Truyền thuyết về Lạc Long Quân lấy Âu Cơ sinh ra bọc trăm trứng đã thông tin cho ta thấy đất nước Việt Nam rộng dài có rừng vàng biển bạc. Nhà nước Văn Lang ra đời tuy tổ chức xã hội đã thuộc thời kỳ người đàn ông làm chủ (trăm người con trai, có con trai trưởng làm vua) tuy thế ảnh hưởng của xã hội thị tộc mẫu quyền còn rất lớn. Nhà nước được phát triển lên từ tổ chức xã hội của người mẹ Âu Cơ chứ không phải từ người cha Lạc Long Quân. Sau này vua Hùng thứ sáu cũng truyền ngôi cho người con trai út là Lang Liêu chứ không có truyền thuyết nào tương truyền vua Hùng truyền ngôi cho các Mỵ Nương công chúa. Dấu ấn mẫu hệ mạnh nên từ xưa dân ta vẫn có đền mẫu Âu Cơ nguy nga hơn đền thờ Lạc Long Quân. Nhân loại bất cứ đâu cũng là các tổ chức xã hội đầu tiên gồm những người có chung dòng máu mẹ. Thông thường hai thị tộc ghép lại thành một bộ lạc. Theo ước hẹn đàn ông của thị tộc nọ sang giao hoan với đàn bà của thị tộc kia. Buổi đầu của thị tộc, loài người chưa nhận thức nổi do giao hoan mà sinh con đẻ cái. Con người khi ấy mới biết mẹ, chưa biết cha. Do vậy mà tô tem giáo ra đời. Mỗi dân tộc mới ra đời một vật Tổ để thờ. Mỗi họ người Mường ngày nay vẫn thờ một vật Tổ riêng. Do khoa học phát triển mà giờ đây đồng bào giải thích về vật Tổ mỗi nơi mỗi khác. Thí dụ tổ tiên họ chui vào bụi rậm để trốn chạy giặc, giặc thấy động chưa kịp sục tìm thì thấy con rắn chạy ra nên giặc bỏ đi; từ đấy họ Đinh thờ con rắn là ân nhân cứu mạng mình.
Dấu ấn mẫu hệ không chỉ đậm ở thời Hùng Vương mà đi qua cả thời kỳ nhà nước Âu Lạc, khi quân Hán sang, Bà Trưng phất cờ khởi nghĩa, cả nước đã nổi lên theo Hai Bà đánh giặc. Nếu cuộc khởi nghĩa ấy thành công chắc chắn lịch sử nước ta sẽ là thời kỳ phụ nữ cầm quyền. Các di tích thờ các nhân vật thời Hai Bà ở cả nước nếu có thờ chồng của các nữ tướng thì bài vị của họ đều đặt dưới hoặc bên cạnh bài vị của vợ. Kiệu rước bài vị của họ cũng luôn phải đi sau kiệu rước bài vị của vợ.
Vì chưa bị ảnh hưởng phong kiến phương Bắc trọng nam khinh nữ nên dân ta với lòng yêu nước nồng nàn đã nhất tề theo Bà Trưng nổi dậy để đánh giặc cứu nước. Ngày nay ta tuyên dương bà mẹ anh hùng, không tuyên dương người cha anh hùng, được đồng bào hưởng ứng chắc do truyền thống thờ mẫu trên.
