Có người gọi Chế Lan Viên là một nhà tư tưởng. Điều đó có phần đúng. Những nhà văn lớn xưa nay, về thực chất, họ là những nghệ sĩ - một kiểu nghệ sĩ đặc biệt. Ở họ, nhà nghệ sĩ thống nhất với nhà tư tưởng. Qua những tác phẩm văn chương, những hình tượng và biểu tượng nghệ thuật độc đáo - là những sáng tạo riêng thể hiện sâu sắc cá tính sáng tạo - nhà văn thể hiện những quan niệm riêng, tư tưởng nghệ thuật riêng của mình. Và ông ta hiện ra như một nhà tư tưởng. Ở những tài năng lớn, nhà nghệ sĩ đồng thời là những nhà tư tưởng lớn. Trong nền thơ hiện đại Việt Nam, Chế Lan Viên là một nhà thơ có tầm vóc ấy.
Chế Lan Viên là nhà thơ lớn, “một trí tuệ và một tài năng lớn”(1). Nhiều nhà nghiên cứu cho rằng thơ Chế Lan Viên giàu chất trí tuệ. Điều này có cội nguồn từ cá tính của ông, một con người lý trí, cực kỳ thông minh, vô cùng uyên bác và đầy tài năng, xứng đáng là một nhà bách khoa toàn thư. Ở Chế Lan Viên, thiên về lý trí tỉnh táo, sắc sảo; sự thông minh và tài hoa ưu trội hơn cái “tình”, “mê”. Chế Lan Viên rất tâm đắc với quan niệm “Thơ phải là ngày hội của lý trí” (La poésie est une fête de l’intellect) của Paul Valéry. Kế thừa và phát triển quan niệm về thơ, qua thực tiễn sáng tác của mình, Chế Lan Viên khẳng định: “Thơ không chỉ đưa ru mà còn thức tỉnh”(2). Cá tính và quan niệm về thơ như thế chính là cội nguồn trực tiếp, góp phần quyết định tạo nên phong cách nghệ thuật thơ Chế Lan Viên.
Phong cách nghệ thuật của Chế Lan Viên trước hết được thể hiện ở cái nhìn nghệ thuật về thế giới và con người giàu chất trí tuệ, đa diện, nhiều chiều, mang tầm triết lý, giàu tính phát hiện của ông.
Thơ Chế Lan Viên chinh phục người đọc trước hết bằng một trí tuệ thông minh, vô cùng sắc sảo. Chính cái trí tuệ cực kỳ sắc sảo của ông đã tạo nên cái nhìn thiên về duy lý, cái nhìn ở chiều sâu, khám phá thế giới và con người ở cái bề chưa thấy, “Khai quật các tầng sâu, ăn vào mùi hương trầm tích”, nhằm phát hiện ra bản chất của nó. Ngòi bút thông minh, sắc sảo của ông có khả năng chạm vào cốt lõi của những vấn đề về cuộc sống và con người, về dân tộc và thời đại.
Tư duy thơ Chế Lan Viên độc đáo ở chỗ, đó là kiểu tư duy không chỉ dừng lại ở cảm xúc, ở bề ngoài của sự vật mà còn luôn có ý thức khám phá cái bên trong, bản chất của đối tượng, hướng tới nắm bắt cái ý nghĩa hàm ẩn, sâu xa trong mỗi sự vật, hiện tượng, và bằng những hình tượng, biểu tượng nhiều tầng, đa nghĩa, qua tưởng tượng, liên tưởng đặc sắc, phong phú, đầy bất ngờ mà liên kết các sự vật, hiện tượng trong nhiều mối tương quan, qua đó làm bật ra những ý nghĩa sâu sắc. Con người và cuộc đời hiện ra trong thơ Chế Lan Viên không chỉ như nhà thơ cảm xúc về nó mà còn là, chủ yếu là như nhà thơ suy nghĩ, nghiền ngẫm về nó. Kiểu tư duy nghệ thuật của ông không thiên về cảm xúc, cảm giác mà thiên về trí tuệ, có khả năng thâm nhập vào bề sâu và khám phá các bình diện của đối tượng, soi sáng nó trong nhiều mối tương quan, trong quá trình vận động và phát triển để phát hiện những ý nghĩa tiềm ẩn mới mẻ, tạo nên những “khoái cảm trí tuệ” cho người đọc. Đó còn là kiểu tư duy tranh luận, đối thoại. Tranh luận, đối thoại trở thành cảm hứng chủ đạo trong nhiều bài thơ của ông.
