HV155 - Đối thoại HỒ CHÍ MINH

LTS: GS Hà Minh Đức, tuy tuổi đã cao nhưng vẫn say mê viết sách. Cuốn Đối thoại Hồ Chí Minh(*) là cuốn sách mới nhất của giáo sư ra gần đây. Đây là một đề tài hay, vì chúng ta đều biết trí tuệ trác tuyệt của Hồ Chí Minh ẩn sau những đối thoại thiên tài. Cuốn sách đã sưu tầm và bình luận nhiều đối thoại của Chủ tịch Hồ Chí Minh qua suốt cuộc đời hoạt động cách mạng. Dưới đây, xin trích một vài mẩu để bạn đọc tiếp cận và ôn lại những đối thoại Hồ Chí Minh.

Vào đầu năm 1921 như mật báo đã ghi thì Nguyễn Ái Quốc đã bị ốm và nằm tại nhà thương Cochin, cùng với Võ Văn Toàn. Đó là vào 21-23 cuối tháng 2 năm 1921 và đến 25 tháng 3 Nguyễn Ái Quốc vẫn còn ở tại đây. Một tên mật thám đã giả danh là do một người bạn của Nguyễn Ái Quốc giới thiệu đến để thăm Nguyễn Ái Quốc. Cuộc thăm viếng này đã diễn ra như sau:

Nguyễn Ái Quốc nằm tại khu bệnh viện 18 tên là Pavillon Pastem. Tên mật thám đã hỏi:

- Có phải ông là Nguyễn Ái Quốc mà tôi có hân hạnh được gặp không?

- Vâng thưa ông, chẳng hay ông có việc gì?

- Thưa ông, tôi đến ông là do Maurice, anh ấy nhờ tôi đem một lá thư đến thăm ông.

- Ai là Maurice?

- Ông không biết anh ấy sao?

- Có thể là tôi biết nhưng chưa bao giờ gặp - Nguyễn Ái Quốc nói thêm: Chắc anh ấy có tên Việt chứ?

- Vâng, tên là Trường Ký.

- Anh ta làm gì ở Marseille?

- Anh ấy theo học trường cao đẳng thương mại.

- Còn ông, nếu tôi không tò mò, ông làm gì?

- Tôi học cùng trường với anh Maurice.

- Chắc hẳn ông ở trong quân đội vì ông có mề đay?

- Vâng, tôi đã từng làm thông ngôn ở trong quân ngũ vào thời chiến. Nhưng từ khi hòa ước ký thì tôi xin nghỉ giải ngũ và xin thôi học tại Marseille.

- Vâng, nên học hỏi thật nhiều để giúp ích cho quê hương nghèo khổ của chúng ta. Tôi vẫn biết nhiều bạn thông ngôn đã đến đây trong thời chiến tranh vừa qua, nhưng tôi chỉ biết một số ít những nhà ngoại hạng, còn phần đông thì chỉ thích ăn chơi. Họ đã về nước sau đó chẳng đem theo về một ít hiểu biết về chính trị cũng như về kiến thức.

- Xin cảm ơn những lời khuyên bảo của ông, thực tôi lấy làm may mắn khi được gặp ông. Tôi thường nghe nói đến ông về lòng yêu nước của ông. Thỉnh thoảng tôi cũng được thấy tên ông trên báo chí, nhưng tại sao ông lại thích làm chính trị? Ông không sợ bị theo dõi, ông không sợ người ta có thể làm hại ông?

- Chẳng hề chi. Tôi thích làm chính trị thì tôi chẳng sợ chết, cũng chẳng sợ tù đày. Trong đời này, chúng ta sẽ cũng chỉ có một lần, tại sao lại sợ? Tôi cũng nói cho ông biết, tôi có liên lạc với nhiều nhân vật có tiếng trong phe xã hội. Nếu có việc gì xảy đến, họ sẽ làm mọi cách để những bài tôi viết sẽ đăng trên báo chí ở đây.

Nhận xét của tác giả, nhà sử học Thu Trang: Khi chúng ta suy ngẫm kỹ về nội dung của câu chuyện và Nguyễn Ái Quốc đã nói thì đúc kết lại Nguyễn Ái Quốc đã cho tên mật thám đó một bài học về tình yêu quê hương đồng bào, về ý chí sắt đá mà không một đe dọa nào có thể ngăn bước chân của người thanh niên quả cảm đang đi trên con đường lý tưởng, cũng như tinh thần hiếu học và khuyến khích mọi người nên lợi dụng những thời gian ở Pháp để học hỏi tiến bộ hầu đem kiến thức ấy về giúp đỡ cho đất nước còn nghèo khổ của mình.

*

Năm 1946, trên đường từ Pháp về Việt Nam đến vùng biển Cam Ranh, Bác nhận được bức điện của đô đốc D’Argenlieu xin gặp Bác trong cảng, mục đích của chúng là diễu võ dương oai để uy hiếp tinh thần Bác. Trong bộ quần áo giản dị Bác ngồi giữa một bên là Đô đốc hải quân Pháp, bên kia là Thống soái lục quân Pháp ở Viễn Đông với những bộ quân phục sáng loáng, các thứ bội tinh, quân hàm, quân hiệu. D’Argenlieu giọng mỉa mai bóng gió: “Thưa ông Chủ tịch, ông đã được đóng bộ khung rất đẹp của hải và lục quân đó”. Bác thản nhiên mỉm cười: “Đô đốc biết đó, giá trị là ở bức họa chứ không phải bộ khung, chính bức họa đem lại giá trị cho bộ khung”. Bất ngờ và cay cú trước tài ứng xử thông minh của Bác, cả hai không dám nói xách mé và tỏ ra rất lịch lãm và kính phục. 


Một mình Bác Hồ đối đầu với ba đại diện của thực dân Pháp: cao ủy - đô đốc D’Argenlieu, tướng Leclerc và Sainteny, ủy viên cộng hòa Pháp ở Bắc Kỳ (từ phải sang)​

*

Nhà báo Harold Issacs năm 1948 đã hỏi Bác:

- Chủ tịch ghét gì nhất?

- Điều ác.

- Điều gì yêu nhất?

- Điều thiện.

- Sợ gì nhất?

- Không sợ gì cả. Người yêu nước không sợ gì hết và nhất thiết không được sợ.

*

Nhà thơ Tố Hữu kể lại chuyện lần đầu sau Cách mạng tháng Tám từ Huế ra được gặp Bác ngày 30-5-1945:

Cụ hỏi: - Chú ra bằng gì?

Tôi thưa: - Bằng ô tô.

- Ô tô của ai?

- Dạ thưa ô tô của mình.

Cụ nhìn có vẻ ngạc nhiên hỏi lại:

- Của mình là của ai?

- Dạ của cơ quan ạ.

Cụ cười:

- Ô tô của cơ quan chứ không phải của các quan đâu đấy.♦


(*) NXB Công an Nhân dân, quý II-2020

GS HÀ MINH ĐỨC