Dọc theo đường sắt, chạy xuyên qua hẻm đất đỏ, lố nhố những người ngồi từng cụm nhỏ rải rác, điểm vết đen trắng mờ nhòa trên cái phông tối đậm màu. Đó là những cặp tình nhân đang ngồi tâm sự tỉ tê và mối si mê khiến họ không còn nghe thấy các mùi phân bã hôi hám do những láng giềng tình cờ tháo bỏ. Đường tàu vừa là công viên, vừa là cầu tiêu công cộng cho nhiều gia đình sống chen chúc trong ngõ hẻm. Hai thanh sắt dọc làm thành một thứ ghế ngồi vững chãi, và tình yêu cùng phóng uế ở đây dựa cậy vào nhau để tránh bớt sự tò mò, khi có bóng đêm đồng lõa. Ở ngay vệ đường, những đống rác lớn chất ùn và mùi hôi thối, bủn mục tỏa nồng. Thành phố, sau khi ném đồ dơ dáy ra các mặt đường, có thể đóng cửa phòng lại để thấy mình vẫn sạch sẽ, hoặc thêm son phấn, nước hoa khi cần ra ngoài để thấy mình vẫn thơm tho. Nhưng vi trùng và dòi bọ chắc rằng sẽ được phân phối cùng khắp, trong đó những người nghèo khổ chia giữ lấy phần lớn nhất mà không sợ ai phàn nàn.
Bước qua cái cổng nhỏ hẹp anh Năm nghe tiếng chuột kêu, tiếng giấy, lá khô sột soạt, tiếng vật gì ném rơi xuống nặng nề ở một khe rãnh dưới xa. Nhiều ngôi nhà nhỏ làm bằng ván thông đủ cỡ đã được dựng lên theo kiểu nhà sàn dọc theo lòng cống. Suốt năm một mùi tanh tưởi xông lên bọc lấy mấy ngôi nhà ấy như lớp sơn lam chướng khí ôm ấp những túp lều tranh của đồng bào thiểu số sống rải rác trong các miền thung lũng hoang vu. Dầu sao vẫn có một ngôi nhà để mà chui rúc, sửa dọn, không phải tốn tiền hằng tháng như vợ chồng anh. Mỗi tháng, chủ nhà, chủ đất lại đem vẻ mặt khó chịu đến nhắc nhở anh đưa tiền, những sự khất hẹn bao giờ cũng rất nặng nề, cũng đòi hỏi phải cố gắng, nhượng bộ.
Bây giờ anh Năm đi vào một cái ngõ hẹp. Điện đường leo lét và xa xôi quá không rọi thấu vào bên trong. Trước mặt chỉ là vùng tối đặc dày anh phải quờ quạng hai tay mà đi như một người mù. Ngôi nhà bé nhỏ của anh nằm đấy, cúi gục mái đầu xuống hai trụ chống như hai cánh tay xương xẩu khẳng khiu, in vệt đen sì lên một mảng trời xám ngoẹt thỉnh thoảng lóe lên từ xa ánh sáng vàng ngầu của ngọn lửa hỏa châu. Không có ánh đèn. Vợ anh, con anh chắc đã đi tới ăn chực một bữa cơm tối ở nhà người chị.