Với Chế Lan Viên, thơ không chỉ là tiếng lòng, là tiếng nói của tình cảm, của tâm hồn mà còn là tiếng nói của lý trí, lý trí căng thẳng làm lay động cảm xúc, nâng cao cảm xúc, tạo nên sự hòa hợp giữa lý trí và cảm xúc. Điều này cũng chi phối cách làm thơ của riêng ông. Võ Văn Trực nhận xét: Ở Chế Lan Viên, “rất hiếm một bài thơ được viết ‘tại trận’. Qua bao nhiêu nghiền ngẫm, qua bao nhiêu bản nháp, qua bao nhiêu thay đi đổi lại một từ ngữ, anh mới cầm bút viết câu mở đầu một bài thơ”(3). Vân Long cho biết, có lần anh đưa nhà thơ Chế Lan Viên đi thăm chùa Dư Hàng, đền thờ bà Lê Chân ở Hải Phòng. “Vừa chiêm ngưỡng cảnh, vừa nghe giới thiệu, thỉnh thoảng tôi lại thấy nhà thơ rút bút ghi vội mấy dòng. Tôi nhìn lướt qua vai ông: Trời ơi! Thì ra ông ghi nguyên từng câu thơ vừa nghĩ, thường là hai câu một, để diễn tả một ý tưởng. Đó là cách làm việc độc đáo của riêng ông”(4).
Trước cách mạng, nhân vật trữ tình trong thơ Chế Lan Viên chìm đắm trong suy tưởng, triền miên trong nỗi đau hủy diệt của cả một dân tộc. Sau cách mạng, nhân vật trữ tình trong thơ ông có sự hòa hợp cái riêng và cái chung, vươn tới cái ta chung nhưng vẫn đầy trăn trở, day dứt: “Ta là ai? như ngọn gió siêu hình/ Câu hỏi hư vô thổi nghìn nến tắt/ Ta vì ai? khẽ xoay chiều ngọn bấc/ Bàn tay người thắp lại triệu chồi xanh” (Hai câu hỏi). Nhân vật trữ tình từ 1945 đến 1975, nhất là trong những năm chống Mỹ, thông minh, sắc sảo, thích đối thoại, ham tranh luận, triết luận, với ý thức đổi “tiếng nói trong khuê phòng ra tiếng nói của đời, sự thủ thỉ vào tai của một người thành giọng ca hùng tráng cho muôn ngàn quần chúng” (Tựa Thơ chống Mỹ, cứu nước). Đến cuối đời, nhân vật trữ tình trong thơ ông vẫn không nguôi nghĩ suy, day dứt đi tìm cái bản sắc của mình: “Anh là tháp Bay-on bốn mặt/ Giấu đi ba, còn lại đấy là anh/ Chỉ mặt đó mà nghìn trò cười khóc/ Làm đau ba mặt kia trong cõi ẩn hình” (Tháp Bay-on bốn mặt). Vẫn trăn trở tìm đường: “Ôi! con đường không ra đường của kẻ tìm thơ/ Cái thơ không ra thơ của kẻ tìm đường/ Đã gần hết thời gian của tôi ở trên trái đất/ Mà tôi chưa có thể trả lời cho mẹ/ Mẹ đâu biết rằng:/ Hoa tôi hái trên trời/ Cũng là nước mắt/ Dưới xa kia” (Tìm đường). Vẫn đau đớn khi nhận ra: “Người diễn viên ấy đóng trăm vai, vai nào cũng giỏi,/ Chỉ một vai không đóng nổi:/ - Vai mình!/ Lỗi ở ai nào? Chính lỗi ở anh!/ Cuộc đời anh, quan liêu, anh chả thuộc/ Anh nghĩ nó là đời anh, nhớ hay quên lúc nào chả được/ Anh đóng giỏi trăm vai, lại đánh mất mình” (Thơ về thơ). Cái “tôi” trữ tình cuối đời hiện lên như một triết nhân đầy trăn trở, suy tư, giàu chiêm nghiệm về con người, về mình, về ta, khao khát đi đến tận cùng giải đáp về bản thể: “Ta là ai? Về đâu? Hạt móc/ Là ta chăng? Dòng sông là ta chăng? Tiếng khóc/ Là ta chăng? Ta chưa kịp trả lời/ Thì sông đã cuốn ta vào bóng tối” (Hỏi? Đáp). Có thể nói, hai câu hỏi lớn Ta là ai? Ta vì ai? cứ chập chờn ẩn hiện suốt các chặng đường thơ Chế Lan Viên, qua đó làm hiện lên nét đặc trưng chân dung tinh thần của một nhà thơ luôn đặt vấn đề về cuộc sống và nghệ thuật, luôn luôn tự hỏi mình và trả lời mình. Một con người băn khoăn trăn trở nhiều về triết lý nhân sinh, suốt đời đi tìm cái bí ẩn của bản thể người, cái bản chất, cốt lõi của mỗi hiện tượng, sự vật và cái vẻ đẹp kỳ diệu, vô cùng vô tận của nghệ thuật thơ ca.
