HV152 - Giáo sư - Viện sĩ Hoàng Trinh (Nhân 100 năm ngày sinh)

Hoàng Trinh (28-9-1920 – 19-3-2011) tên thật là Hồ Tôn Trinh, là nhà nghiên cứu văn học phương Tây, nhà lý thuyết và lịch sử văn học, nhà ký hiệu học Việt Nam.

Ông từng giữ các chức vụ: Trưởng ty Tuyên truyền văn nghệ tỉnh Hà Tĩnh; từ 1954 đến 1959 ông lần lượt công tác tại Bộ Tuyên truyền, Ban tuyên huấn, Ban văn giáo Trung ương và Ban văn xã Phủ thủ tướng; từ 1959, ông lần lượt đảm nhiệm các chức vụ: Thư ký khoa học Viện Văn học (1960 - 1967), hội viên Hội Nhà văn Việt Nam (1968); Phó viện trưởng Viện Văn học, Phó viện trưởng Viện Khoa học xã hội miền Nam (1982); Viện trưởng Viện Văn học kiêm Tổng biên tập tạp chí Văn học (1985 - 1988)…

Tác phẩm: Phương Tây văn học và con người (chuyên luận, tập 1 - 1969, tập 2 - 1971); Văn học ngọn nguồn và sáng tạo (nghiên cứu - phê bình, 1979); Ký hiệu, nghĩa và phê bình văn học (tiểu luận, 1979); Ra sức phấn đấu sáng tạo theo đường lối văn nghệ của Đảng (1980); Về khoa học và nghệ thuật trong phê bình văn học (chuyên luận, 1980); Từ ký hiệu học đến thi pháp học (chuyên luận, 1992); Phương pháp luận về văn hóa và phát triển (1995); Chủ nghĩa xã hội với tư cách một chủ nghĩa nhân văn và văn hóa (1995)…

Danh hiệu và giải thưởng: Năm 1979, được bầu làm Viện sĩ danh dự Viện Hàn lâm khoa học Hungary. Năm 1980, được phong Giáo sư. Năm 1996, được Nhà nước Việt Nam trao tặng Giải thưởng Hồ Chí Minh đợt 1 về Khoa học xã hội.

 

Viện Văn học nằm trong một ngôi biệt thự kiểu Pháp xinh đẹp, bên bờ hồ Hoàn Kiếm dưới những tán cây xanh… Đọc sách, nghiên cứu ở đấy thật tuyệt. Vào cuối những năm 1950, nhiều cán bộ cốt cán (phần nhiều đã kinh qua chỉnh đốn tổ chức và cải cách ruộng đất, gốc Nghệ), tập hợp về đấy thành lập Viện (mà Viện trưởng là GS Đặng Thai Mai và Viện phó là nhà phê bình Hoài Thanh cũng là gốc Nghệ). GS Hoàng Trinh về từ Ban tuyên giáo, chỗ nhà thơ Tố Hữu. Nhà anh, gồm ông cụ anh và vợ con (chị Trinh, Hoa, Mỹ Duệ, Hồ Tôn Mạc Tư, trú ở một gian góc nhà của viện). Mỹ Duệ là một thiếu nữ xinh đẹp giống mẹ, lúc ấy rất quyến nhà tôi; công tác ở tổ Ngôn ngữ của viện, trưa nào cũng lên phòng làm việc của nhà tôi để nghỉ trưa với cô Tiên. Tôi hay đến chơi nhà anh, trò chuyện cùng cụ thân sinh anh, uống trà bên hiên vắng. Anh Trinh rất quý cán bộ trẻ, anh phụ trách khoa học của viện nên để ý đào tạo, nâng đỡ.

Một lần, anh gọi nhà tôi đến bảo: “Viện điều anh ấy [tức là tôi] về tổ Cổ Cận để học chữ Hán, kế nghiệp các cụ. Tính anh Liên nóng nảy, về học chữ Hán cho nó đằm bớt đi”.

Thế là tôi về tổ của cụ Cao Xuân Huy, anh Nguyễn Văn Hoàn, ông Nam Trân. Hồi đó, tôi thích viết phê bình văn học hiện đại và thấy đó là công việc thích hợp, vui. Lại thích học tiếng Nga, tiếng của nền văn học lớn, của những tác giả mà mình yêu thích. Thế mà phải rẽ ngoặt sang “chi, hồ, dã, giả”, thật là “rầu thúi ruột”. Nhưng phải phục tùng sự phân công của tổ chức, chứ biết làm sao!

Thế là phải cắp sách đi học, học Luận ngữ với cụ Huy. Cụ giảng chậm, nói đi nói lại hoài về “thiên nhân tương dữ”, nhưng cụ cấp cho cách phân tích ngữ pháp theo lối Tây phương hiện đại nên cũng dễ vỡ ra câu cú chữ Hán vốn đục mờ. Rồi cụ Phạm Thiều, cụ Nam Trân, cụ Đào Phương Bình, cụ Đỗ Ngọc Toại, cụ Phạm Phú Tiết, kể cả cụ Giải nguyên Lê Thước đều đến giảng. Luận ngữ, Mạnh Tử, Thi, Thư, Đường thi, Đường Tống bát đại gia…, càng học càng thấy hay, rồi mê lúc nào không biết!

