Quý phái và sang trọng, ở tuổi 91, bà ngồi kể lại từng chặng đời mình, mạch lạc và khúc chiết như là đang kể một câu chuyện phim nhiều tập… Và từng mẩu chuyện nho nhỏ, nó tự gắn kết lại và trải dài thành một đời người. Mỗi mẩu chuyện nho nhỏ ấy, dù rất ngắn và súc tích, nhưng nó chứa đựng cả chất sống cuồn cuộn bên trong.
Một cô gái sống trong nhung lụa thuộc dòng dõi hoàng tộc đã tự bứt mình ra khỏi tổ ấm của mình để đi cùng cách mạng. Câu chuyện đó trên đất nước này không phải là hiếm, và cảnh gia đình phân ly ở hai đầu chiến tuyến cũng không phải là hiếm. Đó chính là bi kịch chung của đất nước, và biết bao số phận con người đã phải nuốt nước mắt lặng lẽ tự hòa theo dòng chảy ấy. Và bà đã hòa vào dòng chảy ấy bằng nghị lực phi thường, đã vượt qua hết mọi gian khổ tưởng chừng không thể vượt qua… Ví như cuộc trường chinh 200 cây số từ Huế đến Nghệ An bằng con đường rừng xuyên đêm, “Cuộc trường chinh bằng đôi chân trần bắt đầu hành hạ tôi. Tôi đau đến nỗi nhiều lúc vừa đi vừa thét lên. Hơn nửa thế kỷ qua, mỗi khi nhắc đến chuyến đi ấy, cảm giác đau rợn người vẫn còn nguyên”… Một số không chịu được gian khổ đã rơi rụng dần, nhưng Xuân Phượng vẫn ở đó và chính thức trở thành thành viên của Đoàn Tuyên truyền Kháng chiến Trung Bộ cùng những người bạn nhiệt huyết Tăng Hích (Trần Hoàn), Đào Mộng Long…
Đó là chặng đời đầu tiên bà nếm trải, chặng đời quyết định cho hướng đến không lùi. Giống như một mũi tên bắn thẳng, bà lao đi về phía trước. Mỗi chặng đời, mỗi nơi đến và đi đều có niềm vui, nỗi buồn, những uất ức, oán hận hay những hiểm nguy chờ chực. Nhưng nó cứ thế trôi đi...
Công việc chế tạo thuốc nổ là công việc cực kỳ nguy hiểm, nhưng nơi đây, bà được sống trong tình cảm sáng trong của tình bạn và tìm được mái ấm cho chính mình… Bà kể những rung động đầu đời của mình, kể về chuyện chia tay mối tình đầu và gặp, kết hôn với người chồng hiện tại bằng một giọng văn khá điềm tĩnh, mặc dù nội dung câu chuyện là bão tố. Nhiều lúc tôi phải gấp sách và dừng lại để nghĩ, để thấu hiểu sau những dòng nhẹ nhàng, không trách móc, thở than ấy là gì? Có phải là tấm lòng vị tha đến ngạc nhiên, hay là vì thời gian đã làm trái tim bà dịu nhẹ lại. Ai có thể tưởng tượng nổi, một thiếu phụ 20 tuổi phải sinh con đầu lòng trên chiếc thuyền xuôi dòng sông Lô giữa những người xa lạ… Phải xuyên rừng để đến được bến đò, nhưng người chồng phải lập tức ra đi vì kỷ luật quân đội không cho phép anh ở lại bên người vợ, bỏ mặc cô vượt cạn một mình giữa bốn bề sông nước.
Người đọc có cảm giác như mọi diễn biến trong cuộc đời bà giống như những thước phim, hồi ức và hiện tại xen lẫn nhau. Và sự kiện nối tiếp sự kiện, câu chuyện kể cứ thế hòa lẫn lên nhau mà không hề thấy lời bình luận oán than gì của người kể. Chỉ có lần duy nhất khi về ở với em chồng, bị xem thường, bị làm nhục mới thấy xúc cảm mãnh liệt của bà rung trên mặt giấy. Có lẽ đó là lần duy nhất trong cuốn hồi ký này ta có thể hình dung được nỗi uất hận không bao giờ có thể vơi đi, không thời gian nào có thể xóa nhòa được…
Đoạn trở về Hà Nội mới kinh khủng, đi bộ 300km mà phải vừa gánh vừa địu con và ngất xỉu bên ngôi chùa và gặp ân nhân cứu giúp. Đó là người quen của gia đình, nhưng bà ấy là tư sản. Và đó là tiếng thở dài rất sâu, dù không hề có một dòng bình luận gì, nhưng người đọc có thể hình dung được nỗi ray rứt trong trái tim bà, khi lực bất tòng tâm, khi nhìn thấy ân nhân của mình ngày càng suy sụp… Người đọc hiểu tâm trạng của bà, bởi có bình luận hay oán trách thì cũng không thể khác hơn. Cũng như đoạn nghĩ về nhà triết học Trần Đức Thảo, nó giống như những thước phim buồn, dù không lời bình luận mà người đọc vẫn cảm thấy xót xa…!
