Mùa hè năm 1972, ông Tám Nam, Phó ban An ninh T4, gọi Trần Quới Sơn (Năm Trần) về căn cứ gấp. Lúc đó, căn cứ của ban tạm đóng trong một khu rừng thuộc vùng giải phóng Svay Rieng (Campuchia).
Khi mặt trời vừa lặn sau núi Bà Đen, Năm Trần rời Phước Chỉ (huyện Trảng Bàng, tỉnh Tây Ninh). Cùng đi có một du kích trẻ, Tư An, vừa dẫn đường vừa bảo vệ.
Tỉnh Tây Ninh giáp ranh với tỉnh Svay Rieng. Nếu đi theo Quốc lộ số 1 thì chỉ cần qua cửa khẩu Mộc Bài rồi đi thêm khoảng mười cây số nữa là tới căn cứ. Nhưng từ sau cuộc đảo chính tháng 3-1970 của Lon Nol lật đổ ông hoàng Sihanouk, quân đội Sài Gòn đóng thêm nhiều đồn kiểm soát dọc theo biên giới hai nước, nên Năm Trần phải đi về hướng Nam, xuôi theo sông Vàm Cỏ Đông, xuống vùng Đức Hòa - Đức Huệ (tỉnh Long An) mới tìm ra đường mòn sang Svay Rieng.
Phước Chỉ nằm trong vùng giải phóng nên đi lại thoải mái. Gặp một con rạch chắn ngang đường, Năm Trần vào một nhà dân nhờ giúp phương tiện. Chị chủ nhà không chỉ cho mượn đò mà còn cho mượn cả người chèo đò là cậu con trai khoảng mười tuổi của chị. Chiến tranh nhân dân ở nước ta là thế. Nhìn đôi tay cậu bé thoăn thoắt chèo đò đưa các chiến sĩ đi công tác, Năm Trần nhớ đến câu hát trong Bài ca Hà Nội của nhạc sĩ Vũ Thanh: “Chiến công này hẳn có tay em”.
Khi trời bắt đầu tối, hai người đến địa phận tỉnh Long An. Trước kia, đây là làng mạc, ruộng đồng sung túc. Khi nông dân đồng khởi, địch đưa quân tới đàn áp, nhưng không thành công. Địch xem nơi đây là vùng oanh kích tự do, tự cho mình cái quyền “giết bất cứ thứ gì động đậy” tại đó (Kill anything that moves) như nhan đề một cuốn sách của tác giả Mỹ Nick Turse. Nông dân ở đây phải rời nhà cửa, bỏ hoang ruộng đồng, dời sang các nơi khác. Một số thanh niên nam nữ thoát ly gia đình, vào du kích, bám đất giữ làng. Tư An là một ví dụ.

Bià sách Giết bất cứ thứ gì động đậy
Gần đó có một căn cứ của địch, tối nào cũng cho lính đi tuần tra xung quanh, thỉnh thoảng để lại một vài tiểu đội phục kích trên các lối đi. Do đó hai người phải hết sức cảnh giác, quan sát kỹ trước khi vượt lên.
Gần tới sáng, họ tới sát biên giới. Địch thường mật phục ở đây để đón lõng người qua lại. Tư An bảo Năm Trần nép sát vào bụi cây ven đường, một mình đi trước dò đường. Khoảng mười phút sau, Tư An quay lại, ra dấu “an toàn” để tiếp tục cuộc hành trình.
Hai người vượt biên giới khi trời vừa sáng. Nhớ lại bức ảnh đăng trên một tờ báo Mỹ cách nay tròn hai năm, Năm Trần không khỏi mỉm cười. Ảnh chụp tổng thống Mỹ lên đài truyền hình trong đêm 30-4-1970 thông báo hàng vạn quân Mỹ - Việt Nam Cộng hòa vừa mở cuộc hành quân “Tìm và diệt” vào vùng Mỏ Vẹt - Lưỡi Câu dọc theo biên giới Việt Nam - Campuchia. Ngón tay của Nixon chỉ đúng vào nơi hai chiến sĩ Việt Cộng đang có mặt!
