HV154 - Người thầy lỗi lạc của văn hóa Việt Nam – Chu Văn An (1292 - 1370)

Tranh vẽ Chu Văn An (Tư liệu của Bảo tàng lịch sử Việt Nam)

Thời Lý ở nước ta, đạo Phật phát triển mạnh, xem như là quốc giáo. Đến đời Trần, các vua Trần như Thái Tông, Thánh Tông, Nhân Tông đều theo đạo Phật nên vị thế của Phật giáo vẫn còn rất lớn. Nhưng từ giữa thế kỷ 13 thì xã hội biến động, trong nước loạn lạc, kinh tế sa sút, triều đình biến động. Xét cho cùng thì đó là vì chế độ đại điền trang đã không còn thích ứng với tình hình nữa, không khuyến khích sản xuất được nữa. Lúc đó, Phật giáo suy thoái mà Nho giáo nổi lên. Các Nho sĩ công kích mãnh liệt những tệ đoan trong xã hội. Vào cuối thời Trần thì Chu Đường Anh, Nguyễn Phi Khanh, Trần Nguyên Đán… đã có những câu thơ ưu thời mẫn thế. Chu Đường Anh viết “Nếu vua biết quý người như ngựa/ Đâu đến nhân dân phải khốn cùng”, Trần Nguyên Đán viết “Hạn rồi qua lụt đã bao phen/ Đau nỗi đồng điền lúa chẳng lên/ Quyển sách hóa ra tờ giấy nát/ Bạc đầu luống phụ với dân đen”. Chu Văn An là một nhà Nho học vấn sâu sắc rộng rãi được mọi người kính trọng, giữa thời loạn lạc đó, giữa lúc nền giáo dục gần như nghiêng đổ, ông được vua mời ra nhậm chức Quốc Tử Giám tư nghiệp. Nghe tin này, Tư đồ Trần Nguyên Đán có bài thơ mừng “Học hải hồi lan tục tái thuần,/ Thượng tường Sơn Đẩu đắc tư nhân./ Cùng kinh bác sử công phu đại, /Kính lão sùng Nho chính hóa tân./ Bố miệt mang hài quy vĩnh nhật,/ Thanh đầu bạch phát dục Nghi xuân. Huân Hoa chỉ thị thùy thường trị,/ Tranh đắc Sào, Do tác nội thần!” (Ý nói: Làn sóng bể học đã nghiêng đổ mà ngăn lại được, phong tục lại trở lại thuần hậu như xưa. Nhà quốc học đã có một vị danh sư có danh vọng như Thái sơn Bắc đẩu. Đọc khắp các kinh sử, công phu rất lớn, kính lão, sùng Nho làm cho chính trị và giáo hóa đổi mới, tiên sinh ra làm tư nghiệp chẳng khác gì bốn ông già ở núi Thương Sơn ra giúp nhà Hán. Đầu xanh đầu bạc thầy trò vui thú đi tắm sông Nghi vào mùa xuân. Đời Nghiêu Thuấn thái bình rũ áo trị thiên hạ nào có mời được bậc cao sĩ như Sào Phủ với Hứa Do ra làm nội thần như ngày nay đâu!). Ta thấy Trần Nguyên Đán đã hết lời ngợi ca Chu Văn An. Tất cả các điển cố, chữ nghĩa dành cho một Nho sĩ đều đã được ông dùng. Đọc đoạn văn sau đây trong Đại Việt sử ký toàn thư nói về Chu Văn An ta sẽ thấy lời ngợi ca của Trần Nguyên Đán là thỏa đáng.

Quốc Tử Giám tư nghiệp Chu An mất, được truy tặng tước Văn Trinh công, ban cho tòng tự ở Văn Miếu.

