HV153 - HỒI KÝ Gánh gánh… gồng gồng…* (trích)

Rung động đầu đời

Cùng lao vào những hoạt động sôi nổi ấy, anh N.Đ.Nam, học trên tôi hai lớp, và tôi, chúng tôi bắt đầu chú ý đến nhau. Trong mỗi buổi họp, chỉ bắt gặp một cái nhìn của anh là tôi cảm thấy ấm áp lạ kỳ. Một đêm, đi tập kịch về quá khuya, anh Nam tiễn tôi về đến tận chân cầu Kho Rèn. Đang nói cười, bỗng nhiên anh im lặng, nắm chặt tay tôi. Hai chúng tôi nhìn nhau rất lâu, tôi bồi hồi với cái cảm giác ngọt ngào ngây ngất của mối tình đầu tuổi học trò.

Vài tháng sau, mẹ anh Nam, bác Lê, đã vào Huế gặp má tôi, bàn chuyện hai đứa và chờ ngày chúng tôi ra trường sẽ tính tiếp. Ba anh Nam và ba tôi đều là nhà giáo, tưởng chừng như không có gì chia lìa được chúng tôi.

Đầu năm 1946, anh Nam báo tin: “Gia đình con một, thầy mẹ anh không muốn cho anh thoát ly gia đình. Anh sẽ về Nghi Lộc”. Từ đấy vắng anh. Tôi tiếp tục đi theo Đoàn Tuyên truyền Kháng chiến, tiếp tục chọn con đường thoát ly gia đình.

Thế rồi chiến tranh ập đến, chiến tranh chia cắt chúng tôi.

Gặp lại nhau sau này tại Hà Nội, ai cũng đã có gia đình riêng. Con trai anh là con nuôi tôi. Cháu đã trở thành một nhà quay phim truyện xuất sắc.

Năm 1988, anh bị bạo bệnh. Ngày hấp hối, anh nắm tay tôi: “Anh đi trước”.

Đôi khi tôi nghĩ lẩn thẩn: “Không biết nếu thành vợ chồng, sau nhiều năm chung sống, tình sẽ còn đẹp không?”. Vì dang dở nên nhớ da diết con đường nhỏ rợp bóng hoa phượng chạy giữa hai trường Đồng Khánh và Khải Định, “con đường chim sẻ” của hai đứa. Nhớ hồ Tịnh Tâm sen trắng ngát thơm, nhớ chùa Thiên Mụ rì rào tiếng thông reo, phía dưới là con sông Hương lăn tăn nước một màu xanh ngọc... Huế của thời trẻ...

Chia tay...

Tôi vừa được báo tin là sẽ có một cuộc họp lớn của Đoàn Thanh niên Khu 4 tại làng Hậu Hiền, cách Bạch Ngọc khoảng hai chục cây số. Tôi được tin là anh Nam cũng sẽ đến dự cuộc họp này. Tôi đã không gặp anh từ một năm nay. Gặp anh lần này, tôi đã có một bộ quân phục, một chiếc sơ mi lụa đàng hoàng.

Bất kể lời cấm, tôi liều đi họp ở Hậu Hiền. Hơn hai trăm đoàn viên thanh niên toàn khu 4 đã đến đây. Những người bạn cũ tình cờ gặp lại nhau, những người bạn mới vui mừng quen biết nhau. Tôi gặp lại anh Nam, vẫn khỏe mạnh và dí dỏm như xưa. Nhưng cảm thấy hình như có một sự thay đổi nào đó trong cách nhìn của anh. Ngày đầu tiên, chúng tôi không có thì giờ để nói chuyện với nhau. Đến ngày thứ hai, vào lúc nghỉ giải lao, anh đến gần tôi: “Phượng ơi, anh muốn tối nay chúng ta gặp nhau. Anh có chuyện muốn nói với Phượng”.

