Đang công tác ở Đài phát thanh miền Nam Trung Bộ, cuối năm 1952, Trương Gia Nhẫn được chọn đi học ngành y ở Việt Bắc. Những tưởng khi tốt nghiệp, anh sẽ nối nghiệp người cha là bác sĩ Trương Gia Thọ, học ở Pháp. Sau Cách mạng tháng Tám 1945, anh làm Giám đốc Quân y Quảng Nam rồi Giám đốc Sở Y tế Hà Nội. Bất ngờ, tháng 7-1954, Hiệp định Genève được ký kết, nước ta tạm thời chia làm hai miền. Miền Bắc thuộc quyền chính phủ Việt Nam Dân chủ Cộng hòa. Một Ủy ban quốc tế giám sát và kiểm soát việc thi hành hiệp định đình chiến sẽ vào miền Bắc, và đặt nhiều tổ công tác cố định ở nhiều nơi. Mỗi tổ gồm các sĩ quan Ấn Độ, Ba Lan, Canada do Ấn Độ làm trưởng.
Phải tìm gấp người biết tiếng Anh để làm phiên dịch. Thời đó, tìm được người thông thạo tiếng Anh là rất khó. Trương Gia Nhẫn cùng bốn bạn đồng học trường y được chọn đi làm phiên dịch. Anh được phân công làm ở các tổ đóng tại Lạng Sơn, Đồng Đăng, Lào Cai. Sau chín năm “trấn thủ lưu đồn” ở các cửa khẩu biên cương, đến năm 1963, anh được điều về làm phiên dịch ở Bộ Ngoại giao.
Mặc dù được đánh giá là một cán bộ phiên dịch đã hoàn thành nhiệm vụ xuất sắc ở các tổ chức quốc tế giám sát và kiểm soát đình chiến, nhờ khi học ở trường Quốc học Huế, anh đã học tiếng Pháp và tiếng Anh rất cơ bản, chính quy, nhưng anh biết vốn ngoại ngữ ấy chưa đủ để làm “nghề phiên dịch”. Anh thấy phải khổ luyện, trau dồi tay nghề, học nữa, học mãi. Suốt mấy mươi năm liền không lúc nào anh xa rời các ngoại ngữ mà anh đang sử dụng. Được tín nhiệm về chính trị, năm 1950, ở tuổi 21 anh đã được kết nạp vào Đảng, anh được tin dùng và liên tục được giao nhiều công việc khó khăn. Tại Bộ Ngoại giao, anh thường được giao đi dịch tiếng Anh cho các vị lãnh đạo cấp cao: bộ trưởng, thủ tướng, các đoàn khách nước ngoài, cả ngoại giao nhà nước và ngoại giao nhân dân. Rất nhiều lần anh đi dịch ở các hội nghị quốc tế như: Thế vận hội các nước mới trỗi dậy (GANEFO) ở Indonesia năm 1963, Hội nghị nhà văn Á - Phi năm 1967 ở Beirut (Lebanon), Hội nghị các nước không liên kết ở Zambia, Hội nghị khoa học các nước châu Á - châu Phi ở Bắc Kinh, Hội nghị Phật giáo châu Á ở Mông Cổ, cuộc đàm phán về thềm lục địa với các nước bạn năm 1982… Đường anh bay đi làm nhiệm vụ dọc ngang không biết bao nhiêu lần trên bầu trời Á, Âu, Phi, Mỹ. Hai nhiệm kỳ làm việc ở các đại sứ quán ta ở Ai Cập, Thụy Điển, ngoài công việc phiên dịch, anh còn kiêm luôn cả các công việc lễ tân, lãnh sự.
Sau khi nghỉ hưu ở tuổi 64, anh còn tiếp tục làm việc ở văn phòng UNICEF (Quỹ Nhi đồng Liên Hiệp Quốc) tại Hà Nội hàng chục năm liền, rồi làm cộng tác viên viết và dịch cho tạp chí Tìm hiểu Việt Nam và nhà xuất bản Thế giới. Ở đây, anh đã dịch các tài liệu thuộc nhiều lĩnh vực khác nhau, kể cả Đông y, quân sự cổ đại, các bài viết về Hải Thượng Lãn Ông, Trần Hưng Đạo, Lý Thường Kiệt… Có lần chỉ trong một kỳ tạp chí (mỗi tháng một kỳ) bài của anh đã chiếm một nửa số (70 - 80 trang).
