HV155 - Hai Trương - Ba Trắc

Gia đình ông Phạm Luy và bà Ngô Thị Diện ở Kỳ Khương, nay là xã Tam Hiệp, huyện Núi Thành, tỉnh Quảng Nam. Bà Diện, dân làng thường gọi bà Khước. Hai vợ chồng sinh hạ được một đàn con, lớn lên đều tham gia cách mạng: Phạm Minh Trương tức Hai Trương, thoát ly tham gia bộ đội, hai lần bị thương; Phạm Ngọc Thọ, đi tham gia cách mạng cuối năm 1960, bộ đội, hy sinh thành liệt sĩ; Phạm Minh Hương, bộ đội, hy sinh thành liệt sĩ; Phạm Minh Hùng, bộ đội, bị thương thành thương binh và Phạm Văn Hơn, bộ đội, hy sinh thành liệt sĩ; con dâu là Nguyễn Thị Hạnh (Ba Trắc), vợ của Hai Trương, thoát ly lên ở cơ quan của Huyện ủy, bị thương thành thương binh.

Phạm Minh Trương (Hai Trương) sinh năm Bính Tý 1936. Năm 1956 mới hai mươi tuổi, gia đình tổ chức cưới vợ cho Hai Trương. Cô vợ người cao ráo, sinh năm Đinh Sửu, nhỏ hơn Hai Trương một tuổi. Khi cha mẹ gả con đi lấy chồng, là thời gian cô Ba Trắc còn giữ bò, cắt cỏ, vớt rong, chưa kịp để mắt đến chàng trai nào trong làng.

*

Nghe câu chuyện của Nguyễn Văn Tâm, nguyên là Đại tá, Tỉnh đội trưởng Quảng Nam, để hiểu hơn về chị Ba Trắc:

“Nhớ những lần đi vùng sâu tổ chức trận địa đánh địch, tranh thủ qua làng thăm bà con kiếm cái ăn. Một hôm ba anh em - tôi, Khách và Mười Nghiêu - vào thăm ông già Tuất. Trước đó mấy hôm, ác liệt quá thằng Tự chạy xuống vùng địch khai báo sao đó, địch bắt mấy cơ sở, làm dân làng lo lắng, cho nên, thấy mấy anh em tôi vào thì già Tuất vẫn chào “mấy chú về đó hả” nhưng mặt lạnh, ngồi xây lưng ra, khoát khoát hai tay nói nghe long óc: ‘Dẹp, dẹp. Cho bay ăn uổng cơm! Ăn rồi khai báo, chúng bắt dân đánh nhừ tử’.

Ông già Tuất chửi cho hả giận, vẫn ngồi, làm thinh, trong khi đó, vợ ông bưng thức ăn lên bàn mời anh em. Anh em ta chỉ nhìn nhau cười trừ chứ không thanh minh thanh nga gì hết. Đó là một bài học nhớ đời! Dân như cha, như mẹ. Xem anh em ta như con, như cháu. Anh em làm sai bà con giận, bà con chửi. Chửi mà thương. Ngồi im nghe chửi thì bà con hết giận liền!

Ngồi nhìn anh em ta ăn ngon lành, ông già Tuất đứng dậy, bước lại vỗ vai từng anh em, giọng trầm trầm: “Địch tình giăng giăng, đi lại nhớ cảnh giác, đói thì về đây ăn. Ác liệt, gian khổ đến mấy thì cố mà bám cái gốc cây trên rừng chớ đừng có chạy đi chiêu hồi!”. Ông già Tuất nói nhẹ nhàng, đơn giản, dễ hiểu như vậy, làm anh em nhớ suốt đời!

Ông bà Tuất sinh một bầy con: Hai Tuất, Ba Trắc, Bốn Nhạu, Năm Nhọa, Sáu Tọa (đã hy sinh), Bảy Tum.