Tối hôm ấy chúng tôi ngồi trên bờ đê Hậu Hiền. “Em biết anh là con một. Nếu anh đi theo kháng chiến thì em phải ở nhà chăm lo cho thầy mẹ. Anh không thể bỏ mặc được. Nếu em đồng ý, anh sẽ thưa với mẹ anh ra Bạch Ngọc đón em về” - “Em rất tiếc, không thể được. Em không thể trở về nhà anh ngay lúc này”.

Anh Nam nói rất khẽ: “Nếu như vậy anh phải đồng ý kết hôn với một người khác do bố mẹ anh đã lựa”. Tôi như sét đánh ngang tai: “Thế còn chúng ta?” - “Anh còn bổn phận làm con, em ạ”. Chúng tôi trao đổi với nhau đến lúc mặt trời ửng hồng chiếu lên con đê. Tôi bắt đầu hiểu tình yêu đau khổ là như thế nào. Đau đớn đến nỗi không bước chân đi được. Hảo Thư khuyên tôi: “Thiếu chi đứa mê mi, kệ hắn!”.

Chế tạo thuốc nổ

Mùa đông năm 1948, Khe Khao rét dữ dội. Buổi sáng mây phủ mờ lối đi, cách nhau vài mét là mịt mùng. Để bớt cóng, các tiên ông, tiên bà chỉ còn một cách: rủ nhau chạy nhiều vòng xung quanh nhà và hái lá rừng đun nước nóng để uống. Hết gạo, chúng tôi đi tìm củ mài và ăn rất nhiều su su luộc, một loại quả mọc chi chít nặng trĩu giàn. Trời về chiều mây lại ùn ùn kéo về, càng lạnh buốt hơn. Những đàn muỗi rừng bắt đầu bay vào nhà tấn công. Chúng tôi đốt lửa hun khói, mặt người nào người nấy lấm tấm đỏ như bị châm kim.

Thời gian này, tôi có dịp hiểu thêm về anh Tôn Thất Hoàng. Anh đã làm tôi chú ý vì con người đàng hoàng, nghiêm túc và tôi cảm thấy có một sự săn sóc kín đáo của anh đối với tôi khi tôi được phân công làm những công việc nguy hiểm như làm mìn nổ chậm, mìn hẹn giờ hay sấy thuốc nổ. Anh hơn tôi bảy tuổi, học đến năm thứ ba khoa Vật lý tại trường Đại học Khoa học Hà Nội. Năm 1945 anh trở lại Huế và gia nhập trường Thanh niên Tiền tuyến. Anh sinh ra trong một gia đình hoàng tộc, ông cụ là thượng thư triều đình Huế. Cùng với một em trai và một em gái, ba người rời bỏ mọi tiện nghi trong ngôi biệt thự rất sang trọng bên bờ sông Hương và cùng tham gia kháng chiến.

Một buổi sáng nọ, Đại tướng Võ Nguyên Giáp cùng vợ, chị Bích Hà, lên thăm Nha và làm việc hai ngày. Thấy điều kiện ăn ở của chúng tôi, anh Giáp lắc đầu trầm ngâm. Chỉ khoảng vài tháng sau, Nha Nghiên cứu kỹ thuật nhận được lệnh của Bộ Quốc phòng cho chúng tôi rời Khe Khao về Tuyên Quang.

Vào tháng 9 năm 1948, chúng tôi nhận lệnh cấp tốc rời Khe Khao để về Đồng Chiêm thuộc Tuyên Quang.

Ngày 4 tháng 2 năm 1949, hai bạn Phan Thượng Trí và Trần Duy Lượng đang cùng tôi nhồi thuốc nổ vào lựu đạn. Lượng là em bác sĩ Trần Duy Hưng, người đã săn sóc sức khỏe cho Bác Hồ trong những năm ở chiến khu. Lượng tính hiền lành, ít nói, hay nhỏ nhẹ tâm sự về thời ở Hà Nội, khi bác sĩ Trần Duy Hưng có một phòng mạch riêng rất nổi tiếng. Trí và tôi cùng làm việc trong phòng Hóa chất của anh Phạm Đồng Điện, củ khoai, củ sắn đều chia nhau.

