Một chiều tháng 4 năm 1968, đội chiếu bóng lưu động chúng tôi được lệnh qua phục vụ cho các chiến sĩ Trung đoàn 16 Quân giải phóng vùng ven Sài Gòn. Trước khi đi, đồng chí Tư Hoan, trưởng ban tuyên huấn Phân khu 1, cho biết Trung đoàn 16 vừa đánh đợt 1 Tết Mậu Thân vào mặt trận bắc Sài Gòn về dưỡng quân để chuẩn bị vào đợt mới. Tất cả anh em trong đội chiếu bóng chúng tôi rất phấn khởi nhưng cũng băn khoăn bởi chương trình phục vụ: bộ phim truyện Nổi gió thì đã cũ, còn phim tài liệu Chiến thắng Tây Ninh thì mới lên R nhận về, chưa tìm hiểu đầy đủ về nội dung.
Chúng tôi vừa khiêng vác máy ra khỏi căn cứ thì đã gặp ngay một tiểu đội của Trung đoàn 16 đến đón. Họ mừng rỡ:
- Anh em nghe tin các đồng chí đến phục vụ phấn khởi lắm, đang chuẩn bị bãi chiếu nhưng không biết kích thước thế nào, lo lắm.
Rồi họ tranh khiêng vác máy:
- Để chúng tôi tải cho, các anh giữ sức tối còn phục vụ.
Phải vất vả lắm mới khiêng cái máy nổ mấy chục ký và máy chiếu Bell Howell 16mm nặng trịch luồn lách trong rừng le để tới căn cứ Trung đoàn 16. Đồng chí Thêm, Chủ nhiệm chính trị trung đoàn, mặc dù rất bận chuẩn bị cho đơn vị “vào đợt” nhưng cũng dành thời giờ tiếp chúng tôi. Tôi nóng ruột xin phép đi chuẩn bị bãi chiếu nhưng đồng chí giữ lại:
- Các đồng chí cho biết kích thước và yêu cầu, để bộ đội lo.
Rồi đồng chí niềm nở mời đội chiếu qua “nhà ăn” của trung đoàn. Đó là các dãy bàn làm bằng tre và cây rừng dưới các lùm cây le được chống lên thành mái che. Các đồng chí trong các ban bệ của trung đoàn đang bày cỗ ăn tết muộn với đơn vị sau đợt 1 tổng tấn công vào Sài Gòn. Đồng chí anh nuôi dọn lên bàn một đĩa thịt lợn luộc, chúng tôi nhìn nhau rồi nhìn anh nuôi hỏi:
- Sao có món này sang vậy?
Một đồng chí cán bộ đi đón chúng tôi hồi chiều cầm một bình toong đặt lên bàn cười bảo:
- Biết đâu có thịt heo không? Đợt Xêđa Phôn(1) bọn Mỹ đánh phá các kho gạo của đoàn hậu cần 82 trong rừng. Heo rừng đánh hơi về ăn gạo. Mấy đồng chí vệ binh phát hiện, canh bắn cho được để ăn tết đó. Heo rừng nó tinh lắm, phải rình dưới gió chứ trên gió là nó đánh hơi thấy chạy biến ngay. Chưa hết đâu, dưới D7 còn tổ chức cho anh em vô sông Thị Tính đánh thủ pháo bắt mấy bao cá đủ loại. Lúc này cá trong đó không ai bắt nhiều vô kể.
Đồng chí Thêm đem tới một bao thuốc lá “Ruby quân tiếp vụ”, mở nắp bình toong, rót ra hai ca sắt, mùi rượu đế bốc lên thơm phức. Đồng chí đưa cho tôi một ca:
- Nào, chúc mừng năm mới thắng lợi mới, Bắc Nam sum họp!
- Mời sương sương, tối về sẽ chơi tiếp nhé.
Tôi cầm ca rượu đi các bàn chúc mừng các đồng chí các ban bệ, mặc dù cố giữ để không gây tiếng động lớn, nhưng ai cũng vui vẻ “nâng ly”, một tay đưa lên chào chào vẫy vẫy hào hứng.
Các món ăn tết trong rừng khá độc đáo, rau rừng: lá kim cang, lá vừng, lá lụa, lá bứa, dưa chua rau móp quấn bánh tráng với thịt heo rừng, cá chiên, chấm mắm nêm hoặc tàu vị yểu (nước tương). Món nào cũng “bắt”.
Tôi băn khoăn trao đổi về chương trình phim chiếu, đồng chí Thêm cười bảo:
- Yên chí! Ở đây thì phim nào cũng mới. Còn phim Chiến thắng Tây Ninh, phải đánh Mỹ trong trận Gianxơn Xity(2) không? Phải hả? Thế thì đồng chí khỏi lo, đơn vị chúng tôi cũng tham gia đánh đấy!
