâm?
- Dạ, tui đây.
Bà Năm nhìn vẻ trẻ trung, đôn hậu của người đàn bà đối diện và đọc thấy một nỗi buồn trên cái khuôn mặt đằm thắm, đoán cô ả này có lẽ giận chồng nên bỏ nhà đi.
- Anh Chín có nhờ tôi tìm cho cô một chỗ để làm. Chỗ này kể như số dách.
Chị Tâm không hiểu số dách là gì, nhưng đoán chắc là lương cao. Bà Năm nói tiếp:
- Gia đình ít người mà lại thuộc loại giàu sang. Hai vợ chồng, hai đứa con, một người tài xế mỗi ngày đến để lái xe đưa ông bà chủ đi làm, tối thì về nhà. Bà chủ làm việc ở Sở Tài chánh, ông chủ làm việc ở Sở Thuế vụ, toàn là những chỗ hốt bạc của người thiên hạ. Công việc nhàn hạ, mỗi tháng là năm trăm đồng, mỗi năm hai bộ quần áo.
Chị Tâm thấy cần nói lên điều chị băn khoăn số một:
- Không biết ông bà ấy là người ở xứ sở mô?
- Người Bắc cả đó. Bắc di cư mà.
Chị Tâm kêu lên:
- Ối thôi! Tui sợ những người Béc lắm.
- Ơ kìa! Việc gì mà sợ? Họ cũng là người mình thôi. Lại rất lịch sự, đàng hoàng.
- Nhưng họ nói không nghe được.
- Họ nói tiếng Việt chớ nói Tây, Tà gì đâu mà hổng nghe ra. Nghe riết, ít bữa cũng thông lỗ nhĩ. Bộ cái giọng Quảng của cô, người ta dễ nghe lắm sao?
- Đành vậy. Nhưng bà thông cổm cho. Tui muốn tìm người Quảng Nôm cho nó dễ dàng…
Bà Năm đứng dậy, có vẻ phật ý:
- Ừ, cứ ngồi đấy mà chờ. Đi ở mà còn phân biệt Bắc, Nam. Nói thật, không dễ gì tìm được chỗ mát mẻ vậy đâu.
Rồi bà ra về. Hai ngày sau đó, chị Tâm càng sốt ruột hơn trong nỗi đợi chờ. Vợ chồng anh Chín không dám bàn vào, sợ bị hiểu lầm là họ muốn chị sớm rời khỏi nhà. Đến ngày thứ ba, bà Năm Cá Kèo lại đến. Làm chuyện môi giới, bà không biết đến nản lòng!
- Hôm nay thì cô ắt chẳng chê vào đâu được. Đôi vợ chồng son, mới lấy nhau chưa đầy tháng, cần người giúp việc lặt vặt trong nhà. Lương tháng bốn trăm, nhưng mà khỏe re.
- Dạ họ là người…
- Cũng ở miền Trung, xứ sở của cô. Chịu chưa? Dân Huế chính cống. Sao hả? Người Huế là dân đế đô, thanh lịch hết cỡ.
- Ui choa… người Huế. Nhưng họ nói giọng trọ trẹ…
- Trọ trẹ thế nào? Giọng Huế ngọt như mật ong vào loại thượng hạng, không ai nghe mà không mê. Chị còn đòi hỏi gì nữa? Bộ muốn tìm cho người Quảng Nam thứ thiệt?
- Dạ, bà Năm hiểu cho.
- Tôi hiểu hết nổi.
Chị Tâm năn nỉ:
- Giá hạ hơn vậy cũng được. Miễn là…
- Miễn là Quảng Nam?
- Dạ.
Bà Năm quay đi, dừng lại:
- Quảng Ngãi được hông?
- Dạ, nhờ bà hiểu cho…
- Hiểu rồi! Hiểu rồi! Hiểu rồi… Tôi ráng cho cô đợt chót không thì cô mua vé xe dông về Đà Nẵng, mặc sức mà chọn cho được vừa lòng.
Bà lại vùng vằng ra về. Chị Tâm lại phải chờ đợi. Có lúc chị muốn đánh liều chấp nhận đi ở bất cứ chủ nhà thuộc xứ sở nào, nhưng lại hy vọng tìm được một người đồng hương. Dầu sao, chị thấy đồng hương cũng dễ chịu hơn. Chỉ nghe cái giọng Quảng Nam quen thuộc đã thấy ấm lòng. Mà tiếng Quảng mình cũng dễ thương thiệt. Ăn thì lại nói ra eng, cháo thì nói chố, đệm vào là răng, rứa, mô, tê nghe giòn giã tựa bắp rang, chớ có kém thua giọng của miền nào… Nghe nói ở đây dân Quảng Nôm mình không thiếu cha chi, lẽ mô không có một nhà tìm kiếm người lòm?