Anh Điện gọi tôi về phòng Hóa chất. Tôi vừa quay lưng đi, một tiếng nổ chát chúa xé tai. Trí và Lượng nằm vật hai bên, máu me đầy người. Lượng nằm, mắt nhắm, máu khắp người. Trí run rẩy đưa lên một cánh tay đã mất hẳn bàn tay, máu trào ra. Chúng tôi xúm lại, người băng bó vết thương, người chuẩn bị đò để đưa đi bệnh viện. Bỗng có mấy giọt máu từ trên cao nhỏ xuống, tôi nhìn lên. Ba ngón tay của Trí còn dính vào một sợi dây điện, xanh tái và nhầy nhụa máu. Tôi ngất đi. Khi tỉnh dậy, thấy anh Hoàng đứng bên cạnh. Anh đưa cho tôi một ly nước. Tôi run rẩy, không nói nên lời. Rồi nước mắt cứ thế tuôn ra, nghẹn ngào, tức tưởi, đau đớn. Anh vuốt nhẹ mái tóc tôi, cúi xuống thầm thì: “Nín đi em! Nín đi em!”. Và tôi ngủ thiếp đi trong vòng tay anh.

Tai nạn kinh hoàng này làm anh Hoàng và tôi thêm gần nhau. Tôi cần một bờ vai để nương tựa, để giúp tôi can đảm sống giữa những nguy hiểm đang rình rập xung quanh.

Anh Hoàng Đình Phu là người chủ hôn. Chị Lê, vợ anh Phu, cho tôi mượn một cái áo dài màu xanh nhạt thay cho bộ quần áo nhàu nát hằng ngày. Anh Hoàng diện một bộ quân phục màu xanh đậm.

Ngày 28 tháng 2 năm 1949, hội trường rộng rãi, lợp mái tranh, tường đất là nơi chúng tôi tổ chức lễ cưới. Tin chúng tôi kết hôn lan ra rất nhanh. Ở trên Bộ Quốc phòng, anh Tạ Quang Bửu, anh Trần Đại Nghĩa, anh Phan Hàm, anh Nguyễn Thương, anh Cao Văn Khánh và một số bạn khác gởi cho chúng tôi một bì thơ chúc mừng kèm 45 đồng do các anh đóng góp. Chưa bao giờ tôi cảm thấy mình lại giàu có đến thế, kể từ lúc thoát ly gia đình đi kháng chiến.

Gặp lại người xưa

Chiều hôm ấy tôi về sớm vì bị ốm nghén cháu đầu lòng. Đang nằm nghỉ, bỗng có tiếng đập vào vách nứa, cứ ba nhịp, dừng, rồi hai nhịp, dừng, rồi ba nhịp. Tôi ngồi phắt dậy: “Trời ơi, tiếng gõ ám hiệu của anh Nam khi chúng tôi kín đáo muốn gặp nhau ở Huế!”. Tôi giật cánh cửa ra. Anh Nam đứng đấy, bên cạnh là chiếc xe đạp, mặt mày hốc hác. Tôi trân trân nhìn anh, không còn hiểu việc gì đã xảy ra. Chúng tôi ngồi dưới gốc cây có hoa trắng trước thềm. Anh Nam từ Nghệ An được tin rằng tôi đã lấy chồng. Anh không tin và đã đi bộ, đi xe đạp, đi thuyền để vượt gần 500 cây số lên Tuyên Quang tìm tôi. Tôi chỉ biết khóc. Giữa lúc đấy, anh Hoàng đi làm về. Vì trước kia anh biết chuyện giữa anh Nam và tôi và cũng đã nhiều lần khuyên bảo tôi. Nên khi anh Nam đến, anh tiếp đãi rất đàng hoàng, tử tế. Anh Nam và tôi chuyện trò cho đến tận tờ mờ sáng hôm sau. Anh trao cho tôi một bi đông đựng mật ong và bảo: “Mẹ bảo anh gởi cho em vì biết em rất thích mật ong”. Tôi chỉ biết khóc, nghẹn ngào không nói nổi câu gì. Tôi tiễn anh Nam ra tận cổng rừng rồi nhìn mãi cho đến khi anh rẽ sang bên trái, bước xuống bến đò sông Lô.