Còn một điều nữa mà chúng tôi và ban chỉ huy đơn vị đều lo là làm sao bảo đảm an toàn cho buổi chiếu. Ở chiến trường này máy bay địch hoạt động suốt ngày đêm. Ngoài ra chúng còn rải máy thu phát tiếng động nhiều nơi. Anh em bộ đội đã lùng sục nhưng cũng không thu dọn hết được. Để sơ hở địch phát hiện, pháo địch từ các chốt dập rất nguy hiểm, chưa nói đến khả năng máy bay oanh kích kể cả B-52. Vì vậy chúng tôi phải đặt máy nổ dưới công sự để giảm tiếng động. Loa phóng thanh phải vặn thật nhỏ đồng thời phải mở loa “công trôn” của ampli máy chiếu để mọi người đều có thể nghe được. Việc canh phòng máy bay đã có bộ đội trèo lên cây để cảnh giới. Chúng tôi cũng không dùng đèn điện cho phòng chiếu, chỉ dùng đèn pin để kiểm tra và thay lắp phim. Màn bạc được treo trên hai cây bứa to.
Các chiến kéo đến đông nghẹt. Mùi thuốc lá Pall Mall của Mỹ ở đâu bốc lên thơm ngọt. Thấy tôi có vẻ ngạc nhiên, một đồng chí bộ đội ngồi cạnh bàn máy chiếu chỉ qua bên cạnh, nơi đó có một chiến sĩ ghim một điếu thuốc đang cháy lên một cái que cắm dưới đất. Đồng chí bộ đội kể: “Đó là đồng chí Châu ở D7. Hồi trước lúc đơn vị làm nghĩa vụ quốc tế bên Lào, Châu có người bạn cùng tiểu đội tên là Vinh. Khi đơn vị chuyển vào Khu Sài Gòn - Gia Định, Vinh được điều qua D9. Nghe đâu Châu định làm mai em gái cho Vinh. Vinh nghiện thuốc lá, rất mê thuốc Pall Mall chiến lợi phẩm của Mỹ. Hôm đánh Mỹ ở Đồng Pan, Châu thu được mấy gói thuốc lá Mỹ trong đó có một gói Pall Mall. Châu để dành, định bụng sẽ làm quà tết cho Vinh. Đến Tết, đơn vị phải tham gia tổng tiến công vào Sài Gòn. Châu giấu gói thuốc vào ba lô cá nhân gởi lại đơn vị, định khi trở về sau tổng tấn công sẽ tặng cho Vinh, Vinh sẽ vui và ngạc nhiên lắm. Nhưng khi đơn vị đánh vào Bộ chỉ huy Thiết giáp quân đội Sài Gòn ở Phù Đổng thì Vinh hy sinh. Hồi chiều Châu cũng đã đốt một điếu Pall Mall gọi Vinh về ăn tết với đồng đội. Bây giờ Châu đang gọi Vinh về xem phim đấy”.
Khi bắt đầu chiếu phim tài liệu Chiến thắng Tây Ninh thì trời bắt đầu đổ mưa. Tôi hỏi ý kiến dừng hay chiếu tiếp, bộ đội đều đồng thanh: “Cứ chiếu!!”.
Chúng tôi che ni lông cho bàn máy chiếu, các đồng chí bộ đội choàng ni lông ngồi xem. Quả thật, tôi không phải thuyết minh gì về các hình ảnh trên phim vì các đồng chí bộ đội lại thuyết minh ngược cho chúng tôi. Ngay những ngày đầu địch chuẩn bị trận càn với chiến dịch Attleboro, đơn vị đã có mặt để đón chúng. Anh em trinh sát đơn vị ngồi cạnh bàn máy chiếu kể lại tường tận từng đơn vị Mỹ đổ quân, từng địa danh, địa hình mặt trận. Nhiều chiến sĩ chỉ lên màn ảnh hồ hởi:
- D9 tiến nhập đấy! Đánh vậy mới đáng “anh cả chủ công”!
- Thủ trưởng ta đang gọi máy chỉ huy đó…!
- Ái dà, khẩu đội cối “làm ăn” như biểu diễn để quay phim!
Khi hình ảnh trận Đồng Pan hiện lên trên màn ảnh, nhiều chiến sĩ quên rằng mình đang xem chiếu bóng, chồm lên la hét như đang ở giữa trận địa:
- Mũi hai! Mũi hai!
- Hỏa lực đại liên bên trái!
Mưa rơi xuyên qua luồng ánh sáng của máy chiếu mù mù như khói lửa ngoài chiến địa.