Anh Năm sờ soạng đưa tay đẩy vào cánh cửa. Tiếng két khô khan và cửa mở tung, bày ra một vùng tối tăm dày đặc và sâu thẳm hơn. Anh dọ dẫm từng bước từng bước, tự nhiên thành kẻ xa lạ với mình. Khi anh chạm phải mặt bàn, anh dừng bước lại, và sực nhớ mình không có hộp quẹt trong người. Anh biết chỗ đặt cây đèn nhưng không chắc rằng còn dầu. Bước thêm vài bước, anh chạm chiếc giường và ngồi phịch xuống gỡ cái mũ lát vẫn còn đội sụp trên đầu nhắm vào khoảng tối ném nó lên bàn rồi nằm ngã vật người ra, nghe cái thân thể mỏi mệt như giãn rời thành nhiều mảnh. Đáng lẽ thì anh nên đi tìm vợ tìm con, anh nên thắp đèn, nên nghĩ đến sự ăn uống. Nhưng tìm gì trong khi không đủ sức chịu những sự bực dọc, cằn nhằn. Ánh sáng trong tình trạng này cũng không cần thiết. Đồ ăn, thức uống thì hẳn sạch nhẵn rồi, ngoại trừ một ít nước lạnh trong cái lu nhỏ cạnh bếp. Anh nằm thiếp đi trong một giấc ngủ mệt mê. Không biết bao lâu thì anh choàng tỉnh dậy, nghe ngứa rát mặt mũi, chân tay. Muỗi đã kéo đến cắn dày trên phần da thịt phơi trần của anh khiến anh cào gãi loạn xạ như trút tất cả hờn giận vào mình. Sau đó, thấy tỉnh táo hẳn, anh lại chống tay ngồi lên.
Chung quanh vẫn là những khoảng tối đen dày. Có những tiếng khóc ri rỉ ở bên vách nhà bên trái. Tiếng khóc quen thuộc đã mấy năm rồi của người đàn bà hàng xóm hiền lành - chị Xuân. Chồng chị đổ đồng mỗi tuần lại đánh đập chị một lần về những duyên cớ mà không ai rõ. Hàng xóm thấy chị là người thùy mị, nết na. Sáng sớm, khi chồng tới sở, thì chị cũng gởi thằng bé cho bà Tư Lân bên cạnh đón xe lam đi làm, giữ chân chiêu đãi cho một tiệm nước. Chiều tối vừa về đến nhà chị lại quần quật lo lắng bữa cơm, săn sóc chồng con, không bao giờ nghe gây gổ hoặc nói nặng lời với bất cứ ai. Vậy mà gần như là một thông lệ, hằng tuần chị lại chịu sự đánh đập chửi mắng của chồng, và đối phó lại chị chỉ có lời năn nỉ van xin. Nhiều người cũng đã tò mò theo dõi một cuộc trừng phạt dai dẳng như thế nhưng không biết thật đích xác vì lý do gì. Có lần người chồng đánh vợ vì vợ dám hỏi số lương mà anh ta chẳng mang về đồng nào. Gã nói: “Mày ngu dại lắm! Tao làm mệt nhọc thì tao lại không có quyền giải trí hay sao? Vợ chi mà có thứ vợ dám hạch hỏi chồng?”. Và tiếp theo đó là tiếng “đốp, chát” cùng tiếng kêu khóc. Lần khác, anh Toản là người đàn ông lớn tuổi - ba mươi bốn tuổi - duy nhất chưa vợ ở cái xóm này, vừa là người từng theo dõi siêng năng các chuyện vợ chồng xung đột, có cho nhiều người hay rằng “thằng đó đánh vợ vì ghen”. - Coi bộ con vợ nó hiền lắm mà! - Nó ghen chuyện xưa. Trước khi đụng gã, con đó đã có tình duyên lỡ dở với một thằng khác.
Bà Tư Hải hỏi:
- Vậy thì cắc cớ làm sao mà lại đánh con người ta?
Anh Toản giải thích:
- Tại thằng chả tức. Cưới mụ này về thấy mụ không còn con gái nữa mới nổi đóa lên hỏi phăng cho ra đầu dây mối nhợ! Mụ này ban đầu cố giấu, nhưng sau thú thiệt.
Bà Tư không nén được sự tức giận:
- Thiệt cái bà liệt xiệt! Cái bộ thằng chả cũng thuộc vào loại điếm đàng chớ ngon lành gì… Mà sao chú biết?