Thơ Chế Lan Viên giàu chất trí tuệ, điều đó còn thể hiện ở phương thức tạo dựng hình tượng, phương thức biểu hiện nghiêng theo chiều hướng khái quát hóa. Trí tuệ, độc đáo và đầy bản lĩnh còn thể hiện ở chỗ, trong khi những nhà thơ từ 1945 đến 1975 nói nhiều đến thực tế với quan niệm thơ cần phản ánh chân thật hiện thực đời sống thì Chế Lan Viên lại cho rằng “làm thơ, chính là nói, là viết cái điều tỏa ra trước thực tế chứ không phải chỉ bằng bản thân thực tế”, và ông đã “nói nhiều về kỷ niệm, kỷ niệm như một chất liệu trực tiếp”, nói nhiều đến tương lai, đến cái kỳ ảo, đến cơn mơ và mộng tưởng. Chính điều đó đã góp phần tạo nên thế giới nghệ thuật thơ đa tầng ý nghĩa, lung linh sắc màu, lộng lẫy, hào hoa của Chế Lan Viên. Chính điều đó cũng giúp ông sáng tạo nên những hình tượng thơ độc đáo, in đậm cá tính sáng tạo của ông như hình tượng nhân dân, hình tượng Tổ quốc và hình tượng Bác Hồ. Nếu không có trí tuệ sắc sảo, không có vốn văn hóa sâu rộng, Chế Lan Viên không thể tạo nên được những hình tượng nghệ thuật phong phú, nhiều tầng, giàu ý nghĩa như thế.
Chế Lan Viên cho rằng: “Nghệ sĩ là người nào biết gián cách họ với ta bằng tác phẩm/ Đem tất cả cái Bên Trong tạo hình thức Bên Ngoài” (Tạo hóa tạo hình). Đọc Chế Lan Viên, có thể thấy được cái nỗ lực phi thường của ông đem “tất cả cái Bên Trong” của một con người vừa có trí tuệ cực kỳ sắc sảo vừa nhất mực tài hoa để tạo “hình thức Bên Ngoài” vừa độc đáo vừa đa dạng, phong phú. Trí tuệ được thể hiện qua những tứ thơ độc đáo, ý thơ vô cùng sắc sảo, có nhiều tìm tòi về nghệ thuật biểu hiện. Trí tuệ thể hiện ở năng lực tổ chức kết cấu. Nhiều bài thơ của Chế Lan Viên kết cấu chặt chẽ, trong đó có những bài có dáng dấp kết cấu giao hưởng của những bản giao hưởng thơ hiện đại. Thơ Chế Lan Viên là một thế giới nghệ thuật phong phú, đa dạng về mô típ, những ý tứ cứ nối tiếp nhau, luôn mở rộng, nhiều chiều và phong phú, bài sau bổ sung cho bài trước, ngôn ngữ thơ cũng thiên về trí tuệ. Theo nhà thơ Phạm Hổ, “Với những bài thơ dài, lúc nào Chế Lan Viên cũng có sự chuẩn bị rất kỹ lưỡng, về bố cục, về chất liệu. Những lúc đó anh như một chủ tướng ngoài mặt trận, một chỉ huy trưởng trên công trường”(5).
