HV152 - Vĩnh biệt nhà văn, đạo diễn VĂN LÊ Nhớ anh, nhớ mãi trái tim người lính

Anh từ chiến trường Tây Nam trở về, đầu quân vào Xưởng phim Tổng hợp (Hãng phim Giải phóng) năm 1982, trước tôi 1 năm. Hình ảnh mà tôi cứ giữ mãi về anh đó là một anh bộ đội cao gầy, nhưng nói cười ồn ào, sang sảng. Anh vẫn thường gọi đùa tôi là cô út quý tộc, mặc dù thời đó ai cũng nghèo, cũng đều đến xưởng phim bằng xe đạp… Và trong suốt 10 năm cùng cơ quan với anh ở Xưởng phim Tài liệu, anh trong mắt tôi vẫn luôn là một người lính với những tác phong rất lính và với bộ quân phục không bao giờ thay đổi…

Có lần tôi hỏi anh, sao anh đã giải ngũ rồi mà vẫn thích mặc quân phục vậy, anh trả lời ngay không suy nghĩ: Là bởi vì anh chưa bao giờ nghĩ mình đã rời quân ngũ, anh vẫn luôn luôn là một thằng lính của những năm tháng cũ. Phải, anh vẫn là một anh bộ đội cụ Hồ, không bao giờ thay đổi, và vì vậy, những trang viết của nhà văn Văn Lê bao giờ cũng vắt từ máu và nước mắt của những ngày tháng ác liệt mà anh đã từng trải qua. Nhiều người từng đi qua chiến tranh và cũng đã quên nó trước cuộc sống phồn hoa phía trước, nhưng Văn Lê chưa bao giờ quên. Cũng khá nhiều người gọi những trang viết về chiến tranh của họ là món nợ phải trả với đồng đội cũ, nhưng Văn Lê không gọi đó là món nợ, mà là phần đời của chính anh, phần đời đó là máu thịt nằm thẳm sâu trong trái tim anh, nên anh luôn luôn cảm thấy mình chưa viết hết, chưa viết đủ về đồng đội của mình, và nó luôn luôn làm anh cảm thấy có lỗi trước những dòng máu linh thiêng của đồng đội.

Vì thế, bài viết đầu tiên tôi viết về anh năm 1999 với nhan đề: Văn Lê - Thao thức mãi trái tim người lính, anh đã trải lòng mình rằng đó là một phần đời không thể quên của anh, là bởi vì trước khi anh cầm bút, anh là một người lính, mà đã là lính thì không ai có thể quên những ngày tháng máu lửa đã đi qua cùng đồng đội của mình…

Người đọc biết Văn Lê trước hết là một nhà thơ, và anh đã từng đoạt Giải A của Hội Nhà văn Việt Nam với tập thơ Phải lòng. Nhưng bây giờ, người ta biết đến anh như một nhà văn, một đạo diễn nhiều hơn, là bởi vì anh cảm thấy thơ không đủ ngôn ngữ để đáp ứng những nỗi bồn chồn, ray rứt trong anh, không thể chuyển tải hết những gì anh muốn nói cùng cuộc đời. Với thơ, anh chỉ có những dòng ray rứt:

Tôi đã từng đi qua chiến tranh

Từng nhìn thấy những lá thư chữ to

Được người lính khắc vội vàng trên những thân cây

Người kiên nhẫn hơn thì khắc vào lèn đá

Những dòng chữ có hình hài vội vã

Đơn giản chỉ là những thông tin

Báo cho người sau biết ai, ở đâu, đã từng đến nơi này

Chẳng ai nghĩ nó trở thành dấu vết

Mà con người gửi lại rừng cây!

Chẳng ai nghĩ nó là lời trăng trối của người đi gởi lại nước non này

Năm tháng trôi qua, trời đất đổi thay, nắng gió đổi thay, đổi thay khí hậu

Tên tuổi của những người lính kia cũng dần mất dấu!

Thời gian đã mang đi về cõi vô cùng!

