Trong chương này chúng tôi đề cập tới một vài vấn đề có tính chất nhận thức luận của phong cách học. Phê bình văn học khi đánh giá một tác phẩm là căn cứ vào yêu cầu tư tưởng, nghệ thuật của giai đoạn hiện tại mà khen hay chê. Mục đích của nó là giáo dục tư tưởng, nghệ thuật cho quần chúng. Nó chỉ có nhiệm vụ làm cho quần chúng hiểu được những yêu cầu về nội dung và hình thức của văn học hiện tại để thưởng thức và sáng tác cho đúng với những yêu cầu này. Chính vì vậy, trong trường hợp Truyện Kiều chẳng hạn, đã nảy sinh vô số những cách đánh giá khác nhau. Sự khác nhau này xét cho cùng đều quy về yêu cầu chính trị của từng tầng lớp. Phạm Quỳnh ca ngợi Truyện Kiều không phải vì văn học dân tộc, mà vì muốn sử dụng Truyện Kiều để làm cho nhân dân tìm ở đấy một ảo tưởng, đặng quên thực tế trước mắt của chế độ thuộc địa. Ngô Đức Kế và Huỳnh Thúc Kháng phê phán nó không phải vì ghét nó. Riêng chúng tôi đã có dịp tiếp xúc với cụ Huỳnh, vì cụ là bạn thân của cha tôi, thì thấy cụ hết sức ca ngợi Truyện Kiều. Đó là vì yêu cầu chính trị của những người yêu nước lúc bấy giờ là phải mượn phê phán Truyện Kiều để đả kích hành vi dối trá của Phạm Quỳnh. Tầng lớp tiểu tư sản mê Truyện Kiều, vì họ thấy trong Truyện Kiều chứa đựng yêu cầu thỏa mãn những khát vọng cá nhân, điều mà họ đang đòi hỏi. Quần chúng lao động và nhân dân cách mạng yêu Truyện Kiều vì nó chống áp bức, xác định quyền tồn tại thành người của những người bị chà đạp.
1.Nói đến Truyện Kiều, thế nào người ta cũng nói đến tình yêu và thậm chí rất nhiều người chỉ thấy có vấn đề tình yêu. Mọi sự khen chê đều tập trung vào đấy. Phải đến gần đây, sau Cách mạng tháng Tám, người ta mới phát hiện rằng ngoài tình yêu, Truyện Kiều còn chứa đựng những vấn đề xã hội. Đó là nhận xét đầu tiên. Nhưng không phải hễ là tiểu thuyết tức là nói đến tình yêu và đã nói đến tình yêu thì lập tức sinh chuyện tranh cãi. Hoàn toàn không phải thế.
Tình yêu chỉ là một hiện tượng xã hội như mọi hiện tượng xã hội khác, do đó, nó đồng thời là một hiện tượng lịch sử. Cũng như thiên nhiên tồn tại trước khi có loài người, nhưng ngôn ngữ thiên nhiên chỉ ra đời ở châu Âu từ thế kỷ 18; cũng vậy, tình yêu theo nghĩa vợ chồng, trai gái thương nhau, thì có từ thượng cổ, nhưng tình yêu như một phạm trù mỹ học lại ra đời rất muộn.
