Học thuyết trong kinh tế rằng những tiêu thụ của thành phần giàu sẽ nhỏ giọt, thấm ơn mưa móc, bù đắp được lỗ hổng do thành phần nghèo và trung lưu của xã hội gây ra và vực lại được một nền kinh tế bấp bênh… một lần nữa đã được thực tế chứng minh là một học thuyết chỉ có giá trị tương đối, đôi khi sai lầm hoàn toàn, như trong giai đoạn COVID-19.
Một thí nghiệm rõ rệt vô hình trung đã xảy ra trong cuộc cách ly toàn thể xã hội tại Pháp từ ngày 17-3-2020 đến ngày 11-5-2020, tổng cộng là tám tuần lễ, mới chấm dứt lệnh phong tỏa xã hội đợt 1.
Trong khoảng thời gian hai tháng trời như dài đằng đẵng này, khi mọi người coi như bị giam lỏng trong bốn vách tường của mình, muốn đi đâu phải có giấy phép đặc biệt, số lượng 100.000 cảnh sát khám giấy tờ ở mọi ngã tư, ngã ba… từ nhà quê vắng vẻ cho đến thành thị, đã gây ấn tượng mạnh, khó quên trong dân chúng. Những người chưa biết thế nào là xa cách, thế nào là bất lực trước công quyền thì nay đã được nếm mùi.
Thời gian như đứng lại. Phố xá đìu hiu không một bóng người. Đường sá vắng hẳn xe cộ, vắng tanh vắng ngắt. Những người vô gia cư không biết đi đâu, về đâu, chỗ nào xin ăn.
Chỉ cho phép ra đường đi chợ gần nhất để mua thực phẩm, đi bác sĩ, đi bệnh viện thì phải có giấy tờ chứng minh, nếu không thì bị phạt. Hàng vạn hoàn cảnh gọi là “đặc biệt” xảy ra, cha mẹ già ốm đau con cái không được đến săn sóc, vợ chồng xa cách không được về với nhau, những sự săn sóc người có bệnh kinh niên bỗng dừng lại, trẻ con không được ra đường, đến trường… gây sợ hãi, bấn loạn, khủng hoảng tinh thần.
Mọi người ngồi trong nhà, đóng kín cửa, dán mắt lên màn hình ti vi, ngó chăm chăm về Paris… vì không biết nhìn đâu. Ở Paris chỉ có người giàu mới sống được, họ vẫn túa ra đường chạy bộ, dắt chó đi dạo loanh quanh các khu phố…
Từ ngày 11-5-2020 trở đi, người dân được phép di chuyển trong vòng bán kính 100km từ chỗ ở của mình, gọi là “espace vitale” (địa bàn sinh sống) tối thiểu của dân chúng. Ngày 2-6- 2020 mới hết lệnh cấm “100km”, ngày 15-6 giải tỏa các biên giới nội địa châu Âu. Cho đến hôm nay, giữa tháng 9, các biên giới quốc tế vẫn chưa được giải tỏa, giao thông chưa trở lại bình thường.
Nhắc lại tình trạng trên để có thể hiểu được sự thay đổi trong cách tiêu thụ của dân chúng.
Hình như những người có trách nhiệm quên đi bộ môn tâm lý học trong những quyết định của họ. Con thú khi bị nạn, phản xạ của nó là chạy trốn, co cụm lại, thì con người cũng thế.
Co cụm kinh tế có nghĩa là thắt hầu bao, giảm thiểu tiêu xài đến mức tối đa, để dành khi có biến loạn xảy ra thêm nữa. Sự việc “bùng nổ kinh tế” sau cách ly xã hội đã không xảy ra toàn diện. Vẫn là những người dân Paris giàu có đi chơi hè, nghỉ hè… làm kẹt xe trên các nẻo đường đi và về Paris trong mùa hè 2020. Sức tiêu thụ của họ, dù cho có phóng khoáng hơn mọi khi, cũng không đủ làm cho kinh tế sống lại như trước.
.png)
Nhiều địa phương ở Pháp ra quy định bắt buộc đeo khẩu trang ở các nơi công cộng
Sự việc chỉ cho phép người dân đi chợ mua thực phẩm ở nơi gần nhất và chỉ được một người đi, tạo ra hiện tượng “À, ra thế!”. Thực phẩm thiếu thốn, chất lượng dở, giá mắc… nhưng vẫn phải mua, không được đi chỗ khác, chỗ quen biết, chỗ lui tới thường xuyên vì một lý do nào đó.
Sự việc ấn định phạm vi địa bàn sinh sống trong vòng 100km càng làm cho người dân ngạc nhiên “À, ra thế!”, người ta bắt đầu nhìn, ngắm chỗ ở của mình với một con mắt khác, gây thêm sợ hãi, nếu có việc gì xảy ra thì mình không đi ra khỏi phạm vi này được.