Cuối cùng bà Năm Cá Kèo lại đến.
- Giờ thì hết chê. Quảng Nam thứ thiệt, một trăm phần trăm. Một ông thầu khoán giàu sụ, hai xe hơi nhà, ở lầu ba tầng. Đúng như chị muốn, ba trăm một tháng. Đã vừa bụng chưa?
- Cám ơn bà Năm.
- Tôi chỉ lấy nửa tháng lương đầu thôi. Công tôi lội suốt nửa tháng nay để tìm ra người Quảng Nam cho chị.
Thôi được như vậy là quý lắm rồi. Bỏ quê ra đi, nay được sống với đồng hương, có công việc để kiếm ăn cho qua giai đoạn khốn đốn, rồi sẽ tính nước cờ khác. Chị Tâm chào hai vợ chồng anh Chín, theo gót bà Năm Cá Kèo đi vào một cuộc sống mới mà chị không hề lường trước trong cuộc đời mình.
*
Nhà ông thầu khoán ở mặt tiền đường, gần chợ Bà Chiểu. Trả tiền xích lô từ chợ Cầu Muối đến đây, cho hai người ngồi, thấy đau thắt ruột. Bấm chuông ba lần mới có một người đi ra, lõ mắt nhìn qua khe cổng, quan sát rồi hỏi tính danh mới chịu mở cửa. Ở nơi khá giàu sang này, mọi kẻ đột nhập phải xét qua tiêu chuẩn đo lường chất lượng của hạng gian phi.
Qua vạt sân rộng, vào trong phòng khách lại phải đợi chờ. Chờ đợi là một đặc điểm trong sự giao tiếp với những người giàu. Giây lâu, bà chủ từ lầu bước xuống, khoan thai lại ghế, ngồi lên, rồi hỏi bà Năm:
- Răng đó, giá cả đã thỏa thuận chưa?
- Dạ rồi. Ba trăm một tháng. Cô ta bằng lòng.
Bà chủ mới quay sang nhìn chị Tâm từ đầu đến chân:
- Chị ở xã mô, huyện mô?
Những tiếng răng, mô, gợi cho chị Tâm chút gì ấm áp trong cái không khí tiếp đón lạnh lẽo. Chị khai xong quê quán mình, bà chủ hỏi ngay:
- Răng chị vô đây?
Chị Tâm lấy cớ nghèo khổ vào đây kiếm cách sinh nhai.
- Chị có giấy tờ tùy thân, căn cước chi không?
Rồi bà nói tiếp:
- Chỉ sợ mấy tay Việt Cộng đổi vùng, chui vô nhà mình ẩn nấp thì thấy bà nội. Có giấy tờ không?
Chị Tâm không dám đưa giấy tờ ra, nói trớ:
- Thưa bà, tui có đầy đủ mọi thứ, kể cả giấy đi bầu cử cụ Ngô, trứt phế Bảo Đại. Nhưng vô đây sợ thất lạc, tui gởi đèng nhà người anh. Chút nữa, tui xin phép về đó lấy.
Bỗng bà chủ nhà ngước lên và theo hướng đó chị Tâm thấy một con người to béo đứng chỗ khúc quanh cầu thang, cặp mắt lim dim nhìn chị. Chắc là ông chủ, nãy giờ im lặng quan sát con người lạ mặt đột nhập vào đây.
Bà chủ nói giọng khô khan:
- Ông tính răng đây? Cô này không có giấy tờ đem theo, xin về nhà lấy.
Ông chủ chậm rãi bước xuống:
- Mai lấy cũng được. Rồi chiều đem lên cho an ninh quận kiểm tra lý lịch. Giờ hỏi xem việc bếp núc ra sao? Này, có biết nấu cơm Tàu không?
- Dạ… không.
- Cơm Tây?
- Dạ… không.
Ông ta hừ một tiếng lớn:
- Kỳ cục, không biết cái mốc chi hết mà cũng đi ở!
Bà chủ hỏi tiếp:
- Vậy chớ ủi đồ, biết không?
Ở ngoài nhà quê, có ủi đồ bao giờ! Thỉnh thoảng có đi đám cưới, kỵ giỗ, vợ chồng chị Tâm xếp quần áo lại, đem chèn dưới gối cho được thẳng nếp. Chị đáp:
- Dạ… không.
- Cơ khổ! Cái chi hỏi cũng không biết, vậy thời mần răng? Ba trăm thì giá cao quá. Bớt đi năm chục, còn hai trăm rưởi, được không thì làm. Cao giá rồi đó. Đừng nghĩ nhảy vô Sài Gòn là hốt bạc cục mang về, mà lầm.