Một thí dụ rất hiển nhiên, nhưng ít được chú ý. Trong văn học Việt Nam trước thời Lê mạt, trong những tác phẩm được quy định niên đại chính xác, trừ Truyền kỳ mạn lục, hầu như không có đàn bà. Chỉ thấy có đàn ông và đàn ông với cương vị xã hội cụ thể - hòa thượng, nho sĩ, tướng quân, vua chúa. Còn đàn bà muốn xuất hiện, thì cái nét khu biệt người phụ nữ phải bị thủ tiêu trước đã. Ta có người đàn bà trong tranh, người tiết phụ, tức là người đàn bà không thể gây nên dục vọng tình yêu ở bất kỳ ai. Đó là nói đến văn học được sáng tạo bởi những con người được đào luyện trong môi trường Phật giáo hay Khổng giáo. Còn trong văn học dân gian, chắc chắn phải khác. Ta chưa có thể quy định niên đại cho các bài ca dao Việt Nam, nhưng rõ ràng trong Kinh Thi đã nói đến những đòi hỏi của xác thịt (trong các thiên Trịnh, Vệ). Tuy đây chưa phải là tình yêu theo cái nghĩa của mỹ học; nhưng người đàn bà thì rõ rệt là có. Tình hình Trung Quốc đã thế, tình hình Việt Nam cũng không thể khác. Trai gái Việt Nam gặp nhau trong lao động, yêu nhau là điều dĩ nhiên. Nhưng muốn cho tình yêu trở thành một đề tài văn học, thì nó phải được một tầng lớp trí thức thừa nhận và dám thừa nhận, nó chống lại tư tưởng thống trị là trọng nam khinh nữ, cha mẹ đặt đâu con xin ngồi đấy, đàn bà là vật sở hữu của cha mẹ, của công xã (lệ nộp cheo). Muốn có tình yêu như một phạm trù nghệ thuật phải có cái ý thức về tự do lựa chọn. Mặc dầu tình yêu có nguồn gốc xác thịt, nhưng nếu mọi việc đều bị quy định không có đương sự xen vào thì nó không biểu hiện thành nghệ thuật hay chỉ mới là nghệ thuật một nửa khi sự lựa chọn từ bên ngoài lại trùng về mơ ước của đương sự.
2.Tình hình vào thời Lê mạt khác hẳn. Cái đối tượng mà nền văn học cũ không dám nhắc đến, thì nay trở thành thần tượng của nền văn học mới. Người đàn bà xuất hiện mọi nơi, trở thành vị nữ hoàng mà hào quang và uy tín lấn át mọi thần tượng khác. Đây là người đàn bà “nghiêng nước nghiêng thành”, khao khát tình yêu, có một cơ thể “trong ngọc trắng ngà”. Người đàn bà mà Nho giáo sợ hãi, mà Phật giáo xua đuổi, lúc này thống trị toàn bộ văn học. Câu chuyện tình yêu đôi lứa trở thành chủ đề của mọi thể loại, không những truyện Nôm (Hoa tiên, Sơ kính tân trang, Phạm Công Cúc Hoa), ngâm khúc (Cung oán, Chinh phụ ngâm, Bần nữ thán), hát nói (Cao Bá Quát, Nguyễn Công Trứ), mà ngay cả văn tế (Phạm Thái, Nguyễn Du), phú (Nguyễn Bá Lân), thậm chí cả kinh nghĩa và văn sách (Lê Quý Đôn). Cái thế hệ các quân tử, hòa thượng, trượng phu, ẩn sĩ rời khỏi sân khấu và cùng với họ cũng biến mất luôn lý luận “Văn để chở đạo” của Chu Hy, thơ là để di dưỡng tính tình. Một trào lưu văn học mới ra đời. Nhân vật của nó là “Người tài tử, khách thuyền quyên”, những con người trẻ, đẹp, có tài và khao khát tình yêu, bởi vì “Tài tử với giai nhân là nợ sẵn”. Vấn đề chủ đạo của nền văn học này là vấn đề hạnh phúc. Hạnh phúc đối với nó không phải là niết bàn, say mùi đạo, tri mệnh, mà là cuộc sống vật chất đầy đủ, có tiền, có tình yêu. Nghệ thuật, do đó, không phải là để minh họa đạo lý, mà để xác lập cái nhìn mới của thế hệ này: quyền sống no đủ, thực hiện được khả năng sẵn có của mình và hưởng tình yêu. Có sự đối lập về hệ tư tưởng. Hệ tư tưởng trước đó thâu tóm vào chữ “sợ”: sợ trời, sợ lời thánh nhân, sợ những người khác đã đành mà sợ cả chính mình nữa, bởi vì khi người quân tử đứng một mình, thì có “mười con mắt nhìn vào mình” (Đại học). Thái độ con người là “run run sợ sợ như đến vực sâu, như đi trên băng mỏng” (Kinh thư). Tiêu chuẩn của đạo đức là “khắc phục bản thân để theo lễ”, tức là theo những quy định về tôn ti đã được xác lập. Khổng giáo đòi hỏi “cẩn thận trong sự suy nghĩ”, Phật giáo yêu cầu “diệt dục” mà cái dục nguy hiểm nhất là “sắc dục”, trở ngại lớn nhất trên con đường đi đến niết bàn.
