Tôi còn giữ được một tờ giấy trắng có chữ ký “khống” của Phó thủ tướng thường trực Chính phủ Tố Hữu. Đầu đuôi câu chuyện như sau:
Đầu tháng 3 năm 1985, giàn khoan nửa chìm Êkhabi của Xí nghiệp liên doanh Dầu khí Vietsovpetro đã khoan trúng những vỉa dầu tại thềm lục địa phía Nam của nước ta. Đó là sự kiện trọng đại trong lịch sử ngành công nghiệp dầu khí nước nhà. Các đồng chí lãnh đạo ngành dầu khí và xí nghiệp liên doanh muốn mời các đồng chí lãnh đạo của Đảng và Nhà nước ta có mặt trong buổi lễ “đốt đuốc” (đốt dòng khí đồng hành thu được khi khai thác dầu thô). Việc làm này có ý nghĩa như một thông điệp báo tin cho đồng bào cả nước và thế giới biết rằng Việt Nam đã có dầu và khí, đã bước vào hàng ngũ những quốc gia dầu khí của thế giới.
Khi chúng tôi báo cáo về chương trình chuyến đi để tham gia lễ đốt đuốc đó, cả bác Tô (Thủ tướng Phạm Văn Đồng), anh Lành (Phó thủ tướng thường trực Tố Hữu) và anh Mười (Phó thủ tướng phụ trách Xây dựng cơ bản và các ngành công nghiệp) đều rất vui. Anh Mười dặn thêm chúng tôi: “Anh Tô đã gần 80 rồi, sức đã yếu, mắt đã kém... các chú phải chuẩn bị chuyến đi thật chu đáo, an toàn và hiệu quả”.
Lúc đó chúng ta chưa có máy bay loại như Puma (con báo), khi đang bay gặp sự cố có thể hạ cánh xuống mặt nước như một chiếc thủy phi cơ. Dùng máy bay trực thăng MI-8 của Liên Xô, loại máy bay vẫn dùng để đưa người ra giàn khoan, thì chưa yên tâm. Cuối cùng, sau khi đã bàn kỹ với Bộ Quốc phòng, Tổng cục Dầu khí, chúng tôi chọn cách dùng tàu nghiên cứu khoa học Gambuốcxép, đang hoạt động cho Vietsovpetro, để đưa các đồng chí lãnh đạo ta ra giàn khoan cho thật an toàn. Chuyến đi chỉ kéo dài một ngày một đêm: Tối, lên tàu, dùng cơm tối rồi đi ngủ. Sáng hôm sau tàu đã tới khu vực mỏ dầu Bạch Hổ.
Các đồng chí chỉ huy con tàu đã dành những căn phòng tốt nhất ở khoang trên để các đồng chí lãnh đạo của ta nghỉ đêm. Tuy những căn phòng đó nhỏ hẹp, nhưng tiện nghi đầy đủ như trong một khách sạn cao cấp. Anh em chuyên viên chúng tôi thì ngủ trong các phòng ở khoang dưới cùng với các nhà nghiên cứu, các thủy thủ nước bạn. Sau một bữa ăn tối với tình cảm ấm áp của các thủy thủ Liên Xô, với các món Nga đặc trưng như súp bắp cải chua (Bors), xà lách Nga, bánh mì đen phết bơ và trứng cá hồi... mọi người tỏa về các căn phòng nghỉ ngơi, chuẩn bị sức lực cho chương trình căng thẳng hôm sau. Tàu đã đi được mấy tiếng đồng hồ thì bỗng dưng vào lúc nửa đêm sấm chớp nổi lên đùng đùng, một cơn bão mạnh bất ngờ xuất hiện. Sóng cuộn lên dữ dội. Con tàu chồm lên, chúi xuống, chao đảo trong sóng lớn. Trừ những thủy thủ lão luyện nhất, hầu hết đều bị nôn mửa, say li bì, nằm bẹp dí xuống chiếc giường đệm nhỏ bé. Khổ một nỗi các phòng ở trên cao càng bị lắc mạnh hơn!
Quá nửa đêm, khi con tàu đã vượt ra khỏi tâm bão, sóng yếu đi chút ít, một số anh em, trong đó có tôi, mới dần dần tỉnh lại. Tôi cố gắng bám lấy tay vịn, trèo thang leo lên các phòng trên để xem tình hình các đồng chí lãnh đạo ta ra sao. Mở cửa các phòng, một khung cảnh không thể nào quên hiện ra trước mắt: Bác Tô nhắm mắt, nằm thiếp trên giường. Một chiếc điện thoại to và nặng rơi xuống cạnh gối bác. Thật hú vía! Đồng chí sĩ quan bảo vệ nằm li bì trên sàn, gối một nơi, súng lục một nơi! Phòng anh Lành và anh Mười các đồ dùng cũng bị rơi, đồ lộn xộn, lung tung; các sĩ quan bảo vệ cũng gần như bất tỉnh!...