Trí tuệ cũng thể hiện ở sở trường về thể loại: thơ tự do, thơ văn xuôi và tứ tuyệt. Thơ tự do và thơ văn xuôi tạo điều kiện cho ngòi bút Chế Lan Viên tung hoành, có khả năng phá vỡ khuôn khổ bình thường của những câu thơ, tạo nên âm hưởng, nhạc điệu thích hợp, khai phóng trí tuệ, mở đường cho nhà thơ bộc lộ hết những suy nghĩ của mình về con người, cuộc sống và nghệ thuật. Còn tứ tuyệt, như Xuân Diệu nhận xét là “một thể thơ rất khó, phải tập trung, hàm súc, và cần có một sáng tạo gì như là một sự bất ngờ, một ẩn khúc bốn câu”(6). Với tư cách là một thể loại, tứ tuyệt là một góc nhìn hẹp ra thế giới, nó đòi hỏi nhà thơ có khả năng giải quyết được mối quan hệ giữa cái vi mô và cái vĩ mô; từ cái nhỏ, cái hẹp mà hướng tới, mở ra được cái vô cùng, vô tận. Tứ tuyệt đòi hỏi nhà thơ cần phải cô đọng, dồn nén ý tưởng, cảm xúc vào trong một khuôn khổ chật hẹp của câu chữ, như người kiến trúc sư có khả năng dựng nên tòa nhà cao tầng trong một mảnh đất hẹp. “Tăng tính khái quát triết lý ở chủ đề là một cách chiếm lĩnh chiều sâu trong tứ tuyệt Chế Lan Viên. Phong cách triết lý của Chế Lan Viên đã sở đắc với thể loại tứ tuyệt, một thể loại giàu sức khái quát và triết lý. Từ một chi tiết, một hình ảnh cụ thể, Chế Lan Viên bao giờ cũng cố gắng phát hiện cái cốt lõi trừu tượng, một ý vị triết học đời thường sâu sắc”(7). Trong số các nhà thơ Việt Nam hiện đại, Chế Lan Viên là người đáp ứng xuất sắc nhất đòi hỏi nghiêm ngặt ấy, trở thành nhà thơ làm thơ tứ tuyệt đặc sắc, thành công nhất trong nền thơ Việt Nam hiện đại. Ở những bài xuất sắc, tứ tuyệt của Chế Lan Viên thường không tĩnh tại như một bức tranh mà có sự vận động, có tính quá trình, tức là có sự phá vỡ giới hạn của thể loại. Những bài thơ tứ tuyệt đặc sắc của Chế Lan Viên là một bằng chứng đầy thuyết phục về sự gặp gỡ, hòa hợp giữa phong cách cá nhân nhà văn và phong cách thể loại.
“Thơ không chỉ đưa ru mà còn thức tỉnh”. Đúng vậy, nếu chỉ có cảm xúc, chỉ “đưa ru” thì thơ có thể rơi vào tình trạng hời hợt, nông cạn. Ngược lại, chỉ có trí tuệ, chỉ “thức tỉnh” thì thơ lại dễ rơi vào tình trạng khô khan. Thơ tác động, “thức tỉnh” theo cách riêng: bằng cách khiến ta xúc động, thông qua những hình tượng, biểu tượng độc đáo, qua ngôn ngữ giàu hình ảnh, giàu nhạc tính và giàu sức biểu cảm. Ở những bài thơ xuất sắc của Chế Lan Viên thường có sự kết hợp, thống nhất hài hòa giữa cảm xúc và trí tuệ, cảm xúc gắn với suy tưởng, triết lý. Trong những trường hợp như thế, thơ Chế Lan Viên giàu chất trí tuệ, giàu triết lý mà vẫn rất thơ, tác động mạnh vào tâm trí, làm say lòng người. Đúng như nhận xét của Trần Mạnh Hảo: “Khi bài thơ đã đạt được sự hay, nó không còn phân biệt được đâu là tư tưởng, đâu là cảm xúc, đâu là xác và đâu là hồn nữa”(8). Sự vận động của mạch thơ trong những bài thơ xuất sắc của Chế Lan Viên thường là, từ những chi tiết, những hình ảnh, những cảm xúc cụ thể dẫn đến những suy ngẫm triết luận: “Con dù lớn vẫn là con của mẹ/ Đi suốt đời lòng mẹ vẫn theo con” (Con cò); “Khi ta ở, chỉ là nơi đất ở/ Khi ta đi, đất đã hóa tâm hồn” (Tiếng hát con tàu); “Dẫu muốn sống không thể quỳ để sống/ Hái hòa bình xin hái giữa phong ba!” (Cái hầm chông giản dị); “Chúng ta ở trên đời không phải để ra lộc ra hoa mà còn để mang thương tích” (Nhiệm vụ)... Cái khát vọng của ông, đóng bài thơ của mình như “đóng cái cọc vào đời để chống nước trôi xuôi” bằng rung động tâm hồn, bằng tình cảm, điều đó cố nhiên rồi, nhưng chủ yếu là bằng tư tưởng sâu sắc, trí tuệ sắc sảo. Ở những bài thơ xuất sắc trong đó có một số bài xứng đáng được xếp vào hàng kiệt tác, thơ Chế Lan Viên không chỉ làm rung động lòng người mà còn có khả năng thức tỉnh con người, góp phần giải đáp những vấn đề về cuộc sống và con người, về Tổ quốc, nhân dân và thời đại. Chân lý nghệ thuật ở đây được người đọc tiếp nhận qua cả hai kênh lý trí và cảm xúc.