Vừa làm vừa học, anh đã tích lũy một vốn từ ngữ, ngoại ngữ rất phong phú thuộc nhiều khoa, nhiều ngành khác nhau, kể cả châm ngôn, tục ngữ, thành ngữ, tiếng lóng, nói lái… Riêng tên gọi các món ăn, các loại rau quả mà từ điển nước ta còn nhiều chỗ chưa thống nhất, anh vẫn tra cứu, ghi chép, học thuộc lòng hàng trăm từ có nhiều cách dùng khác nhau để ứng phó nhanh nhạy, kịp thời, nếu không thì bí, phải giải thích dông dài.
Dịch viết hay dịch nói đều có những khó khăn, có lúc rất gay go. Lần Đại hội Đảng thứ IV năm 1976, anh được chọn đi dịch văn kiện Đại hội. Bị “nhốt” vào khu vực “cấm” gần 3 tháng, ngày nào cũng dịch, cũng quay cuồng với tài liệu. Ngoài việc bảo đảm dịch chính xác nội dung, còn phải trau chuốt câu văn cho tinh tế, sâu sắc. Khó hơn nữa là bị “thả bom”. Tài liệu dịch xong, rất kỹ lưỡng nộp lên rồi, bỗng có lệnh phải dịch lại nhiều trang, nhiều đoạn vì văn bản đã sửa khác rồi! Có đến năm lần bảy lượt như vậy, mà lần nào cũng “thậm cấp” sửa ngay.
Trong mấy ngày Đại hội, các bài phát biểu tại Đại hội đều có đưa trước và đều dịch ra các thứ tiếng Anh, Pháp, Đức, Nga. Nhưng vào giờ chót vẫn phải rà soát lại xem có sửa đổi gì không. Phiên dịch cứ phải chực sẵn để bám theo văn bản và thường là dịch gấp. Đối với những bài phát biểu của các vị lãnh đạo nước ta ở lễ đài và cuộc diễu hành nhân ngày Quốc khánh, bản gốc tiếng Việt luôn bị sửa đổi vào phút “bù giờ”, gây khó khăn cho người phiên dịch. Mỗi bài diễn văn phải qua tay bốn năm vị ở Trung ương và mỗi tầng nấc như thế đều có sửa đổi, thêm bớt mất rất nhiều thì giờ, đến mức không còn đủ thời gian để dịch nữa! Mà yêu cầu là tại lễ đài phải có sẵn bản dịch tiếng Anh, in sạch sẽ trước giờ khai mạc. Nên nhớ đây là buổi lễ long trọng, có nhiều quan khách nước ngoài đến dự. Nhưng trước đó vài ba tiếng, bài vở vẫn chưa xong, lúc 3-4 giờ đêm, khi phiên dịch còn trực ở phòng đánh máy, thì văn bản còn chờ hoàn chỉnh. Phải chờ đến lúc ở bản gốc tiếng Việt không còn chỉnh sửa gì nữa thì mới bắt tay sửa bản tiếng Anh. Rồi còn phải đưa đánh máy và in ra. Với cái máy gõ chữ lốc cốc của ta ngày xưa, phải vứt hết bản cũ, đánh máy lại hết từ đầu, chứ không phải sửa mau chóng trong máy vi tính như bây giờ.
Một lần anh làm phiên dịch cho đoàn của chính phủ ta đi đàm phán về Thềm lục địa giữa ta và Indonesia. Trong việc chuẩn bị văn bản tiếng Anh ở Hà Nội, có một khó khăn trước sau gì cũng phải giải quyết. Đó là nội dung phát biểu cụ thể lập trường của ta, có một thuật ngữ về hải dương học, người ngoài ngành không biết chuyên môn thì nghe đến tên tiếng Việt, thấy không có gì khó: “rãnh sâu dưới đáy biển” vì nghĩ rằng chỉ là ghép mấy chữ rất dễ hiểu lại thành một thuật ngữ chuyên môn đó. Nhưng ở ngôn ngữ khác, nó là một từ khác hẳn. Phải có từ điển hải dương học tiếng Anh thì mới hòng tìm ra được cái từ tiếng Anh này. Tìm ở các từ điển phổ thông thì không thể nào có được. Nó là một từ tiếng Anh nhưng hoàn toàn mượn ở tiếng Đức sang. Mất mấy ngày đọc và tìm trong Bách khoa toàn thư Anh (Encyclopedia Britannica) gồm 32 tập dày cộp mới tìm thấy. Khi anh báo cáo với trưởng đoàn chính phủ ta là từ nói về “rãnh sâu dưới đáy biển” là “thaiwey” mà anh đã tìm được, đồng chí trưởng đoàn chưa tin ngay. Đành chờ bên binh chủng Hải quân lục tìm trong sách vở của Mỹ xem sao. Khi nghe bên ấy xác nhận là tốt, đồng chí mới tin. Một việc tưởng là đơn giản nhưng phải rất công phu và chính xác.
