Tiễn bạn, Vương Xương Linh viết: “Đêm qua mưa lạnh vào Ngô/ Sớm nay núi Sở, tôi đưa tiễn người/ Lạc Dương, người chuyển lời tôi/ Tấm lòng băng tuyết vẫn nơi ngọc hồ” (Lầu Phù Dung, tiễn Tân Tiệm). “Nhất phiến băng tâm tại ngọc hồ” - Một tấm lòng tinh khiết như băng còn mãi trong hồ ngọc - phải là phẩm chất cao quý nhất của kẻ sĩ. Nó bất di bất dịch. Có ai lại không mong có một người bạn như vậy? Cũng thi sĩ này, đã viết về người con gái hái sen: “Lá sen, quần lụa một màu/ Hoa hồ lại lẫn với màu mặt hoa/ Chợt nghe người cất tiếng ca/ Mới hay rằng, giữa muôn hoa có người” (Bài ca hái hoa sen). “La quần” là “quần lụa”. Nơi vương giả không dùng chữ “quần” (có lẽ là “xiêm” chăng?), vậy thì nơi thi sĩ ngoạn cảnh là nơi không vương giả nhưng cũng không bình dân lam lũ? Dẫu sao, bài thơ thật là đẹp! Ông cũng viết về nỗi buồn khổ của cung phi rất xuất sắc: “Ngô đồng bên giếng, vàng lên lá/ Sương sa, không dám cuộn rèm châu/ Gối ngọc, lò hương, tàn nhan sắc/ Mỗi giọt thu rơi, một giọt sầu” (Khúc ca mùa thu trong cung Trường Tín). Đấy là với những cung phi đã “tàn nhan sắc”! Còn những mỹ nhân “đương thì” - “Phù dung còn thẹn trước dung nhan” - thì sao? Ông viết: “Phù dung còn thẹn trước dung nhan/ Gió về, thu điện ngát muôn hương/ Đưa quạt, nén lòng che mặt ngọc/ Cầu trăng đừng lặn đợi quân vương” (Khúc thu oán ở Tây Cung). Đến bài Khuê oán (Lời than thở trong phòng khuê), thì kiệt xuất: “Có người vợ trẻ vô tư lự/ Ngày xuân trang điểm bước lên lầu/ Nhìn liễu nõn nà bên lối nhỏ/ Tiếc để chồng đi kiếm tước hầu”. Ở Việt Nam ta, khi Nguyễn Gia Thiều viết “trường ca” có một không hai về nỗi lòng cung nhân - Cung oán ngâm khúc - hẳn đã rất đồng điệu với thi sĩ này.
Không ra làm quan, an nhàn, tài hoa - tài tử, Mạnh Hạo Nhiên là một “thương hiệu” lớn thời Thịnh Đường, Lý Bạch còn phải làm thơ tặng và gọi ông là “Phu tử”. “Người chợt tỉnh giấc xuân/ Chim quanh nhà ríu rít/ Đêm qua mưa gió về/ Hoa rụng nhiều hay ít?” (Sớm xuân) - chỉ nghĩ đến hoa khi mưa gió về - bài thơ điển hình cho phong cách Mạnh Hạo Nhiên. “Thuyền về bãi vắng bên sông/ Chiều trong khói sóng, sầu trong dạ người/ Đồng không, cây chạm tới trời/ Sông xanh, trăng xuống bên người mà xanh” (Chiều tối, nghỉ trên sông Kiến Đức), lại là một ví dụ nữa của phong cách ấy. Vào núi thăm bạn, ông viết: “Nước đầm trong như lọc/ Cát trắng phơi đôi bờ/ Ai buông cần bên trúc/ Ai trong lều ngâm thơ/ Chuyện qua đêm chẳng hết/ Ban mai còn hải hồ/ Nhan Hồi xưa không rượu/ Chẳng thành hiền đấy ư?” (Vào Tây Sơn thăm Tân Nhạc) - thật tao nhã, cao khiết! Nể phục, thân thiết với Vương Duy - danh thi, danh hoạ đương thời - ông từ biệt bạn: “Chỉ quạnh hiu ở lại/ Ngày từng ngày trôi qua/ Cỏ thơm dù mong hái/ Bạn đâu còn bên ta/ Lên đường cùng ai nhỉ/ Tri âm hiếm lắm mà/ Về cài then cửa cũ/ Giữ vô thanh trong nhà” (Thơ từ biệt Vương Duy). Chữ thật là đạm! Tình phải sâu bền lắm, phải hiểu cốt cách nhau lắm, mới viết thế được. Đóng cửa, cài then để giữ lại cho riêng mình, sự tịch mịch - cô quạnh khi xa bạn. Ai có tri kỷ mà chẳng cảm động trước cách hành xử ấy?
