Phan Ngọc là một kho tri thức khổng lồ. Ông gần như thông thạo cả nền văn hóa nhân loại, từ cổ đại cho đến hiện đại. Ông nghiên cứu ngữ học nhưng cũng nghiên cứu văn hóa học. Ông từng dịch những tác phẩm đỉnh cao của Tư Mã Thiên (Sử ký), Đỗ Phủ (Nhà thơ thánh với hơn một nghìn bài thơ), dịch Shakespeare, L. Tolstoi… Mặc dù các tác phẩm của ông có thể gây tranh cãi do vội vàng, quyết đoán…, dù sao, thì ông vẫn là “của hiếm”.
Tác phẩm tiêu biểu của ông là Tìm hiểu phong cách Nguyễn Du trong Truyện Kiều, là một tác phẩm độc đáo, mới lạ, cuốn hút… Ông dùng phương pháp nghiên cứu dựa trên phong cách học, văn học so sánh, ký hiệu học… để rút ra những kết luận quan trọng về Truyện Kiều, điều không phải ai cũng làm được. Vì ông dựa vào một cách nghiên cứu mới, có vẻ như hình thức nhưng xuất phát từ nội dung sâu xa của thời đại, của lịch sử… để chứng minh đặc điểm độc đáo của Truyện Kiều. Vì ông có kiến thức đáng tin cậy về các nền văn học Trung Hoa, Nga, Pháp, Hy Lạp… nên ông đưa ra những so sánh xác đáng. Ông lại dựa vào những tư tưởng, phương pháp luận của chủ nghĩa Mác, dựa vào phép biện chứng và phản ánh luận - biện chứng, soi rọi vào quá trình sáng tạo của Nguyễn Du, tìm ra các thao tác một cách khoa học. Cái đáng quý của tác giả là mối quan tâm đem những kinh nghiệm từ một tác phẩm xuất sắc của nhân loại đến việc ứng dụng nó vào thời hiện tại. Đó là tấm lòng của ông, suy nghĩ của ông…
Phan Ngọc trong văn hóa, trong nghiên cứu là một “kỳ quan”. Văn hóa Việt Nam sẽ rất khó có lại được một hiện tượng đặc sắc như vậy. Chúng ta cảm thấy có lỗi vì đã không đánh giá ông xứng đáng, trân trọng và biểu dương những thành tựu của ông. Điều đó, rút cuộc, sẽ làm thiệt hại cho văn hóa dân tộc. Bởi vì, nền văn hóa không kết tinh lại trong những hiện tượng như vậy, thì nó sẽ trôi tuột về biển Đông. Công việc này, trước tiên các nhà nghiên cứu như chúng tôi phải để tâm, công tâm và có trách nhiệm. Sau đó là các cơ quan văn hóa có thẩm quyền.
Phan Ngọc là một nhân cách “sĩ phu”. Ông đã gần cận các nhân cách lỗi lạc của văn hóa nhân loại, tiếp nhận tinh hoa của nho sĩ phương Đông và dân tộc qua cha mình, qua Hán học… nên ông suốt đời cống hiến mà không nghĩ đến đãi ngộ. Không vì bất mãn cá nhân mà quên đại nghĩa(*).
Giờ ông mất đi rồi, chợt nghĩ lại mới thấy nuối tiếc. Vô lý là làm sao một bậc thầy như ông (và cả Cao Xuân Hạo, cũng là một thiên tài ngữ học - một Copernic trong ngữ học) lại chỉ là Phó giáo sư, cũng như Bakhtin ở Nga, chung thân Phó tiến sĩ. (Riêng Phan Ngọc còn được giải Nhà nước, Cao Xuân Hạo thì không).♦
(*) Chuyện kể rằng ông đến Paris, có người hỏi ông về chuyện dính líu đến phong trào Nhân văn - Giai phẩm, ông kể rằng chẳng qua hồi đó phát ngôn không đúng lúc, chứ không có việc gì. Sang Thái, được mời ở lại giảng dạy ông cũng từ chối. Sống nghèo khổ với dân tộc mình, ông ca ngợi khí phách của dân tộc, của Đảng đã chống đế quốc thắng lợi.