HV155 - Bác sĩ Trần Hữu Nghiệp qua những câu chuyện khó quên

Sắp đến kỷ niệm 110 năm ngày sinh Nhà giáo nhân dân - bác sĩ Trần Hữu Nghiệp, một trí thức lớn, một cây đại thụ của Nam Bộ và nền y học Việt Nam. Xin kể vài câu chuyện khó quên về người thầy thuốc tài hoa, đức độ song toàn, trong những năm dân tộc ta còn kháng chiến chống Pháp, chống Mỹ xâm lược.

Tháp tùng Bác Tôn đi trời Tây suýt “gặp họa”

Năm 1955, mùa đông miền Bắc đến sớm, chưa hết tháng 11 mà cái rét rất đậm. Bác sĩ Trần Hữu Nghiệp (Chín Nghiệp) ngày đó đang làm thành viên đoàn cải cách ruộng đất tại một xã ven sông Hồng. Bỗng một buổi sáng thấy Thứ trưởng Bộ Y tế Phạm Ngọc Thạch (Tư Thạch) lái xe từ Hà Nội đến rủ: “Chín Nghiệp đi ăn sáng với tao”. Phạm Ngọc Thạch tuy là cấp trên của Trần Hữu Nghiệp nhưng đều là cựu sinh viên Trường đại học Y khoa Đông Dương, rồi cũng sang Pháp học thêm hai năm lấy bằng bác sĩ, nên xem nhau như bạn. Nghe Phạm Ngọc Thạch gọi, Trần Hữu Nghiệp đi ngay, rồi khi dùng bữa sáng xong, Phạm Ngọc Thạch trước khi quay về bệnh viện A làm việc mới nói với Trần Hữu Nghiệp: “Mày đến Văn phòng Bộ lấy giấy giới thiệu đi may đo quần áo, đóng giày mới nghen”. Thấy chuyện quá bất ngờ, Trần Hữu Nghiệp ngây ra một lát tưởng Phạm Ngọc Thạch nói đùa, nên hỏi lại: “Anh nói tôi đi may quần áo, đóng giày là sao anh Tư?”. Phạm Ngọc Thạch nhìn bộ mặt ngơ ngác của Trần Hữu Nghiệp cười khà khà, đáp: “Mày được cử đi làm thầy thuốc riêng cho Chủ tịch Quốc hội Tôn Đức Thắng, sang Đức chúc thọ Chủ tịch Wilhelm Pieck 80 tuổi, sau đó quay về Liên Xô để cụ nhận giải thưởng Hòa bình Lenin”. Nghe vậy Trần Hữu Nghiệp mừng lắm, nhưng vẫn phải đẩy đưa vài lời: “Nhưng tôi chưa phải đảng viên, cũng không phải bác sĩ được phân công theo dõi sức khỏe Bác Tôn mà anh Tư? Làm vậy liệu người khác có thắc mắc không?”. Phạm Ngọc Thạch trợn mắt nói: “Mày đừng có giở trò chín hấu mại hơi! Quen nhau lâu trước ngày đi kháng chiến, tao biết rõ tẩy của tụi mày. Nếu để tao quyết định thì mày còn đi cải cách mút mùa, mới rũ sạch được cái nợ đã sống quá sung sướng trước Cách mạng tháng Tám. Nhưng tao phải thi hành lệnh Cụ Hồ, và theo đề nghị cụ thể của Bác Tôn. Bác sĩ theo dõi sức khỏe của hai cụ chính là tao! Nói cho mày biết, Bác Tôn không có bệnh tật gì cả, còn rất khỏe. Cử mày đi theo Bác, tức là đưa mày đi du hí ăn hút. Nhiệm vụ Bộ giao chỉ có hai việc, tránh nhiễm lạnh và can Bác Tôn nhậu ít ít thôi. Rõ chưa cha nội?”.