                                                 (Vé trở về)

Nhưng với văn, anh viết bằng cuồn cuộn sức lực có được trong con người anh. Hàng chục tiểu thuyết về chiến tranh ra đời, trong đó tiểu thuyết Mùa hè giá buốt với gần 600 trang viết về cuộc Tổng tấn công nổi dậy Tết Mậu Thân 1968, quyển sách anh đã vắt hết tâm sức cho nó, là quyển sách anh ưng ý nhất và khi viết xong anh hoàn toàn kiệt sức. Anh viết về những dòng máu tuổi 20, những chàng trai trẻ chưa biết thế nào là nụ hôn con gái, những cái chết trước cửa ngõ Sài Gòn, về những trận đánh mà hàng trăm người lính đã chết gục xuống, nhưng những người còn lại vẫn tiếp tục bò qua xác đồng đội tiến lên dũng mãnh, và cuối cùng họ đã chiến thắng. Anh đã từng lý giải vì sao người lính không hề sợ hãi trước cái chết, và hiểu đó là sức mạnh của tình yêu, tình yêu nước, yêu quê hương, yêu đồng đội, và chính điều đó mà dân tộc ta mới làm nổi cuộc chiến tranh nhân dân này. Anh từng nói “Nếu không biết về quá khứ, thì người ta sẽ bơ vơ trong hiện tại và hoang mang trước tương lai”. Cho nên cuốn tiểu thuyết nào của anh cũng nói về chiến tranh, ví như ở Nếu anh còn được sống linh hồn người lính trở về nhìn thấy nghĩa tình đồng đội mà không còn muốn qua sông Nhược Thủy để quên hết những người bạn chí cốt. Họ từ chối ăn món cháo lú nơi cõi âm để hóa kiếp mà chấp nhận giữ lại trí nhớ, xin được nhớ mãi quê hương, gia đình, bạn bè thân thích, được nhớ những ngày đã sống đẹp đẽ trong áo lính... Nghĩa là với anh, có chết đi, anh cũng không quên, không thể quên cái quá khứ bi tráng mà mình đã từng đi qua, và nhân vật của anh, linh hồn Bình và Quế Chi cũng chính là anh. Và bây giờ anh cũng đã đến trong vòng tay những đồng đội đã hy sinh của mình, chắc anh cũng sẽ không quên như nhân vật của anh đã từng không quên, để còn mãi mãi được nhìn ngắm và cảm hoài về quê hương yêu dấu của mình…

Tôi từng hỏi anh trong một bài phỏng vấn: “Anh nghĩ tất cả người lính đều không thể quên như anh sao? Còn những kẻ làm giàu trên giọt máu đồng đội, những kẻ quên hết cơn sốt rét vàng da thuở nào, những kẻ…”. Và anh đã cắt lời tôi một cách dứt khoát: Họ không còn là người lính. Những người lính chúng tôi vẫn sống như xưa, tình nghĩa, thủy chung cùng bạn bè.


Văn Lê và đoàn làm phim H’Nơn

Văn Lê về Hãng phim Giải phóng với biên chế biên kịch. Và anh đã có ngay những kịch bản:Người công giáo huyện Thống Nhất, Thiện và ác, cả hai đều đoạt giải Kịch bản phim tài liệu xuất sắc nhất tại Liên hoan phim Việt Nam năm 1985 và năm 1993. Bắt đầu năm 1993, anh lấn sang vai trò đạo diễn, vì cảm thấy chỉ có mình mới nắm hết cái thần của những con chữ mình viết ra. Và liên tục sau đó, rất nhiều Giải vàng, Giải bạc trao cho đạo diễn Văn Lê như Cái bến tại LHPVN năm 1993; phim Ngày ấy ở Trường Sơn, Niềm vinh quang lặng lẽ năm 1996 và đồng Giải kịch bản xuất sắc cho phim và Giải A của Hội Điện ảnh Việt Nam năm 1996…

Nhưng ấn tượng nhất với tôi là những bộ phim về các nữ Thanh niên xung phong và Dân công hỏa tuyến… Đó là những thước phim gan ruột của một đồng đội nói về những đồng đội của mình. Anh đi bộ đội từ năm 1966, nghĩa là mới 17 tuổi, chưa đủ tuổi quân. Vậy thì lý do gì con trai của một ông Bí thư huyện lại vào chiến trường mà từ chối đi du học như lẽ thường? Văn Lê đã vào chiến trường và chiến trường đã cho anh được gặp những cô gái TNXP ở Liên đội 5, 7, 9, những nơi ác liệt nhất. Anh bảo nhìn các cô gánh đá chạy như bay giữa đạn bom mà anh thương đến cồn cào gan ruột. Những cô gái tuổi 18-20 mới gặp, trêu ghẹo anh bằng nụ cười giòn giã mà ngày hôm sau hỏi lại đã hy sinh! Anh đã trở lại chiến trường xưa, tìm vết tích cũ trên cây số 16 đường 20, nơi đây mười mấy cô TNXP bị chôn vùi khi đứng thành hàng dẫn đường cho xe qua. Ngã ba Đồng Lộc chỉ là một biểu trưng, bởi trên đất nước mình, những cái chết tập thể đau thương như thế kể làm sao cho xiết. Ngay ở Bình Chánh, ở xã Mỹ Lộc trong một đêm đã có 32 dân công hỏa tuyến hy sinh. Những cô gái ấy là những anh hùng, họ chiến đấu mà không hề có vũ khí. Họ chịu đựng bom đạn, gian khổ bằng trái tim yêu nước sục sôi, bằng sự tự nguyện vô điều kiện. Bởi vì đâu có ai buộc họ phải ra chiến trường như nam giới, vậy mà họ vẫn đi, hàng hàng lớp lớp người bỏ làng ra trận... Nhưng khi hòa bình trở về họ sẽ sống ra sao? Có ai quan tâm đến cuộc sống và hạnh phúc riêng tư của họ không?