Sự việc phải đeo khẩu trang trên đường phố trong một số thành phố lớn và Paris, ngoài những cơ sở công cộng khép kín như chợ búa, nhà thương, trường học, cửa hàng, tiệm ăn… càng làm cho người dân co cụm. Trước kia vô tư, đi đó đi đây, thì nay nhiều người co cẳng nằm nhà để tránh bị ăn đòn, bị đánh đập, bị phạt vạ, bị mắng chửi chỉ vì một cái khẩu trang đeo không đúng cách. Trên nguyên tắc, khẩu trang dùng để bảo vệ sức khỏe trước nhất cho mình, và cho người, nhưng cái khẩu trang bị biến thành một áp lực xã hội bắt buộc, là nguyên nhân của những sự việc “thượng cẳng chân, hạ cẳng tay” đáng tiếc.
Cách ly, cách ngăn, ngăn cấm di chuyển… là những hậu quả của… chiến tranh, một trong những quyền tự do căn bản tối thiểu của con người là quyền tự do di chuyển để sinh sống, để lánh nạn. Thế mà lại bị tước đi một cách bất ngờ, không báo trước rộng rãi và không biết khi nào chấm dứt, có thể tuần này, có thể tháng sau… sau nữa.
Vì thế, chỉ còn có cái ăn, ngoài cái ở và bình diện sức khỏe, là người ta phải tiêu tiền. Thậm chí có người bắt đầu trồng trọt cà chua, cà rốt, hành, tỏi… các thứ rau cỏ trên một mảnh đất nhỏ xíu, trước kia không thèm ngó đến để cho cỏ dại mọc.
Thói quen tiêu thụ thay đổi với 3 yếu tố hàng đầu là giá cả, chất lượng và nguồn gốc sản phẩm: người ta bắt đầu ý thức được cái gì là dư thừa, không cần thiết, cái gì cần thiết, ít đi siêu thị hơn, thích tự nấu ăn, tự làm bánh hơn là mua các thực phẩm ăn sẵn, chứa thực phẩm ở nhà nhiều hơn, đi chợ phiên nhiều hơn, dù đắt hơn nhưng ưu tiên tiêu thụ những sản phẩm Pháp, sản phẩm địa phương, thích mua hàng “second-hand” (đồ cũ) hơn…
Người ta học được những thứ phải luôn luôn có sẵn trong nhà: găng tay, chất sát trùng rửa tay, khẩu trang, túi rác, các chất sát trùng lau chùi…
Không còn những người thích dạo chơi và tiêu tiền ở các trung tâm thương mại vĩ đại, hoành tráng và đông người nữa. Sự ham muốn “có để mà có” đang dần dần giảm xuống trong thái độ của người tiêu thụ.
Những tin tức, tin thật và tin giả, phát tán trên mạng càng gây ra tâm lý hoang mang, sợ hãi, ru ngủ cho một tương lai gần, nuôi dưỡng một sự co cụm lâu dài.
Nhiều người, vì cùng quẫn suốt ngày ở nhà buồn chán, nảy sinh ra mua hàng trên mạng. Bỗng dưng các trang mạng bán lẻ nở rộ, thu được nhiều lợi nhuận, vì người mua phải trả tiền trước qua mạng rồi mới được giao hàng sau. Nhưng việc bán lẻ qua mạng bị kìm hãm vì ba lý do: giao hàng chậm trễ, mất mát, hàng hóa không đúng chất lượng, yêu cầu và người mua bị ăn cắp dữ liệu thẻ ngân hàng, mất tiền mà không được gì.
.png)
Một cuộc thăm dò cho biết nếu một lệnh cách ly xã hội mới xảy ra thì 64% các cửa hàng bán lẻ “gần người tiêu thụ” vì thiếu vốn sẽ không trụ được.
Sự hình thành một hệ thống tiêu thụ mới như “drive” (mua hàng đặt trên mạng, khách chỉ đến lấy) hoặc giao hàng tận nhà, tiêu thụ tại chỗ, tránh mua hàng hóa phải di chuyển vòng quanh thế giới… làm chuyển động các nhà bán lẻ với những trung tâm thương mại cố định “hypermarché” (đại siêu thị), “supermarché” (siêu thị), mà người mua phải đến tận nơi mua sắm, thường nằm ở xa thành phố, trong những khu vực thương mại riêng rẽ.
Ngành “thương mại điện tử (e-commerce) và bán buôn đường dài (vente à distance)” đã đạt được một con số doanh thu đáng kể là 100 tỉ euro và có 40 triệu khách hàng tại Pháp, như trường hợp Amazon có doanh thu tăng 26% đạt 75,5 tỉ USD (64 tỉ euro) trong mùa COVID.