Chuyện công tác sau đó diễn ra êm đẹp ở trời Tây, trừ một việc sơ sểnh của bác sĩ Trần Hữu Nghiệp do cái “bệnh” hồn nhiên, thật thà, mà dẫn đến suýt nữa mang họa. Trần Hữu Nghiệp kể: Thời gian từ Đức trở về Moskva để Bác Tôn nhận giải thưởng Lenin, hôm đó một phóng viên Đài phát thanh Liên Xô nói thạo tiếng Pháp, đi với một nhân viên sứ quán Việt Nam đến khách sạn xin phỏng vấn ghi âm Bác Tôn. Trong lúc bác đang trả lời phỏng vấn, người bạn Nga bắt chuyện với Trần Hữu Nghiệp bằng tiếng Pháp, anh ta hỏi: “Anh có quen ai người Nga tên Thành không?”. Trần Hữu Nghiệp mừng quá, trả lời ngay: “Thành à. Anh ấy là Trung đội trưởng khẩu pháo 35 ly của Tiểu đoàn 307, bạn của tôi ở Bến Tre”. Anh chàng phóng viên người Nga cũng mừng không kém, nói tiếp: “Thành khi về nước dùng tên Platon, hiện làm chung với tôi ở Đài phát thanh Moskva trong bộ phận tiếng Việt”. Nói xong anh chàng này quay máy gọi ngay cho Platon bằng một tràng tiếng Nga, rồi phấn khởi ngoắt tay gọi Trần Hữu Nghiệp đến cầm điện thoại nói chuyện. Đúng là tiếng Thành, chú rể tỉnh Bến Tre mà gần 10 năm trước, chính Trần Hữu Nghiệp và bạn bè nhiệt tình hăng hái đi hỏi vợ cho Thành. Năm 1951, Quân khu 8 giải thể, Trần Hữu Nghiệp về công tác ở miền Tây Nam Bộ, rồi tình bạn của hai người mất tin nhau từ đó, không ngờ hôm nay lại gặp nhau ở đây. Hôm ấy anh bạn Thành cũng nói rất tiếc, vì Trần Hữu Nghiệp phải đi theo Bác Tôn, nếu không nhất định kéo bằng được về nhà chơi.

Buổi phỏng vấn kết thúc tốt đẹp, nhưng một chuyện rắc rối lại đến với Trần Hữu Nghiệp, người thư ký riêng của Bác Tôn đến nói với Trần Hữu Nghiệp: “Mai anh phải đến Đại sứ quán làm bản kiểm điểm, vì vi phạm nguyên tắc tự tiện giao tiếp với người nước ngoài mà chưa được phép của Đại sứ quán”. Nghe tin đó Trần Hữu Nghiệp rất bực dọc, nhưng cũng sợ, bởi từ ngày tham gia Cách mạng tháng Tám 1945, chưa hề có ai đòi hỏi mình đi làm kiểm điểm. Nỗi buồn ấm ức kéo dài cho đến chiều tối, rồi Trần Hữu Nghiệp đem chuyện ấy than thở với Bác Tôn, không ngờ ông cụ nổi nóng, nói: “Anh không đi đâu cả, nói với họ tôi không cho đi. Tôi là trưởng đoàn! Người ta gọi anh, tất nhiên anh phải nói chuyện. Và anh nói chuyện với Thành bằng tiếng Việt, ai cũng nghe, tôi cũng có mặt ở đó. ‘Nó’ cũng ngồi đó nghe và hiểu cả. Còn giở trò gì đây? Đại sứ Nguyễn Lương Bằng vừa về nước có việc, ở đây tôi là cấp ủy Đảng cao nhất”. Thế là việc đưa bác sĩ Trần Hữu Nghiệp ra kiểm điểm, vì ý thức tổ chức kỷ luật kém kể như “xù”.

Bài hát Quốc ca là liều thuốc gây tê tuyệt vời

Bác sĩ, Anh hùng Lao động Đoàn Thúy Ba, nguyên Thứ trưởng Bộ Y tế, học trò của bác sĩ Trần Hữu Nghiệp, có kể lại hai trường hợp cảm động mà mình được chứng kiến thầy cứu chữa thương bệnh binh trong điều kiện chiến trường khó khăn gian khổ:

Vào cuối năm 1949 sang giữa năm 1950, thầy Trần Hữu Nghiệp được trên giao mở lớp đào tạo y tá, cứu thương, hộ sinh tại xã An Thới, huyện Mỏ Cày, tỉnh Bến Tre, nhằm phục vụ kịp thời cho kháng chiến. Bà nói: “Năm ấy tôi là học viên lớp y tá, do thầy Chín Nghiệp đào tạo. Một hôm vào lúc nửa đêm được tin trong làng có một ca sinh khó, thầy gọi tôi và hai học trò khác nữa đốt đuốc lá dừa, vai choàng túi cứu thương, theo chân thầy vượt qua đêm. Trời tối mò lại ven theo một bờ con rạch, đi qua cây cầu khỉ chênh vênh mấy lần suýt rơi xuống nước. Khi tới nơi nhìn người sản phụ đang quằn quại đau đớn, thầy Chín Nghiệp nói với chúng tôi: - Đây là một ca nhau tiền đạo. Chúng tôi hiểu vậy là ca rất khó, và trong hoàn cảnh này không khỏi lạnh thấu xương”. Đúng vậy, khi đưa được đứa bé ra, thì máu người mẹ tuôn trào xối xả. Tình thế này thật nguy cấp, nhưng nét mặt thầy vẫn bình thản tự nhiên, rồi một tay thầy giữ chặt động mạch bụng của sản phụ, và tiếng thầy ra lệnh: - Hồng Hoa [tên của Đoàn Thúy Ba], máu thầy là nhóm B, hãy xem sản phụ máu gì? “Chúng tôi làm theo lời thầy. Thế rồi mắt thầy sáng lên, khi được chúng tôi thông báo cùng nhóm máu. Nghe chúng tôi nói, thầy Chín Nghiệp nói tiếp: - Lấy máu thầy chích thẳng vào tĩnh mạch của sản phụ. Nhanh lên!”. Bằng cách ấy thầy trò Chín Nghiệp đã cứu được sản phụ, mẹ tròn con vuông. Ngày nay khoa học phát triển, chuyện như vậy là không có gì ghê gớm cả, nhưng vào thời kỳ kháng chiến ác liệt, gian khổ, thiếu thốn, trường hợp như vậy là một kỳ tích.

Một trường hợp khác đã hơn nửa thế kỷ qua, bác sĩ Đoàn Thúy Ba cũng không thể nào quên. Bà chứng kiến bác sĩ Trần Hữu Nghiệp xử lý cứu chữa thành công một chiến sĩ ta bị thương nặng vô cùng ấn tượng. Đó là một buổi chiều muộn, người trực ca báo cho bác sĩ Trần Hữu Nghiệp biết có một thương binh tuyến dưới vừa chuyển lên bị đạn địch bắn gãy nát chi. Sau khi kiểm tra, Trần Hữu Nghiệp biết vết thương đã hoại tử, không thể bảo tồn, đành phải cưa cắt bỏ chi. Nhưng cái khó lúc này là không thể gây mê và thuốc tê bệnh viện cũng không có, nếu không thực hiện nhanh bệnh nhân sẽ cầm chắc cái chết! “Làm sao đây?”, bác sĩ Trần Hữu Nghiệp nghĩ. Bấy giờ chỉ còn cách động viên người chiến sĩ đó chịu đựng, rồi ông nhẹ nhàng nói: “Sẽ rất đau đấy, anh cố gắng chịu đựng nghen!”. Trần Hữu Nghiệp chờ đợi cái gật đầu của người thương binh, để bắt đầu thực hiện, nhưng bất ngờ người chiến sĩ trẻ nói: “Xin cho tôi vài phút”. Khi mọi người còn nhìn nhau ngơ ngác, thì bất ngờ anh cất vang tiếng hát bài Tiến quân ca. Bác sĩ Đoàn Thúy Ba nhớ lại: “Trái tim chúng tôi như nghẹt thở vì cảm động, còn khuôn mặt thầy Chín Nghiệp lặng đi và nước mắt tuôn trào”. Ca cưa cắt chi thành công. Dù không nói ra nhưng ai cũng biết, chính người chiến sĩ thương binh ấy đã động viên rất lớn bác sĩ Trần Hữu Nghiệp. Bài hát là liều thuốc gây tê tuyệt vời, cảm động, ấn tượng nhất, trong cuộc đời thầy thuốc của bác sĩ Trần Hữu Nghiệp.

