HV154 - Văn hào François Mauriac: Lẫy lừng nghề văn nghiệp báo

Năm 2020, tưởng niệm 50 năm ngày qua đời văn hào François Mauriac, báo chí truyền thông Pháp rộ lên giới thiệu bộ “Sổ tay” của ông vừa tái bản lần thứ 3. Tuần báo L’Express số ra ngày 26-8-2020 đăng bài của Thomas Malilera: “François Mauriac - Sự phục sinh huyền thoại củaSổ tay”: Việc tái bản những bài báo của François Mauriac 50 năm sau ngày ông qua đời, chứng minh tượng đài báo chí và văn học ấy không hề có một nếp nhăn”. Một tuần sau, báo điện tử Atlantico quả quyết: “‘Sổ tay’: Mauriac hay là tinh hoa Pháp”. Nhà phát hành sách trực tuyến Amazon xem chừng thực tế hơn trong việc quảng cáo: “Sổ tay”, tập I (1952 - 1962) 1.344 trang, giá 32 euro; tập II (1963 - 1970) 1.344 trang, giá 32 euro, Tủ sách Bouquins, Nhà xuất bản Laffont, Paris.

Nhà văn - nhà báo François Mauriac năm 1945

Nhà văn, nhà báo François Mauriac (1885 - 1970) sớm nổi tiếng với tiểu thuyết Sa mạc tình yêu xuất bản năm 1923, đoạt Giải thưởng lớn về Tiểu thuyết của Viện Hàn lâm Pháp năm 1926. Mười năm sau, khi tuổi đời chưa đạt mốc tri thiên mệnh, ông đã chễm chệ trong một chiếc ghế bành tại Viện Hàn lâm, nơi mấy trăm năm qua tính từ ngày thành lập vốn chỉ dành cho các bậc đại lão tài danh. Năm 1932, tiểu thuyết Thérèse Desqueyroux và một số tác phẩm khác của ông được trao tặng Giải Nobel Văn học.

Từ thập niên 1930, song song với việc sáng tác văn học và với tư cách ngôi sao chính luận của nhật báo Le Figaro phát hành nửa triệu bản mỗi ngày, François Mauriac hiển hiện trên văn đàn Pháp không chỉ như nhà văn - nhà báo xuất sắc nhất thế hệ ông mà hơn thế, “ông là người nói đúng hơn cả, nói cao giọng hơn mọi người”(1). Ông nhấn mạnh cái “tôi” mỗi lần nêu chính kiến. Ông quả quyết báo chí hay phải bắt nguồn từ đối thoại.

Song song với sáng tác văn học, François Mauriac dấn thân vào nghề báo. Trước sau ông cộng tác với cả chục tờ báo và tạp chí hàng đầu của Pháp. Gắn bó hơn cả với nhật báo Le Figaro, tờ báo khuynh hữu có tuổi thọ dài nhất nước Pháp, xuất bản số đầu năm 1826 rồi tồn tại từ bấy đến nay qua gần tròn ba thế kỷ, và tuần báo L’Express nơi hội tụ nhiều nhà báo tên tuổi Pháp từ những năm 1950 trở đi như Jean Daniel, Françoise Giroud...

Thời Pháp kháng chiến chống phát xít, thủ đô Paris và một phần lãnh thổ Pháp bị quân Đức chiếm đóng, hầu hết báo chí Pháp phải đình bản, François Mauriac - một người luôn tự đề cao là nhà tư sản, là con chiên ngoan đạo của Đức Chúa Trời, người sáng sáng vẫn tới nhà thờ quỳ gối chịu lễ cầu kinh, người ngưỡng mộ tới mức sùng bái tướng De Gaulle nhưng vẫn hợp tác với các nhà văn, nhà báo cộng sản Pháp như thi hào Aragon (Chủ nhiệm tuần báo văn học Les Lettres Françaises), nhà báo Pierre Courtade (cây chính luận chủ chốt của nhật báo L’Humanité). Ông dựa vào họ để làm việc, ông thông qua hệ thống phát hành báo chí của họ để quảng bá tác phẩm của mình.

Ông rời nhật báo Le Figaro sang tuần báo L’Express chủ yếu vì tờ báo mới ra đời đang ăn khách này ủng hộ chính khách Pierre Mendès France, người kiên trì đấu tranh đòi nước Pháp phải mau chóng kết thúc cuộc chiến tranh phi nghĩa do chính họ gây nên tại Việt Nam làm kiệt quệ nền kinh tế Pháp, chia rẽ nhân dân Pháp. Với tư cách Thủ tướng, Pierre Mendès France thay mặt nước Pháp ký Hiệp định Genève lập lại hòa bình tại Việt Nam ngày 20-7-1954.