Trong khi các mảng thị trường khác đều bị thiệt hại, như thị trường xe hơi bớt đến 6.000 euro cho một chiếc xe mới, thì chỉ có thị trường bất động sản là được mùa hậu COVID. Khách hàng mua nhà là dân “parisien” giàu có, khi trước chỉ tiêu của họ là Paris nội thành, lấy đường xa lộ vòng quanh Paris làm ranh giới, thì bây giờ họ sẵn sàng mua nhà ở ngoài vòng để có đất, có vườn, có sân, có ban công... làm cho giá nhà đất ở những vùng bọc quanh Paris tăng đến 8%.
Pháp đang tìm cách “giải thoát” 85 tỉ euro tiền để dành trong các ngân hàng của dân chúng để đổ vào vòng quay kinh tế. Một biện pháp mới là cha mẹ được cho con cái 100.000 euro miễn thuế để xây nhà, sửa nhà hay mở hãng xưởng.
Tổ chức CAC 40 là tổng hợp của 40 hãng xưởng hàng đầu của nước Pháp, có tổng số vốn khoảng 697,2 tỉ euro, báo tin thất bại trong các ngành xe hơi, du lịch… trong năm 2020 - những “triệu chứng” làm nhớ đến năm 1929, giai đoạn nung nấu đưa đến thế chiến thứ hai.
Ngày 8-9-2020, tờ Le Figaro loan tin trong quý II vừa qua, thị trường lao động của Pháp đã mất đi thêm hơn 215.000 việc làm, cộng với con số gần 500.000 việc làm bị biến mất đi trong quý I. Cơ quan quản lý bảo hiểm thất nghiệp Pháp (Unedic) phỏng đoán sẽ có 900.000 việc làm bị tiêu hủy trong năm 2020 tại Pháp.
Đọng lại một câu hỏi, tại sao một quốc gia tự dưng tự nguyện phá vỡ nền kinh tế của mình như thế?
Tình hình dân chúng Pháp hiện nay như chia hai, bên này thì sợ hãi, lo lắng, bên kia thì chống lại việc bắt buộc phải đeo khẩu trang. Cả hai bên đều không hoặc ít tiêu thụ vì lo sợ và bực tức.
Trên báo chí Pháp và trên nhật báo Le Parisien ngày 11-9-2020 xuất hiện một lá thư ngỏ của 35 nhà nghiên cứu, vi trùng học, giáo sư, bác sĩ… trong giới y khoa kêu gọi chính quyền phải thay đổi thái độ gây lo sợ trong dân chúng, thí dụ như bằng những con số thống kê không nói lên được điều gì, không thống nhất, bằng biện pháp bắt buộc phải đeo khẩu trang trên đường phố, không có minh chứng khoa học… Cùng ngày 200 bác sĩ ký một lá thư ngỏ yêu cầu Hội đồng cố vấn y khoa (Conseil de l’Ordre) hãy “để yên” cho giáo sư bác sĩ Raoult Didier, người đã gánh chịu nhiều tai tiếng khi ông đơn thương độc mã bảo vệ cho phương cách điều trị chống COVID-19 của mình, đi khác con đường của những người thuộc nhóm lợi ích…
Như để trả lời, ngày 11-9-2020 nhân lúc phải quyết định các biện pháp chống nạn COVID-19 đang trở lại, ông Jean Castex, Thủ tướng mới, thay thế ông Édouard Philippe, tuyên bố không ban hành cách ly xã hội toàn diện, cũng như không khoanh vùng cách ly, mà “Chúng ta phải sống chung với con vi khuẩn (lũ), không phải bước vào một lần nữa trong cái lý luận cách ly toàn diện. Chiến lược của chúng tôi không thay đổi. Chống lại con vi trùng đồng thời tránh phải đặt đời sống xã hội, văn hóa, kinh tế, giáo dục con em chúng ta và khả năng sống bình thường của chúng ta trong dấu ngoặc”. Ông Castex kêu gọi sự tự giác, ý thức của mọi người, đặc biệt là của người già, có bệnh tật. Biện pháp mới của thủ tướng Pháp là đặt 42 hạt vào mức cảnh giác “Đỏ”, cách ly 7 ngày cho người dương tính COVID, thâu nhận thêm 2.000 nhân viên xét nghiệm và giao nhiệm vụ cho cấp bực quận trưởng (préfet) cùng với những người có trách nhiệm trong y tế công cộng đối phó phù hợp với mức độ của tình hình từng hạt mà không phải phụ thuộc vào quyết định từ Paris.♦
14-9-2020