Chiếc đồng hồ Bộ trưởng Phạm Ngọc Thạch tặng trước lúc đi xa

Bộ trưởng Y tế Phạm Ngọc Thạch hơn bác sĩ Trần Hữu Nghiệp hai tuổi. Họ là sinh viên Trường đại học Y khoa Đông Dương thời Pháp thuộc, và đương nhiên Tư Thạch học trên Chín Nghiệp hai lớp, nhưng cả hai đều sang Paris học tiếp lấy bằng “đốc tờ” danh giá. Họ cũng là những trí thức lớn Nam Bộ, từ bỏ mọi sự giàu sang, phú quý, đi tham gia kháng chiến. Về cấp bậc Tư Thạch là Bộ trưởng đầu tiên trong Chính phủ Việt Nam Dân chủ Cộng hòa, còn Chín Nghiệp cứ tàng tàng cấp hiệu trưởng, cấp sở y tế “R”, nhưng họ có điểm chung tài năng, danh tiếng là những cây “đại thụ” trong ngành y học Việt Nam!

Tiếc thay Bộ trưởng Phạm Ngọc Thạch, một người tài năng, đức độ, lại sớm đi vào cõi vĩnh hằng khi cuộc chiến tranh đang ở vào giai đoạn khốc liệt nhất. Là người chứng kiến mất đi người bạn, người anh mà lòng đau nhói, nên Trần Hữu Nghiệp có kể trong rất nhiều bài báo, trang viết của mình với thái độ trân trọng, tiếc thương như sau:

Mùa hè năm 1968, bác sĩ Phạm Ngọc Thạch lúc ấy đang là Bộ trưởng Y tế tha thiết xin Bác Hồ và Trung ương, được vào Nam Bộ để nắm rõ thêm tình hình y tế chiến trường đang diễn ra vô cùng nóng bỏng. Vào chiến trường ông lao ngay vào công việc gần như suốt ngày đêm không nghỉ, rồi không lâu sau ông bị sốt cao hành hạ do một loại ký sinh trùng sốt rét nhờn với mọi thứ thuốc, kèm theo nhiễm trùng đường mật, năm đó ông 59 tuổi. Thế nhưng ông từ chối tuân theo các thói quen thường có ở “R”, không chịu nằm võng nghe anh em từ các địa phương về báo cáo, mà vẫn cố gắng ngồi xuống ghế làm bằng mấy nhánh cây rừng, tay cầm bút ghi chép rất kỹ. Ông nói: “Anh chị em từ chiến trường về mệt nhọc, phải tôn trọng và lễ độ khi tiếp chuyện”. Bác sĩ Trần Hữu Nghiệp kể: “Anh Tư Thạch bị bệnh ung thư phổi, mấy lần chúng tôi hội chẩn và xác minh bằng điện quang cũng như trên triệu chứng lâm sàng, nhưng ai cũng phải giấu kín không cho anh biết”. Từ khi phát hiện ra bệnh của bác sĩ Phạm Ngọc Thạch, trong lòng bác sĩ Trần Hữu Nghiệp buồn thương vô cùng, nhưng mỗi lần gặp nhau cũng chỉ nở nụ cười cốt để anh vui. Ngồi bên cánh võng Tư Thạch nằm, Trần Hữu Nghiệp nhắc lại một nơi nào đó ở Vĩnh Long quê hương anh, hay kể một chuyện vui cũ thời ở Pháp mà cả hai từng du học lấy bằng bác sĩ. Phạm Ngọc Thạch khẽ mỉm cười, và gương mặt ông vẫn tự nhiên bình thản.

Những ngày tiếp theo bệnh tình trở nặng, thương bạn quá bác sĩ Trần Hữu Nghiệp cùng anh em dành riêng cho Phạm Ngọc Thạch một túp lều đẹp đẽ nhất, cột kèo làm bằng gỗ tuốt sạch vỏ trắng tinh, thẳng tắp, trơn tru, mái lợp lá trung quân, có hầm núp máy bay kề bên phòng khi B-52 ném bom rải thảm. Cả ngày lẫn đêm ông bố trí người thay nhau trực, và thay nhau quạt mãi không ngừng. Về phương diện chuyên môn, bác sĩ Trần Hữu Nghiệp biết quá rõ cái động tác quạt ấy không bao giờ níu lại nổi sự sống cho anh nếu có một cơn trụy mạch. Ở châu Âu nơi ông từng có thời gian làm việc, dù đang mùa hè nóng bức cũng không ai ngồi quạt cho bệnh nhân, mà người đến thăm chỉ mang theo hoa tươi tỏa mùi hương thơm dìu dịu. Nhưng ở xứ ta lại giữ cái động tác ấy để biểu lộ tình người, tình thương mến, quạt và quạt, ở nhiều trường hợp có thể là một cách trị liệu tâm thần.