Tình yêu đối với lớp tài tử như Phạm Thái, Nguyễn Du, Nguyễn Công Trứ, biểu hiện một quan hệ xã hội khác hẳn tình yêu trong con mắt của lớp người Thơ mới. Với lớp người Thơ mới, tình yêu là một cái gì mong manh, tội nghiệp. Nhà thơ ca ngợi tình yêu ầm ĩ nhất như Xuân Diệu vẫn phải nói “Yêu là chết”. Thế hệ Thơ mới lao vào vòng tay của thần ái tình một cách vội vàng, hốt hoảng. Họ thấy nó gắn liền với tội lỗi, mặc dầu nó vẫn lôi cuốn. Đó là vì họ biết họ có lỗi, lẽ ra họ phải chiến đấu để giải phóng dân tộc, nhưng họ đã nhút nhát, bất lực. Họ biết yêu là trốn tránh nghĩa vụ, làm một hành động phần nào không chính đáng. Lớp tài tử thời Lê mạt - Nguyễn sơ nghĩ khác. Họ hả hê uống cốc rượu đời và cười giòn giã. Họ thấy tình yêu không hề chứa đựng cái gì là tội lỗi, xấu xa. Họ thấy nó đẹp, nó mới, nó đáng khen. Truyện Kiều ra đời trong cái trào lưu ấy, cho nên muốn đánh giá nó cho công bằng phải xét nó trong trào lưu này.
Là con đẻ của những quan hệ xã hội, tình yêu tất nhiên phải phản ánh những quan hệ xã hội đã làm nảy sinh ra nó. Chúng ta thường bỏ qua cơ sở xã hội của vấn đề này và chỉ xét nó theo yêu cầu của hiện tại. Kết quả là sự khen chê của ta có nhiều chỗ không công bằng.
3.Sau khi đã cố gắng xét tình yêu trong cái bối cảnh xã hội của nó, ta có thể khảo sát kiểu lựa chọn của Nguyễn Du để thể hiện vấn đề nay. Sở dĩ câu chuyện tình yêu trong Truyện Kiều gây ra nhiều tranh cãi, chính vì Nguyễn Du đã thể hiện tập trung nhất và táo bạo nhất kiểu lựa chọn của thời đại. Nói đến tình yêu là chuyện bình thường, truyện Nôm nào cũng nói đến nó. Nhưng thể hiện nó theo kiểu lựa chọn của Nguyễn Du, quả thực là chướng tai gai mắt đối với thế hệ sau, trong khi những vấn đề cấp bách liên quan đến sự tồn tại của đất nước và dân tộc đặt ra cho mỗi người biết suy nghĩ. Trong phần này, trung thành với phương pháp của mình, chúng tôi không đặt vấn đề khen chê ở đây, mà chỉ xin tìm hệ thống thao tác của nhà thơ. Chúng tôi cố gắng nhìn nghệ thuật như một tập hợp những cách làm việc đáng chú ý. Tình yêu trong Truyện Kiều sinh chuyện, chỉ vì ông đã chọn những biện pháp làm việc quá trái ngược với cách nhìn của lễ giáo xưa.