Nhưng rồi một thời gian sau, cho dù gắn bó với nhau, ông vẫn chia tay tuần báo ấy do bất đồng về quan điểm với chủ nhiệm Jean-Jacques Servan-Schreiber, người cực lực phản đối và không tiếc lời phê phán tướng De Gaulle về thái độ bất nhân của ông Tổng thống trước vấn đề Bắc Phi, khi các nước Algeria, Tunisia… hồ hởi trước chiến thắng của Việt Nam ở Điện Biên Phủ, lần lượt đứng lên đấu tranh đòi độc lập tự do. Thế là ông quyết định mang mục “Sổ tay” nổi tiếng của mình quay về với nhật báo Le Figaro và làm việc ở đấy đến cuối đời.

*

Sổ tay” là gì? Là những bài báo thuộc thể loại chính luận hoặc tiểu phẩm, tạp văn do François Mauriac hạ bút theo dòng thời cuộc, xuất hiện đều đều trên báo từ năm 1952 đến 1970 trong chuyên mục “Sổ tay” (Bloc-notes). Ngày 20-5- 1958, François Mauriac báo tin cho vợ: “Tôi đang thích thú làm một thứ ‘Sổ tay thật’, viết lên những trang giấy loại sổ tay gáy xoắn bà vẫn mua cho, xong bài nào là tôi bứt mấy trang vừa viết gửi luôn cho J-J. [chủ nhiệm tuần báo L’Express, tên đầy đủ là Jean-Jacques Servan-Schreiber]”.

Năm 1963, lúc này nhà báo - nhà văn tên tuổi lẫy lừng đã 78 xuân mà vẫn làm báo không mệt mỏi, có một nhóm phóng viên nước ngoài ngưỡng mộ ông đến xin gặp và phỏng vấn. “Các bạn thật khó lòng tin nổi, diệu kỳ xiết bao cho những ai được kết thúc cuộc đời trong nghề báo - François Mauriac nói. Nhờ có báo chí tôi mới tồn tại đây, cho đến hôm nay, trên cuộc đời này. Nghề báo mang lại cho tôi cảm xúc mình vẫn còn sức phục vụ những ý tưởng thân thiết với mình, phục vụ niềm tin, bảo vệ bạn bè thân quý của mình...”.

Làm việc tại tuần báo L’Express, dù chỉ với tư cách cộng tác viên, François Mauriac vẫn tham gia đều đều các buổi giao ban tuần cùng mấy nhà lãnh đạo chủ chốt của báo ấy. Họ cùng nhau điểm lại thời cuộc tuần qua, và quyết định trọng tâm, điểm nhấn cho số báo tuần tới. Nhà báo nữ Françoise Giroud, người từng làm Bộ trưởng Nữ quyền rồi Bộ trưởng Văn hóa Pháp, vốn được độc giả Pháp mến mộ như một người say mê cầm bút “cho đến khi giã từ trần thế(2), nhớ lại:

“Nói là giao ban chuẩn bị số báo sắp ra, nhưng trên thực tế ông đã có sẵn trong đầu cách nhìn của mình, do thường xuyên cập nhật tin tức thời sự qua các đài phát thanh. Ông tới dự giao ban đúng giờ không chê vào đâu được, vóc người thanh mảnh, bước đi nhanh nhẹn, dù vẻ mặt có chút gì đó hơi lạnh lùng. Ông luôn thoải mái trước ý kiến những người khác và ngay cả ý kiến của chính mình, ai nghĩ sao tùy họ. ‘Tôi như con mèo, tôi đã sắp sẵn cái ổ cho mình’ - có lần ông tâm sự”.

Một nhà báo gạo cội khác:

“Khi đang phân vân trước sự lựa chọn nên tiếp tục làm cho tuần báo L’Express hay là quay trở về với nhật báo Le Figaro, có lần ông nói: ‘Sáng sáng, cứ mỗi lần tôi rời căn nhà riêng, cuốc bộ ngang qua đại lộ Champs-Élysées đến với tòa soạn báo (hoặc L’Express hoặc Le Figaro) là coi như thể mình vừa rời tổ ấm gia đình tới phòng riêng của người tình, đâu đâu cũng hạnh phúc’”.

Nhà báo Jean Daniel, người sáng lập và là chủ nhiệm lâu năm tuần báo Le Nouvel Observateur - ông vừa mới qua đời tháng 2 năm nay, thọ tròn 100 tuổi: “Tôi thường chứng kiến cảnh François Mauriac trao bài ‘Sổ tay’ của ông cho những người chịu trách nhiệm tuần báo L’Express. Chúng tôi chuyền tay nhau đọc bài ông vừa viết. Lần nào đọc tôi cũng cảm thấy trân trọng cho dù có khi bất đồng chính kiến. Phong cách báo chí của François Mauriac cho chúng ta thấy: Muốn trở thành một nghệ sĩ lớn tài hoa, trước hết người cầm bút phải thành thạo công việc của mình y như người thợ cả trong ngành thủ công”.