Vào một buổi chiều như bao buổi chiều khác, nhưng rừng Lò Gò, Tây Ninh có mưa lâm râm, bệnh bác sĩ Phạm Ngọc Thạch trở nặng. Những cơn đau như những lưỡi dao thọc vào cơ thể, nhưng tuyệt nhiên không thấy ông kêu la rên rỉ, rồi cứ thế ông lịm đi. Ngoài trời bóng đêm dần thẫm lại, Trần Hữu Nghiệp bất chợt nhớ tới lần đi tháp tùng Bác Tôn sang châu Âu, một chiều đông mưa lạnh ở thành phố Weimar nước Đức, khi người hướng dẫn viên đưa đoàn vào viếng mộ các thi hào Goethe và Schiller đã nói: “Những tấm lòng cao cả, những tâm hồn tuyệt vời, đến phút lâm chung đều muốn có nhiều ánh sáng. Khối óc vĩ đại của châu Âu vào đầu thế kỷ 19 là Goethe, khi hấp hối cứ thốt lên: Cho ta thêm ánh sáng”, khi chỉ tay lên ngọn đèn trên mồ, trong phòng ánh sáng chan hòa bất kể ngày đêm năm tháng. Bên ngoài trời âm u và có tuyết rơi, nhưng ở đây ấm cúng và ánh sáng nhiều đến nỗi có thể quên đi ta đang đứng giữa những người đã mất. Bây giờ bác sĩ Trần Hữu Nghiệp đang đứng trước người anh, người bạn, người Bộ trưởng Y tế Chính phủ Cách mạng lâm thời, một Ủy viên Mặt trận miền Nam Việt Nam, cũng đang hấp hối sắp đi xa. Trần Hữu Nghiệp gọi: “Hãy tập trung tất cả đèn bão tới đây cho tôi”. Ông muốn bác sĩ Phạm Ngọc Thạch cũng có được nguồn sáng như Goethe, bằng những ngọn đèn bão hiếm hoi ở chiến trường. Đó là ngày 7 tháng 11 năm 1968, cũng là ngày kỷ niệm Cách mạng tháng Mười Nga 1917. Đêm tối trời mưa lâm thâm, bác sĩ Trần Hữu Nghiệp cùng một số ít anh chị em bệnh viện, và Trường Trung cao cấp Cán bộ y tế lặng lẽ khiêng chiếc quan tài đóng vội bằng những tấm ván gỗ, được tháo ra từ những chiếc bàn học viên nhà trường, bên trên phủ lá cờ đỏ sao vàng Tổ quốc. Họ chầm chậm tiễn đưa linh cữu Bộ trưởng Phạm Ngọc Thạch về nơi an nghỉ cuối cùng, giữa cánh rừng xanh bên bờ sông Vàm Cỏ Đông, xóm Giữa, Lò Gò, tỉnh Tây Ninh.

Sau khi bác sĩ Phạm Ngọc Thạch mất, bác sĩ Trần Hữu Nghiệp mới biết trong di chúc ông đã viết sẵn cả tháng trước để lại cho người bạn thân nhất, đáng tin cậy nhất, ông dặn dò kỹ lưỡng, đồ đạc của mình đừng có chôn theo mà hãy trao món cho người này, món cho người nọ. “Còn cái đồng hồ Thụy Sĩ tôi đeo gần hai chục năm nay, tôi gửi biếu anh Chín Nghiệp để mỗi lần bắt mạch bệnh nhân ảnh khỏi phải chạy đi mượn ở người khác”. Đọc dòng di chúc ấy, bác sĩ Trần Hữu Nghiệp tuôn trào nước mắt, rồi thốt lên: “Anh ơi! Không phải là tôi hành nghề không sắm đồng hồ, nhưng nó hư rồi, mà tổ chức lo mua chưa kịp”.♦ 

Hà Nội, ngày 29-11-2020

ĐỖ VIẾT NGHIỆM