Năm 2009, trong quá trình đi tìm tư liệu về cuộc khởi nghĩa Nam Kỳ, tôi xin gặp bà Ngô Thị Huệ (dì Bảy Huệ), phu nhân cố Tổng bí thư Nguyễn Văn Linh tại nhà riêng. Từ năm 22 tuổi, là Phó bí thư Tỉnh ủy Vĩnh Long, bà trực tiếp lãnh đạo cuộc khởi nghĩa tại quận Châu Thành và thị xã Vĩnh Long. Trước khi nghỉ hưu, bà nguyên là Vụ trưởng Vụ Tổ chức cán bộ, Ban Tổ chức Trung ương. Là một trong những người đề xướng ý tưởng xây dựng Bảo tàng Phụ nữ Nam Bộ, dì Bảy còn là Tổ phó Tổ sử Phụ nữ Nam Bộ gồm 12 thành viên. Sau một thời gian miệt mài sưu tầm và nghiên cứu biên soạn, Tổ sử hoàn thành công trình “Lịch sử Phụ nữ Nam Bộ kháng chiến” với hơn 500 trang, được NXB Chính trị Quốc gia ấn hành năm 2006. Bấy giờ, dẫu đã vượt ngưỡng cửu thập, song dì Bảy hãy còn rất minh mẫn. Dì vẫn còn nhớ rành rẽ tấm gương “Hoàng hậu đỏ“ Nguyễn Thị Bảy trong những ngày khởi nghĩa đó.
*
… Từ ngày 6 đến 8-11-1939, Trung ương Đảng họp Hội nghị lần thứ 6 tại làng Tân Thới Nhứt, Bà Điểm (nay thuộc huyện Hóc Môn, TP.HCM) dưới sự chủ trì của Tổng bí thư Nguyễn Văn Cừ. Với sự tham dự của các đồng chí Phan Đăng Lưu, Võ Văn Tần, Lê Duẩn… hội nghị chỉ rõ “làm cách mạng giải phóng dân tộc” bằng hình thức “bạo động” để giành chính quyền. Từ sự chuyển hướng chỉ đạo chiến lược của Trung ương, Xứ ủy Nam Kỳ rốt ráo chuẩn bị phát động cuộc khởi nghĩa. Quần chúng cách mạng khắp nơi bí mật rèn giáo mác, luyện tập võ nghệ, học chiến thuật du kích, học cách nhồi thuốc nổ v.v… Bấy giờ, ở các địa phương như: Gia Định, Chợ Lớn, Tân An, Mỹ Tho… mỗi làng đều có một tiểu đội du kích, trang bị tuy hãy còn rất thô sơ, nhưng ai nấy đều ít nhiều được huấn luyện.
Tháng 7-1940, Xứ ủy tổ chức hội nghị gồm đại biểu các tỉnh, thành toàn xứ tại Mỹ Tho, để nhận định tình hình và xem xét thấu đáo sự chuẩn bị. Hội nghị giao quyền quyết định thời gian khởi nghĩa cho Thường vụ Xứ ủy và cử đồng chí Phan Đăng Lưu ra Bắc báo cáo, đồng thời tham dự Hội nghị Trung ương lần thứ 7. Nhận thấy tình hình chưa thật chín muồi, Trung ương Đảng yêu cầu hoãn, nhưng khi chỉ thị chưa về tới Sài Gòn thì cuộc khởi nghĩa Nam Kỳ đã nổ ra vào lúc nửa đêm ngày 22, rạng sáng ngày 23-11-1940.
Theo kế hoạch, khởi nghĩa bắt đầu trước tiên ở Sài Gòn, khi đèn điện tắt và súng nổ sẽ là hiệu lệnh chung cho các địa phương tiến hành. Tuy nhiên, do có nội phản, nhiều cán bộ lãnh đạo chủ chốt bị bắt ngay trước giờ G. Mặc dầu vậy, ở các tỉnh xa và vùng phụ cận Sài Gòn, cuộc khởi nghĩa vẫn diễn ra như đã định. Ở những nơi đó, nữ giới làm liên lạc, tiếp tế, cứu thương, đồng thời tham gia cướp chính quyền. Nhiều chị trực tiếp chỉ huy cuộc khởi nghĩa.

