Việt Nam trên cương vị Chủ tịch ASEAN năm nay đã làm hết sức mình cho mục đích ASEAN là một trung tâm, đoàn kết chống dịch COVID-19, khôi phục và phát triển kinh tế. Hai hội nghị Ngoại trưởng ASEAN (trực tuyến), hội nghị AIPA (các Nghị viện ASEAN) dường như đã đạt được tiếng nói nhất trí trên mọi vấn đề. Về vấn đề biển Đông, ASEAN nhất trí vai trò trung tâm trong việc giải quyết các tranh chấp, và đòi hỏi phải hòa bình giải quyết mọi tranh chấp, theo Luật biển (UNCLOS) 1982. Ngày 16-9, Pháp, Đức, Anh gửi công hàm đến Liên Hiệp Quốc bảo vệ quyền tự do đi lại ở biển Đông, phản đối yêu sách vô lý của Trung Quốc vốn đã bị bác bỏ trong phán quyết 2016 của Tòa trọng tài quốc tế. Đây là một động thái có ý nghĩa trong lúc này.
Việt Nam vừa dẹp xong dịch ở Đà Nẵng, ổn định tình hình dịch; đã 16 ngày (tính đến 18-9- 2020) không có ca nhiễm mới nào trong cộng đồng. Đó là một thắng lợi trong vòng chống dịch lần 2, khẳng định bản lĩnh, quyết tâm và tài trí Việt Nam.
Năm nay, Việt Nam được dự báo chỉ tăng trưởng 1,8%, mức thấp nhất trong hàng chục năm qua. Tuy vậy, Việt Nam vẫn là điểm sáng giữa các nước châu Á và thế giới - mà phần lớn là tăng trưởng âm. Sang năm, dự báo Việt Nam sẽ tăng trưởng trở lại gần 7%.
Xuất khẩu, đặc biệt xuất khẩu gạo và hoa quả qua EU tăng, theo Hiệp định thương mại tự do Việt Nam - EU (EVFTA). Gạo Việt Nam đang có giá cao, bà con trồng lúa ở đồng bằng sông Cửu Long vui mừng. Xuất nhập khẩu giữa ta và Trung Quốc đạt hơn 111 tỉ USD, tăng hơn mọi năm (dù ta nhập siêu từ Trung Quốc hơn 20 tỉ USD).
Các xí nghiệp của ta đang lao đao vì chuỗi cung ứng toàn cầu đang bị đứt gãy, không có đơn đặt hàng, thiếu nguyên vật liệu đầu vào, công nhân nhiều xí nghiệp thất nghiệp, không có thu nhập. Ta đang hết sức cố gắng để bảo đảm việc làm, đời sống cho công nhân, cho người lao động, nhưng nếu đại dịch còn kéo dài và nghiêm trọng trên thế giới, thì một mình ta không giải quyết nổi. Thế “liên lập” (interdependent) của ta là vậy.
Tình hình biển Đông có vẻ tạm thời yên ắng, vì Trung Quốc đang tiến hành các động tác ngoại giao tranh thủ các nước chung quanh. Tuy nhiên, Ấn Độ, Australia, Nhật và cả Anh đều có thái độ với Trung Quốc. Tranh chấp biên giới Ấn - Trung tuy đã được Nga dàn xếp, nhưng sẽ không lâu dài. Australia vừa qua rất căng với Trung Quốc trong tranh chấp biển Đông, và Trung Quốc rất tức giận. Nhật vừa thay thủ tướng, nội các... nhưng họ vẫn bảo vệ quần đảo Senkaku/Điếu Ngư, họ cảnh giác, tăng cường quốc phòng (sẽ sửa luật để Nhật có thể can dự vào cả lục địa, nếu có chiến tranh).
Chuyện lạ là Cộng hòa Séc cử Chủ tịch Thượng viện đi thăm Đài Loan, làm Trung Quốc tức giận (tiếp sau chuyến thăm Đài của Bộ trưởng Y tế Mỹ).
Khi bạn cầm trên tay Hồn Việt số này, thì chỉ còn chừng một tháng nữa sẽ đến ngày bầu cử Tổng thống Mỹ (3-11). Hiện giờ thì ở Mỹ người ta hỏi: liệu kết quả bầu cử có được công bố ngay trong đêm bầu cử hay không và điều gì sẽ xảy ra nếu không có ứng cử viên nào giành được đa số phiếu đại cử tri đoàn, tức 270 phiếu trong tổng số 538 phiếu?
Kỳ này, nhiều cử tri sẽ bỏ phiếu qua đường bưu điện. Việc kiểm phiếu qua bưu điện sẽ kéo dài hơn vì mỗi phiếu bầu phải có chữ ký khớp với chữ ký riêng trên phiếu đã đăng ký. Kỳ này sẽ có khoảng 80 triệu lá phiếu gởi qua bưu điện - gấp đôi năm 2016. Do đó thời gian kiểm phiếu sẽ kéo dài với số lượng phiếu bầu qua bưu điện dự kiến sẽ tăng gấp đôi.
Một điều nữa, phiếu bầu qua bưu điện sẽ khó tránh khỏi kiện tụng. Khó có thể lường trước việc kiện tụng sẽ xuất hiện làm trì hoãn các cuộc bỏ phiếu, hoặc ngay sau bầu cử khiến việc báo cáo kết quả bị trì hoãn. Năm 2020 sẽ trở thành năm của cuộc bầu cử tranh tụng nhất trong lịch sử Mỹ - Richard Hasen, một nhà nghiên cứu luật ở Đại học California, Irvine nhận định.
Cũng có thể xuất hiện động cơ trì hoãn chấp nhận kết quả. Donald Trump và Joe Biden sẽ không vội thừa nhận thất bại. Joe Biden sẽ không thừa nhận thất bại nếu ông bị thua trong số phiếu đếm ngay trong đêm bầu cử, vì số phiếu bầu qua bưu điện được cử tri Dân chủ sử dụng nhiều hơn. Do đó, có thể tin số phiếu bầu qua bưu điện được kiểm sau đó sẽ có lợi hơn cho Biden. Còn D. Trump thì có lý do chính trị để không chấp nhận thất bại, ngay cả kết quả phiếu đêm bầu cử cho thấy ông tụt hậu. Trong nhiều tháng qua, ông đã tuyên bố rằng các thế lực bất chính đang đe dọa “đánh cắp” kết quả bầu cử.
Trong trường hợp Trump và Biden không ai đạt được 270 phiếu đại cử tri cần thiết thì Hạ viện Mỹ phải nhóm họp để quyết định. Khi đó, Hạ viện sẽ lựa ra một trong ba ứng viên giành được số phiếu đại cử tri đoàn nhất. Một cuộc chiến sẽ xảy ra tại Hạ viện để chọn ra Tổng thống thứ 46 trước nửa đêm vì Chủ tịch Hạ viện Nancy Pelosi đã hô hào trước báo giới: “Hãy hạ bệ Donald Trump!”.
Cuộc thăm dò của Real Clear Politics cho thấy Biden đang dẫn trước Trump khoảng 6%-7% tỷ lệ ủng hộ. Nhưng nhiều người Mỹ vẫn nghi ngờ năng lực của Joe Biden, phó tướng của Barack Obama trong điều hành kinh tế. Một cuộc thăm dò của trang web FiveThirtyEight kể từ 10-9 cho thấy Biden sẽ giành được 328 phiếu đại cử tri đoàn và trở thành ông chủ Nhà Trắng - Tổng thống Mỹ thứ 46 trong cuộc chạy đua vào tháng 11.
18-9-2020