Khi về nhà chồng làm vợ của Hai Trương, thì sao? Chị Ba Trắc kể:

Bước chân về nhà chồng, chị Ba Trắc không biết phải làm gì, đóng vai gì trong ngôi nhà lạ, với ông gia, bà gia(*), với một bầy em của chồng là: Ba Nhơn, Bốn Hương, Năm Thôi…, với người chồng suốt ngày đi làm, tối về ôm em trai ngủ. Còn cô Ba Trắc thì, từ sáng chưa tan sương đến tối đỏ đèn, cùng bà gia hôm đào khoai, hôm vớt rong, cắt rau, ngày ba bữa nấu cơm, rửa chén, tối lại lên cái giường tre ngủ với cô Năm Thôi, em gái của chồng!

Hai ông bà gia sinh người con thứ năm đặt tên Thôi (Năm Thôi). Là nêu quyết tâm: Thôi! Không đẻ nữa! Vậy mà, ông không chịu thôi! Bà phải sinh cho ông thêm một cái thằng, đặt tên Nữa (Sáu Nữa). Sáu Nữa tưởng hết đòi. Đi mô mấy ngày về, ổng lại đòi! Vậy là, sinh thêm một cái thằng. Đặt tên chi đây? Không thể út mà Út Hơn!

Ai thấu cho cái hoàn cảnh ở nhà chồng có đông anh chị em thì hiểu vì sao cưới nhau bốn năm trời mà ông bà nội vẫn chưa có chút cháu bồng. Thế rồi, một hôm, chồng lặng lẽ rời gia đình, đi biệt!

Hỏi, chị Ba Trắc còn nhớ gì hôm chồng thoát ly không, có kỷ niệm gì lúc chia tay không? Chị Ba Trắc nói: “Thấy ổng hay qua lại với mấy anh em trong làng, rồi thấy mấy anh em rủ nhau vác rựa, mang bội lên rừng cắt lá thì biết ổng chuẩn bị đi, chớ ổng không nói chi hết! Sau này, bà gia nói lại, mấy ổng lên rừng cắt lá là lấy cớ nhằm che mắt bọn ấp trưởng, xã trưởng, nghĩa quân, để bắt liên lạc với mấy ông cách mạng hẹn ngày về đón”.

Làm sao quên những ngày chị Ba Trắc bỏ bầy em cho cha mẹ đẻ rồi đi lấy chồng. Ở nhà với cha mẹ đẻ với sáu anh chị em cực đã đành, dù sao cũng giúp cho mẹ một tay làm lụng, chăm lo các em. Về nhà chồng, làm chị dâu cả, chồng không ở nhà thì con dâu cả phải gánh cái gánh nặng trĩu của gia đình nhà chồng. Chị Ba nói mà cười, rơm rớm nước mắt: “Tuổi con trâu tài chi, cực như trâu!”.

Chồng đi rồi thì cùng cha mẹ chồng dắt Năm Thôi, bồng hai em là thằng Sáu Nữa và Út Hơn vào ở trong quy khu. Quy khu là cái chi? Hoạt động của lực lượng Giải phóng diễn ra nhiều nơi, thanh niên thì lặng lẽ, bằng cách này hay cách khác, rời khỏi làng, địch nhận ra và lo lắng, chưa biết cách nào để khắc phục thì nhận được báo trình của Hội đồng xã Kỳ Khương, rằng, hàng loạt thanh niên trong xã đã nhận lệnh trình diện quân dịch bỗng mất tích!

Biết lớp thanh niên này trốn lên rừng theo cộng sản, chúng liền ra lệnh cho Hội đồng xã và tay chân ép buộc những gia đình có con trai trúng tuổi quân dịch, không ra trình diện hoặc sẽ đến tuổi quân dịch phải được quản lý chặt. Tại xã Kỳ Khương, địch bắt xây dựng 2 quy khu: Quy khu Xưởng Dầu và Quy khu Trảng Tôn. Tại xã Kỳ Xuân (nay là xã Tam Giang), địch bắt xây dựng 1 quy khu tại thôn Nam.