4.Trước hết, phải nói đến yếu tố thể xác. Tình yêu trong Truyện Kiều luôn luôn gắn liền với yếu tố thể xác. Nó nói đến cái rung cảm của xác thịt và ca ngợi cái rung cảm ấy. Cách nhìn đó là cách nhìn của thời đại. Điều này các nhà Nho ghét nhất, nhưng các thơ mới lại thích nhất. Truyện Kiều nói đến chuyện “đầu mày cuối mắt”, nói đến “hai bên cùng liếc”, đến chuyện “ai có tiếc gì với ai”. Nó nói đến những rung động của con người khi mong nhớ, đợi chờ, gặp gỡ và tán thưởng những rung động ấy. Nho giáo dĩ nhiên không thể chấp nhận điều đó. Còn đối với nhà phong cách học, thì trước sau chỉ xét theo lôgích khách quan của sự việc. Nếu như tâm lý học khi nghiên cứu, thấy tình yêu chỉ chứa đựng độc có yếu tố tinh thần mà thôi, vậy thì Nguyễn Du sai và là một nghệ sĩ tồi. Còn nếu như nó khẳng định phát hiện của Nguyễn Du, vậy thì Nguyễn Du là tài giỏi. Nguyễn Du là người phân tích tâm lý tàn nhẫn không thể gượng nhẹ ở bất kỳ lĩnh vực nào của đời sống nội tâm. Ông không thể nhân nhượng, gạt bỏ yếu tố nhục cảm ra khỏi tình yêu, nếu như yếu tố ấy thực sự có, bởi vì làm thế là từ bỏ nguyên lý nghệ thuật mà ông đã chọn. Việc khen chê là quyền của mỗi người. Phải xây dựng cách lựa chọn sao cho nhất quán là bổn phận của nghệ sĩ.
Vả chăng, khi nói đến yếu tố thể xác, Nguyễn Du cũng chỉ làm như các tài tử đương thời mà thôi. Thơ Hồ Xuân Hương, phú Nguyễn Bá Lân(1), hát nói của Cao Bá Quát, Nguyễn Công Trứ, kinh nghĩa của Lê Quý Đôn, chẳng phải cũng khẳng định yếu tố thể xác trong tình yêu đó sao? Tội nghiệp nhất là ông Tự Đức. Ông vua này nổi tiếng hay chữ và làm rất nhiều bài thơ chữ Hán, nhưng ngày nay người ta quên hết. Để lưu danh đời sau, ông cũng phải đóng vai tài tử và phải nói đến tình yêu với yếu tố thể xác. Lập tức bài thơ ấy được người ta truyền tụng. Đó là bài Khóc Bằng phi với hai câu “Đập cổ kính ra tìm lấy bóng, Xếp tàn y lại để dành hơi”. Hai câu này đúng là phù hợp với phong cách lớp tài tử như Nguyễn Du, Cao Bá Quát.