- Chèn ơi! Nghe rách cả cái lỗ nhĩ mà không biết sao! Lão mắng: “mày là con đàn bà hư!”. Mụ ta khóc nói: “Là tại người ta bỏ em chớ em đâu có lòng nào…”. Lão chửi: “Đù má! Sao hồi gặp tao mày không khai thiệt?”. Mụ đáp: “Là tại em sợ” - “Sợ cái ông nội cha mày! Đồ đĩ rạc! Mày định lừa ông nội mày chớ sợ cái đếch chó ấy. Mày coi bộ tao ngu lắm sao, hở cái con đĩ thập thành!”. Mụ ta nói theo năn nỉ: “Thôi em lạy anh, anh đừng nói lớn cho hàng xóm nghe”.
Nhưng hàng xóm đã nghe hết và mỗi lần đánh, lại có một thứ duyên cớ, đến nỗi không ai biết rõ cái duyên cớ chính là gì. Độ nửa năm nay từ khi người chồng mất việc thì sự gã đánh đập vợ có vẻ hăng hái hơn trước. Vợ gã phải làm để nuôi chồng con, còn gã lê la ra ngoài quán cóc nhâm nhi cà phê, đôi khi mang về một bản tân nhạc nằm hát vang lên theo một vài cái ra-đi-ô hàng xóm. Một lần anh Toản thò đầu qua cái hàng rào kẽm gai nhà gã, hỏi mượn một bản nhạc về đọc chơi thì thấy gã đưa bản nhạc Anh cho em mùa xuân. Ở đầu trang nhất, gã viết đề tặng vợ gã như sau: “Em ôi! Đây là mùa xuân anh gởi cho em, với tâm sự nồng nàn của đôi lứa yêu nhau tha thiết”. Dưới còn chua thêm: “Sài Gòn, một ngày đông lạnh” và một chữ ký gồm nhiều nét sát rạt kéo dài ngoằng ra giống như chữ ký trên tờ bạc Đông Dương độ nào. Anh Toản nhận xét:
- Sài Gòn nóng thấy mồ tổ chớ đông lạnh gì đâu. Thằng chả viết nghe ngon lành vậy đó, mà khi đánh vợ thì cũng nồng nàn bỏ mẹ. Mấy lúc rày Mỹ rút về nên sa thải nhiều, thằng chả thất nghiệp, nằm nhà phẻ phắn đánh con mẻ coi mòi kỹ càng hơn lúc trước nhiều.
Anh Toản nhận xét có đúng vài phần. Sự tàn nhẫn của người chồng xem ra có bề kiểu cách hơn trước. Mỗi lần như thế, gã vẫn bắt vợ vòng tay, bắt vợ thưa gởi, và khi kết thúc vẫn bắt hứa hẹn từ đây sẽ không dám gây một mối bất mãn nào nữa cho gã. Nhưng có điểm khác là gã nói dài dòng hơn, và lớn giọng hơn, tuồng như để cho hàng xóm biết gã còn đủ uy quyền trong sự sa sút. Những anh chồng ăn hiếp vợ ít nhiều cũng có những mối mặc cảm tự ti gặm nhấm trong lòng và anh chàng này đã tìm thấy một cái thú của kẻ được làm nhà độc tài, cứ phải nâng cao liều lượng để mà tận hưởng uy quyền thống trị của mình. Hàng xóm không ai ưa nổi một kiểu anh chồng như vậy, các bà dùng đủ thứ tiếng tục tĩu, thô bỉ để thay cho cái tên Xuân đẹp đẽ, mỗi lần phải bàn bạc tới vợ chồng nhà nọ. Cuối cùng, thấy thực trạng không thay đổi, họ trút hết sự oán giận lên đầu người vợ quá nhẫn nhục kia. Tiếng khóc của chị bây giờ không ai thương nữa. Bây giờ, theo họ, chị khóc là vì chị dại chứ không phải vì thằng chồng tàn ác. Ghét luôn cả hai vợ chồng, thật là tiện lợi, và ai cũng thích những điều tiện lợi.