Quy khu Xưởng Dầu, địch bắt tập trung vào đây 24 gia đình. Chúng bắt các gia đình dọn một cái nhà vào ở tập trung, bắt dân đào hào, đắp bờ cao 1,5 mét xung quanh, dựng hàng rào xung quanh bằng gai tre, gai lưỡi long. Riêng bờ rào phía tây hướng ra đường số 1, địch rào bằng dây thép gai bùng nhùng. Có dân vệ canh gác. Buổi sáng từ 5 đến 6 giờ, chúng mở cửa cho dân ra về vườn cuốc đất, trồng rau. Buổi chiều, từ 17 giờ đến 18 giờ, mọi người phải có mặt trong quy khu. Ban đêm, nội bất xuất, ngoại bất nhập, chủ yếu là giữ chân những thanh niên của những gia đình có mối quan hệ gắn bó với cách mạng, với kháng chiến 9 năm chống Pháp. Cái khu ở tập trung này chúng gọi là quy khu, lại là một kiểu quản lý người dân, tách dân ra khỏi cán bộ cách mạng.

Chị Ba Trắc nói: “Toàn người già và con nít mà chúng cũng sợ, tống vào trong quy khu! Giam lỏng. Rồi ông gia hy sinh. Bà gia bị địch bắt bỏ tù. Năm Thôi bị bệnh dịch chết trong quy khu…”.

Vậy là, chị Ba Trắc phải lo cho hai em chồng, ở trong quy khu tù túng, ngó chừng lính gác sơ hở liền trốn về vườn cuốc cỏ trồng khoai, gieo mè kiếm cái ăn, ra sông vớt rong, xuống ruộng mò rạm, đi đâu cũng dẫn hai thằng em chồng theo, thỉnh thoảng phải kiếm chút cá, chút tươi đi ra nhà lao tận ngoài Tam Kỳ thăm mẹ. 

“Bấy giờ, thằng Út Hơn mới sáu, bảy tuổi. Vậy mà, mỗi khi tôi rúc rào về vườn thì hắn dặn chỗ nào có mìn, hắn không muốn mấy dân vệ, nghĩa quân cứ hay ghé nhà. Có lẽ, hoàn cảnh gia đình thiếu cha, vắng mẹ, xa anh, làm cho chúng khôn trước tuổi. Một hôm, thằng Út Hơn thậm thụt đưa cho tôi xem đồng bạc có ảnh Bác Hồ, rồi hắn lấy cái ống lô ô dùi cái lỗ, đút đồng bạc vào trong ống, bịt lại.

Tôi hỏi: - Chi trong nớ mà mầy làm kỹ rứa?

Hắn, vẻ bí mật, nói: - Đồng bạc ni có Bác Hồ trong nớ.

- Đâu mi có?

- Em được mà! Em đút trong tấm phên nghe chị.

- Không được! Có Bác Hồ mà mi đút trong phên, tụi hắn đốt nhà thì cháy mất.

Hắn đưa cái ống lô ô cho tôi, dặn: - Chị cất cho em, mình chị biết thôi, đừng cho thằng Nữa biết. Giải phóng còn cái ni là được! (Nữa là anh, thằng Út cứ mi tau…).

Một hôm, Đội công tác về báo cho biết: Chúng đang có kế hoạch, đã lên danh sách, bắt giam ai, khử ai. Vì vậy, bà con chuẩn bị sẵn sàng tư thế, sẵn sàng bỏ nhà, bỏ ruộng vườn, lên núi. Nghe cái tin động trời này, ai cũng lo. Đi hay ở là vấn đề sinh tử. Ở lại trong quy khu thì cực, tù túng là rõ rồi. Ở lại khó yên. Đưa cả gánh nặng gia đình lên núi non, xa vời vợi, đất đâu, ruộng đâu, phân đâu, lấy chi cuốc cày làm ra cái ăn! Và, bom đạn của Mỹ, có nơi đâu chúng chừa!

Mấy ảnh về báo động được mấy hôm, vừa ăn tết xong, nhớ cái Tết con Cọp - Nhâm Dần 1962, thì, Đội công tác do Sáu Thân chỉ huy về đưa bà con đi. Tôi đưa mẹ chồng, hai em theo cùng mấy gia đình, gồng gánh, dắt cả bò, gánh cả heo, gà, bám theo anh em Đội công tác, băng đồng, lội ruộng lên tận thôn Mười, xã Kỳ Sanh.