Bây giờ, già rồi, sắp hết đời rồi, ngồi nghĩ lại, nếu hồi đó không có anh Trinh thì mình chả có cái dấn vốn gì để vào đời. Nhiều anh chị đi học Nga, học Hoa, học Đức…, mình tay không, làm ăn gì!

Anh Hoàng Trinh là một tấm gương tự học, tự đào tạo. Với vốn tiếng Pháp trung học, anh đi vào văn học phương Tây, vừa đi vừa học, học tới đâu làm tới đó. Ngày đó, theo tôi biết, không nhiều người ủng hộ anh. Bởi ở ta thời đó có khối người giỏi tiếng Pháp (nhiều người đỗ đầu Tú tài) và rất sâu sắc trong nghiên cứu. Họ xem công trình của anh Hoàng Trinh là thứ chỉ đáng in ronéo ra thôi. Nhưng rồi anh Trinh cứ đi, anh đi vào những ngành học mới của phương Tây khi đó như ký hiệu học (Semiotics). Anh viết sách, viết báo công bố những kết quả nghiên cứu của mình và dần được ủng hộ. Quyết tâm, nhẹ nhàng khiêm tốn nhưng kiên quyết, anh Trinh đã đi trên con đường khó nhọc ấy. Chỉ bởi vì, miền Bắc lúc đó là chiến tranh, là bị vây hãm (cả Liên Xô và Trung Quốc cũng không giúp ích gì bao nhiêu, mà anh Trinh cũng không thông thạo hai ngôn ngữ này để đọc. Thà là ở Sài Gòn hay tốt nhất là ở Pháp, chứ còn ở Hà Nội thì lấy đâu ra tài liệu, tư liệu tham khảo, hay trao đổi học hỏi). Cho nên, cuối cùng thành tựu của anh được quốc tế công nhận là một việc kỳ diệu. Cần nhớ là Hungary - Viện Hàn lâm Hungary công nhận anh là Viện sĩ - là một quốc gia có nền khoa học nổi tiếng từ lâu, đặc biệt là Toán học và Khoa học. Họ không vu vơ khi đi mời một người Việt Nam mà công trình nghiên cứu không có chất vào Viện Hàn lâm để làm mất thể diện của họ. Vị trí của Hoàng Trinh khi ấy là “ở châu Á, sau Quách Mạt Nhược là anh”. Mặc dù không thể so, vì chuyên ngành khác nhau, nhưng như thế cũng là “oách” lắm. Ở ta, thường có cảnh “bụt chùa nhà không thiêng”, không quen thừa nhận cái hay của người khác, chứ ngày nay đọc lại những công trình của GS-VS Hoàng Trinh viết trong hoàn cảnh chiến tranh lúc đó, phải nói là một thành tựu nổi bật!

Hiền lành, ít khi tranh cãi, nhiều khi chịu đựng, nhẫn nhịn… khi bị tấn công, anh Trinh vẫn có một số người không thích là vì thế. Ở ta, người ta thích cào bằng, không thích ai “chơi trội”. Nhưng cũng có nhiều người ủng hộ anh. Và sau 1975, thì anh Trinh đi Mỹ, không khí học thuật có cởi mở ra dần, anh tiếp tục tiến lên trên con đường đã chọn. Một đại diện của giới trí thức văn học lúc đó là Chế Lan Viên, vốn đã đi Pháp, đối thoại với J.P. Sartre, lúc đầu cũng e dè với anh Trinh, nhưng sau thì rất khen, thấy anh Trinh đã vượt lên, tiến bộ nhiều.

Cuối đời, sức yếu, 92 tuổi, anh Trinh tạ thế gần như không bị bệnh gì, chỉ nói người nhà để anh yên nghỉ, thế rồi đi, nhẹ nhàng.

Những ngày gần anh Trinh, những ngày ở Hà Nội, ở Viện Văn, ở nơi sơ tán Đồng Bèo - Hà Bắc…, đã xa lắm rồi, hình như nó ở vào một cuộc đời khác, ở “cõi mộng”. Nhưng tôi vẫn nhớ dáng hình anh, con người anh, dịu nhẹ, khẽ khàng đầy tình thương yêu với một chút gì lơ đãng trong cuộc đời nhiều lúc căng thẳng khi đó… Xin gởi lời thăm hỏi thương yêu đến gia đình anh, đến chị Trinh và các cháu: Hãy tự hào về bố, về ông của mình, Giáo sư - Viện sĩ Hoàng Trinh!♦

                                                                                         10-9-2020

MAI QUỐC LIÊN