*

Từ 1952 đến 1970, trên tuần báo L’Express rồi trên nhật báo Le Figaro, có bao nhiêu bài “Sổ tay” nay được chọn in vào gần ba nghìn trang sách? Bài nào, dù chính kiến của ông có đúng có sai, cũng đều tỏa sáng. Trong số mấy nghìn bài đã viết, ông tâm đắc nhất hai bài viết nhân hai sự kiện lớn, như ông từng có dịp chia sẻ với bạn bè.

Bài thứ nhất, François Mauriac viết mừng ngày thủ đô Paris giải phóng khỏi ách chiếm đóng của phát xít Đức. Những ngày cận kề giải phóng, các đồng nghiệp vẫn khuyên ông chớ có trở về căn hộ của mình tại Paris, bởi bọn đặc vụ Đức Gestapo vẫn thường xuyên rình rập quanh đấy, chúng vẫn tìm cách kiểm tra xem chiếc máy đánh chữ của nhà văn - nhà báo có được dùng để làm một tờ truyền đơn hay viết một bài báo chống phát xít hay không.

Ngày 19-8-1944, thời gian này ông đang sống tại nhà riêng ở Vémars không mấy xa Paris, bỗng dưng nhận thấy có một đơn vị lính Đức vào vườn nhà mình. Nhà văn cùng cậu con trai cả là Claude vội vàng dọn dẹp tẩu tán các lô truyền đơn kêu gọi kháng chiến mà bạn bè vẫn mang tới giấu nơi đây. Cậu Claude cũng vừa từ một nơi khác về tới nhà mấy tiếng đồng hồ trước, đi bằng xe đạp, mang theo bức thư hỏa tốc của Chủ nhiệm báo Le Figaro Pierre Brisson khẩn khoản yêu cầu ông cộng tác viên viết cho báo bài xã luận chào mừng thủ đô Paris giải phóng, viết ngay lập tức.

Thế là tại ngôi nhà chưa sạch bóng quân thù dù trên danh nghĩa chúng đã đầu hàng, François Mauriac lục xục “cày” xong bài xã luận, bài báo tuyệt vời nhất trong cuộc đời tác nghiệp của ông, bài báo khiến cho ông tự dưng trở thành người phát ngôn của nhân dân Pháp trước sự kiện trọng đại của đất nước. Viết xong, ông đọc cho vợ và các con nghe, trong lúc tại các lối đi trong khu vườn nhà vẫn lố nhố bọn lính Đức, đứa đi lui đi tới, đứa nằm dài ra cỏ - sau ngày giải phóng Paris, chúng còn lưu trú tại đây mười ngày nữa mới rút hết.

Bài xã luận viết: “Cuối cùng chúng ta được gặp lại nước Cộng hòa do ông cha ta lưu truyền cho hậu thế... Cái di sản là nước Pháp này, vốn từng bị phản bội và trao vào tay kẻ thù, đã được ký thác cho tướng De Gaulle (người chỉ đạo cuộc kháng chiến của Pháp chống phát xít), và hôm nay đây ông trao trả nước Pháp cho không riêng những người tư sản chúng ta mà cho toàn thể nhân dân Pháp, trong đó giai tầng nào cũng có đóng góp vô vàn người thuộc giai tầng họ, những người ấy hiện vẫn đang bị địch giam giữ làm con tin hoặc đã tử vì đạo. Nhiệm vụ trước mắt của tướng De Gaulle (trong thời điểm lịch sử này) là duy trì bền vững tại nước Pháp vừa hồi sinh một sự cảm thông sâu sắc giữa các tầng lớp nhân dân, không được quên thảm cảnh: trong các khu mồ chung do bọn đao phủ đào hiện vẫn còn đó, ngổn ngang bên nhau, vô số thân xác những người cộng sản và thi thể các vị cha xứ bị phát xít Đức tàn sát những tháng năm qua”.

Bài báo thứ hai được văn hào tâm đắc là bài viết về Việt Nam, đăng trong mục “Sổ tay” tuần báo L’Express số ra ngày 21-7-1954 (ngay sau đêm chính thức ký kết Hiệp định lập lại hòa bình tại Việt Nam ở Hội nghị Genève, 20-7-1954). Hôm đó nhà văn - ký giả đang kỳ nghỉ hè tại nhà một người bạn vùng biển miền Tây Bắc nước Pháp. Ông nhớ lại: “Vào lúc 7 giờ sáng hôm ấy, đang giữa buổi lễ cầu kinh tại nhà thờ, chợt có một người phụ nữ tách ra khỏi đám con chiên đang quỳ gối chịu lễ tiến đến gần chỗ tôi khom người xuống nói khẽ: ‘Đêm hôm qua Hiệp định ngừng bắn đã được ký kết’. Đêm hôm qua tôi đã nhận được bức điện thông báo cho hay tin ấy. Vậy mà tôi vẫn cảm thấy ngạc nhiên và vô cùng yêu quý lời xác nhận của người đàn bà dân dã sáng sớm hôm ấy bên trong thánh đường...”.