Truyền thuyết là những truyện dân gian về lịch sử. Nó không là lịch sử nhưng là tâm hồn của lịch sử. Lịch sử được thăng hoa phóng đại bởi sự thần thoại hóa, kỳ vĩ hóa của dân gian. Khi có chữ viết, giới trí thức đã ghi lại truyền thuyết để nó song song tồn tại bằng văn hóa truyền miệng và văn hóa chữ viết. Nhận thức về thế giới, quan niệm về xã hội mỗi thời khác nhau nên truyền thuyết được ghi lại ở thời nào đều mang ít nhiều bóng dáng của thời đó. Vì thế trong một truyền thuyết hoặc truyện kể dân gian nói chung thường chứa đựng dấu ấn văn hóa của nhiều niên đại chồng lợp lên nhau. Lớp văn hóa nguyên thủy của truyền thuyết bà Âu Cơ sinh trăm người con trai là xuất phát từ sự ra đời của nhà nước Văn Lang, nhà nước của người đàn ông làm chủ. Yếu tố này được tầng lớp trí thức thời trung đại và cận hiện đại nhấn mạnh lên do tư tưởng phong kiến Nho giáo trọng nam khinh nữ. Bà Âu Cơ để người con trai trưởng ở lại làm vua, điều này càng phù hợp với tư tưởng phong kiến ở ta thời cận đại, thậm chí cả khi đã bước vào xã hội hiện đại.
Qua truyện vua Hùng truyền ngôi cho chàng út Lang Liêu, ta cũng có thể đoán lịch sử thời cổ đại tổ tiên ta chỉ chọn người tài ra làm thủ lĩnh bộ tộc hoặc liên minh các bộ tộc (vua Hùng). Vì xã hội Văn Lang là xã hội của cư dân nông nghiệp lúa nước, trọng nghề nông nên Lang Liêu vì giỏi nghề nông, biết chế biến sản vật nông nghiệp thành bánh chưng bánh dày, thứ đặc sản hơn mọi sơn hào hải vị nên mới được truyền ngôi vua. Thời cổ đại vì thế công bằng và dân chủ hơn: Ai tài thì lên cầm quyền bất luận anh hay em, già hay trẻ. Người Mường gốc gác dân Lạc Việt ta ngày nay vẫn quan niệm ai thấy mặt trời trước thì làm anh người thấy mặt trời sau. Con em đẻ trước được làm anh con anh đẻ sau là vì vậy.
Lang Liêu biết làm bánh chưng bánh dày để thể hiện cho trời tròn đất vuông. Từ xã hội nguyên thủy, tổ tiên ta đã có quan niệm về trời đất sinh ra mọi vật. Tín ngưỡng thờ mặt trời ra đời rất sớm. Tương truyền hằng năm vua Hùng lên đền Thượng (khu Đền Hùng) để tế trời đất. Trống đồng Đông Sơn thời vua Hùng có hình tia mặt trời ở giữa, con người và vạn vật quay quanh theo chiều ngược kim đồng hồ, biểu hiện mặt trời đi từ Đông sang Tây. Quan niệm nguyên thủy về trời đất còn được thể hiện ở hầu hết các lễ hội cổ truyền ở vùng Đất Tổ với tục cúng và cướp quả cầu, quả phết và ném quả còn là những vật tròn hình tượng mặt trời.
Hình tượng bánh chưng bánh dày mà Lang Liêu dâng tiến vua cha, ngoài ý nghĩa khuyến nông còn chứa đựng tín ngưỡng thờ mặt trời được bắt nguồn từ kinh nghiệm trực giác do dân gian quan sát thấy để rồi người ta phải quy phục mà trông trời, trông đất, trông mây. Khi triết học âm dương hình thành, truyền thuyết ấy lại được cấy thêm lớp ý nghĩa triết học với mặt trời tròn là dương được biểu trưng bằng hình bánh dày, và bánh chưng vuông tượng trưng cho đất là âm. Truyền thuyết bánh chưng bánh dày của Lang Liêu ngoài thông tin về tổ chức xã hội thời Hùng Vương, dân gian còn cấy vào đấy những quan niệm của các thời đại về thế giới tự nhiên.