Cái xóm nhỏ ven chân núi thấp có mấy cái nhà tranh tre, cho mấy gia đình trong quy khu thoát ra. Ba bốn gia đình ở chung trong một cái nhà dài. Mới rời làng quê thân yêu, ruộng vườn quen thuộc, ra đi trong đêm, đến nơi còn lạ lẫm, gạo mắm trợ cấp ăn chưa đủ no. Thằng Nữa tham gia du kích địa phương. Thằng Út Hơn xin đi bộ đội. Hai mẹ con tôi chưa biết làm chi để sống. Ở quê nhà, không có gạo thì ra vườn hái nhúm rau khoai, rau dền, cải. Hết mùa khoai thì xuống sông hái trái vẹt, trái bần, trái mắm… Còn ở đây… Tự lo cho có cái ăn qua ngày thôi quả là chưa có phương hướng. Gia đình nào cũng lo.

Tư tưởng chưa ổn định thì, mới nửa buổi, sương núi vừa tan, bỗng hai chiếc máy bay trực thăng Mỹ gầm gừ vòng trên đầu, chúng quần, lượn hai vòng thì nghe tiếng rốc két ầm ầm làm mấy cái nhà bốc cháy. Cái ba lô không kịp mang ra hầm, cháy đen. Cháy hết áo quần. Tiếc nhất là cái ống lô ô của thằng Út Hơn! Cứ lo, khi về thăm nhà, thằng Út Hơn hỏi cái ống lô ô của em, chị để đâu.

Thế rồi, mẹ tôi nhận được tin nó hy sinh ở sân bay Kỳ Bích! Tôi khóc. Tôi khóc quá chừng! Tôi thương thằng Út Hơn biết chừng nào!”.

Hai Trương ngồi im nghe vợ nói chuyện với chúng tôi. Khi chị Ba Trắc dừng câu chuyện thì ông nghiêng nhìn sang phía vợ, mở miệng: “Chúng tôi sống với nhau từ ngày cưới đến chừ, chưa gây lộn một tiếng! Bả có công nuôi hai bà mẹ, mẹ tôi và mẹ bả, là hai Bà mẹ Việt Nam Anh hùng”. Hai Trương nói đến đó thì chị Ba Trắc bổ sung thêm: “Và nuôi hai đứa em của ông nữa!”.

*

Hai Trương và Nguyễn Văn Tâm là đôi bạn rất quý nhau. Nguyễn Văn Tâm kể một câu chuyện về tình bạn này: “Tôi và Hai Trương có một kỷ niệm không quên. Chẳng là, sau khi hai anh em trốn ra khỏi quy khu lên đến núi thì cùng được dự một lớp học - học để biết thế nào là gian khổ ở núi rừng, biết cách giữ gìn bí mật và biết bóp cò khi có địch. Sau hơn một tháng cùng học, chúng tôi chia tay. Tôi về huyện đi bộ đội còn Hai Trương về Công trường 1 - cũng là một đơn vị cỡ trung đoàn, lại đi học y sĩ. Một thời gian dài hai anh em không gặp nhau và không có tin tức gì về nhau. Thời ấy, lại là bộ đội, người ở huyện, người ở Quân khu nên không có liên lạc với nhau.

Thời gian tôi làm Chính trị viên Huyện đội Nam Tam Kỳ thì Hai Trương là Y sĩ trưởng, phụ trách một trạm xá đóng ở Kỳ Phước. Hôm ấy, địch đổ quân chặn mấy hành lang của ta từ Tiên Phước qua Eo Gió, xuống chợ Cẩm Khê, bấy giờ thuộc Bắc Tam Kỳ. Chúng tôi tránh đường cũ sợ bị địch phục kích, gài mìn, chờ tối mới ra khỏi rừng, lách gai, lội ruộng, băng rừng, băng xóm, lại lọt vào khu vực bệnh xá của anh Hai Trương.