Tuy yếu tố thể xác là một nét bất biến trong phong cách thời đại, nhưng phải nói ở Nguyễn Du nó táo bạo hơn và cụ thể hơn. Kết quả Truyện Kiều bị phê phán về mặt này không phải là oan. Một so sánh nhỏ sẽ giải quyết cuộc tranh luận này. Các bạn hãy so sánh đoạn hai anh chị gặp nhau lần đầu trong tất cả các truyện Nôm mà các bạn đã đọc, dù là Thạch Sanh, Phạm Công Cúc Hoa, Phạm Tải Ngọc Hoa, Hoa tiên, Bích Câu kỳ ngộ, cho đến Lục Vân Tiên… với đoạn Kim Trọng gặp Thúy Kiều ở bên gốc đào, thì bạn sẽ thấy ngay tại sao mọi truyện Nôm tuy có nói đến tình yêu nhưng đều không gây tai tiếng, trái lại Truyện Kiều gây nên mọi phản ứng. Các truyện Nôm nhát gan hơn Nguyễn Du, chỉ dám dừng lại ở một cảnh gặp gỡ chung chung, trong đó thấy thoáng một tà áo trắng, vẻ mặt như Quan Âm, vẻ đẹp… và hết. Nguyễn Du làm khác. Ông dám đi thẳng vào cái cá biệt. Không ở đâu có thể tìm thấy tư thế của hai người:
Sượng sụng, giữ ý, rụt rè,
Kẻ nhìn rõ mặt, người e cúi đầu (312 - 322)
Không ở đâu nói đến ngay cả sự thay đổi trong ánh mắt của người con gái:
Lặng nghe lời nói như ru,
Chiều xuân dễ khiến nét thu ngại ngùng (347 - 348)
Không ở đâu câu chuyện trao đổi được trình bày đầy đủ theo đúng cái lôgích khách quan của một cuộc gặp gỡ đầu tiên, trong đó đôi bên hẹn hò, thề thốt. Các tác giả khác đều vội vã nói thật nhanh vì sợ bị dư luận công kích. Nguyễn Du không làm thế. Ông tôn trọng cái lôgích khách quan của sự diễn biến hành động. Không những thế, Nguyễn Du còn miêu tả chính xác cả cái quá trình yêu đương theo tiếng gọi của dục vọng. Đó là đoạn Kiều sang nhà Kim Trọng lần thứ hai (441 - 521) dài 83 câu. Ta thấy người con gái chủ động đến với người yêu “Vì hoa nên phải trổ đường tìm hoa” vì sợ hạnh phúc của mình bị tan vỡ “Biết đâu rồi nữa chẳng là chiêm bao”. Rồi hai người viết bài ghi lời thề chung sống. Sau đó chàng Vương yêu cầu nghe đàn và Kiều nói “Đừng điều nguyệt nọ hoa kia, Ngoài ra ai có tiếc gì với ai” khẳng định nàng là của Kim Trọng. Điều này là đúng với tâm trạng những cô gái ngây thơ, yêu lần đầu, trong sự say mê chứa đựng lòng hy sinh cho người yêu. Sau đó là cảnh “đầu mày cuối mắt” và chàng Kim nghĩ đến chuyện “lả lơi” nhưng bị cự tuyệt và Kiều nói “Còn thân ắt lại đền bồi có khi” rất đúng với tâm trạng cô gái tìm ở trong tình yêu sự quý trọng để duy trì hạnh phúc. Trong cái cảnh gặp gỡ này xen vào vầng trăng, chén rượu, tiếng đàn, ngọn đèn, hương bay tạo nên một không khí kỳ ảo nhưng rất thực.
5.Đặc điểm thứ hai trong việc phân tích tình yêu ở Nguyễn Du là tình yêu luôn luôn gắn liền với sự mất mát, với lo sợ, với cảm giác rằng hạnh phúc rất mong manh, sớm chiều sẽ tan vỡ. Ngay trong đêm tự tình với Kim Trọng, Kiều đã lo “Nghĩ mình phận mỏng cánh chuồn, Khuôn xanh biết có vuông tròn mà hay?” (411- 412). Khi Thúc Sinh tỏ ý muốn lấy nàng, Kiều đã lo ngại về tình yêu của Thúc Sinh “Lòng kia giữ được thường thường mãi chăng” (1338). Ngay trong khi hưởng hạnh phúc, nàng vẫn nơm nớp sợ mất hạnh phúc. Lúc làm