HV154 - Đời và Nhạc của nhạc sĩ Lư Nhất Vũ

ĐỌC SÁCH

Gần 300 trang sách là tất cả những chắt chiu, gom góp của cả cuộc đời cống hiến cho âm nhạc của nhạc sĩ Lư Nhất Vũ. Ta có thể tìm thấy trong đó hình ảnh của anh, một con người dâng hiến cả cuộc đời mình cho âm nhạc, nhưng rất thầm lặng, nhẹ nhàng, như những dòng nhạc êm ả, réo rắt âm điệu dân ca. Đúng như nhận định của nhà văn Văn Lê khi viết về anh: “Trong cuộc sống hằng ngày, anh Năm tôi luôn rỉ rả, sâu sắc. Tôi chưa hề thấy anh lớn tiếng với ai. Và tôi cũng chưa thấy ai to tiếng với anh bao giờ. Anh cặm cụi làm việc. Anh giống như một bông sen trong đồng lặng lẽ tỏa hương bằng chính mùi thơm của nó”.

Và ở tuổi 84, anh đã gom góp lại tất cả những gì anh cống hiến cho đời và vị ngọt của đời dành tặng cho anh. Anh nâng niu từng bài viết của tất cả mọi người và đưa vào tập sách, dù có khi chỉ vài dòng tin ngắn trên tờ báo ngày… đến những tên tuổi lớn như nhạc sĩ Lưu Hữu Phước, Hoàng Hiệp, Ca Lê Thuần, các nhà văn, nhà báo Nguyễn Mạnh Tuấn, Văn Lê, Bích Ngân, Trần Nhật Vy, Từ Nguyên Thạch…

Và ở đó, anh trình làng 70 tác phẩm của mình qua suốt nhiều chặng đường của cuộc đời. Từ tác phẩm tốt nghiệp Chiều trên bản Mèo viết năm 1961 đến Những áng mây chiều viết năm 2019, người nhạc sĩ ấy đã làm việc không ngừng nghỉ trong cuộc hành trình đi cùng âm nhạc của mình. Dù không phải bài hát nào của anh cũng được phổ biến và sống trong lòng công chúng, nhưng chỉ cần Cô gái Sài Gòn đi tải đạn, Tiếng cồng vượt thác, Khúc hát người đi khai hoang, Hãy yên lòng mẹ ơi, Bài ca Đất Phương Nam, Kiên Giang mình đẹp lắm… cũng đủ làm nên chất liệu đặc biệt của một dòng nhạc dân ca thuộc về anh và người bạn đời, nhà thơ Lê Giang, đã gắn bó cùng anh suốt gần nửa thế kỷ nay. Như lời nhận xét của nhạc sĩ Hoàng Hiệp về anh: “Lư Nhất Vũ đã bỏ ra nhiều năm vất vả lặn lội, kiếm tìm để sưu tầm những giai điệu, lời ca mượt mà, sâu lắng được truyền khẩu từ bao đời. Và cũng chính cái vốn quý ấy đã nuôi dưỡng tâm hồn, tình cảm đã làm nên những thành công to lớn trong sự nghiệp sáng tác của anh”.♦

BÍCH CHÂU