Chị Tâm toan mượn dịp này chối từ thì bà Năm đã rỉ tai:
- Cứ việc nhận đi. Chỗ nào mới nhập cũng bị làm khó như vậy, chứ sau đó thì dễ thôi.
- Dạ, tôi xin nhận.
- Ờ, còn coi lại chị mần ăn thử đã. Đây, bà Năm, đưa bà mấy đồng về xe. Để mười ngày sau, cô này làm ăn ra răng tôi sẽ tính toán với bà.
Bà Năm nhận tiền mặt một cách miễn cưỡng rồi bước ra về, vẻ mặt không vui. Chị Tâm được gọi xuống phụ dọn bữa cơm chiều với một bà bếp được thuê mướn tạm, đến nấu mỗi ngày rồi tối ra về. Chị nhận lệnh của bà chủ theo sát bà bếp để nắm công việc phải làm, và sau ba hôm sẽ cho bà bếp nghỉ hẳn.
Bữa tối, chị ăn chung với bà bếp. Hai người chỉ một tô cơm và ít cá mặn do lúc chị đến gạo đã vo xong và đặt lên bếp, bà chủ không cho nấu thêm vì tối đi ngủ, chẳng cần ăn nhiều. Chị được trao chiếc ghế bố, một cái mùng chiếc đã cũ và nằm dưới bếp. Một lát, chị nghe có tiếng lách cách bên ngoài: bà chủ hẳn đã khóa lại vì chưa thể tin chị được. Chị Tâm thao thức, không sao ngủ nổi và có cảm tưởng như mình là một tù nhân.
Mờ sáng, chị đã ngồi dậy vì nghe mở khóa, và bà chủ gọi chị ra quét sân. Quét xong, chị nói:
- Thưa bà, cho tui về lấy giấy tờ.
- Để trưa, làm xong công việc hãy đi. Bây giờ vô lau cầu thang. Cây đẩy để ở dưới bếp. Lau ướt rồi mới lau khô.
Quét cái sân rộng đã thấm mệt, giờ lau cầu thang của ba tầng lầu khiến chị rã rời chân tay. Làm xong việc này, chị nghe đồng hồ điểm đúng bảy giờ. Chưa kịp nghỉ ngơi, bà chủ đã gọi:
- Vào nấu nước sôi rồi pha cà phê. Có biết pha không?
- Dạ… không.
- Khỉ mốc! Cà phê cũng không biết pha thì có mà ở với cùi. Vậy mà cũng đòi lương cao. Nói thiệt, chị không xứng trả hai trăm rưởi đâu.
Chị Tâm thừa biết cái mức ba trăm đồng một tháng là cái mức chót của kẻ đi ở mướn trong thời buổi này.
- Vậy thì bắc nước sôi lên, để đó. Đem thau đồ ra giặt đi.
Thau đồ cao nghệu của hai vợ chồng và bốn đứa con. Giặt xong, bụng đói, tai ù, chị đi như không vững nữa. Không nghe nói gì đến bữa ăn sáng. Gia đình ông chủ cùng đi điểm tâm ở một hàng quán gần đấy. Chị nghe tiếng xe và tiếng khóa cổng bên ngoài. Chị Tâm lại phải dọn dẹp cho đến nửa buổi, rồi phụ bà bếp, vừa đi chợ về, để nấu cơm trưa.
Gia đình nhà chủ ăn xong đã gần một giờ. Chị Tâm dọn xuống, ăn qua quýt vài lưng chén cho đỡ đói rồi nhờ bà bếp thu vén, chị tranh thủ gặp bà chủ để xin về nhà lấy các giấy tờ. Bà chủ ngồi yên một lát, rồi nói:
- Cho đi một giờ thôi đó, đừng có lê la, về trễ mà bị rầy rà. Tính ông nhà tôi khó lắm.
Chị Tâm bước khỏi nhà chủ và đi như chạy. Chị sẽ không bao giờ quay lại nhà của kẻ đồng hương, và cái ảo tưởng tìm người Quảng Nam cũng đã tan biến nơi tâm hồn chị. Thì ra, đi với cách mạng lâu nay mà chị vẫn chưa hết bệnh mơ hồ. Bây giờ thì chị thấm thía Quảng Nam cũng có hai loại, loại tốt và xấu. Và không riêng gì Quảng Nam, mà mọi địa phương trên quả đất này cũng chỉ gồm hai loại đó.♦
(Viết lại câu chuyện của chị Tâm ở chợ Vườn Chuối, quận 3)