.jpg)
Tổng thống Nixon trong đêm 30-4-1970
Svay Rieng cũng như các tỉnh biên giới khác của Campuchia bị bom đạn Mỹ cày xới trong thời gian dài, nhất là dưới thời Nixon. Trong sách Màn phụ (Sideshow), William Shawcross cho biết: trong gần 4 năm rưỡi, từ 18-3-1969 đến 15-8- 1973, Mỹ đã trút xuống đây 539.129 tấn bom, nhiều gấp 3,37 lần số bom Mỹ đã ném xuống Nhật Bản trong thế chiến II. Tác giả người Anh này mô tả: những người dân Campuchia “di chuyển chậm chạp qua bùn lầy, gần như mất hết tinh thần vì ghê sợ, ban ngày những máy bay ném bom nhằm vào họ, và đêm này qua đêm khác, cả một biển bom nặng 750 pound (tương đương 337 tấn rưỡi) rơi xuống chung quanh họ”(1).
Mặc cho bom rơi đạn lạc, khắp nơi loang lổ đầy những hố bom như bề mặt mặt trăng, cuộc sống vẫn tiếp diễn. Sau khi giặc rút, người dân lại trở về, dựng lại mái nhà xưa, sửa sang ruộng vườn… Đặc biệt, tại các phum sóc ở Sóc Nóc, Ta Noi, Chi Phu… có khá đông Việt kiều sinh sống hòa hợp với người dân bản địa. Họ là nạn nhân của “chiến dịch tố Cộng”, của “quốc sách ấp chiến lược”, của “chương trình bình định nông thôn” và nhất là của các trận ném bom rải thảm từ khi quân Mỹ tràn vào miền Nam. Tuy phải rời quê hương sang đây tị nạn, song lòng họ luôn hướng về Tổ quốc, sẵn sàng ủng hộ sự nghiệp cứu nước. Nhiều gia đình cho con em gia nhập bộ đội, một số đã hy sinh trong chiến đấu.
Đến trưa thì hai người về tới căn cứ. Hay tin Năm Trần về, đồng đội đến thăm, hỏi han tình hình Sài Gòn…
Bảy giờ tối hôm đó, một du kích đến đưa Năm Trần đến Văn phòng Ban gặp lãnh đạo. Ông Tám Nam ra đón Năm Trần, hỏi thăm đôi điều rồi dẫn vào lán tranh. Có một người lạ (Năm Trần chưa gặp bao giờ), khoảng 50 tuổi, mặc áo thun ngắn tay nhuộm lơ màu xanh. Không để Năm Trần bỡ ngỡ lâu, ông Tám đã giới thiệu: “Đây là đồng chí Mười Hương, thủ trưởng mới của chúng ta”.
Sau khi ông Tư Trọng, Trưởng ban An ninh T4, gặp nạn, một Phó ban được tạm chỉ định để làm quyền Trưởng ban. Nay ông Mười Hương chính thức được cử xuống chỉ đạo ban.
Sau khi trao đổi mấy câu về tình hình đi đường, ông Mười hỏi nhiều chuyện về Huế. Chắc ông Tám Nam có giới thiệu “lý lịch” của Năm Trần (hoạt động rồi bị địch bắt giam ở Huế trước khi tiếp tục công tác tại Sài Gòn). Sau này, Năm Trần mới hiểu lý do tại sao: bản thân ông Mười cũng từng bị chế độ Ngô Đình Diệm bắt giam ở Huế trong gần sáu năm (1958 - 1964) tại Tòa Khâm. Sau ngày họ Ngô bị lật đổ, Tòa Khâm bị phá dỡ để xây Trường đại học Sư phạm, nơi Năm Trần ngồi học 8 năm trước. Có lẽ khi gặp Năm Trần, những kỷ niệm xưa về Huế chợt sống lại trong ký ức ông…
Bỗng có tiếng máy bay bay qua căn cứ. Có thể là máy bay trinh sát, cũng có thể là máy bay ném bom. Cùng một lúc, không ai bảo ai, tất cả các ngọn đèn dầu đều vụt tắt. Mọi người ngồi im lặng trong bóng tối, chăm chú lắng nghe từng động tĩnh. Trong khi đó, các đơn vị võ trang đã sẵn sàng đối phó với mọi tình huống có thể xảy ra…
Mười lăm phút nặng nề trôi qua. Máy bay đã bay xa. Mọi người thắp đèn, tiếp tục buổi làm việc. Ông Mười Hương nói: “Hôm nay Ban gọi cháu ra đây để phổ biến một số chủ trương mới của ban”.