Năm 1964, anh làm phiên dịch cho Đoàn đại biểu Chính phủ Cách mạng Lâm thời miền Nam Việt Nam do GS Nguyễn Văn Hiếu dẫn đầu sang dự hội nghị khoa học của khối Á - Phi họp ở Bắc Kinh. Tại cuộc mít tinh nói chuyện với các nhà khoa học cấp cao Trung Quốc, GS Nguyễn Văn Hiếu nói tiếng Pháp còn anh dịch sang tiếng Anh. Khi ông Hiếu nói về “thế cài răng lược” giữa ta và địch trên chiến trường miền Nam Việt Nam, anh hơi ấm ứ một tí, phải moi óc mới nhớ được chữ “cài răng lược” tiếng Anh là “imbricate”, một chữ khó về quân sự (ở tiếng Pháp, nó là “chevaucher” hay “empiéter”). Nếu bí chữ đó thì phải nói dài dòng mới lột tả được cái hình thái đó của trận địa.
Ở nhiều nước, việc phiên dịch được chuyên môn hóa theo ngành và lĩnh vực khoa học nhất định. Ở nước ta, gặp vấn đề gì, người phiên dịch cũng cứ phải dịch hết. Bản thân người phiên dịch nếu thấy mình yếu ở lĩnh vực nào thì phải tự lo liệu, lo học hỏi sao cho ít phải gặp khó khăn. Do chịu khó học hỏi, Trương Gia Nhẫn đã thông thạo rất nhiều từ thuộc nhiều ngành: giáo dục, nuôi dạy trẻ, y tế, kinh tế… Anh đã dịch nguyên cả cuốn sách thuộc nhiều đề tài và cho nhiều ngành khác nhau: tài liệu về kinh tế 200 trang của Liên Hiệp Quốc, một cuốn sách về các bệnh nhiễm khuẩn của Bộ Y tế, tài liệu về pháp luật liên quan đến trẻ em, về động vật phù du ở biển (rất nhiều tên bằng tiếng La tinh), 300 trang cuốn Nhật ký chiến trường của nhà văn Phan Tứ… Có lần dịch một tài liệu về múa rối nước cho đoàn nghệ thuật Việt Nam đi Mỹ.
Về ngoại giao và chính trị, anh đã dịch các hiệp định về kinh tế, văn hóa, hiệp định đình chiến. Nó dính đến pháp luật rất nhiều, từ ngữ của nó cũng rất đặc biệt, phải nắm, biết thật nhiều, giỏi một ngành nhưng phải biết nhiều biết rộng.
Hôm đại sứ ta đi vào cung vua của Thụy Điển để trình quốc thư, Trương Gia Nhẫn đứng nói chuyện với mấy quan đại thần của nhà vua. Một lát sau, anh được các vị đó đưa vào phòng để chào nhà vua. Mấy ông đại thần giới thiệu anh là nhà ngoại giao Việt Nam mới đến Thụy Điển ba bốn tháng mà đã học được tiếng Thụy Điển. Thế là nhà vua “quật” luôn tiếng Thụy Điển với anh. Anh đã trả lời thông suốt ba bốn câu hỏi, được nhà vua khen và động viên.
Một lần, anh đi với một người Pháp trong đoàn của cơ quan Liên Hiệp Quốc phụ trách châu Á - Thái Bình Dương từ Bangkok sang Việt Nam, vào một cái kho trong cảng Sài Gòn. Lúc quan sát hàng ở đó, có một số thịt hộp đã bị hỏng. Anh đưa hộp thịt bị hỏng cho anh người Pháp, nói với anh ta: Thịt hộp mà phồng lên dữ dội thế này thì trong đó có nhiều trùng Clostridium Botulinum (một loại vi khuẩn gây bệnh botulism, là sự ngộ độc khuẩn có thể gây mù mắt và bại liệt, thường có nhất trong thịt hộp bị hỏng, giộp lên). Anh bạn Pháp nhìn Nhẫn có vẻ ngạc nhiên hỏi tại sao anh lại biết đến loại trùng đó. Anh nói là vì trước anh có học về vi trùng học, học ngành y, nhưng còn dở dang thì đi làm phiên dịch.