Như vậy, trí tuệ sắc sảo tài hoa là hạt nhân cơ bản, là yếu tố ngời sáng của phong cách thơ Chế Lan Viên. Lê Đình Kỵ bày tỏ: “Tôi không coi Chế Lan Viên là nhà thơ tư tưởng và nghĩ rằng tư tưởng trong thơ anh sắc cạnh, độc đáo nhờ cách diễn đạt hơn là do tự thân của nó”(9). Vũ Tuấn Anh cũng cho rằng: “Xét cho kỹ, chất trí tuệ trong thơ Chế Lan Viên không phải chứa đựng những phát hiện lớn về tư tưởng, triết lý. Triết lý trong thơ Chế Lan Viên nằm trong tư tưởng lớn của Đảng ta, của dân tộc ta. Có điều anh biết suy nghĩ, và biết cảm xúc, và diễn đạt nó bằng hình tượng, biết phân tích và tổng hợp nó lại theo một lối cấu tứ mang đậm màu sắc riêng và gội nó trong không khí thơ”(10). Không hẳn như vậy. Nhà văn lớn nào, ngay cả những thiên tài, đều chịu ảnh hưởng tư tưởng của thời đại. Chỉ có điều, tư tưởng ấy, qua ngòi bút đầy tài năng, đã tạo nên được cách nhìn, cách nói riêng, đã hóa thân thành những hình tượng, biểu tượng độc đáo, thực sự trở thành máu thịt, tâm hồn, trí tuệ của ông ta, để biến cái tư tưởng của một thời trở thành cái muôn thuở, muôn đời. Nhà văn lớn, như trên đã nói, trước hết là một nghệ sĩ, và qua tác phẩm của mình, họ hiện ra như một nhà tư tưởng. Mai Quốc Liên có lý khi gọi Chế Lan Viên là “nhà thơ-tư tưởng”(11). Tư tưởng nghệ thuật của Chế Lan Viên là những suy tư, những tìm tòi của một nhà thơ gắn bó máu thịt với cuộc đời rộng lớn, với dân tộc và thời đại, được chưng cất, chắt lọc, qua sự chiêm nghiệm, trải nghiệm sâu sắc của ông. Chế Lan Viên vừa có được tài năng thi ca thiên bẩm, vừa có một tri thức khổng lồ, một trí tuệ vô cùng thông minh, sắc sảo, tạo nên một tâm hồn thơ đầy những dằn vặt, luôn suy ngẫm, vắt kiệt trí tuệ của mình để hướng tới những khái quát sâu sắc và tầm cao triết học. Ông là một tài năng lớn, nhà nghệ sĩ đồng thời là nhà tư tưởng của nền thơ hiện đại Việt Nam.