Không thể khác, Vương Duy, bạn thân của Mạnh Hạo Nhiên, người mà đời sau bình rằng “Thi trung hữu họa - Họa trung hữu thi” (Trong thơ có họa - Trong họa có thơ), viết thơ tiễn bạn: “Sớm xuân mưa bụi Vị Thành/ Liễu xanh càng lại thêm xanh bên nhà/ Chén này xin cạn cùng ta/ Dời Dương Quan, hỏi ai là cố nhân?” (Khúc hát Thành Vị - Thành Trường An). Bài này, sau hóa bài cửa miệng khi các bậc trí giả - thi gia tiễn biệt nhau. “Tây xuất Dương Quan vô cố nhân” - Anh đi về phía Tây, qua ải Dương Quang rồi, anh còn tìm đâu ra “cố nhân” nữa - câu thơ vừa hay, vừa kiêu! Đến bài Tiễn biệt, thì tình gọi ý, nay gọi xưa, người gọi trời, thân thương mà đau đớn: “Xuống ngựa cùng nâng chén/ Hỏi anh đi về đâu/ Anh bảo, không vừa ý/ Về Nam Sơn giải sầu/ Rõ rồi, không hỏi nữa/ Mây trắng đầy trời sâu”. Phải biết lòng nhau lắm mới “không hỏi nữa”. Mây trắng đầy trời bay bao đời, nay vẫn vậy - luật trời to thật! Cáo quan về làm nhà ở cửa thung Mạnh Thành, ông cảm thán trước cảnh trời, dấu người: “Ta về với cửa thung này/ Ai đi, để lại vài cây liễu già/ Rồi ai sẽ đến sau ta/ Nhìn cây người trước sao mà buồn tênh” (Thung Mạnh Thành). Phải, đất như thời gian, người đến ở đó thay nhau như những tờ lịch - đổi thay, kế tiếp, còn mất, trước sau... thật u u âm âm! Đón người ở quê ra, việc đầu tiên thi nhân hỏi, là khi rời nhà, cây mai mùa lạnh (hàn mai) bên song xưa đã nở hoa chưa: “Từ làng ra anh biết/ Chuyện quê nhà nắng mưa/ Ngày đi, bên song lạnh/ Mai đã nở hoa chưa?” (Thơ vặt) - Vương Duy tao nhã nhất trong những người tao nhã. Đến bài Quán trúc mận thì sự tao nhã càng thêm rõ: “Mình ta ngồi dưới bóng cây/ Chơi đàn thổi sáo xa bay khắp rừng/ Rừng sâu, đất rộng, người không/ Chỉ vầng trăng sáng đến cùng thi nhân”. Đến bài Khe chim kêu, thì “bộ tổ tôm” thơ tứ tuyệt uyển nhã của Vương Duy đã hội đủ quân: “Người nhàn, hoa quế rụng/ Núi mơ màng đêm xuân/ Trăng mọc, chim rừng sợ/ Kêu trong khe mấy lần”. Hai câu sau thật dung dị, và chính sự dung dị ấy làm nên sự kỳ tài của tác giả. Ta hãy xem thêm mấy “quân bài” ấy nữa của ông: “Đào hồng, mưa đêm còn ngậm/ Liễu xanh đã đầm sương mai/ Hoa rụng, gia đồng chưa quét/ Chim kêu, sơn khách mơ dài” (Bốn câu sáu chữ). Chẳng phải là đã rất “thi trung hữu họa” đó ư? Hoặc: “Ngày ngày, người già đi/ Năm năm, xuân lại đến/ Có rượu là vui rồi?/ Kệ hoa bay bên chén” (Lời tiễn xuân) - an nhiên đến thế là cùng! Hoặc: “Núi vắng, người không thấy/ Chỉ nghe được tiếng người/ Rừng sâu, chiều hắt nắng/ Trên rêu xanh ngời ngời” (Trại gỗ), thì là thơ hay họa? Vương Duy sùng Phật. Có phải vì thế mà thơ ông phảng phất thơ Thiền? Hay là ông nhìn đời giống như ẩn sĩ Thôi Hưng Tôn, mà ông từng đề thơ tặng khi thăm nhà ông này trong núi: “Cây cao bóng cả trùm bốn mặt/ Rêu xanh, chiều xuống, không bụi đời/ Dựa tùng, xõa tóc, hai chân duỗi/ Thế gian không bõ để ta chơi” (Đi cùng viên ngoại Lô Tượng, qua lều cỏ của Thôi Hưng Tôn) - chán thế gian rồi, nay gặp không gian “không bụi đời”, gặp thêm ẩn sĩ “Dựa tùng, xõa tóc, hai chân duỗi”, thì “Thế gian không bõ để ta chơi” là phải!
Kể thơ thời Thịnh Đường, không thể không kể đến thơ Thôi Hiệu, với bài Hoàng Hạc lâu khét tiếng: “Hạc vàng ai cưỡi đi đâu/ Mà đây Hoàng Hạc riêng lầu còn trơ/ Hạc vàng bay mất từ xưa/ Nghìn năm mây trắng bây giờ còn bay/ Hán Dương sông tạnh cây bầy/ Bãi xa Anh Vũ xanh đầy cỏ non/ Quê hương khuất bóng hoàng hôn/ Trên sông khói sóng cho buồn lòng ai” (Tản Đà dịch). Một bài cao thủ, đủ thành cao thủ!