Trong cái đêm tối ẩm ướt bốc tỏa đủ mùi tanh tưởi từ các vũng sình ngâm đọng cả trăm ngàn chất phế thải hằng ngày, tiếng khóc ri rỉ của người láng giềng biến thành một loại tiếng dế đêm thâu không gợi được niềm đau nhức nào khác. Trước kia anh Năm lấy làm xúc động khi nghe tiếng khóc của người đàn bà mà anh nhận thấy hiền lành hơn vợ của anh cả trăm ngàn lần. Anh cũng có nghĩ, giá chị ta là vợ anh thì anh đối xử ngọt ngào biết chừng nào. Nhưng bây giờ đây tiếng khóc vẳng lên ấm ức, rời rạc, chỉ làm cho anh giận dỗi âm thầm. Anh đang đói khổ mà chúng còn no đủ. Rõ ràng cái trò chửi mắng hằng tuần, cái điệu khóc lóc tỉ tê như vậy là của những kẻ no cơm. Người đói còn hơi sức đâu mà khóc? Anh bỗng thấy ghét cay ghét đắng cái giọng nghêu ngao tân nhạc của thằng chồng nọ. Nó cũng thất nghiệp mà nó hát hò ngậu xị. Tiếng hát không phải là của người đói, nhất là cái giọng uốn éo rền rĩ như thế phải là của một bọn đã no đủ chán chường. Hơn nữa, những điệu hát ấy nhễu ra giữa cái xóm này thật là vô duyên quá sức. Ở đây chỉ có chửi rủa, la mắng hoặc là kêu khóc mà thôi.
Bao nhiêu năm qua rồi, cuộc sống ở đây vẫn kéo dài như thế, chưa có thật sự một đổi thay nào làm cho sáng sủa những kiếp trầm trệ, u tối như các mái lá đêm dày. Tiếng nói nào không có sự ngọt ngào giả dối thì cũng gay gắt, mỉa mai, cũng pha chất đờm giận dữ hoặc thấm nước mắt u buồn. Yên lành bậc nhất như người hàng xóm ở bên tay mặt anh đây là ông Ninh “ròm” mà sự giao thiệp ở trong gia đình cũng phải nói bằng một thứ ngôn ngữ yêu ma. Ông Ninh chạy xích lô máy, nuôi vợ và gã con trai khá lớn hiện đang học nghề thợ may ngoài chợ Hòa Hưng. Gầy tóp, nhăn nheo, nên có biệt hiệu là “ròm”, ông Ninh là người đàn ông sợ vợ vào loại đặc biệt nhưng gần như không bao giờ vợ ông biết rõ là ông sợ mình. Mỗi ngày, mỗi lúc, muốn sai bảo vợ điều gì mà ông chắc rằng không được vợ mình nghe theo, ông thường lên đồng, giả làm người cha phụ vào thể xác của ông để mà sai bảo cho được chắc chắn. Vừa dừng cái xích lô máy trước hiên, ông đã nhảy vọt vào nhà, hét lên một tiếng thật lớn khiến cho bà vợ đang bận nấu ăn dưới bếp phải chạy hoảng lên. Ông đảo cái đầu lia lịa, trợn trừng đôi mắt trắng dã rồi đầu càng đảo nhẹ hơn thì người của ông cũng sụm lần xuống nền gạch. Ông liên hồi bắt đầu ợ ngáp, liên hồi như một bợm nghiện đến cữ mà chưa có thuốc. Rồi ông đổi giọng, éo éo nói dài từng tiếng:
- Ninh ơi! Con… ta… nó… đi… đâu… rồi?
Bà vợ hiểu liền là người cha đã hiện về để gọi chồng mình. Bà sụp xuống lạy rồi vòng hai tay thưa liền:
- Dạ… thưa cha, chồng con nó đi xích lô chưa kịp về ạ.
“Người cha” lại eo éo nói:
- Vậy thì nghe ta dạy bảo… Này con !