Khởi nghĩa Nam Kỳ tháng 11-1940 (tranh sơn dầu, chưa rõ tác giả)
Tại quận Cần Giuộc, tỉnh Chợ Lớn (nay là huyện Cần Giuộc, tỉnh Long An), trong Ban lãnh đạo cuộc khởi nghĩa có chị Nguyễn Thị Bảy, quê ở làng Vĩnh Hựu, tổng Hòa Đồng Trung, quận Gò Công, tỉnh Mỹ Tho (nay thuộc huyện Gò Công Tây, tỉnh Tiền Giang). Nhà nghèo, chị đi làm mướn, đốn củi ở Rừng Sác để kiếm sống. Được anh Chín Nẩy (Nguyễn Văn Ớt) dìu dắt và giác ngộ lòng yêu nước, chị đi theo con đường cách mạng. Họ trở thành vợ chồng và là đảng viên Đảng Cộng sản Đông Dương. Vợ chồng chị tích cực vận động nông dân, bày cách cho bà con đấu tranh đòi tăng tiền công cấy, công gặt… Các tổ chức Nông hội, Hội tương tế, từ xã Phước Lại lan ra các làng lân cận, như Long Đức Đông, Long Hậu Tây, đến mức hồi đó cả ba làng này được mệnh danh là “Khu vực đỏ”.
Nhờ giỏi giang và có uy tín, chị Bảy được chỉ định vào Quận ủy Cần Giuộc. Năm 1936, chị là Tỉnh ủy viên Tỉnh ủy Chợ Lớn và làm Bí thư Quận ủy Cần Giuộc, Ủy viên BCH Hội Phụ nữ dân chủ tỉnh Chợ Lớn. Tháng 11-1940, nhận lệnh của Xứ ủy chuẩn bị cho cuộc khởi nghĩa Nam Kỳ, chị được phân công chỉ đạo các lực lượng cách mạng ở “Khu vực đỏ” Cần Giuộc. Đúng giờ hẹn, mặc dù không thấy hiệu lệnh chung, nhưng nửa đêm, cánh quân do chị Bảy chỉ huy vẫn dũng mãnh xông lên chiếm đồn địch, cướp súng, phá tề, lập chính quyền cách mạng. Tại đây, ta làm chủ tình hình được hơn ba ngày. Hôm sau, thực dân Pháp đưa lính lê dương về đàn áp, chúng đốt phá nhà cửa, bắt người, giết dân. Trong số đó, anh Chín Nẩy, Quận ủy viên Cần Giuộc, chồng chị Bảy, cũng bị địch sát hại. Nén nỗi đau đứt ruột, chị vẫn chỉ huy lực lượng du kích cầm cự thêm 15 ngày rồi mới chịu rút về Rừng Sác.
Chiều ngày 14-12-1940, chị Bảy cùng với anh Trần Chí Nam bị địch phục kích gần bến đò Long Đức Đông. Anh Nam bị giặc Pháp bắn chết, còn chị Bảy bị bắt trong tay đang cầm vũ khí. Tài tháo vát và khí phách anh hùng của người phụ nữ lãnh đạo cuộc khởi nghĩa Nam Kỳ không chỉ lan truyền ở Cần Giuộc và khắp tỉnh Chợ Lớn mà ngay cả khi sa vào tay giặc, chị Bảy vẫn bình tĩnh và gan dạ. Trên đường dẫn giải từ Cần Giuộc về bót Polo, Chợ Lớn (nay thuộc quận 5, TP.HCM), chị bị đánh đập rất dã man, máu me đầy người. Không chút ngần ngại, chị lấy máu quệt vào một tên lính rồi thản nhiên nói: “Tôi muốn các người thấy chúng ta đều máu đỏ da vàng, đều là người Việt Nam, tại sao lại nỡ hại nhau?”. Mỗi lần bị tra tấn, nhục hình, chị trừng mắt nhìn tụi lính, giọng đanh thép: “Tụi bay là quân cướp nước và bán nước, nhất định sẽ bị những người cộng sản chúng tao đánh đổ!”. Trước sự bất khuất, kiên cường ấy, bọn cai ngục đành bó tay, chúng kiêng nể gọi chị là “Hoàng hậu đỏ”.