Có lẽ không thể nào kể cho hết những chặng đời bà đã đi qua. Từ lúc về Hà Nội, ở trong căn phòng 14m2 của khu tập thể số 1 Lê Phụng Hiểu, nơi cả gia đình 5 người sống suốt 32 năm. Những cảnh khổ thời bao cấp, thiếu nhà vệ sinh, thiếu nước, thiếu mọi tiện nghi, nhưng người đọc không hề thấy sự oán than nào trong đó. Người kể kể lại những cảnh khổ bằng một giọng bình thản, như đang kể lại một câu chuyện buồn cười vì những oái oăm của nó. Nhưng trên hết, cái điều mà người đọc dễ nhận ra đó là hai chữ nghĩa tình trong từng câu chữ. Mấy trăm người sống bên nhau bằng một chữ tình, đỡ đần nhau hết lòng trong hoạn nạn. Và dù thời gian có trôi đi 10 năm, 20 năm, tình người ấy vẫn sáng trong và tuyệt đẹp… Nên năm 2019, họ đã có cùng nhau một ngày TRỞ VỀ nồng ấm của nhiều thế hệ…
Suốt cuộc đời bà, có lẽ duyên cơ gặp được đạo diễn Joris Ivens là đáng nhớ nhất. Bởi chính ông đã làm thay đổi cuộc đời bà. Đã biến bà từ một bác sĩ trong căn phòng khám tiện nghi trở thành một phóng viên chiến trường gan góc. Thực sự, chiến trường Vĩnh Linh và lời khuyên chân thành của Ivens đã đẩy bà tới quyết định không hề dễ dàng này. Nhưng tôi nghĩ, một người đã từng khuấy những chiếc lông gà làm nên từng gam thuốc nổ cho chiến trường, chấp nhận mọi nguy hiểm rình rập, người đã từng đi bộ mấy trăm cây số đường rừng để đến chiến khu Việt Bắc, thì rõ ràng tố chất mạo hiểm của phóng viên chiến trường dường như đã có sẵn trong máu. Nên gặp Ivens chỉ là cơ hội để bà sống đúng với con người mình…
Nhưng rồi mọi sóng gió cũng qua đi hết. Người phụ nữ gan góc ấy đã trở về với sắc màu bên phòng tranh yên lành khi tóc đã bắt đầu điểm bạc. Năm 1991, phòng tranh Lotus ra đời để giới thiệu văn hóa Việt Nam ra nước ngoài, để họ hiểu Việt Nam không phải chỉ có chiến tranh. Mở phòng tranh với bà không phải chỉ để kiếm sống, mà còn có mục tiêu tìm kiếm tài năng trẻ về hội họa. Và đã có nhiều tài năng tưởng như bị thui chột đã sáng bừng lên trước ánh mắt ngưỡng mộ của thế giới. Và còn một việc vô cùng ý nghĩa bà đã làm cho nền điện ảnh kháng chiến Nam Bộ là đưa được bác Khương Mễ và những thước phim làm ở Đồng Tháp Mười sang dự Liên hoan phim quốc tế Amiens năm 1997… Quốc tế gọi đây là một điều kỳ diệu của Điện ảnh, và đã gọi đạo diễn Khương Mễ là ông Lumière Đồng Tháp Mười, chỉ riêng Việt Nam vẫn không công nhận.
Gánh gánh… gồng gồng… Gánh sông gánh núi, gánh củi gánh cành… Tôi ước giá như cuộc đời ấy chuyển thành một bộ phim nhiều tập. Thì những tập phim của từng chặng đời đó sẽ gai góc và diễm lệ biết chừng nào…♦