Trong khi ông Mười nói một cách chậm rãi, khúc chiết, Năm Trần lắng nghe như nuốt từng lời. Nghề hoạt động an ninh nghiêm cấm mọi ghi chép lên giấy, tất cả mọi điều, mọi con số… đều phải được “in” trong trí nhớ. Những gì ông Mười Hương nói tối hôm ấy, cách nay gần nửa thế kỷ, nhưng Năm Trần vẫn còn nhớ như mới nghe ông nói hôm qua…
.jpg)
Ông Mười Hương (giữa), ông Tám Nam (trái) và Năm Trần trong một buổi họp mặt Ban An ninh T4 tại Củ Chi sau giải phóng
Sau Tết Mậu Thân, Mỹ thấy không thể thắng ở Việt Nam. Do đó, khi bước vào Nhà Trắng từ đầu năm 1969, Richard Nixon đưa ra chủ trương “Việt Nam hóa chiến tranh”, rút dần quân viễn chinh Mỹ về nước, trút gánh nặng quân sự cho chính quyền Nguyễn Văn Thiệu, hứa với dân Mỹ sẽ giành được “hòa bình trong danh dự”. Năm nay, 1972, là năm cuối cùng của nhiệm kỳ đầu tiên, Nixon cần phải làm một cái gì đó để thực hiện lời hứa ấy mới mong tái đắc cử trong cuộc bầu cử tổng thống sẽ tổ chức vào cuối năm nay. Theo dõi các động thái của Nixon, trên chiến trường cũng như trên bàn Hội nghị Paris, chúng ta chủ trương khuyến khích Mỹ rút hết quân về nước. Trước đây, Bác Hồ đã từng nói với một nhà báo người Anh rằng người dân Việt Nam chúng ta sẵn sàng trải thảm đỏ để quân Mỹ rút về nước(2). Trong thơ chúc Tết năm 1969, Bác không viết: “Đánh cho Mỹ cút, ngụy nhào” mà Bác viết: “Đánh cho Mỹ cút, đánh cho ngụy nhào”. Phải chăng Bác có ý tách rời hai mục tiêu của cuộc kháng chiến - “Mỹ cút” và “ngụy nhào” - để quân và dân ta lần lượt giải quyết từng cái một.
Nhìn ánh mắt Năm Trần, ông Mười thấy cậu ta chưa thông cho lắm với chủ trương mới này, nên dừng lại để hỏi ý kiến. Năm Trần thành thật bày tỏ: “Ngay từ đầu cuộc kháng chiến, chúng ta đã đề ra khẩu hiệu ‘đuổi Mỹ, lật ngụy’. Sao nay lại đổi?”.