Tôi đã xem hai bộ phim này của anh và đã không cầm được nước mắt. Những khuôn mặt con gái ào ào qua dốc đèo chông gai, gánh đá đắp đường, chạy băng băng trên những hố bom nổ chậm, họ đấy, cả tiếng hát, tiếng cười vang rền trên từng bờ cây, hốc đá làm rung động trái tim biết bao anh bộ đội Trường Sơn… Những thước phim tư liệu quay đi quay lại nhịp sống bừng bừng hùng tráng của thời 30 năm trước, tiếng hát và những con đường bị cày nát đan xen với hình ảnh của 30 năm sau, những khuôn mặt đã cằn khô màu nắng gió. Ở đó, trong những thước phim tư liệu, người ta nhìn thấy những cánh tay giơ thẳng thề hiến dâng tuổi thanh xuân cho Tổ quốc, và những lọn tóc đen mượt vẫn là chứng tích cho một lời thề vĩnh cửu…

Bây giờ, những cô gái Thanh niên xung phong hầu hết khi trở về quê đã luống tuổi, nhiều cô trải dài cả tuổi xuân mình trong núi rừng Trường Sơn, ra đi 18-20, trở về đã quá 30…, người yêu các cô phần lớn hy sinh vào những năm tháng ác liệt nhất… Những cô gái tuổi 50 bây giờ không còn cười nữa, ở làng Tân Lợi, Nghệ An, 30 cô gái TNXP đã có con ngoài giá thú, họ sống tụ hợp cùng nhau, nương dựa vào nhau trong nỗi đau riêng - ống kính ghi lại cuộc sống cô quạnh của mấy mẹ con, và không muốn bình luận điều gì, cũng không ai muốn nói điều gì. Nào ai có lỗi ở đây, bởi đó là một nỗi đau khó lành mà chiến tranh đã để lại, nó cũng giống như nỗi đau của những người mẹ trong chiến trường để lại di chứng chất độc da cam cho con thơ để hàng ngày nhìn con mà đau thắt ruột gan.

Niềm vinh quang lặng lẽ là bắt đầu từ những thước phim tài liệu còn in dấu tích của những cô gái trung đội nữ pháo binh Long An. Đó là những năm 1968-1970, những năm ác liệt nhất, mỗi thước phim từ chiến trường gửi về là có vết tích của thương vong. Có khi người quay phim không còn để kịp nhìn lại những thước phim mà mình quay, mà cũng có khi người quay phim vừa xem lại phim vừa khóc vì biết rằng những gương mặt xinh tươi, can trường trên phim ngày ấy đã vĩnh viễn nằm xuống… Cũng như chị Võ Thị Mô, người con gái nổi tiếng xinh đẹp, một trung đội trưởng can trường, một dũng sĩ diệt Mỹ 30 năm xưa, ngày ấy, mỗi lần ra trận, cả trung đội đều làm lễ truy điệu trước cho các chị. Còn hiện tại là khuôn mặt của các chị 30 năm sau, những khuôn mặt đã cằn khô sương gió. Thời gian không giữ được cho các chị nhan sắc, nhưng không làm tàn phai tâm hồn trẻ trung và vô cùng hồn nhiên, bình dị của các chị. Gần 10 khuôn mặt trên phim, những cô gái dũng cảm để anh lặn lội tìm, như chị Cam Thị Cúc là thương binh chỉ còn một mắt lấy chồng là thương binh mù cả hai mắt, vẫn tự gây dựng cơ ngơi bằng mồ hôi nước mắt của mình, và chị nói rõ: “Cực khổ lắm nhưng tui nhứt định không xin xỏ gì của nhà nước à nghen…”. Các chị là vậy, những con người sáng trong như ngọc, họ đã hy sinh cả tuổi trẻ mình cho Tổ quốc, họ cho không cuộc sống mình một cách hồn nhiên cho độc lập tự do của đất nước. Và hòa bình họ lại trở về sống như những người dân bình thường, không cần đòi lại những gì mình đã cống hiến.