Anh Hoàng chờ tôi trước cửa nhà. Tôi thầm biết ơn anh rất thấu hiểu và độ lượng.

Sinh con đầu lòng

Tối 13 tháng 12 năm 1949. Anh Hoàng từ Bộ Tổng tham mưu được phép về thăm nhà trước lúc chuẩn bị sang Trung Quốc công tác gấp.

Trời mưa tầm tã, anh phải bơi qua ba con suối, nước đang ào ào dâng lên.

Trong gian nhà nhỏ lạnh buốt, khói củi sưởi tỏa lên mù mịt, tôi khóc. Không biết từ nay mình sẽ sống ra sao khi vắng anh. Anh im lặng, ngắm nhìn ngọn lửa.

Đêm sau, tôi đang ngủ bỗng thấy đau bụng dữ dội. Tôi lay anh dậy: “Có lẽ em chuyển bụng mất rồi”. Anh Hoàng ôm tôi: “Em gắng lên, để sáng mai rồi ta lo liệu”. Tôi vâng lời anh nằm im. Cho đến 3 giờ sáng, cơn đau tiếp tục dữ dội, tôi chịu không nổi nữa, khóc to lên. Chị Hà Đổng ở gian nhà bên cạnh chạy vội qua: “Anh Hoàng ơi, phải đưa gấp chị Phượng đi bệnh viện, chị sắp sinh rồi”. Chúng tôi luống cuống, cả hai vợ chồng không biết phải làm sao. Chị Hà Đổng băng đồi chạy qua các nhà xung quanh đánh thức mọi người. Rất nhanh sau đó, tôi được đặt lên một cái võng, có luồn một đòn tre. Anh Phú và anh Cơ mỗi người khiêng một đầu đòn gánh. Có thêm hai anh cùng đi theo tiếp sức. Anh Hoàng đi đầu, tay cầm đuốc, tay cầm dao để phạt cây rừng. Tôi nằm lắc lư trong võng, bụng co thắt dữ dội, nước ối đã bắt đầu vỡ. Tôi tưởng mình sắp chết. Mở mắt nhìn thấy một bầu trời đom đóm lập lòe lẫn trong tiếng côn trùng. Tôi nghiến răng, không dám rên.

Anh Hoàng: “Gắng lên, em ơi!”. Bảy cây số xuyên rừng rồi cũng qua. Bến đò sông Lô hiện ra, vắng vẻ, tối mịt, hoang vu. Mấy anh em thay nhau gọi đò. Tôi lại lên những cơn đau bụng khủng khiếp. Bỗng một ánh đèn từ xa lập lòe trên sông. Rồi rất lâu, rất lâu sau đó, một con đò nhỏ cập bến.

Tiếng người đàn ông: “Ai gọi đò?”. Các anh khiêng tôi xuống bến. Anh Hoàng cầm tay tôi: “Thôi em cố gắng, anh phải đi ngay sáng nay mất rồi”. Tôi thất thanh: “Em ở một mình sao?”. Anh thở dài, rồi nhảy vọt lên bờ. Một mình tôi nằm lại trên một con đò rách nát với hai vợ chồng người chèo đò đã lớn tuổi. Con đò ngược sông Lô, chậm chạp xuyên màn đêm. Khoảng chừng một tiếng sau, tôi lại lên cơn đau. Năm ấy, hai mươi tuổi đầu, đẻ con so, xung quanh không có ai. Tôi muốn chết. Tôi bò đến sát mạn thuyền và chuẩn bị nhảy xuống sông. Một tay vừa chạm làn nước lạnh buốt bỗng một cái đạp mạnh làm bụng tôi nhói lên. Tôi bừng tỉnh: “Mình chết nhưng đứa con có tội tình gì?”. Tôi lại bò vào trong khoang. Bác đò gái đã ở đấy: “Khổ thân cháu tôi, sinh đẻ đơn côi như thế này”.

