Gần 300 trang sách là cả cuộc hành trình làm việc nghĩa của người mà tác giả kính cẩn gọi là Cậu Tư Bạch. Đó là nhân vật tác giả được nghe kể từ nhà văn Mặc Khải, nhân vật từng ám ảnh ông suốt nhiều năm nay. Cậu Tư Bạch, một anh nông dân lớn lên ở vùng sông nước Cần Thơ, đã có một thời ngang dọc, gây khiếp sợ cho những cường hào ác bá và chính bọn thực dân Pháp thời ấy. Trước đây, ông đã từng viết nhiều truyện ngắn về nhân vật này với lòng ngưỡng mộ, đến nay cuốn tiểu thuyết ra đời chính là được xâu chuỗi cả cuộc hành trình nghĩa hiệp của nhân vật.
Nên mỗi trang sách giống như một mẩu chuyện kể từ đời thật. Là cuộc hành trình làm việc nghĩa của Tư Bạch… Mà khởi đầu câu chuyện cũng giống như những thước phim hành động đầy nghĩa khí. Đó là cuộc giao đấu giữa một mình Tư Bạch với bọn côn đồ đòi thu thuế bến ghe. Anh đã đánh tan tác bọn chúng, vậy mà cuối cùng chính đại ca của chúng là Ba Chữ lại xin thần phục và tôn vinh Tư Bạch là đại ca và dâng hết gia sản cùng đàn em của hắn cho anh tùy nghi sử dụng, dù Tư Bạch ít tuổi hơn. Và họ trở thành anh em với lời thề sinh tử “Chúng ta sẽ không uy hiếp trấn lột bất cứ ai, trừ những kẻ ác… Những nơi nào có sự bất bằng cần đến chúng ta, thì ta sẽ không tiếc công sức mà hết lòng giúp đỡ”.
Khi xuống núi anh đã tâm nguyện cùng sư thầy dạy võ nghệ cho anh: “Chừng nào ở trong đời sống quanh con vẫn còn quá nhiều kẻ chịu những nỗi bất công, bao giờ kẻ giàu tự thấy xấu hổ khi mình đi giữa kẻ nghèo, bao giờ quan lại biết đến khiêm tốn, cúi đầu lắng nghe người dân đau khổ tìm đến nhờ mình bênh vực… thì con mới vơi được nỗi ưu tư”. Và Tư Bạch đã thực hiện đúng với lời thề, những câu chuyện làm nghĩa của anh Tư Bạch giống như những bộ phim nhiều tập được kể trong sự ngưỡng mộ của người viết. Ông kể về việc Tư bạch cứu cô gái nghèo tự tử vì bị ép gả cho Hương cả Đạt, cứu cả người yêu của cô và cho hết tiền dành dụm của mình cho đôi uyên ương đi lập nghiệp phương xa. Ngay cả những tên tay sai cũng được anh cảm hóa cho về quê để thoát khỏi vòng kiềm tỏa của ác bá. Nhưng thực sự cuộc đời không hề bằng phẳng như anh muốn, vì thế không phải ai được anh giúp đỡ cũng tìm về đường ngay. Vì thế danh tiếng anh vang dội, kẻ khốn cùng mong ước được anh ra tay giúp đỡ mà kẻ lưu manh từng được anh giúp đỡ để hoàn lương cũng nơm nớp lo sợ…
Và câu chuyện nghĩa tình với thầy giáo Nghĩa, người đã từng đuổi Tư Bạch ra khỏi trường vì cái tội nói tiếng Việt trong giờ học mà không có tiền để nộp phạt. Vậy mà Tư Bạch không hề giận thầy, bởi anh biết thầy cũng là kiếp làm thuê thôi. Thăm thầy, phẫn nộ về đứa con được thầy cho ăn học, giờ tham giàu mà xử sự bất hiếu với thầy, anh đã bắt thằng con phải về chịu tội, và nó phải thực hiện chữ hiếu chỉ vì sợ uy anh. Cũng không ít lần Tư Bạch ra tay giết người. Với những kẻ mà anh cho rằng chúng không thể cải tà quy chánh. Đó là trường hợp của Ba Béo, một tên cho vay nặng lãi. Anh giết Ba Béo là làm phúc cho cả trăm người mắc nợ hắn. Khi hắn chết, hòm giấy nợ chính tay anh đốt là anh hồi sinh cho bao nhiêu kiếp nạn dưới tay hắn. Suy nghĩ đó đã khiến anh mạnh tay hơn với kẻ ác…

Bìa sách Người nhà trời
Không phải chỉ đụng độ với những tên trọc phú, anh còn dám đối đầu với các tên chủ quận và cả sĩ quan Pháp để cứu cô đào Kim Thoa và cả chủ chứa Hai Sương. Cả hai cô gái đều đem lòng yêu anh, nhưng anh đã có lời thề là chỉ lăn lộn trong chốn giang hồ một thời gian, đến khi cuối đời anh sẽ lên núi xuất gia. Tư Bạch từ lâu cũng hiểu rằng, cái mạnh của anh chỉ có thể làm những kẻ giàu sợ hãi, nhưng khi anh đụng độ với bộ máy cầm quyền thì anh chỉ là con tốt. Và khi tên chánh tòa tuyên bố: “Những hành động mất dạy này không thể chấp nhận trong một xã hội có luật lệ như xã hội ta. Và tên côn đồ ấy phải bị loại ra khỏi xã hội ta ngay lập tức” nghĩa là cả bộ máy thực dân bắt đầu hành động. Vì thế việc đại náo pháp đình, tọng phân người vào miệng chánh tòa của Ba Ngữ đã làm bọn thực dân có cớ để tẩy trừ hậu hoạn. Ba Chữ bị bắn chết, Tư Bạch bị bắt giam chờ ngày xử án.