phu nhân của Từ Hải, nàng vẫn “E dè sóng gió hãi hùng nước sa” (2486). Đặc điểm này là hết sức tiêu biểu. Nhìn bên ngoài nó giống nỗi lo sợ của lớp người thơ mới. Lớp người thơ mới tìm hạnh phúc trong tình yêu, nhưng ngay lập tức thấy hạnh phúc mong manh, thế nào cũng tan vỡ. Tuy vậy, sự giống nhau này chỉ là bên ngoài, thực chất hai nỗi lo sợ hết sức khác nhau. Thế hệ tài tử của Nguyễn Du tin là hạnh phúc có thực và con người có quyền hưởng hạnh phúc, nhưng thực tế xã hội quá tàn nhẫn đã đập tan mọi hạnh phúc, cho nên cuối cùng hạnh phúc đã tan vỡ. Bài Văn tế thập loại chúng sinh của Nguyễn Du chính là nêu rõ quá trình tan vỡ của mọi hạnh phúc trong giai đoạn lịch sử này. Hạnh phúc tan vỡ không phải do tự thân nó tan vỡ, mà do thế lực phản động quá mạnh sẽ đập tan hạnh phúc. Chính vì vậy khi hạnh phúc tan vỡ có sự phẫn uất. Trái lại, đối với các nhà thơ, các nhà văn lãng mạn, thì khác. Hạnh phúc là cái không có, và không thể có. Tình yêu chỉ có cái vẻ hạnh phúc mà thôi, chính nó cũng không phải là hạnh phúc và ngay trong bản thân nó đã chứa đựng đau khổ rồi. Cho nên khi mất hạnh phúc, lớp người này chỉ rên la, mà không phẫn uất. Kết quả, tuy bên ngoài giống nhau, giá trị của cái nhìn của Nguyễn Du là cao hơn nhiều so với cái nhìn của lớp người Thơ mới.
Quan niệm hạnh phúc mong manh biểu lộ rất rõ trong toàn bộ thơ văn thời Lê mạt - Nguyễn sơ. Không nhắc lại những nhà thơ đã nói, ta thấy nó thể hiện khá rõ trong Ai tư vãn, ở Thanh Quan, trong các bài thơ Đường, ở Bích Câu kỳ ngộ(2).
6.Đặc điểm thứ ba trong cách phân tích tình yêu của Truyện Kiều, là ở đây tình yêu hết sức đa dạng. Ta hãy khảo sát quá trình diễn biến nội tâm của Thúy Kiều riêng trong vấn đề tình yêu, thì sẽ thấy ít nhất có bốn biểu hiện khác nhau. Trong mối tình của nàng đối với Kim Trọng, đó là mối tình trong trắng đầu tiên của một cô gái, trong đoạn miêu tả mối tình của nàng với Thúc Sinh, đó là tình yêu tính toán trông đợi sự nương tựa, nhưng không có yếu tố đắm say. Trong đoạn miêu tả tình yêu của nàng với Từ Hải, chứa đựng sự tin cậy, thán phục đối với người tri kỷ. Sau nàng gặp lại Kim Trọng, ta có một tình yêu khác, nặng về nghĩa, không mang tính chất đắm say, một sự tôn trọng lẫn nhau đối với một người bạn quý. Ngoài ra, lại có tình yêu si mê của Thúc Sinh, tình yêu say đắm và chân thành của Kim Trọng, tình yêu bao dung độ lượng của người tri kỷ ở Từ Hải. Có thể nói trong toàn bộ văn học Việt Nam, không ở đâu tình yêu được miêu tả đa dạng, được phanh phui chu đáo như ở đây. Đó là không kể lối tán tỉnh lưu manh của Sở Khanh, lối suồng sã của Hồ Tôn Hiến. Trong văn học trước Truyện Kiều đã nói đến tình yêu, nhưng chỉ nói được một mặt, một biểu hiện trong một vài hoàn cảnh. Tình yêu ban đầu đã có trong Hoa tiên, Phan Trần, tình yêu nhục thể đã có trong Cung oán, tình yêu mong nhớ sẽ có trong Bích Câu v.v… Nhưng cho đến nay Truyện Kiều vẫn là vô địch về mặt này, và theo tôi trên thế giới cũng không có nhiều tác phẩm như thế.