Nhà thơ Tố Hữu (bìa phải) tại Côn Đảo
Sáng hôm sau, cơn bão đã đi xa, biển đã lặng hơn chút ít, những cuộn mây xám và nặng đã bay cao hơn. Khi mặt trời đã lên cao, con tàu Gambuốcxép mới tới được khu mỏ Bạch Hổ. Nhưng nó không thể cập vào giàn khoan Êkhabi vì sóng còn mạnh. Đành phải để con tàu bơi quanh giàn khoan mà thôi. Lúc này chiếc máy bay trực thăng MI-8 chở các đại biểu, các vị khách, các phóng viên báo chí đã hạ cánh xuống giàn khoan. Được tin con tàu chở các đồng chí lãnh đạo đang bơi quanh giàn khoan, các công nhân, kỹ sư Việt Nam, Liên Xô, các vị khách đã ùa ra, đứng chặt bên các lan can, reo hò, chào đón.
Thủ tướng Phạm Văn Đồng thay mặt Đảng và Nhà nước ta nồng nhiệt chúc mừng thành tích xuất sắc của tập thể công nhân, kỹ sư Xô - Việt đã khoan trúng các vỉa dầu thô có trữ lượng lớn, có chất lượng tốt tại mỏ dầu Bạch Hổ. Bác ví những kỹ sư, công nhân Việt Nam và Liên Xô như những chàng hoàng tử của thời đại ngày nay, đã đến đánh thức được cô công chúa từng ngủ triệu năm trong lòng đất của thềm lục địa Việt Nam. Và nàng công chúa đó sẽ hóa thân thành ngọn lửa, thành ánh sáng đem lại ấm no và hạnh phúc cho con người.
Mỗi câu bác Tô nói và lời tôi dịch sang tiếng Nga lại được truyền từ tàu Gambuốcxép sang loa phóng thanh của dàn khoan Êkhabi, nghe rất rõ.
Cuối cùng Thủ tướng ra lệnh đốt ngọn đuốc khí đồng hành. Lập tức ngọn lửa khổng lồ bùng cháy ở miệng ống thép, vươn dài ra biển tới mấy mét, soi sáng cả một vùng trời. Tiếng hò reo của công nhân, kỹ sư vang dậy trên sóng nước bao la. Lúc này nom bác Tô, anh Lành, anh Mười và mọi người thật khỏe khoắn, vui vẻ. Bác Tô quay lại nói khẽ với chúng tôi: “Ôi, giá Bác Hồ được chứng kiến những giây phút này, cảnh tượng này!”. Mọi người chúng tôi cũng lặng người đi vì xúc động sau câu nói của bác.
Sau lễ đốt đuốc, con tàu Gambuốcxép lại đưa chúng tôi trở lại Vũng Tàu. Dù đường về trời yên, biển lặng nhưng cái cảm giác bị sóng biển nhồi dữ dội đêm qua vẫn làm mọi người trong đoàn như vừa uống say, bước đi vẫn cảm thấy bị hụt hẫng, chòng chành, nghiêng ngả…
Trên đường về, dựa vào ý câu nói đầy ý thơ của bác Tô về những hoàng tử thời đại đã đánh thức nàng công chúa ngủ triệu năm trong lòng đất... nhà thơ Tố Hữu đã viết ngay bài thơ Ngọn lửa(*). Viết xong, anh gọi tôi lại, đọc cho tôi nghe và hỏi ý kiến: “Anh định đề tặng bài thơ này cho một cán bộ ngành dầu khí (anh nêu tên vị cán bộ đó), chú nghĩ sao?”. Đắn đo giây lát, tôi thẳng thắn trả lời anh: “Đồng chí này đang có một số chuyện không hay, uy tín trong anh em Tổng cục chưa cao. Anh tặng bài thơ này cho anh ấy có khi lại tạo thêm một tình huống phức tạp...”. Rồi tôi nói thêm: “Tình hình hiện nay khác với thời anh viết bài thơ Những người không chết mà anh đề tặng anh Nguyễn Chí Diểu, hoặc bài Nhớ đồng đề tặng anh Vịnh...”. Anh mỉm cười, nói: “Chú là dân kỹ thuật mà cũng nhớ thơ nhỉ! Cũng chính vì còn băn khoăn nên anh mới hỏi ý kiến chú đấy! Thôi, nghe theo lời chú, anh chẳng đề tặng ai nữa!”.