Vì có địch nên anh em bệnh xá do Hai Trương chỉ huy mang súng trực quanh khu vực bệnh xá phòng biệt kích đột nhập. Nghe tiếng động, rồi có tiếng chân người, Hai Trương lệnh cho anh em lên đạn, sẵn sàng, có lệnh anh thì nổ súng! Đến khi tôi đi sát trước mặt, thì, Hai Trương giật mình, nhận ra anh em mình, bất ngờ hơn là nhận ra tôi! Hai Trương vứt cây AK xuống đất, nhào đến ôm tôi, mừng nói như khóc: ‘May, không thì tau bắn mi rồi!’.

Đó là năm 1971, tính ra cả chục năm trời, hai thằng bạn nhà cùng xóm, vào quy khu cũng ở gần nhau, cùng thoát ly lên chiến khu trong một đêm tối trời, mới gặp lại nhau trong hoàn cảnh như vậy đó!”.

Và, có một cái công không nhỏ mà Hai Trương không nhắc, Nguyễn Văn Tâm nhắc:

“Năm 1973, trên đường ra Bắc, Bí thư Tỉnh ủy Hoàng Minh Thắng ghé Trại sản xuất của Tỉnh ủy ở Tiên Lãnh, thăm vợ là chị Phan Thị Phiện, đồng thời đưa luôn vợ con ra Bắc. Trong thời gian ở trại sản xuất, Bí thư Tỉnh ủy Hoàng Minh Thắng tranh thủ gặp thăm anh chị em công tác ở trại sản xuất, hỏi thăm tình hình chồng con thì biết Ba Trắc còn trẻ, khỏe, sao chưa có con? Hỏi lý do thì chỉ có một lý do là ‘khó gần nhau quá’!

Thế là, Hoàng Minh Thắng lệnh cho Trại trưởng gọi Hai Trương đến trại sản xuất, cho ‘gần vợ’ một tuần! Trong thời gian nghỉ phép ở trại sản xuất thì chị Ba Trắc có bầu! Sau chín tháng mười ngày, chị Ba sinh được con gái đầu lòng đặt tên là Hoa”.

Sau hòa bình, năm 1975, đến năm 1978 chị Ba sinh cho Hai Trương con trai đặt tên Phạm Minh Quang. (Nay, năm 2020, Phạm Minh Quang mang quân hàm Trung tá công an). Sinh con trai được hai tháng rưỡi thì Hai Trương có lệnh cùng đơn vị sang chiến trường Campuchia chống quân diệt chủng Pôn Pốt…♦


(*) Ông gia, bà gia: phương ngữ, có nghĩa bố mẹ chồng, bố mẹ vợ.


 

Hạt ngọc chéo khăn

NGUYỄN VĂN THỨC

Con quỷ bịt mắt con người

bằng chiếc khăn đan xen mộng ảo

giấu hạnh phúc giữa trái tim

cám dỗ trò chơi trốn tìm

 

Con người nhập cuộc

đi tìm hạnh phúc

càng đi càng lạc

rã rời tháng năm

 

Vẳng tiếng chuông ngân

lay động tâm tình

hạt ngọc chéo khăn(*)

truy tìm xuôi ngược

 

Gặp lại chính mình

dòng nước về nguồn

chim bay về tổ

mùa xuân hoa nở

chân thật hồn nhiên

 

Con quỷ thua cuộc

tan vào bóng đêm. 

(*) Kinh Phật có câu chuyện chàng lực sĩ buộc hạt ngọc vào chéo khăn đội đầu rồi quên tưởng mất, lăng xăng tìm kiếm khắp nơi, tình cờ lấy khăn lau mặt hạt ngọc lộ ra. Câu chuyện ngụ ý hạnh phúc nơi ta sao mãi tìm kiếm nơi đâu.


(*) Ông gia, bà gia: phương ngữ, có nghĩa bố mẹ chồng, bố mẹ vợ.

HỒ DUY LỆ