Đậm đặc hơn cả trong các tập sách về truyền thuyết Hùng Vương là các truyện vua Hùng và các nhân vật thời Hùng dạy dân trị thủy, dạy dân trồng trọt, bảo dân trồng kiệu, làm dưa cải, kéo mật, trồng dâu nuôi tằm. Đặc biệt nhất là truyền thuyết dạy dân cấy lúa ở đồng Lú, làng Minh Nông. Buổi trưa vua tôi nghỉ công việc đồng áng đưa nhau lên gốc Da Đồn nghỉ ăn cơm. Tương truyền xóm Cây Da Đồn ở cạnh đồng Lú, chợ làng Minh Nông ngày nay. Trước đây, hằng năm vào mùa xuân dân làng mở hội (lễ) tịch điền ở đồng Lú. Một người đóng vai vua Hùng xuống cày những đường cày đầu tiên làm lễ mở đầu cho một mùa vụ cày cấy mới.
Vì truyền thuyết không phải là lịch sử nhưng dân gian đã ký thác vào đấy tâm hồn lịch sử của mình để ca ngợi cái cốt lõi của thời Hùng mà nhà vua rất chú trọng nghề nông, vua tôi đồng cam cộng khổ cùng làm cùng ăn. Đấy cũng là lớp cốt lõi của truyền thuyết này. Mãi về sau từ thời trung, cận đại dân gian lại cấy thêm vào truyền thuyết lớp vua Hùng làm lễ tịch điền ở đồng Lú. Thực ra tịch điền mới chỉ có từ thời vua Lê Đại Hành. Nhà vua xuống ruộng thờ, cày đường cày làm lễ. Từ đó các làng Việt mới theo vua Lê mở lễ tịch điền, lễ xuống đồng đầu tiên do vua cày cấy tượng trưng.
Vua Hùng dạy dân trồng lúa nghĩa là vua Hùng rất chú ý “khuyến nông”. Nghề nông ở Việt Nam ra đời từ gần vạn năm trước. Tương ứng với các nền văn hóa khảo cổ Hòa Bình và Bắc Sơn. Ở các di chỉ đó người ta đã đào được các hiện vật của sơ kỳ đồ đá mới. Xã hội trước đó là những bầy người nguyên thủy sống bằng hái lượm tự nhiên, chưa biết trồng trọt. Do hái lượm nên chỉ cần công cụ thô sơ, dùng cạnh sắc của đá cuội ghè để giết muông thú và chặt đẽo gậy gộc thô sơ. Nhưng khi biết trồng trọt thì con người buộc phải mài đá làm công cụ để canh tác. Sơ kỳ đồ đá mới xuất hiện khi nào thì nông nghiệp sơ khai ra đời khi ấy. Bốn ngàn năm trước Việt Trì còn là cửa biển. Đồng làng Minh Nông ngập trong nước mặn, ít ra là nước lợ không thích hợp cho việc ra đời nghề trồng trọt cây lúa nước. Hơn nữa khi nghề nông đã phát triển, đã có cả nền văn minh sông Hồng, văn hóa lúa nước đồng thời nghề thủ công đúc đồng đã ở mức tinh xảo, của cải xã hội tích lũy nhiều hơn, nạn cướp của và bắt tù binh làm nô lệ đã xảy ra thường xuyên buộc các cộng đồng người phải liên kết lại thành bộ tộc và liên minh các bộ tộc. Khi ấy người đàn bà chân yếu tay mềm đã phải bàn giao quyền quản lý xã hội và gia đình cho người đàn ông. Hội đủ các điều kiện trên nhà nước mới ra đời, đại tộc trưởng hay vua Hùng mới xuất hiện. Nhà nước Văn Lang vì thế chỉ có thể ra đời cách đây ngót 3.000 năm tương ứng với văn hóa đồ đồng Đông Sơn mà trống đồng Ngọc Lũ là tiêu biểu.
Trước đây ở Đền Hùng có thờ mô hình hạt lúa to bằng thuyền hai cắng. Tín ngưỡng thờ hồn lúa và truyền thuyết vua Hùng dạy dân trồng lúa đều được xuất phát từ nguyện vọng, tâm linh tâm thức của cộng đồng cư dân lúa nước Việt Nam có nền văn hóa lúa nước rực rỡ.
Tìm hiểu truyền thuyết Hùng Vương chính là tìm về cội nguồn dân tộc.♦