Mỗi mối tình lại được phanh phui theo đúng cái lôgích khách quan của nó. Quan hệ giữa Thúy Kiều và Kim Trọng trong mối tình đầu là quan hệ tin cậy. Nguyễn Du miêu tả rất đúng tâm lý một cô gái dậy thì, chưa hiểu gì về cuộc đời, trong trắng, ngây thơ. Các nhà nghiên cứu Liên Xô đã dùng thuật ngữ “biện chứng pháp của tâm hồn” để khen ngợi cách phân tích nội tâm của Tolstoi. Chúng tôi thấy Nguyễn Du cũng xứng với thuật ngữ ấy. Trong mối tình đầu, Thúy Kiều là một Juliet. Nàng chỉ nghĩ đến việc sống cho người tri kỷ, hy sinh cho người ấy, mà không hề nghĩ đến mình. Nàng có đủ nghị lực thuyết phục cha mẹ để nàng bán mình cứu cha, nhưng không đủ can đảm thấy người yêu đau khổ. Nàng tự trách móc mình “Vì ta khăng khít”, tự xỉ vả mình đã “phũ phàng”, nghĩ đến việc “Làm thân trâu ngựa đền nghì trúc mai” (746). Trong cái tình yêu ban đầu ấy, không khỏi có sự dại dột, hớ hênh, như ta thấy trong những lời nàng nói với Kim Trọng. Có người bắt bẻ về những câu nói này. Họ chê nàng nói những câu có vẻ tự hạ thấp mình: “Trông người lại ngẫm đến ta, Một dầy một mỏng biết là có nên?” (417-418). Nhưng ta hãy tự quan sát mình xem trong tình yêu đầu tiên ta có suy nghĩ như thế không? Con người trong tình yêu đầu tiên có nghĩ đến mình không? Có tính toán cá nhân không? Nếu ta chấp nhận Shakespeare tả tình yêu đầu tiên trong Juliet là thành công, thì ta cũng phải chấp nhận cách miêu tả tình yêu đầu tiên của Nguyễn Du là tài giỏi. Sau này, khi đã bị Mã Giám Sinh, rồi Sở Khanh lừa dối, lòng tin của nàng vào sự trung thành trong tình yêu đã mất, nàng tính toán, cân nhắc, so sánh. Nàng nghĩ đến thân phận mình, nghĩ đến việc Thúc Sinh còn có cha “Ở trên còn có nhà thung, Lượng trên trông xuống biết lòng có thương?” (1354-1355). Nàng nghĩ đến thân phận lẻ mọn “Giấm chua lại tội bằng ba lửa nồng” (1352). Nàng sẵn sàng chịu đựng thân phận hèn kém, chỉ mong được yên thân “Dù khi sóng gió bất tình, Lớn ra uy lớn, tôi đành phận tôi” (1511-1512). Nàng khuyên Thúc Sinh về thú thực với Hoạn Thư, nhưng Thúc Sinh đã không làm. Rõ ràng nàng đã có được một vốn sống và đã hiểu cảnh ngang trái của cuộc đời. Khi gặp Từ Hải, nàng hiểu ngay Từ là người mình có thể nhờ cậy, gửi gắm thân phận “Chút thân bèo bọt dám phiền mai sau” (2198), không hề mảy may nghĩ đến chuyện cân nhắc, ngờ vực. Nàng đã bị tính cách phi thường của Từ Hải chinh phục. Tình yêu thay đổi vì tâm hồn và kinh nghiệm sống của nàng đã thay đổi. Khi gặp lại Kim Trọng nàng là một người khác hẳn. Nàng muốn được Kim Trọng đối xử như một người bạn “Duyên đôi lứa cũng là duyên bạn bầy” (3226). Nàng không muốn mối tình trong trắng ngày xưa bị hoen ố “Còn tình đâu nữa là thù đấy thôi” (3156).