Đi chơi trên vịnh Hạ Long với ông giám đốc UNICEF ở Hà Nội, người Anh, thấy một cái đảo nhỏ hình thù rất đặc biệt, thẳng đứng và nhọn chĩa lên trời, gần giống một búp măng, anh nói cái mỏm đá kia giống cái obelisk (trụ đá của Ai Cập thời cổ đại), ông giám đốc hỏi tại sao anh lại biết những chuyện rất ít người biết thế. Một chị người Pháp, thủ trưởng trực tiếp của anh ở cơ quan UNICEF, vào một nhà trẻ ở Ba Vì, thấy một em bé bị co quắp, anh chỉ cho chị ấy thấy và nói tay cháu đó co quắp lạ lùng chưa, anh dùng cái từ “co quắp” ở tiếng Pháp là “recroquevillée”, chị rất lấy làm lạ về sự hiểu biết của anh.
Một hôm trong buổi biểu diễn văn nghệ thính phòng tổ chức để mừng vị khách quan trọng là Tổng giám đốc UNICEF từ New York tới, lúc phải dịch chữ “khập khiễng” trong lời bình của vở diễn cảnh chồng già vợ trẻ. Nghệ sĩ Đàm Liên đeo trên lưng cái hình nộm bằng vải, rõ ràng là một cụ già ngồi lắc lư trên lưng bà vợ, vợ thì khom lưng cõng, trông rất hài hước. Anh cố nhớ để dịch cho đúng cái từ “khập khiễng” trong tiếng Anh là “illassorted”, và tiếng Pháp là “mal-assorti”. Các vị khách nước ngoài khoái lắm, cười tán thưởng vì chữ đó lột tả được rất là sinh động cảnh diễn trên sân khấu, vợ phải cõng chồng đi chơi!
Nhà báo Mỹ Boyd, viết cho New York Times, đi với anh cả tuần, khi gần về, nói với anh: “Tôi thấy ở nước tôi [Mỹ] ai biết ngành nào thì chỉ rành ngành ấy thôi, ngoài ra không biết gì khác, không phải ném vào đâu cũng xong cả. Còn anh, sao ngành nào anh cũng chơi được, anh đi với tôi, đến với quân sự, kinh tế, luật gia, văn nghệ đâu cũng xong, sao vậy?”.
Một lần, một đồng chí của ta gặp tay đôi với một đồng nghiệp Trung Quốc. Ông bạn Trung Quốc nói được tiếng Pháp. Hai ông nói tiếng Pháp với nhau, người phiên dịch tiếng Anh Trương Gia Nhẫn ngồi chơi. Một lát sau, thấy ông Trung Quốc đang bí một chữ tiếng Pháp, Nhẫn đoán được chữ gì, anh nhắc cho luôn, ông ta có vẻ phấn khởi, nhưng còn sợ rằng ông ta chưa tin tưởng cho lắm, anh nói thêm, cũng để cho ông ta thấy rằng anh không nhầm, anh “đệm” luôn tiếng Trung Quốc, chứng tỏ anh hiểu ông ta rất chính xác, ông ta thực sự yên tâm và dùng cái từ tiếng Pháp mà anh đã mớm cho. Đó là từ “miel” (mật ong), tiếng Trung Quốc nói và phát âm là “phưng mí”.
Không những biết nhiều ngoại ngữ, ứng phó chính xác, kịp thời yêu cầu dịch thuật, khiến nhiều người nước ngoài, cả vua chúa, quan chức, trí thức cao cấp đến dân thường hết sức bất ngờ, thú vị, cảm phục, anh còn có nhiều “tài lẻ” dễ dàng hòa nhập với bạn bè quốc tế, rất có lợi cho hoạt động đối ngoại.
Một hôm, ngồi chơi với các bạn Bắc Âu, anh thấy một cô đang đan áo len. Anh bảo đưa áo anh xem thử. Ngắm nghía một lúc, anh bắt đầu đan, đan tiếp, làm như đây là công việc thường ngày của anh. Cả nhóm nam nữ họ đều trố mắt hỏi ai bày cho anh đấy?