Văn Lê đã sống, viết và làm phim về những con người như vậy. Nhưng không phải anh chỉ nhìn về quá khứ. Bộ phim Di chúc của những oan hồn của anh nói về cô gái Hàn Quốc can trường Ku Su Joeng. Ku Su Jeong làm luận văn Thạc sĩ Sử học, làm đề tài “Hàn Quốc và sự can dự trong chiến tranh của Mỹ tại Việt Nam” bảo vệ từ năm 2000. Cô đã đi suốt dãy miền Trung, ở đâu cũng có những nhân chứng sống với những câu chuyện đẫm máu và nước mắt của hàng nghìn dân thường bị thảm sát. Ở từng địa danh, hàng chục nấm mồ tập thể vẫn còn đó, những người còn sống sót vẫn còn đó, gần 40 năm vẫn chưa hết nỗi kinh hoàng trong ánh mắt. Nhưng lạ thay, không ai lộ chút căm thù cô, mà họ còn vỗ về, an ủi cô khi nhìn thấy cô khóc. Thực sự, cô đã chờ đợi một thái độ hằn học, căm thù để cúi đầu nói lời xin lỗi, nhưng cô đã vô cùng kinh ngạc trước sự bao dung, nhân hậu của người Việt Nam.

Tất cả những điều chứng kiến đã như một vết thương chảy máu trong trái tim Ku Su Joeng. Và cô đã tìm cách để chữa lành nó: Đó chính là phải bằng mọi giá gióng lên tiếng chuông về sự thực này với nhân dân Hàn Quốc. Cô đã viết một loạt phóng sự về những cuộc thảm sát của quân đội Hàn Quốc tại Việt Nam trên tờ Hankyoreh 21, một tờ báo cấp tiến có uy tín ở Hàn Quốc. Bài viết Nhớ lại các oan hồn Việt Nam đã gây chấn động cả nước Hàn Quốc. Và phong trào “Thành thật xin lỗi Việt Nam” đã kéo theo rất nhiều công dân trẻ của đất nước cô hằng năm đến Việt Nam để xin hàn gắn vết thương xưa.

Và hiện tại với anh chính là những thước phim nóng hổi tính thời sự. Cũng chính là nỗi trăn trở của người lính trong nhịp đập nóng hổi của cuộc sống. Bộ phim Cuộc đổi mới sinh tử của anh là sự nhìn lại của thành phố Hồ Chí Minh và cả nước để có những đột phá mở ra con đường đổi mới dù phải trải qua rất nhiều gian truân. Nhìn lại để sửa sai tất phải nói về cái sai. Anh đã phải vô cùng lao đao khi thực hiện bộ phim này. Nhưng anh không nhụt chí, bởi vấn đề là phải biết nhìn nhận sự thật một cách cầu thị và thẳng thắn. Người ta bảo “Một nửa sự thật không phải là sự thật”, và anh không muốn chỉ nói một nửa sự thật. Đây là một cuộc đại phẫu để tìm đúng căn bệnh và tìm ra phương thuốc đặc trị cho nền kinh tế quá què quặt thời bấy giờ. Các đồng chí lãnh đạo khi phát biểu trước ống kính là hoàn toàn có trách nhiệm, trách nhiệm bằng tên tuổi của các đồng chí là một lẽ mà còn với lòng chân thành và trách nhiệm với đất nước, nhắc chuyện quá khứ là hướng đến tương lai, để chúng ta không lặp lại các ấu trĩ đã qua…

Anh biết phim tài liệu bây giờ muốn dễ duyệt nhất là làm phim truyền thống. Tất nhiên điều đó cũng cần, nhưng chúng ta không thể cứ nhìn lui mãi, còn bao vấn đề nóng hổi của thời đại buộc phải phân tích để hướng tới tương lai. Mà đã nói thì phải nói bằng sự thật.