Ông Mười ôn tồn giải thích:
Một là, chế độ Thiệu dựa vào Mỹ để tồn tại(3). Một khi Mỹ rút quân, chế độ ấy sẽ lung lay tận gốc rễ, không chóng thì chầy sẽ sụp đổ. Một câu hỏi đặt ra: “Mỹ có quay trở lại để cứu chế độ ấy không?”. Rất nhiều khả năng là không!(4)
Hai là, nếu chế độ Thiệu sụp đổ cùng một lúc với việc Mỹ rút quân, các nước đồng minh của Mỹ sẽ trách Mỹ rằng “do Mỹ cút mà ngụy nhào” và không còn tin tưởng ở vai trò “lãnh đạo Thế giới tự do” của Mỹ nữa. Theo lời của Kissinger, cần có “một khoảng thời gian coi cho được” (a decent interval) giữa hai sự kiện đó để Mỹ có thể phân bua: khi Mỹ rút quân, Thiệu vẫn còn ngồi trong Dinh Độc Lập mà!(5)
Ba là, phái đoàn ta tại Hội nghị Paris đang đề xuất: sau khi quân Mỹ rút, sẽ thành lập ở miền Nam một “Hội đồng quốc gia hòa giải và hòa hợp dân tộc” gồm ba thành phần, tức là có sự tham gia của Mặt trận Dân tộc Giải phóng và Lực lượng thứ ba. Hội đồng này sẽ tổ chức tuyển cử để bầu ra các cơ quan quyền lực ở miền Nam thay cho chính quyền Thiệu hiện nay.(6)
Càng nghe, Năm Trần càng cảm thấy thuyết phục.
Ông Mười nói tiếp: Dự kiến tình hình của ta là như thế, song thực tế có diễn ra theo ý của ta hay không, điều đó tùy thuộc vào nhiều yếu tố: phản kháng của đối phương có quyết liệt hay không, đồng tình của Lực lượng thứ ba có mạnh mẽ hay không, và nhất là nỗ lực của quân và dân ta nhiều tới đâu, mạnh tới đâu. Xưa nay, một khi ta có quyết tâm cao thì sự nghiệp của ta chắc chắn sẽ thành công.
Ông Mười chuyển sang trình bày những dự án công tác của Ban An ninh T4 trong sáu tháng cuối năm 1972. Có nhiều công tác mới như xây dựng các “lõm chính trị” trong nội thành, thâm nhập Lực lượng thứ ba v.v…
Ông Mười dặn đi dặn lại: “Người chiến sĩ An ninh phải có trái tim nóng, nhưng cái đầu phải lạnh. Có cái đầu lạnh thì mới bình tĩnh phân tích tình hình một cách khách quan và khoa học, mới tìm ra phương thức hành động hiệu quả”. Năm Trần thường hoạt động trong vùng địch, xa căn cứ, nên ghi nhớ những lời dặn dò ấy của ông Mười, xem đó như kim chỉ nam cho mọi hành động của mình.
Sau ngày hòa bình và thống nhất, Năm Trần thường cùng đồng đội đến nhà ông Mười Hương,
.jpg)
Thủ trưởng Mười Hương (trái) và “binh ba” Năm Trần sau 1975
Có lần ông hỏi Năm Trần: “Cháu được phong quân hàm gì rồi?”.
Năm Trần đáp: “Thưa chú, cháu đeo lon binh ba(7) ạ”.
Ông ngạc nhiên hỏi: “Binh ba? Binh ba là cấp bậc gì?”.
Năm Trần thưa: “Dạ, binh ba dưới binh nhì một cấp, tiếng Pháp gọi là troa dèm cùi bắp đó ạ”.
Ông Mười cười vui vẻ: “Được, làm binh ba mà tốt còn hơn làm ông nọ bà kia mà xấu”.
Câu nói thể hiện tâm can của ông Mười Hương, người hy sinh suốt đời cho sự nghiệp cứu nước giúp dân mà không bao giờ nghĩ tới quyền lợi, địa vị của bản thân mình.♦
(1) William Shawcross, Màn phụ, NXB Thông tin Lý luận, Hà Nội, 1989, tr.232.
(2) Nguyên văn câu Bác Hồ nói với nhà báo Felix Greene: “They can leave at any time… We shall do everything we can to help them. We’ll ever roll out the red carpet for them” (Họ [tức quân Mỹ] có thể rời [Việt Nam] bất cứ lúc nào… Chúng tôi sẽ làm mọi thứ chúng tôi có thể làm để giúp họ. Ngay cả chúng tôi sẽ trải thảm đỏ cho họ [rời khỏi Việt Nam] - Hãng thông tấn Mỹ Associated Press, 20-12-1965).