Cũng hoài cổ, cũng ngậm ngùi vì “Bãi bể nương dâu”, Sầm Tham, một nhà thơ “lực lưỡng”, viết: “Chiều tối, quạ bay đầy Đông Uyển/ Xa trông, tiều tụy đôi nóc nhà/ Người bỏ đi rồi, cây chẳng biết/ Xuân về còn vẫn đứng đơm hoa” (Cảnh xuân ở Sơn Phòng Đông Uyển). Cây cối thì “vô tư”, cứ gặp xuân là hoa, là phấn. Đâu biết nhân gian thay đổi lắm rồi! Đông Uyển (Vườn Đông) cũng còn gọi là Vườn Lương, do Lương Hiếu Vương, con vua Lương Vũ Đế (502 - 550) đời Lục Triều xây ở thành núi Thư Dương để chiêu mộ hào kiệt. Sầm Tham sành thơ biên tái (biên ải) nên viết thế về nơi này. Ông còn đến Phong hỏa đài Mục Túc ở Tân Cương, bên ngoài Ngọc Môn Quan, và viết về lính thú nơi đây: “Biên ải, xuân về bên Mục Túc/ Hồ Lư sông lạ, lệ đầm khăn/ Vợ xa thương nhớ mà không biết/ Lòng kẻ chinh nhân cũng chết dần” (Bên Đài Phong hỏa Mục Túc, viết gửi người nhà) - viễn chinh, viễn trú, đâu chỉ làm chinh phụ đau? Sầm Tham “đi trước thiên hạ”, nói hộ chinh phu. Ông tả, vào loại hạng nhất, cảnh hành quân trên sa mạc tây Trường An xưa: “Lên yên định tới cuối trời tây/ Trăng tròn hai bận soi dặm dài/ Đêm nay biết ngủ nơi nào được/ Chỉ cát. Không người. Không khói bay” (Viết trong sa mạc). Bài điển hình về sa trường của ông là bài Bài hành sông Tẩu Mã, phụng mệnh vua, viết tiễn đại phu họ Phong xuất quân đánh giặc phía tây: “Anh thấy không: Sông Tẩu Mã chảy bên bể tuyết/ Sa mạc, cát vàng lên lưng trời/ Luân Đài, gió thu đêm gầm thét/ Dọc sông, đá cuội như đấu nằm/ Theo gió lăn đi đầy mặt đất/ Ngựa Hồ béo trong mùa cỏ vàng/ Kim Sơn, gió tây tung bụi khuất/ Tướng Hán xuất chinh nhằm hướng này/ Đêm cũng như ngày, không cởi giáp/ Giáo gươm sắc lạnh khua lanh canh/ Gió buốt tựa dao nào cắt mặt/ Mồ hôi hóa tuyết trên ngựa rồi/ Sờ đến, yên cương cứng như sắt/ Hịch đang thảo dở, mực thành băng”. “Chủ nghĩa hiện thực” ở đây, ít ai bì được! Sau này, chỉ có Tây Tiến của Quang Dũng là vừa có cái hiện thực kiểu ấy (Dốc lên khúc khuỷu, dốc thăm thẳm/ Heo hút cồn mây súng ngửi trời/ Ngàn thước lên cao, ngàn thước xuống…/ Chiều chiều oai linh thác gầm thét/ Đêm đêm Mường Hịch cọp trêu người.../ Rải rác biên cương mồ viễn xứ.../ Áo bào thay chiếu anh về đất) vừa có cái lãng mạn của anh lính học sinh (Nhớ ôi Tây Tiến sương lên khói/ Mai Châu mùa em thơm nếp xôi/ Doanh trại bừng lên hội đuốc hoa/ Kìa em xiêm áo tự bao giờ.../ Đêm mơ Hà Nội dáng kiều thơm). Cũng vì thế mà Tây Tiến của Quang Dũng mềm mại hơn, thân tình hơn, cụ thể hơn với chúng ta. Sầm Tham tả cảnh lính đồn trú ở “trời Hồ”: “Gió bấc tràn qua, cỏ trắng gẫy/ Thu đến, trời Hồ đầy tuyết bay/ Rồi gió xuân về một đêm nọ/ Ngàn vạn cành lê hoa nở đầy/ Gió lọt rèm châu, màn trướng ướt/ Áo cừu, chăn ấm không đủ dày/ Cung sừng cứng lại không giương được/ Còn mặc làm sao giáp sắt đây/ Hãn Hải băng dày trăm trượng vỡ/ Buồn phủ lên trời vạn dặm mây/ Trung quân đặt tiệc đưa chân khách/ Đàn sáo Hồ - Khương vang trời tây/ Tuyết chiều cửa trại tơi bời rắc/ Cờ hồng băng đóng cũng thôi bay” (Bài ca tuyết trắng, viết tiễn Vũ phán quan về kinh). Sầm Tham quả là nhà thơ cự phách của chiến trận, biên ải!♦
* Những câu thơ bằng tiếng Việt trong bài do Đỗ Trung Lai dịch. Bài 1 đăng trên Hồn Việt số 145 (tháng 3-2020).