Sau khi trở lại Vũng Tàu, trong lúc bác Tô, anh Lành, anh Mười đang ngồi nghỉ tại nhà khách thuộc công ty du lịch dầu khí OSC, thì đồng chí Mameđốp, Tổng giám đốc Vietsovpetro, tới đề nghị đồng chí Thủ tướng và các đồng chí lãnh đạo Việt Nam ghi mấy dòng cảm tưởng vào hai tờ giấy khổ tương đối lớn, để Vietsovpetro đưa vào khung kính, giữ làm kỷ niệm. Bác Tô bảo tôi: “Ngọc viết rồi đưa chúng tôi ký”. Giá bác nói “Anh Lành viết rồi chúng tôi ký” thì hay biết ấy, vì Phó thủ tướng thường trực văn hay chữ tốt, là một trong những nhà thơ nổi tiếng bậc nhất nước ta. Nhưng chẳng lẽ tôi lại không làm theo chỉ thị của Thủ tướng thì thật đáng trách và vô lễ. Trước mặt các đồng chí lãnh đạo, tôi ngồi viết những dòng cảm tưởng. Nhớ lại khung cảnh hoành tráng của buổi lễ đốt đuốc giữa thềm lục địa, lòng đầy phấn khích, tôi đã viết một mạch gần hết trang giấy. Dĩ nhiên tôi luôn nhớ đây không phải là mình ghi lại những cảm xúc của riêng mình, tôi phải viết thận trọng, đúng mực, nội dung phải đầy đủ...
Viết xong, tôi đưa anh Lành đọc trước, xem anh có thêm thắt ý nào không, có sửa chữa câu nào từ nào không, nhưng không thấy anh nói gì, cầm bút ký tên cuối trang. Tôi băn khoăn, hỏi lại anh: “Anh thấy có cần thêm ý gì, cần sửa câu, từ nào, anh cứ cho ý kiến để em sửa lại, chép lại”. Lúc đó anh mới nói: “Có vài câu viết ‘Tây’ quá, chẳng hạn: ‘bằng cả trái tim, chúng tôi xin chân thành cảm ơn...’. Chỉ cần viết đơn giản: Chúng tôi nhiệt liệt chúc mừng và cảm ơn các kỹ sư và công nhân. Nên viết thêm: Cảm ơn nhân dân Đặc khu Vũng Tàu - Côn Đảo nữa! Một số từ hơi kêu quá, chẳng hạn: tinh thần quốc tế xã hội chủ nghĩa trong sáng. Nên bỏ tính từ ‘trong sáng’ đi”. Anh lấy bút xóa từ đó đi rồi mỉm cười nhìn tôi một cách tế nhị...
Tôi quyết định chép lại bản khác. Anh Lành lấy bút gạch chéo hình chữ X vào chữ ký của anh, sau đó anh nói với bác Tô và anh Mười: “Tôi phải trở lại thành phố Hồ Chí Minh ngay vì đã có cuộc hẹn. Ngọc chép lại tờ ghi những dòng lưu niệm rồi đưa các anh ký”. Anh lấy tờ giấy trắng thứ hai mà đồng chí Tổng giám đốc Vietsovpetro mang tới, đặt bút ký tên ở phía dưới.
Sau khi bắt tay bác Tô, anh Mười, anh Lành vội vàng bước ra xe ngay. Tôi tiễn chân anh ra tận xe và nói đùa: “Anh không sợ em sẽ ghi ‘Tôi đồng ý bán cầu Long Biên’ trên chữ ký khống của anh chứ ạ?”. Anh cười rất tươi, đáp lại: “Bán cầu Long Biên thì chia nhau thế nào nhỉ: Anh bao nhiêu phần trăm, chú bao nhiêu phần trăm?”...
Nhưng rồi sự việc xảy ra không đúng như dự định của anh. Sau khi anh đi rồi, Xí nghiệp liên doanh dầu khí Vietsovpetro đã cho người mang tới một cuốn sổ vàng rất đẹp, yêu cầu tôi chép những dòng lưu niệm của các đồng chí lãnh đạo của Đảng và Nhà nước ta vào đó. Xí nghiệp liên doanh sẽ cho người ra thành phố Hồ Chí Minh xin chữ ký anh Lành sau.
Và từ đó tôi vẫn giữ trang giấy trắng có chữ ký khống của đồng chí Phó thủ tướng thường trực Tố Hữu, anh Lành thân mến của chúng ta, như một vật kỷ niệm thú vị.♦
(*) Toàn văn bài thơ Ngọn lửa của nhà thơ Tố Hữu như sau: “Nghe nói ngày xưa dưới thủy cung/ Có cô công chúa đẹp vô cùng/ Đợi chàng hoàng tử hôm nay đến/ Thức dậy... nguy nga ngọn lửa hồng!/ Ngọn lửa tình yêu lớn Việt - Xô/ Biển Đông rạng rỡ, sáng cơ đồ/ Ta nhìn ngọn lửa, cay mi mắt/ Lại nhớ Lênin, nhớ Bác Hồ” (8-3-1985).