Khi chuyển sang khám Phú Mỹ, nơi biệt giam các nữ tù nhân chờ ngày đưa ra tòa đại hình, chị Bảy bị giam chung với chị Nguyễn Thị Minh Khai, Xứ ủy viên, Bí thư Thành ủy Sài Gòn - Chợ Lớn. Cả hai chị đều bị thực dân Pháp kết án tử hình. Sáng ngày 26-5-1941, chúng đưa chị Bảy cùng bốn đồng chí: Mười Thiệp, Hai Tiếu, Hai Đáng và Châu ra xử bắn ở sân banh Cần Giuộc. Bữa đó người dân trong quận xôn xao, đồng bào kéo đến rất đông, đến nỗi tụi lính mã tà gần như bất lực. Từ trên xe bước xuống, đĩnh đạc với mái tóc búi cao gọn ghẽ, chị Bảy vận bộ đồ lĩnh đen, cổ choàng khăn bông trắng. Mắt nhìn thẳng, chị hiên ngang đi giữa hai tên sen đầm. Chúng trói chị Bảy vào cột giữa, hai bên là các đồng chí. Một cha cố đến xin rửa tội, chị Bảy lắc đầu. Nhưng khi nghe y hỏi có nhắn gì cho gia đình không, chị liền nói to kêu gọi đồng bào hãy đoàn kết, ráng đấu tranh đánh đuổi đế quốc Pháp để giành lại độc lập dân tộc. Kỳ này, khởi nghĩa thất bại, kỳ sau nhất định thành công!
Lính xông đến bịt mắt, chị Bảy không chịu và nói “để tao ngó thẳng vô họng súng chớ việc gì phải sợ”. Tại pháp trường, từ đám quan Tây đến tụi mã tà, hội tề, đều hốt hoảng. Cả năm chiến sĩ cách mạng đồng thanh hô lớn:
- Đả đảo đế quốc Pháp!
- Đảng Cộng sản Đông Dương muôn năm!
- Việt Nam độc lập muôn năm!
Đồng bào Cần Giuộc, Phước Lại có mặt ai nấy đều rất thương xót. Bà con tôn vinh gọi chị Bảy là “Bà cố Hỷ” linh thiêng, tài giỏi, vì bất cứ nhiệm vụ khó khăn nào chị cũng làm được. Tấm gương quả cảm, hy sinh oanh liệt của chị Nguyễn Thị Bảy và các chiến sĩ cách mạng đã gây xúc động mạnh trong các tầng lớp nhân dân. Chứng kiến từ đầu buổi thi hành án, ông Phan Văn Chương (1892 - 1985), còn gọi Đốc phủ Chương khi ấy là chủ quận Cần Giuộc đã vô cùng khâm phục. Sau năm 1945, khi giặc Pháp quay trở lại xâm lược, mặc dù đương giữ ghế Đô trưởng Sài Gòn, nhưng ông Chương vẫn từ bỏ vinh hoa phú quý để ra bưng biền tham gia kháng chiến. Ông cho biết lý do mình thức tỉnh chính bởi tinh thần bất khuất, lẫm liệt của bà “Hoàng hậu đỏ”. Và ông Đốc phủ Chương trở thành một nhân sĩ yêu nước…
*
Ngưng một lát, như sức nhớ ra, dì Bảy Huệ nói thêm: “À, hồi kháng chiến chín năm, ở Nam Bộ có một tài liệu được phổ biến rộng rãi nêu gương của chị Nguyễn Thị Bảy, nhằm cổ vũ đồng bào và chiến sĩ…”.
Từ sau ngày đất nước thống nhất, công đức của “Hoàng hậu đỏ” Nguyễn Thị Bảy được lưu danh trên bia đá tại thị trấn Cần Giuộc. Tên bà được đặt cho một đường phố ở Tân An, Long An. Ngày 23-2-2010, Chủ tịch nước Cộng hòa Xã hội chủ nghĩa Việt Nam ra Quyết định số 212-QĐ/ CTN, truy tặng danh hiệu Anh hùng Lực lượng Vũ trang nhân dân cho bà Nguyễn Thị Bảy. Tiếp đó, ngày 5-6-2015, Nhà nước cũng truy tặng bà danh hiệu “Bà mẹ Việt Nam anh hùng”.♦