- Dạ.
- Con kê cái bàn ở ngoài cửa vậy là lỗi đạo với ta rồi. Kê bàn như vậy là động chạm tới thánh thần phù hộ nhà ta. Phải kê sửa lại, nghe chưa, hả con?
- Dạ, để con kê dọn lại lập tức.
- Con cứ kê mẹ nó vào trong góc bên trái, dưới cái bàn thờ của cha cho cha yên lòng. Làm trái ý tao, tao vặn cổ hết. Đã nghe ra chưa?
- Dạ, nghe rồi ạ.
- Thôi, nhớ dặn bảo lại thằng chồng của mày cho nó nhớ lấy lời tao. Bớ con! Cha đi…
Thế là “cha” lại đảo đảo cái đầu ít vòng, ngã lăn ra trên nền gạch và thăng. Chừng vài phút sau, ông Ninh mở mắt, nhìn ngắm chung quanh với cái dáng điệu tỉnh dậy sau cơn mê sảng hỏi vợ:
- Cha về rồi à?
- Về rồi.
- Ổng có truyền dạy gì không?
- Có. Ổng đòi vặn cổ cả nhà.
- Chết cha! Chớ chuyện gì vậy?
- Chuyện cái bàn nhỏ hôm trước tôi đem về kê gần cửa sổ mà ổng không chịu. Thôi, giúp tôi khiêng lại qua bên góc trái cho rồi.
Vậy là cái bàn được kê đúng chỗ mà ông Ninh “ròm” mong muốn. Trong cái căn nhà nhỏ hẹp, mọi sự xê dịch, trang trí, đều phải có ý kiến cha, dù cha đã chết mấy mươi năm rồi. Mọi sự mua sắm có vẻ rộng rãi một chút về phần ông Ninh, lập tức sẽ có người cha can thiệp. Còn về bà Ninh thì bà có đủ quyền hành trong tay để tự định đoạt mà không cần hỏi ý kiến của bất kỳ ai. Tuy vậy có những quyết định của bà thỉnh thoảng cũng được “cha” ngăn chận bớt để khỏi có sự vung tay quá trán. Cái lần bà Ninh muốn về sửa lại mộ phần cha mẹ của mình, vừa mới bàn bạc công chuyện với bà láng giềng thì “cha” hiện về lập tức. Ông hỏi con dâu:
- Tao biết ý định mày rồi. Mày muốn làm tròn đạo hiếu là điều chí phải.
Bà Ninh sụp xuống lạy thưa:
- Thưa cha, mồ mả của ba má con hư nát nhiều rồi, con muốn tu bổ.
Ông Ninh hét lên:
- Bao nhiêu? Mày muốn bao nhiêu?
Rồi ông chìa bàn tay ra đủ cả năm ngón, hỏi liền:
- Bây nhiêu được không?
Bà Ninh xòe đủ hai tay, trả lời:
- Dạ xin cha chịu mười ngàn.
“Cha” hét:
- Nhiều quá. Tao biết ý của ảnh chỉ lắm mà. Làm cho sum sê ảnh chỉ không bằng lòng đâu.
- Dạ thôi xin cha bảy ngàn.
Cha nhăn rúm lại:
- Sáu ngàn mà thôi. Nghe lời tao dạy không thì tao đốt nhà liền.
Bà Ninh lạy:
- Dạ thì sáu ngàn cũng được.
Cha tỏ ra ý hài lòng:
- Để tao phán bảo cho thằng chồng mày cố gắng kiếm đủ số tiền.
Cứ thế, vợ chồng của họ nếu không nói chuyện với nhau theo lối chửi rủa thô tục như những bà con chòm xóm thì phải mượn cái giọng điệu quái quỷ của những hồn ma đội mồ mà lên.