Văn Lê là thế đó, dường như anh làm việc như là muốn giành giật với thời gian từng phút, từng giây. Anh viết kịch bản, làm phim, viết tiểu thuyết, làm thơ. Lãnh vực nào cũng đầy tâm huyết và cháy bỏng đam mê. Anh viết kịch bản phim truyện Long Thành cầm giả ca là phải đọc lại hết giai đoạn lịch sử này, đọc lại Nguyễn Du, đọc lại để thấm thấu con người của ông vào mình, để hình dung được ông trong giai đoạn tao loạn ấy. Bên cạnh đó, anh phải đọc lại hết những lý thuyết âm nhạc cổ, để hiểu cách người xưa luyện thanh như thế nào… Anh bắt đầu say sưa và muốn viết nhiều truyện lịch sử, thế là Cống nhân, Thần thuyết của người chim ra đời trong cùng một năm… Bởi vì anh biết trong người anh mang nhiều trọng bệnh, nếu không làm nhanh có khi là không kịp! Đi đâu, có anh cũng nghe tiếng anh sang sảng, giọng cười hào sảng… Gần 40 năm từ ngày biết anh, anh vẫn vậy, vui vẻ, tốt bụng, thân thiện với tất cả. Tôi nhớ mãi câu nói anh vẫn lặp đi lặp lại nhiều lần với tôi: “Mẹ anh dặn anh nằm lòng câu này khi tiễn anh đi bộ đội: Con phải sống có thể có người ghét con, nhưng không ai có thể khinh con”.

Anh Văn Lê ơi! Anh sống như thế thì ai có thể ghét anh được, nói gì đến chuyện khinh. Anh đã quá vẹn toàn với anh em, bạn bè, gia đình, vợ con. Nhưng làm sao mà toàn vẹn hết phải không anh?! Và tôi hiểu đó chính là nỗi trăn trở làm trái tim anh lúc nào cũng đau nhói vì biết đã làm đau lòng một người đã hết lòng yêu anh!!♦

Nhà văn Văn Lê tên thật là Lê Chí Thụy, sinh năm 1949 tại Ninh Bình, vừa từ trần ngày 6-9-2020 tại TP.Hồ Chí Minh, thọ 71 tuổi. Bút danh Văn Lê là tên một đồng đội yêu thơ và mơ ước trở thành nhà thơ đã hy sinh.

Văn Lê từng nhận các giải thưởng:

Giải A cuộc thi thơ của tuần báo Văn nghệ, Hội Nhà văn Việt Nam (1975-1976); Giải B thơ tạp chí Văn nghệ Quân đội năm 1984; Giải A thơ về đề tài Chiến tranh cách mạng, Hội Nhà văn Việt Nam 1994, với tập thơ Phải lòng; Tặng thưởng Văn học Bộ Quốc phòng 1994 với tiểu thuyết Nếu anh còn được sống. Tập trường ca Những cánh đồng dưới lửa nhận Giải thưởng Văn học Bộ Quốc phòng 1999, Giải thưởng Văn học quốc tế Mekong 2006. Tiểu thuyết Mùa hè giá buốt, giải B (không có giải A) về Văn học chiến tranh, Bộ Quốc phòng (2004-2009). Giải nhất Giải thưởng văn học nghệ thuật TP.HCM 5 năm lần thứ I (2006-2011). Tiểu thuyết Phượng hoàng nhận giải A về văn học chiến tranh của Bộ Quốc phòng 5 năm (2009-2014) và Giải nhì Giải thưởng Văn học nghệ thuật TP.HCM 5 năm lần thứ II (2012-2017).

Ở lãnh vực điện ảnh, anh là tác giả kịch bản phim Long Thành cầm giả ca - tác phẩm đoạt giải nhất trong cuộc thi viết về 1.000 năm Thăng Long - Hà Nội. Phim Long Thành cầm giả ca do NSND Đào Bá Sơn đạo diễn, đoạt giải Cánh diều Vàng năm 2010 và Văn Lê đoạt giải biên kịch xuất sắc. Về phim tài liệu có: Người công giáo huyện Thống Nhất đoạt giải Kịch bản phim tài liệu xuất sắc nhất tại LHPVN 1985; Thiện và ác, Giải kịch bản phim tài liệu xuất sắc nhất - tại LHPVN 1993; Cái bến, Giải Bông sen bạc tại LHPVN 1993; Niềm vinh quang lặng lẽ, Giải Bông sen bạc tại LHPVN 1996, Giải A Hội Điện ảnh VN 1996; Yến và người, Giải Bông sen bạc tại LHPVN 1999; Sài Gòn xuân 68, Giải Galaxy Truyền hình Nhật Bản; Di chúc của những oan hồn, Giải thưởng lớn tại LHPVN 2001: Bông sen vàng cho phim và đạo diễn xuất sắc nhất; H’Nơn, Bông sen bạc tại LHPVN 2004.


 

 

 

NGÔ NGỌC NGŨ LONG