7.Đặc điểm thứ tư, cũng không ăn khớp với cách nhìn của lý luận Khổng giáo. Nguyễn Du chứng minh người ta có thể cùng trong một lúc có nhiều mối tình khác nhau về tính chất. Kiều yêu Từ Hải nhưng vẫn có thiện cảm với Thúc Sinh và vẫn nhớ Kim Trọng. Không nên căn cứ vào yêu ghét của mình để đánh giá nghệ thuật của Nguyễn Du. Chỉ nên căn cứ vào cái lôgích khách quan của hành động. Nếu như tình hình này là có thực, thì Nguyễn Du là nghệ sĩ lớn. Ông lớn vì ông dám chấp nhận sự thực của tâm hồn, và miêu tả nó bất chấp dư luận. Còn nếu sự thực không phải là như vậy, thì Nguyễn Du là vụng. Tiêu chuẩn đánh giá Nguyễn Du là ở đấy, không phải ở những sơ đồ đạo lý. Riêng chúng tôi, chúng tôi thấy điều này là có thực.
8.Truyện Kiều đã gây nên một xáo động to lớn trong tâm hồn người Việt Nam. Người ta vịnh Kiều, tập Kiều, học tập cách diễn đạt ngôn ngữ của Kiều. Văn học Việt Nam thay đổi một bước sau khi có Truyện Kiều ra đời. Không ai có thể thờ ơ đối với Kiều được. Ngay cả vua Tự Đức cũng phải thú nhận:
Mê gì, mê thú tổ tôm
Mê ngựa Hậu bổ, mê Nôm Thúy Kiều.
Nôm Thúy Kiều là một thứ Nôm mới, mà ngay ông vua nổi tiếng khắt khe về giáo lý Khổng giáo cũng phải mê. Tại sao có hiện tượng ấy?
Nếu ta xem lịch sử văn học thế giới, thì sẽ thấy khi nào con người cô độc xuất hiện và tác phẩm thiên về miêu tả nội tâm nhân vật, trong sự phối hợp với ngôn ngữ thiên nhiên, là lúc đó nảy sinh một tình trạng say sưa như điên, như dại của quần chúng. Điều này đã nảy sinh ở nhiều nước, không phải chỉ riêng ở Việt Nam. Khi chàng Werther ra đời, có nhiều người muốn bắt chước chàng, cũng tự sát vì không đạt được tình yêu. Khi Byron xuất hiện ở Anh, với tính cách con người một mình chống lại thành kiến của thời đại, có một trào lưu bắt chước Byron. Khi nhân vật Réné ra đời ở Pháp, nảy sinh một thứ tật gọi là tật của thế kỷ. Khi Hồng lâu mộng ra đời, phụ nữ Trung Hoa say mê Hồng lâu mộng như điếu đổ, đến nỗi giá giấy thay đổi. Những tác phẩm này được người ta bắt chước, gây nên những thay đổi, xáo động to lớn trong xã hội. Truyện Kiều cũng là một hiện tượng tương tự. Không có phong cách phân tích nội tâm, Nguyễn Du không thể đạt đến kết quả này được.
Tóm lại phong cách học giải thích được những câu chuyện mà người ta né tránh. Nó chứng tỏ tầm quan trọng của phong cách đối với văn học và việc nghiên cứu phong cách là quan trọng.♦
* Trích trong Chương V cuốn Tìm hiểu phong cách Nguyễn Du trong Truyện Kiều (NXB Thanh niên, 2001)
(1) Ông này trong bài Ngã ba Hạc phú làm cả một bài phú dài để ca ngợi bộ phận sinh dục của phụ nữ.
(2) Trong Truyện Kiều có 148 chữ liên quan đến sự vội vàng vì sợ mất hạnh phúc: bỗng (14), thoắt (17), chợt (8), chốc (3), tức thì (7), vội (22), kíp (7), lẻn (5), liền (9), mau (4), mới (“vừa qua”) (16), vừa mới (25), xăm xăm (4), đùng đùng (7). Cứ 22 câu thơ có một chữ liên quan đến sự vội vàng.