Sự im lặng của gia đình ấy vào giờ này cũng làm anh Năm phiền bực. Một sự yên ổn no đủ ở ngay sát vách khiến cho tình trạng trong anh thêm nỗi thảm thương. Tự nhiên anh tưởng như chỉ có mình là đang trơ trọi, đói xót ruột gan, trong khi người chung quanh ai cũng no lành. Như ông Sáu Mạnh, như chị Tư Khuê, vợ chồng anh Châu, rồi còn bà Bảy và bao nhiêu người khác nữa đang đói hoặc đang chờ đói ở đây. Không, anh Năm không cô độc trong sự nghèo khổ của cái xóm này. Với giá sinh hoạt cao vọt hằng ngày, việc làm trở nên khó kiếm, đồng tiền càng thấy vắng vẻ, anh Năm không thiếu những người đồng cảnh, đồng tình.
Bóng tối thừa thãi ở đây trở nên u uất, nặng nề, mỗi phút trôi qua anh Năm tưởng như mình chìm lút sâu thêm vào trong bãi sình của đêm dày.
Anh nhướng mắt nhìn qua một khung cửa sổ và thấy vùng trời ngoài xa sáng ửng hẳn lên. Đó là phố phường tấp nập của đô thành này, phố phường cách anh chỉ mấy con đường mà như là một thế giới khác biệt. Ở đó sức điện có thừa phung phí để soi suốt đêm vào các cầu tiêu và thừa sức nước để tưới dầm dề xuống các bồn cỏ vô tri. Ở đây, điện vẫn là một mơ ước, một thứ trang sức mà không phải ai cũng sắm dễ dàng. Mọi đêm, ngồi đây ngó qua chạc cây khế ở trước sân bà Bảy, anh vẫn thấy được màu sáng của điện nhà ông Cai Thử chuyển sang từ cái nhà ga hàng hóa Hòa Hưng bé nhỏ như một cầu tiêu công cộng ở các phố chợ đông đúc. Trước kia, khi còn làm việc tại hãng thuốc lá anh đã có lần thương lượng bắc điện ở một nhà sát cạnh sông chuyền dây sang từ khu vực chợ Vườn Xoài bên Trương Minh Giảng. Những người giàu có sống dọc đại lộ hoặc trong các khu vực chính đô thành thắp điện với giá hai đồng một kílô-oát thì anh phải thắp với giá trung bình là mười bảy đồng mặc dầu giá cả thương lượng từ đầu là mười hai, bởi vì còn phải tính thêm số điện hao hụt so với đồng hồ nhà chủ. Đó là chưa kể cái khoản chi phí trồng trụ, giăng dây, mua sắm đồng hồ và xuyệc-vôn-tơ. Anh phải hốt một bát hụi để mang về cho gia đình một cái ánh sáng mát dịu mua bằng giá cả đầu cơ qua nhiều trạm chuyển. Vậy mà không phải bao giờ anh cũng có đủ ánh sáng như thế. Một tuần, mười ngày, điện anh bị cúp ngang xương trong một đôi hôm, và sáng hôm sau thế nào người chủ cũng lò mò đến tìm cách mượn tiền. Anh đã nhượng bộ đôi lần và cuối cùng đành bỏ hẳn món xa xỉ được thắp điện để khỏi bị nhiều quấy rầy.
Bất giác anh ngước nhìn lên khoảng tối ở trên đầu mình. Ở đấy những cái dây điện vẫn còn song song chạy dài theo cây kèo gỗ và từ lâu lắm chỉ là một món kỷ niệm cho những ngày còn no đủ. Cặp mắt anh lại mệt mỏi nhìn xuống, riu ríu khép hẳn vào nhau. Tiếng chuột rúc rích, và ở đâu đó trên người có sự ngứa rất khó chịu như nhiều mũi kim châm vào da thịt. Anh Năm bỗng ngã chúi xuống và lăn người ra, mê thiếp như kẻ bất tỉnh.♦

Xóm “ổ chuột” ở Sài Gòn trước 1975 Ảnh minh họa