Sau những cơn rặn khủng khiếp, bác ấy thốt lên: “Cái đầu nó đây rồi. Gắng lên con”. Tiếng khóc oe oe vang lên giữa sông. Đứa con đầu lòng của tôi! Bác lái đò bẻ một mảnh nứa trên mui đò và cắt rốn cho con tôi. Tờ mờ sáng hôm sau, đò cập bến Tràng Xảo. Tôi được đặt lên băng ca cùng đứa con. Anh Hoàng và tôi đặt tên cháu là Nguyễn Phước và sau này cháu lấy bí danh là Sông Lô.

Sau này chúng tôi đã rất nhiều lần đi dọc sông Lô tìm kiếm hai vợ chồng người lái đò đêm ấy. Không thể nào tìm được.

Chỉ còn sông Lô mãi mãi một dòng xanh...♦


(*) NXB Văn hóa - Văn nghệ, 2020


ĐỌC SÁCH

    Thành phố bên sông

            của nhà văn Kim Quyên

Có thể coi đây là những dòng hồi ký của tác giả, là dòng chảy cuộc đời của cô bé Hương, cô bé lớn lên ở làng quê Mỹ Hạnh Đông, một ngôi làng nhỏ nằm giữa thung lũng Đồng Tháp Mười. Qua bao biến động của thời cuộc, cô bé đã trở thành một trong những chiến sĩ xông xáo trong phong trào đấu tranh của sinh viên học sinh... Hơn 300 trang sách là những dòng hồi tưởng của cô gái suốt 14 năm, từ lúc còn là một cô bé 12 tuổi, được ba lần đầu tiên đưa lên Sài Gòn, được ngồi trên xe xích lô, thấy cái gì cũng lạ… Sài Gòn trong mắt cô bé là một thành phố quá kiêu sa, tưởng chừng cô chỉ có thể ngắm nhìn mà không bao giờ có thể hòa mình trong đó.

Bằng giọng văn tự sự, trữ tình và rặt Nam Bộ, tác giả đã dẫn dắt chúng ta đi theo nhiều biến cố trong cuộc đời cô, cha theo cách mạng hy sinh, làng quê bị càn quét nát tan bởi bom đạn, cả mấy mẹ con phải lên Sài Gòn tìm đất sống… Hương đi học và bước vào cuộc sinh nhai gay gắt của cơm áo gạo tiền phụ giúp người mẹ tảo tần trong xóm lao động. Nhưng chính những trận càn của lính Mỹ, bom đạn dày xéo quê hương đã giúp cô hiểu cô sẽ đứng ở đâu trong cuộc chiến này. Và Hương đã lao vào trận, cùng với anh em, bạn bè xuống đường, đấu tranh giữa khói lựu đạn cay và phi tiễn. Cô tham gia đốt xe Mỹ, tham gia chở vũ khí chuẩn bị khởi nghĩa đón bộ đội vào Sài Gòn, và bị bắt… Nhưng cô cũng là một trong những người tù được hưởng tự do khi chính quyền Tổng thống Dương Văn Minh chấp chánh.

Sài Gòn rực rỡ cờ hoa trong dòng nước mắt vừa hạnh phúc vừa đau đớn của cô gái. Người yêu cô đã hy sinh đúng ngày 29-4. Nước mắt cô rơi hòa trong tiếng hát vang lừng của cả nước: “Như có Bác Hồ trong ngày vui đại thắng…”.♦

 

XUÂN PHƯỢNG