Nhưng Tư Bạch không ngồi chờ tòa án thực dân phán xét, anh được cứu thoát khỏi tù bởi những người chịu ơn anh, và từ đó anh trở thành kẻ đào tẩu sống ngoài vòng pháp luật. Anh chỉ còn con đường đúng như tâm nguyện anh đã thề nguyện khi rời các lò võ xuống núi hành hiệp việc đời. Đó là thí phát quy y. Nhưng khi gặp lại sư Chân Thiện, lời của sư làm anh chùn bước: “Cuộc sống con người chỉ là tồn tại nhất thời, rồi sẽ đi vào một cuộc tàn vong vĩnh viễn. Thế mà không thiếu kẻ giành giật địa vị, lợi quyền, vu cáo hãm hại đưa đến khá nhiều bi kịch mà họ quên rằng khi trút hơi thở cuối cùng mọi sự sẽ trở nên vô nghĩa… Ta khuyên con nếu còn giữ chút Phật tâm, hãy quay về với cuộc đời góp sức làm điều thiện ích cho đồng bào, đồng loại”.
Cuộc gặp gỡ với sư Chân Thiện đã khiến quyết định cuối cùng của anh trở nên lạc loài… Và khi cả 3 ngôi chùa trên núi cao anh tìm đến đều giành giật lấy anh vì nghe danh võ nghệ cao cường của anh trong chốn giang hồ, thì đó là lúc Tư Bạch rơi tự do khi quyết định số phận mình. Và anh đã tự kết thúc cuộc đời mình để khỏi bước vào một cuộc sân si mới, nơi mà anh nghĩ chỉ còn những tấm lòng cao cả với cái tâm thiện lành giữa đất trời lồng lộng cây xanh và mây trắng…
Ngõ cụt của Tư Bạch chính là ngõ cụt của biết bao anh hùng đất phương Nam thời thực dân Pháp. Như nhà văn Vũ Hạnh đã tâm sự ngay ở Lời nói đầu quyển sách: “Hiện tượng những tay ‘anh chị’ không phải thuộc riêng ở đất nước nào. Bất kỳ ở đâu có sự áp bức, bất công và suy đồi về luật pháp thì sẽ nảy sinh những người tự nhận ‘thế thiên hành đạo’, những người tự động tạo ra những thứ luật rừng để xử lý theo sự công minh từ nhận thức của mình. Những anh hùng Lương Sơn Bạc là một trường hợp điển hình”. Nhưng chỉ tiếc rằng Tư Bạch đã không còn con đường nào khác vì anh chưa tìm thấy cái nguồn gốc thực sự của những kẻ ác mà anh từng đánh đổ. Những tên Hương cả, Ba béo, Chánh tòa… chỉ sản sinh từ chế độ áp bức. Anh giết tên này thì có ngay tên khác. Một mình anh làm sao lấy lại công bằng cho cả xã hội đã thối nát. Anh đã không có cơ hội tìm thấy ánh sáng của cách mạng như Mười Trí, Ba Mạnh của Người Bình Xuyên(**) để tự thay đổi cuộc đời mình và thay đổi cả xã hội mà anh suốt đời ưu tư vì nó. Bế tắc và tuyệt vọng, người hùng vang bóng một thời Tư Bạch đành phải tự giải thoát mình bằng cái chết! Một kết thúc buồn, nhưng không thể khác hơn. Cũng giống như cái kết thúc đầy bi kịch của 108 anh hùng Lương Sơn bạc ngày xưa...!♦
(*) Tiểu thuyết của Vũ Hạnh, NXB Văn hóa - Văn nghệ, 8-2020.
(**) Tiểu thuyết của Nguyên Hùng, NXB Công an Nhân dân, 2017