*

Các nhà nghiên cứu sự nghiệp văn học và báo chí của văn hào François Mauriac đều nhận thấy, hầu như ông viết bài báo nào cũng hay, cũng thể hiện đúng phong cách của mình, trong bất kỳ bối cảnh nào cũng có những điểm sáng tỏa lên từ những bài viết không thể lẫn với bài của ai. Có điều, cái nhìn của ông trước các vấn đề thời cuộc thường thiếu sự nhất quán.

Trong kháng chiến chống phát xít, ông chơi thân với các nhà báo, nhà văn cộng sản. Ông mến phục họ. Ông kính trọng họ. Ông dựa vào họ để tác nghiệp. Hòa bình lập lại, ông chống đối họ, ông đả kích họ, đơn giản chỉ vì họ có cái nhìn khác với ông.

François Mauriac trước sau vẫn ngưỡng mộ tướng De Gaulle. Ngày 25-8-1944 (tức ngay sau ngày thủ đô Paris vừa giải phóng, 24-8-1944), ông từng ngợi ca Ông Tướng là nhân vật số 1 trong tất cả những người dân nước Pháp. Vậy mà sang đầu thập niên 1960, trước thái độ của Ông Tướng ấy ủng hộ cánh chỉ huy quân đội thực dân đồn trú tại Bắc Phi thẳng tay đàn áp những người dân bản xứ đứng lên đòi độc lập tự do, trả lời phỏng vấn của hai phóng viên báo Le Monde và báo Le Nouvel Observateur: “Ông nghĩ sao về lời tuyên bố của tướng De Gaulle vừa rồi?”, François Mauriac đáp gọn lỏn: “Tôi phản đối”.


Nhà văn Ilya Ehrenburg​

Trước đó hơn một chục năm, vào giữa thập niên 1930, khi tướng Tây Ban Nha Franco tuyên bố áp đặt chế độ độc tài lên nước ấy, các nhà hoạt động chính trị cánh tả nhiều nước phương Tây cùng lên tiếng phản đối, có cả những đội quân quốc tế tình nguyện sang Tây Ban Nha tiếp sức cho phe dân chủ - trong số người này có những ngọn đuốc sáng như nhà văn Ilya Ehrenburg (Nga), nhà thơ Louis Aragon (Pháp) - François Mauriac lại viết bài xã luận đăng báo Le Figaro kêu gọi Thủ tướng Pháp “Ông Blum ơi, xin đừng can thiệp!”. Léon Blum là người của Mặt trận Bình dân Pháp bấy giờ đang làm Thủ tướng Pháp. Thế nhưng một thời gian sau đó, khi vấn đề ai đúng ai sai dần sáng tỏ, François Mauriac lại kịch liệt lên án tướng Franco, ông vạch trần thái độ của hai trùm phát xít Hitler (Đức) và Mussolini (Ý) hợp sức chống lưng cho viên tướng độc tài.


Nhà thơ Louis Aragon

Một nhà sử học đồng thời là nhà báo lỗi lạc Pháp đã thốt: “Mauriac, trên hết mọi thứ, là một nghệ sĩ”.

Nhà văn François Mauriac là một tài năng thiên phú. Ông đã sáng tạo nhiều tác phẩm văn chương lỗi lạc. Đó là hành trang vô giá không phải bậc tài danh nào về văn học nghệ thuật cũng có thể gom cho mình khi bước sang lĩnh vực báo chí truyền thông. Tuy nhiên - cuối cùng lại khó tránh khỏi tuy nhiên - nhà báo rất cần có tâm hồn nhạy cảm của một nghệ sĩ tài hoa, rất cần có bút pháp điêu luyện của một nhà văn xuất chúng, nhưng với ngần ấy vốn liếng cho dù quý vô ngần, vẫn chưa thể coi là đã đủ hành trang cho bất kỳ ai tự nguyện dấn thân suốt đời vào nghề báo vì nghĩa cả.♦ 

9-2020


(1) Jean Lacouture, Les impatients de l’histoire, giới thiệu sự nghiệp 14 nhà báo xuất sắc nhất nước Pháp từ ngày tờ báo đầu tiên của Pháp ra đời cho đến nay, NXB Bernard Grasset, Paris, 2009.

(2) Phan Quang, Cho đến khi giã từ trần thế, NXB Phụ nữ, 2011.

PHAN QUANG