(3) Trong hồi ký của mình, nguyên Phó tổng thống VNCH Nguyễn Cao Kỳ thừa nhận: “Mỹ kiểm soát cuộc chiến tranh. Viện trợ Mỹ tài trợ cho nước này [chỉ VNCH]; không có nó, chúng tôi không thể sống sót được” (“The Americans controlled the fighting of the war. American aid financed the country; without it we could not survive” - Nguyễn Cao Kỳ, How we lost the Vietnam war, NXB Stein and Day, New York, 1978, tr.137).
(4) Dự kiến của ông Mười Hương là chính xác. Theo TS Nguyễn Tiến Hưng, nguyên trợ lý Tổng thống Thiệu về tái thiết, Tổng trưởng Bộ Kế hoạch và phát triển: Trong tài khóa 1971-1972, Mỹ chi tiêu 12 tỉ đô la cho chiến tranh Việt Nam, nhưng sau khi rút hết quân về nước, Mỹ giảm dần viện trợ quân sự cho chế độ Thiệu như sau:
Tài khóa 1972-1973: 2,1 tỉ đô la,
Tài khóa 1973-1974: 1,4 tỉ đô la,
Tài khóa 1974-1975: 0,7 tỉ (tức 700 triệu) đô la, nhưng lúc đó “cuộc khủng hoảng dầu lửa đã làm giá xăng nhớt tăng gấp bốn, bởi vậy mãi lực thật của ngân khoản ấy chỉ là trên dưới 350 triệu, bằng 3% của mức chi tiêu 1970-1971” (Nguyễn Tiến Hưng, Khi đồng minh tháo chạy, Cơ sở xuất bản Hứa Chấn Minh, California, 2005, tr.222, 223).
Mặt khác, khi thấy chế độ Thiệu nhiều lần xin tăng viện trợ để qua cơn hấp hối, TS Henry Kissinger, cố vấn của Nixon về an ninh quốc gia, đã thốt lên một câu: “Sao chúng không chết phứt cho rồi? Điều tệ hại nhất có thể xảy ra là chúng cứ sống dai dẳng hoài” (“Why don’t these people die fast? The worst thing that could happen would be for them to linger on” - Nguyễn Tiến Hưng, sđd, tr.323).
(5) Sau khi Mỹ rút hết quân, Kissinger dự đoán chế độ Thiệu chỉ có thể tồn tại được “một năm rưỡi” nữa (Nguyễn Tiến Hưng, sđd, tr.330).
(6) Tại Hội nghị Paris, Mỹ và VNCH đồng ý với đề xuất của ta. Nhưng sau đó, Nguyễn Văn Thiệu hô hào “Bốn không”, trong đó có không liên hiệp với ta.
(7) Binh nhì thấp hơn binh nhất một cấp, là quân hàm thấp nhất trong các lực lượng vũ trang, do đó không có cấp nào thấp hơn nữa. Nói binh ba là nói giỡn chơi cho vui. Thời Pháp thuộc, binh nhì là deuxième classe, nói đùa là đơ dèm cùi bắp.
Cái thời xưa ấy ♦ VŨ THỊ KHƯƠNG Chẳng ngờ tóc đã pha sương Câu thơ đã cũ, người thương đã già Chẳng ngờ thuở ấy đã xa Giận hờn hò hẹn đã là chuyện xưa Cái thời đong gió, đếm mưa Che sương cành lá ngồi chờ trăng lên Cái thời nhớ nhớ quên quên Gội đầu chải tóc làm duyên bên thềm Dậu cúc tần ngăn đôi bên Mà hương bồ kết cứ tìm đường sang Hoa ngâu cứ lấm tấm vàng Tiếng chim mách lẻo vọng sang trêu người Sông quê bến lở, bến bồi Quảy thùng gánh nước vấp rơi mất thùng Chát chua là khế, là sung Cứ ngon, cứ ngọt muối gừng mặn cay… Buồn vui một thuở trẻ trai Yêu đương một thuở những ngày xa xưa Thời gian thấm thoắt thoi đưa Cái thời xưa ấy Bây giờ, Vẫn nguyên… 
|