Lúc chiếu cho ban tuyên huấn duyệt, một số hình ảnh sinh hoạt văn nghệ của bộ đội tôi hơi ngờ ngợ do văn công đóng. Nhưng khi chiếu ở đây, các chiến sĩ cười ồ:
- Thằng Tính ở D3 đấy! Cái thằng đóng giả con gái giống hệt!
Mưa càng lúc càng to. Tấm ni lông che cho bàn máy chiếu nước trũng xuống một bọc to tướng. Tôi vừa phải cầm micro thuyết minh vừa lấy tay chống lên giữa nóc cho nước chảy ra ngoài. Dưới chân nước cũng dâng ngập qua dép, không có vật kê, chúng tôi phải kê các thùng đựng phim lên trên bàn chân rồi lên gối cho phim khỏi bị ướt. Các chiến sĩ cũng không còn ngồi được, phải đứng lom khom để xem phim.
Lúc này đồng chí Huỳnh máy nổ chạy lên báo:
- Nước mưa chảy xuống công sự máy nổ!
- Cố gắng tìm vật gì kê máy lên, lấy can xăng kê tạm cũng được. Bộ đội đang hào hứng xem, không dừng buổi chiếu được! - tôi bảo.
Chuyển qua chiếu phim truyện Nổi gió, tôi để Sáu Thanh canh chừng bàn máy chiếu, tôi chạy xuống chỗ máy nổ. Công sự đặt máy nổ sâu khoảng 1,5 mét, nước lênh láng. Máy nổ đã kê lên trên can xăng mà nước cứ mấp mé. Các đồng chí bộ đội chạy đi lấy mấy vỏ thùng đạn Mỹ để kê thêm. Nhưng các thùng đạn cứ nổi chòng chành. Sáu Hiếu và Huỳnh phải ngâm trong nước kềm cho máy nổ không bị đổ. Tôi be bờ trên miệng công sự cho nước bớt chảy xuống. Mùi khói xăng nồng nặc, ngột ngạt. Chiếu xong bộ phim Nổi gió tôi mừng rơn. Các chiến sĩ hỏi:
- Có phim đánh Sài Gòn chưa?
- Nghe nói Cục Điện ảnh Giải phóng đang dựng. Hẹn các đồng chí sau khi đi chiến dịch về.
Các chiến sĩ, trong đó có Châu, lại yêu cầu:
- Đề nghị chiếu lại phim Chiến thắng Tây Ninh!
Tôi lại chạy xuống chỗ máy nổ. Sáu Hiếu vừa bước lên khỏi công sự bỗng té sấp xuống, ngất xỉu. Vì phải ngồi dưới công sự kềm máy nổ nên anh bị say xăng.
Tôi phải lên xin phép các chiến sĩ kết thúc buổi chiếu. Châu gặp tôi nài nỉ: “Các anh có thể giúp in giùm hình ảnh của đồng chí Vinh trong mũi chủ công đánh ở Đồng Pan không?”. Tôi nhìn Châu lưỡng lự: “Việc này hơi khó, nhưng tôi sẽ cố gắng”. Châu vỗ vai tôi buồn buồn: “Ráng nhé! Vì đồng chí ấy đã hy sinh rồi”.
Về căn cứ, tôi nhờ đồng chí máy chiếu tìm cắt “phem” hình của Vinh rồi gởi qua anh Hai Hình bên nhiếp ảnh làm đúp nê phóng ra ảnh của Vinh.
Mấy tháng sau chúng tôi được trở lại phục vụ đơn vị trong đại hội mừng công của toàn đoàn sau đợt 2 tổng công kích vào Sài Gòn. Đồng chí thủ trưởng đơn vị vui mừng đón chúng tôi. Tôi nói về bức ảnh của Vinh và hỏi thăm đồng chí Châu. Đồng chí thủ trưởng đơn vị cầm bức ảnh xem, cố nén xúc động: “Đồng chí Châu cũng đã hy sinh rồi. Các anh cho tôi bức ảnh này để đưa vào sổ truyền thống của đơn vị. Sắp tới chúng tôi cũng sẽ đề nghị tuyên dương anh hùng cho đồng chí Vinh đấy”.
Rồi đồng chí cầm tay tôi, thân tình:
- Đợt rồi chúng tôi đánh rất tốt. Anh em ai cũng bảo phải chia chiến công cho các đồng chí điện ảnh vì các đồng chí đã góp phần động viên các chiến sĩ trước khi xuất kích, mang cả tinh thần thắng lợi của mùa khô năm 66-67 vào cuộc tiến công ấy!♦
(1) Chiến dịch Cedar Falls.
(2) Chiến dịch Junction City.