*
Với một trí tuệ đặc biệt sắc sảo và vốn tri thức văn hóa sâu rộng, cùng với cái nhìn chạm được vào bản chất, cốt lõi của sự vật, hiện tượng, Chế Lan Viên còn tạo được cho mình một cái nhìn nghệ thuật giàu tính khái quát, tổng hợp, kết hợp được trí tưởng tượng tổng hợp và trí tưởng tượng sáng tạo. Chính cái nhìn đa chiều, cái khát vọng “Phát giác sự việc ở những bề chưa thấy…”, “Nhìn cuộc đời phía dưới phía trên, phía sau, phía trước” (Nghĩ về nghề, nghĩ về thơ, nghĩ…), “Vực sự sống ba chiều/ lên trang thơ/ hai mặt” (Thơ bình phương - đời lập phương), cái ý thức nghệ thuật không quan sát đối tượng ở một góc nhìn duy nhất, tiếp cận sự vật từ nhiều phía, không tĩnh tại mà như một quá trình, đã tạo nên cái nhìn nghệ thuật giàu tính khái quát, tổng hợp này. Tầm bao quát rộng xa và sức nghĩ lớn, sâu xa là đặc điểm nổi bật của tư duy nghệ thuật Chế Lan Viên. Ở những bài thơ thành công, Chế Lan Viên đã phát huy được sở trường năng lực tổng hợp, trí tuệ sắc sảo, ý thức phát hiện và đào sâu từng mặt, từng khía cạnh của vấn đề. Thơ ông có có khả năng bao quát rộng lớn, kết hợp khá hài hòa giữa hiện thực và trữ tình, giữa cái “chân” và cái “ảo” (vì quan niệm “làm thơ là nói là viết về cái điều tỏa ra trước thực tế chứ không phải chỉ bằng bản thân thực tế: không có thực tế thì không có cái tỏa ra đó”; “Hiện thực không có trữ tình hỗ trợ là hiện thực văn xuôi”(12)), kết hợp yếu tố sử thi và yếu tố đời thường, cái tinh tế tài hoa và cái thâm trầm triết học, tạo nên một thế giới nghệ thuật phong phú, đa tầng, đa nghĩa. Chế Lan Viên đã vận dụng đầy sáng tạo nhiều hình thức thơ, như khao khát của ông: “Cuộc đời cần đẻ ra nhiều hình thức/ Dù là ngọc thì cũng nhiều viên ngọc/ Chứ đâu phải cứ xanh xanh vĩnh viễn một màu trời”. Với cái nhìn mang tính chất tổng hợp, Chế Lan Viên đã tạo nên một thế giới thơ lung linh sắc màu, vừa thực vừa ảo, tầng tầng lớp lớp đan cài vào nhau. Chế Lan Viên đã huy động và thiết kế đủ các kiểu hình ảnh: hình ảnh thực, hình ảnh được gọi về từ trong ký ức, hình ảnh ẩn dụ - ẩn dụ đơn và ẩn dụ kép, ẩn dụ nhiều tầng - thật đa dạng và phong phú.
Chế Lan Viên luôn có ý thức: “Hôn phối nhiều loại thơ để đẻ cho ra loại thơ ưu tú” (Thơ bình phương - đời lập phương). Là một tài năng lớn, ông đã “hôn phối”, đã tiếp thu một cách đầy sáng tạo nghệ thuật thơ, cả cổ điển và hiện đại, của phương Đông và phương Tây. Mai Quốc Liên nhận xét xác đáng rằng: “Chế Lan Viên thu hút tinh hoa của nhiều nền thơ vào thơ mình mà không làm mất bản sắc riêng, bản sắc dân tộc” mà nổi bật nhất là tiếp thu một cách đầy sáng tạo “một bí quyết lớn của thơ Đường, đó là nghệ thuật sử dụng cái đối nghịch, cái đối nghịch là một quy luật, một phạm trù bản thể luận của nghệ thuật [...]. Ngoài ra còn là sự phối hợp giữa nhạc và ý, giữa hư và thực, giữa duy lý và phi lý, giữa cái mơ hồ đầy ẩn ý “khả giải bất khả giải chi gian...” và cái hàm súc, dư ba “lời hết mà ý không cùng”, “câu thơ như trôi giữa sự nhớ nhung giữa hai bờ mộng và thực”; những cái đó lại được nung nấu trong tính chất hiện đại đầy trí tuệ của thơ Brecht, Neruda, Apollinaire, Éluard, Aragon... Đó là một thi pháp chưng cất được từ các nền thơ của các thế kỷ. Phong cách của Chế Lan Viên là một bước đổi mới trong thi ca Việt Nam, thơ anh gây được ấn tượng sâu xa lâu bền một phần nhờ vào đó”(13). Chế Lan Viên đã thu nạp được vào thơ mình, tổng hợp được cái giàu có và duy lý của phương Tây, cái sâu sắc và huyền diệu của phương Đông, tạo ra sức khái quát lớn, mở ra những chân trời liên tưởng bát ngát. Một phong cách thơ đặc sắc, vừa có nét bền vững vừa đa dạng, biến đổi qua từng thời kỳ, như chính quan niệm của ông về thi pháp: “Thi pháp đá và thi pháp lửa/ Thi pháp núi và thi pháp đất/ Thi pháp đứng từ xa, trên non cao nhìn vạn vật/ Tóm thâu tất cả trận đồ trong một câu, một cái nhìn…” (Thi pháp). Có thể nói, tính đa nghĩa, đa diện, đa thanh, đa sắc, có tính chất khái quát, tổng hợp cao nhằm khái quát sự đa dạng phong phú vô cùng của cuộc sống là một đặc trưng cơ bản của phong cách thơ Chế Lan Viên.