Một lần tại Indonesia, vận động viên của ta đi thi đấu ở Thế vận hội GANEFO, được mời đi tham quan một đảo xa. Đi bằng một trực thăng to, cả đoàn Liên Xô cùng đi, tất cả có đến gần 50 người. Đến tối địa phương tổ chức đêm văn nghệ, có ban nhạc. Đội bóng đá của ta có đông đủ. Giữa chừng, anh nhảy lên sân khấu, kéo violon bản Xuân và tuổi trẻ. Anh em cầu thủ của ta hát theo rầm rộ, thú vị quá. Phía bạn thích lắm, thấy ta hòa mình khá lắm, rất cảm tình. Anh em cầu thủ của ta nói với anh: “Ái dà, bây giờ mới thấy cái ‘tài lẻ’ của ông!”.
Có người nghĩ rằng, làm phiên dịch được đi đó đi đây, dự nhiều cuộc tiệc tùng sang trọng, tha hồ thưởng thức sơn hào hải vị khắp nơi. Mấy ai biết được không ít lần, người phiên dịch “chịu đói” đúng nghĩa đen của nó.
Thời kháng chiến chống Mỹ, công tác phí, phụ cấp tiêu vặt cho cán bộ đi ra nước ngoài quá ít ỏi, mỗi ngày với nửa đô la thì chỉ đủ cho một ly cà phê nho nhỏ tại hội nghị lúc về khuya. Năm 1970, Trương Gia Nhẫn đi với bà Nguyễn Thị Bình họp hội nghị các nước không liên kết ở châu Phi. Từ Liên Xô qua Ai Cập rồi đi Ethiopia, cách Cairo 2.424km. Bay thâu đêm, máy bay gặp trắc trở bay đi rồi trở lại Cairo. 1-2 giờ khuya ngồi đợi ở sân bay, bụng đói thấm mệt, không có tiền uống nước. Cả đoàn nhìn nhau. Cuối cùng bà Bình phải “chiêu đãi”, cũng uống nước sơ sơ thôi!
Không ít lần, dự tiệc, ngồi ăn với khách nước ngoài, vẫn phải luôn dịch đầy đủ cho mọi người trong phòng nghe được. Phiên dịch có ăn cũng chỉ để làm vì. Không lý ngồi vào đó mà không ăn. Rất nhiều bữa, thường là sau một buổi hay cả ngày làm việc với khách, đưa khách đi ăn, gặp tình huống như vậy.
Sau khi Sài Gòn được giải phóng, anh dẫn khách đi Vũng Tàu suốt ngày rồi quay về TP.Hồ Chí Minh. Vào một khách sạn rất sang, trong bữa ăn, anh phải dịch cho hơn mười người, đều là cán bộ cao cấp. Đúng phép lịch sự, không thể vừa nhai nhòm nhèm vừa dịch. Bụng đói, người mệt, người hầu bàn cứ phải liên tục bưng dọn đi, món nào cũng thấy anh “chê” hết, không ăn! Tiệc xong, chuyển qua phòng xem văn nghệ. Tan cuộc, về nhà ngủ đói. Hồi đó, anh không nhận được một thứ phụ cấp nào, túi rỗng không. Không dễ gì lúc nào cũng đi ăn tiệm được.
Chuyện vinh quang thuận lợi, khó khăn, gai góc trong đời phiên dịch của Trương Gia Nhẫn còn lắm điều hay không kể xiết.
Biết nhiều ngoại ngữ: Pháp, Anh, Đức, Thụy Điển, Nga, Trung Quốc, Ả Rập…, hơn 50 năm làm phiên dịch, anh luôn luôn hoàn thành nhiệm vụ xuất sắc, có cống hiến nhiều cho công tác đối ngoại của nước nhà. Đến đâu cũng nhận được nhiều cảm tình, kính nể, mến thương, quý trọng của cán bộ, nhân dân, bạn bè, đồng nghiệp trong và ngoài nước.
Người Anh nói về những người phiên dịch uyên thâm, thông thạo nhiều ngoại ngữ, đi đây đi đó, là những “từ điển biết đi”. Trương Gia Nhẫn đúng là một cuốn từ điển biết đi của Việt Nam.♦