HV152 - Chuyện về một bài thơ của cụ Phan Bội Châu

Nhà thơ Hải Như (1923 - 2017) lúc sinh thời có gửi cho tôi bài thơ bằng chữ Hán của cụ Phan Bội Châu (không biết Hải Như tìm ở nguồn nào) nói về buổi chia tay với cụ Nguyễn Sinh Sắc - thân phụ của Chủ tịch Hồ Chí Minh. Bài thơ nhan đề:

Biệt Nguyễn Sinh Sắc thân hữu

Độc Lôi sơn hạ

Hữu biệt cầu Tây

Phong vi vi hề chấp quân quyết

Vũ tế tế hề dữ quân biệt.

                                                                          1905

                                                             Phan Bội Châu

Hải Như dịch:

Tạm biệt bạn thân Nguyễn Sinh Sắc

Dùng dằng chân núi Độc Lôi

Tây cầu lưu luyến bạn đời tiễn ta

Cầm tay chẳng muốn rời xa

Gió hiu hiu thổi mưa sa thêm buồn

Dương Linh dịch:

Dưới chân núi Độc Lôi

Cầm tay tiễn bạn đời

Cầu Tây thoảng gió bao lưu luyến

Lác đác mưa sa luống ngậm ngùi

Theo đồng nghiệp Phan Huỳnh, nhà thơ Hải Như (tên thật Vũ Như Hải) sinh ngày 28-3-1923 tại làng Bái Dương thuộc huyện Nam Ninh, tỉnh Nam Định, là đồng hương cùng huyện với nhà thơ ẩn cư tiền bối Đoàn Văn Cừ. Ông tốt nghiệp Thành chung từ trước Cách mạng tháng Tám, gia nhập quân đội kháng chiến chống Pháp, làm báo Sông Lô thuộc Quân khu 10 từ năm 1948. Từ đó ông gắn liền với công tác báo chí: làm phóng viên, biên tập viên các báo Vệ quốc quân (tiền thân báo Quân đội Nhân dân), Cứu quốc, Đại đoàn kết và cuối cùng là Phó tổng biên tập báo Giác ngộ của Hội Phật giáo Việt Nam.

Ngoài việc làm báo, ông cũng có nhiều cảm hứng sáng tác thi ca. Ông viết nhiều đề tài, nhưng có lẽ nhắc đến Hải Như người ta nhớ đến ông là người viết nhiều về Bác Hồ với đề tài dung dị đời thường nhưng rất có ý nghĩa sâu sắc. Ví như bài Bữa ăn sáng Bác Hồ, ông viết:

Bữa ăn sáng Bác Hồ sao đạm bạc

Một bát cháo hoa

Một khúc sắn quê nhà

Sướng chưa đều, Bác sẽ khổ cùng ta

Người không muốn tâm hồn ta vẩn đục

Ôi Bác lánh xa mọi xa hoa đời tục

Mà chúng ta nhiều lúc

Lại… sa vào.

Thơ Như Hải là như thế. Ông đã chọn con đường riêng khi viết về Bác Hồ: Rất đơn sơ, dung dị, đời thường, nhưng khi đọc xong lại gợi trong ta nhiều ý nghĩa sâu sắc vĩ đại của lãnh tụ.♦ 

Tháng 9-2020

DƯƠNG LINH