*
Cái nhìn nghệ thuật của Chế Lan Viên trong thơ giai đoạn 1945 - 1975 là cái nhìn mang tính chất sử thi nhưng vẫn có những nét riêng, in đậm dấu ấn của một cá tính sáng tạo độc đáo.
Từ 1945 đến 1975, nhất là thơ thời kỳ chống Mỹ, thơ Chế Lan Viên gắn với vấn đề thời sự, chính trị của đất nước nhưng vẫn chứa đựng những tâm tình riêng. Ông nói đến cái cộng đồng, cái ta chung nhưng vẫn có sắc thái riêng, vẫn phát huy được trí tưởng tượng phong phú, mạnh mẽ, vẫn mang một giọng điệu riêng, tạo nên một âm hưởng riêng, gợi lên được những rung động chân thành, mãnh liệt và có khả năng đọng lại lâu dài trong lòng người đọc. Một số bài thơ trong tập Những bài thơ đánh giặc có sự kết hợp khá hài hòa giữa cảm hứng dân tộc, cảm hứng thời đại với cảm hứng anh hùng. Vũ Quần Phương nhận xét: Chế Lan Viên “là người chủ lực trong cả nền thơ, tạo nên mạch trữ tình lịch sử, trữ tình của những sự kiện lớn”(14). Bám chắc, đào sâu vào những vấn đề thời sự, chính trị, nhiều bài thơ trong các tập Hoa ngày thường - chim báo bão (1961 - 1967), Những bài thơ đánh giặc (1970 - 1972), Đối thoại mới (1967 - 1973) của Chế Lan Viên quả là đã tạo nên được một “dàn đại bác thơ”, hừng hực tinh thần chiến đấu, có sức mạnh như những đội quân tinh nhuệ. Những bài thơ đánh giặc của ông chưa hẳn là đã toàn bích, nhưng đây đó vẫn lấp lánh những đoạn thơ hay, ý thơ sâu sắc, phát huy cao độ trí tưởng tượng, có sức khái quát cao với những hình ảnh liên kết trùng điệp, tầng tầng lớp lớp. Chế Lan Viên không ca ngợi đất nước, không nhìn hiện thực đời sống một cách đơn giản, xuôi chiều mà bằng cái nhìn có chiều sâu, nhiều chiều, giàu suy tưởng. Với cái nhìn mang tính chất sử thi (“Tâm hồn tôi khi Tổ quốc soi vào/ Thấy ngàn núi, trăm sông diễm lệ”), ông tự ví mình như “con chim lượn trăm vòng” trên Tổ quốc để ngắm nhìn sự đổi thay của đất nước: “Ngày sinh nhật tháng Năm đồng Bắc Bộ/ Lúa chiêm phơi chiếu bạc chiếu vàng/ Khắp trung châu những xóm làng thoát khổ/ Hết đêm rồi, đời lật giở qua trang./ Tôi ra bể, cá nồng hơi gió bể/ Sóng du dương ca đất nước mạnh giàu/ Chim bạn hữu rực cờ bay quốc tế/ Đây tương lai như hải cảng lắm tàu./ Ôi! Tương lai như hải cảng lắm tàu/ Những con tàu chở đầy hạnh phúc/ Ôi! Tương lai như mùa chiêm lắm thóc/ Lắm tiếng cười, lắm cánh bồ câu” (Chim lượn trăm vòng). Ông nói lên cái khao khát của con người chung tay xây dựng cuộc sống mới: “Thêm một ngày cho rừng biến thành than/ Cho lớp đất phù sa thành sữa lúa,/ Cho lá dâu non dệt thành tơ lụa/ Cho lưỡi liềm cong mặt nguyệt nên tròn…/ Thêm một ngày, thêm một tháng, thêm một năm,/ Thêm tay ta, thêm lòng ta, thêm cuộc sống/ Như bể lớn thở thêm từng lớp sóng/ Như đất nước lành thêm sắc máu ở da non” (Nhật ký một người chữa bệnh). Một khi hòa nhập được vào không khí chung của đất nước, dân tộc và thời đại, được kích hoạt bởi những sự kiện thời sự, chính trị, xã hội, thì hồn thơ giàu chất trí tuệ của ông như được thăng hoa, và khi đạt được sự kết hợp hài hòa giữa trí tuệ vô cùng sắc sảo với cảm hứng mãnh liệt và tình cảm chân thành thì Chế Lan Viên sáng tạo ra được những tứ thơ thật độc đáo, tầm vóc, thật là tầm vóc (Kết nạp Đảng trên quê mẹ, Người đi tìm hình của Nước, Tổ quốc bao giờ đẹp thế này chăng?…).
