Ở vào tuổi này, một người bạn thân ra đi là cả một mất mát lớn. Trên con đường đi tiếp, sẽ chẳng còn ai tâm sự, sẽ chẳng còn ai chia sẻ những niềm vui cũng như nỗi buồn. “Trường đồ nhật mộ tân du thiểu” (Đường đi còn dài mà trời đã về chiều, lại không tìm ra bạn mới) - Nguyễn Du.
Tôi với Lê Sơn thân nhau kể cũng đã hơn 50 năm rồi. Cả hai biết kỹ tính tình nhau, chỗ mạnh chỗ yếu của nhau và luôn động viên nhau cố gắng. Lê Sơn là một người làm việc rất say mê. Những bản dịch, những cuốn sách Lê Sơn viết là những cuốn sách cống hiến, được bạn đọc yêu thích, chẳng hạn: nghiên cứu: Về hình tượng nhân vật anh hùng trong văn học Xô viết (viết chung), Còn lại với thời gian; dịch: Một nền văn hóa biết xấu hổ, Không chốn nương thân, Lương tâm nổi giận…
Lê Sơn là một dịch giả tiếng Nga rất kỹ tính và có trình độ cao. Anh không những biết tiếng Nga hiện đại, mà khi dịch những tác phẩm văn học Nga cổ, anh cũng rành. Là một trong 100 học sinh ưu tú được Chủ tịch Hồ Chí Minh gởi đi đào tạo ở Nga năm ấy, năm 1954, Lê Sơn đã học tiếng Nga hoàn hảo, về sau này ở Viện Hàn lâm Khoa học xã hội (Viện Văn học và Viện Thông tin Khoa học xã hội) Lê Sơn luôn luôn là một cột trụ đáng tin cậy về tiếng Nga. Thật không dễ dàng để đi vào một chuyên môn sâu và khó là một nền văn học và văn hóa hay bậc nhất, phong phú bậc nhất thế giới với những tên tuổi lớn cỡ L. Tolstoi. Anh cũng là người đại diện cho Việt Nam ta khi tiếp đón các vị khách, các viện sĩ, giáo sư nổi tiếng của Liên Xô qua thăm Việt Nam. Với GS N.I. Nikulin - người thầy của nghiên cứu văn học Việt Nam, người đã hướng dẫn nhiều luận án tiến sĩ về văn học Việt Nam và có những công trình đỉnh cao, sâu sắc - Lê Sơn là một người thân thiết. Anh từng đi với Nikulin đến giới tuyến 17 khi ấy, đi thăm nhà văn Nguyên Hồng ở Nhã Nam với những tình cảm sâu sắc Việt - Nga…
Khi vào TP.Hồ Chí Minh tiếp tục công việc, Lê Sơn là một người bạn thiết cốt của Trung tâm Nghiên cứu Quốc học và tạp chí Hồn Việt. Tháng nào anh cũng có bài. Và anh dịch Lịch sử văn học thế giới, một công trình sâu sắc. Anh luôn tay luôn chân làm việc không mệt mỏi.
Khi anh bệnh, bất ngờ không hiểu vì sao trông người anh khỏe thế, mà lúc đổ bệnh là nằm im, rồi hôn mê, rồi đi (ngày 28-10-2020). Đúng là “tử sinh hữu mệnh” như các cụ nói, chẳng ai ngờ được.
Lê Sơn luôn luôn động viên tôi, là bậc thầy của tôi về tiếng Nga, về văn học Nga… Anh đã cống hiến hết mình, trọn đời cho văn học và cho cuộc sống. Bạn bè yêu quý anh, và anh đối với mọi người chân tình, mộc mạc, dễ thân gần… Anh cũng là người thẳng thắn, ghét thậm tệ mọi sự giả danh, hám danh.
Vĩnh biệt Lê Sơn, thiếu vắng Lê Sơn là thiếu vắng một người bạn thân quý, bác học, người có thể chia sẻ với nhau mọi điều trong cuộc sống.♦