An (người Thanh Đàm)(*), tính cương nghị, thẳng thắn, sửa mình trong sạch, bền giữ tiết tháo, không cầu lợi lộc. Ông ở nhà đọc sách, học vấn tinh thông, nổi tiếng gần xa, học trò đầy cửa, thường có kẻ đỗ đại khoa, vào chính phủ. Như Phạm Sư Mạnh, Lê Bá Quát đã làm Hành khiển mà vẫn giữ lễ học trò, khi đến thăm hỏi thầy thì lạy hỏi ở dưới giường, được nói chuyện với thầy vài câu rồi đi xa thì lấy làm mừng lắm. Kẻ nào xấu thì ông nghiêm khắc trách mắng, thậm chí la hét không cho vào. Ông là người trong sạch, thẳng thắn, nghiêm nghị, lẫm liệt đáng sợ đến như vậy đấy. Minh Tông mời ông là, Quốc Tử Giám tư nghiệp, dạy thái tử học. Dụ Tông ham chơi bời lười chính sự, quyền thần nhiều kẻ làm trái phép nước, An khuyên can, [Dụ Tông] không nghe, bèn dâng sớ xin chém bảy tên nịnh thần, đều là những kẻ quyền thế được vua yêu. Người bấy giờ gọi là “Thất trảm sớ”. Sớ dâng lên nhưng không được trả lời, ông liền treo mũ về quê. Ông thích núi Chí Linh, bèn đến ở đấy. Khi nào có triều hội lớn thì đến kinh sư. Dụ Tông đem chính sự trao cho ông, ông từ chối không nhận. Hiến Từ Hoàng thái hậu bảo: ‘Ông ta là người không thể nào bắt làm tôi được, ta sai bảo thế nào được ông ta?’.

Vua sai nội thần đem quần áo ban cho ông. Ông lạy tạ xong, liền đem cho người khác hết. Thiên hạ đều cho là bậc cao thượng. Đến khi Dụ Tông băng, quốc thống suýt mất, nghe tin các quan đến lập vua, ông mừng lắm. Chống gậy đến xin bái yết, xong lại xin trở về quê, từ chối không nhận chức gì.

Vua sai quan đến tế, ban tặng tên thụy, ít lâu sau có lệnh cho tòng tự ở Văn Miếu…”.

Đại sứ Hoa Kỳ Daniel Kritenbrink vừa qua đến thăm Văn Miếu - trường đại học đầu tiên của nước Việt Nam cổ đại, nơi có thờ tượng Chu Văn An - cũng xúc động vì nền văn hiến lâu đời của nước ta. Chu Văn An chính là biểu trưng cho nền giáo dục và văn hóa nước ta, là Thái Sơn, Bắc Đẩu trong làng quốc học.♦


(*) Chu An hay Chu Văn An (1292 - 1370), quê ở thôn Văn, xã Thanh Liệt, huyện Thanh Trì, Hà Nội. Huyện Thanh Đàm đời Lê là huyện Thanh Trì ngày nay. Đời Lê trung hưng, vì kiêng húy Thế Tông là Đàm, mới đổi Thanh Đàm thành Thanh Trì.



                                                                                   Đại Nội - Huế

Thành lập Hội Nghiên cứu và phát triển di sản văn hóa Huế

Ngày 3-9-2020 vừa qua, UBND tỉnh Thừa Thiên Huế đã ra Quyết định cho phép thành lập Hội Nghiên cứu và phát triển di sản văn hóa Huế. Hội được thành lập từ đề xuất của các nhà hoạt động văn hóa: Nguyễn Đắc Xuân (nhà nghiên cứu), Mai Thị Trà (nhà giáo, chuyên gia ẩm thực), Trần Nguyên Vấn (Chủ nhiệm CLB Văn hóa Huế tại Hà Nội), Trần Đình Sơn (nhà nghiên cứu lịch sử văn hóa, cổ vật), Hồ Viết Vinh (giảng viên ĐHKT TP.HCM, chuyên gia quy hoạch đô thị).

Hội là một tổ chức xã hội của mọi công dân Việt Nam, có tình yêu đối với Huế và yêu di sản văn hóa Huế; hoạt động trong lĩnh vực sưu tầm, nghiên cứu, phát triển di sản, tham gia phản biện và bảo vệ các thành tựu văn hóa của dân tộc để lại ở Huế, góp phần làm cho Huế ngày càng đẹp hơn và luôn giữ được những giá trị văn hóa đặc trưng vốn có trong lòng nhân dân Việt Nam cũng như bạn bè quốc tế; tự nguyện thành lập, nhằm mục đích tập hợp, đoàn kết hội viên, bảo vệ quyền, lợi ích hợp pháp của hội viên, hỗ trợ nhau hoạt động có hiệu quả, góp phần cùng với chính quyền hoàn thành sứ mệnh bảo vệ và phát huy giá trị di sản văn hóa Huế.♦

NGUYỄN ĐẮC XUÂN

 

HỒNG NGỰ