Có thể nói, khuynh hướng sử thi với chất trí tuệ, chất chính luận và âm hưởng anh hùng ca là nét riêng của thơ Chế Lan Viên trong thơ Việt Nam những năm chống Mỹ. Cảm hứng sử thi, cảm hứng dân tộc, cảm hứng thời đại và cảm hứng anh hùng đã chắp cánh, nâng đỡ hồn thơ Chế Lan Viên lên một tầm cao mới.
Tài thơ thiên bẩm, ý chí và nghị lực phi thường, ý thức lao động nghệ thuật hết mình, gắn bó sâu sắc với Tổ quốc, nhân dân và thời đại, tất cả những điều đó đã tạo nên một nhà thơ lớn Chế Lan Viên, tầm vóc, thật là tầm vóc mà cho đến nay, ít cây bút nào sánh kịp. Chế Lan Viên đã đóng góp vào nền thơ hiện đại Việt Nam một cách nhìn mới, một cách nghĩ mới, một cách cảm xúc mới…, tức là một phong cách cá nhân vô cùng độc đáo. Với năm mươi năm miệt mài lao động nghệ thuật, nỗ lực sáng tạo không ngừng, Chế lan Viên đã để lại một sự nghiệp thơ lớn lao, có sức sống mãnh liệt, trong đó có những bài đủ sức vượt qua được thử thách khắc nghiệt của thời gian. Ông là một thiên tài của nền thơ ca hiện đại Việt Nam, một nhà văn hóa lớn của dân tộc.♦
Hà Nội, 1-5-2020
(1) Nguyễn Đình Thi, “Lời vĩnh biệt cuối cùng”, trong Chế Lan Viên - người làm vườn vĩnh cứu, (Phong Lan sưu tầm, tuyển chọn, biên soạn), NXB Hội Nhà văn, 1995, tr.298.
(2) Chế Lan Viên, “Nghĩ về nghề, nghĩ về thơ, nghĩ…”, trong Tuyển tập Chế Lan Viên, tập I, NXB Văn học, 1985, tr.246.
(3) Võ Văn Trực, “Nhớ về một nhà thơ”, trong Chế Lan Viên - về tác gia và tác phẩm (Vũ Tuấn Anh tuyển chọn và giới thiệu), NXB Giáo dục, 2000, tr.697.
(4) Vân Long, “Lời bình bài thơ Ví với dòng sông của Chế Lan Viên”, báo Văn nghệ, số 25, ngày 20-6- 2009.
(5) Phạm Hổ, “Con đường và tầm vóc thơ Chế Lan Viên”, trong Chế Lan Viên - người làm vườn vĩnh cửu, Sđd, tr.197.
(6) Xuân Diệu, “Đọc Ánh sáng và phù sa”, trong Chế Lan Viên - người làm vườn vĩnh cửu, Sđd, tr.44- 45.
(7) Lê Lưu Oanh - Đinh Thị Nguyệt, “Thơ tứ tuyệt Chế Lan Viên”, trong Chế Lan Viên - về tác gia và tác phẩm, Sđd, tr.206-207.
(8) Trần Mạnh Hảo, “Người làm vườn vĩnh cửu”, trong Chế Lan Viên - người làm vườn vĩnh cửu, Sđd, tr.219.
(9) Lê Đình Kỵ, “Những biển cồn, hãy đem đến trong thơ”, trong Chế Lan Viên - người làm vườn vĩnh cửu, Sđd, tr.77.
(10) Vũ Tuấn Anh, “Thơ đánh Mỹ của Chế Lan Viên”, trong Chế Lan Viên - về tác giả và tác phẩm, Sđd, tr.95.
(11) Mai Quốc Liên, “Thương tiếc anh Chế Lan Viên”, trong Chế Lan Viên - người làm vườn vĩnh cửu, Sđd, tr.341.
(12) “Chế Lan Viên và bài thơ Tiếng hát con tàu”, trong Nhà văn nói về tác phẩm (Hà Minh Đức chủ biên), NXB Văn học, 1994, tr.13.
(13) Mai Quốc Liên, “Thương tiếc anh Chế Lan Viên”, trong Chế Lan Viên - người làm vườn vĩnh cửu, Sđd, tr.340-341.
(14) Vũ Quần Phương, 30 tác giả văn chương, NXB Giáo dục Việt Nam, 2009, tr.89.