Giống như một câu chuyện thần thoại, nhưng tấm thảm thần của bà tiên ở đây không đưa chúng tôi bay lên trời xanh mà chui xuống lòng đất. Tấm thảm thần ấy chính là những chiếc thang máy hoạt động không ngừng nghỉ bên những dòng người đông nghịt kiên nhẫn chờ đợi… Khi bước vào thang máy, và được thông báo, chúng ta sẽ xuống độ sâu đầu tiên 64m, và điểm dừng sẽ ở độ sâu 135m, chúng tôi rùng mình vì nghĩ mình đang đi thám hiểm trong lòng đất đen giá lạnh của một mỏ muối được khai thác từ thế kỷ thứ 13, thế kỷ còn u tối với những phương tiện lạc hậu chủ yếu dựa vào sức người… Nhưng khi thang máy dừng lại, chúng tôi bước ra… và ngỡ ngàng, dưới độ sâu 64m mà sao lòng đất vẫn sáng rực với những con đường, những cầu thang bằng gỗ bóng loáng mà cứng như đá. Nhưng vẫn với tâm trạng bất an ấy, chúng tôi bước đi theo những vầng sáng lung linh phía trước… như bước vào một thành phố huyền ảo trong những câu chuyện cổ tích. Mỏ muối đây ư? Thời Trung cổ, có khoảng 300 - 350 công nhân làm việc tại đây mỗi ngày, cho sản lượng tầm 7 - 8 tấn muối mỗi năm, nghĩa là họ phải làm việc cật lực suốt năm dưới lòng đất và không hề thấy ánh sáng mặt trời. Cuộc sống của họ gắn liền với muối, và muối thấm vào từng thớ thịt của từng người. Họ không lên mặt đất, nên nơi đây chính là thành phố của họ, thành phố có đủ các nhà thờ, nhà nguyện lớn nhỏ, có bưu điện, có quán ăn, cà phê, có phòng hòa nhạc, phòng khiêu vũ, hội họp có sức chứa hơn 400 người… Nghĩa là có đủ những nhu cầu cần thiết cho con người sống và làm việc ở đó.
(1).png)
Thánh đường Saint Kinga được thắp sáng bằng đèn chùm thiết kế tinh xảo
Thánh đường Saint Kinga có chiều dài 54m, rộng 15 - 18m, cao hơn 10m và có những chùm đèn lộng lẫy màu trắng được làm bằng muối kết tinh gắn liền với huyền thoại về nàng công chúa Kinga con gái của vua Bela đệ tứ, vị vua vĩ đại của người Hungary. Vừa mới chào đời, Kinga đã biết nói. Khi nàng tròn 15 tuổi, vì tình giao hảo giữa Hungary và Ba Lan, Kinga đã được gả cho Boleslaw, Hoàng thân xứ Krakov. Trước khi nàng theo chồng về Ba Lan, vua Bela Đệ tứ hỏi con gái muốn lấy gì làm của hồi môn. Công chúa trả lời rằng cô muốn một món quà cho mọi người dân Ba Lan và đã chọn những tảng muối ở vùng Erdély. Vua cha đồng ý. Nàng công chúa bèn thả chiếc nhẫn cưới xuống hầm mỏ để khẳng định quyền sở hữu của mình. Trở về Ba Lan cùng tốp thợ mỏ người Hungary, Kinga đã mở mỏ muối ở vùng ngoại ô Krakov. Và nàng Kinga trở thành Thánh nữ trong lòng thợ mỏ và cả đất nước Ba Lan…


Hình tượng gian khổ của các công nhân mỏ đang làm việc nơi mỏ muối
Nhưng mỏ muối cũng dẫn dắt chúng tôi đi theo hai con đường để biết và hiểu. Một con đường đi đến những bức tượng miêu tả lại cuộc sống, nơi ở và làm việc của những người thợ mỏ lúc bấy giờ và một con đường dẫn đến ánh sáng rực rỡ của những chiếc đèn chùm ở Thánh đường Saint Kinga, ở những phòng khiêu vũ và hòa nhạc, những nhà hàng lộng lẫy, những căn phòng ngủ ấm êm… Và tôi hiểu đằng sau ánh sáng rực rỡ ấy chính là số phận của những con người lầm lũi trong bóng tối, những người phải làm việc cật lực để khai thác và mở rộng quy mô của mỏ lên đến 320km. Ở đây có máu và nước mắt của vài trăm con người nối tiếp nhiều thế hệ suốt 700 năm, những dòng máu ấy đã nuôi sống và làm nên một đất nước Ba Lan hùng cường giàu mạnh, bởi thời đó, muối đối với con người cực kỳ quý giá… Muối làm nên sự giàu có cho các nhà vua Ba Lan ngày xưa, nhưng với người khai thác mỏ, nhiều khi phải trả giá bằng tính mạng bởi lở hầm, khí độc… nên những người thợ mỏ đã xây nhiều nhà nguyện nhỏ bằng muối, có cả tượng Chúa Jesus và cây Thánh giá. Họ cầu kinh ở đây để tìm sự bình yên trong tâm hồn.
.png)
Bức phù điêu phỏng theo bức tranh Bữa tiệc cuối cùng của danh họa nổi tiếng Leonardo da Vinci

Một trong những khung cảnh làm du khách choáng
ngợp khi vào mỏ Wieliczka là những hồ nước muối.
Đây là nơi được nhiều cặp đôi lựa chọn làm địa điểm trao lời cầu hôn
Nhìn những bức phù điêu tinh xảo trải dài trên những bức tường muối trong nhà thờ Kinga khắc họa từ những bức họa nổi tiếng như Bữa tiệc cuối cùng của danh họa nổi tiếng Leonardo da Vinci không ai nghĩ đó là tác phẩm của những người thợ mỏ, bởi nó cực kỳ sắc sảo. Nhưng từ đó chúng ta càng khâm phục cách làm du lịch sáng tạo của đất nước “đường bạch dương sương trắng nắng tràn”. Cái hầm mỏ từ thế kỷ thứ 13 u tối trước mắt du khách bỗng trở thành một thành phố thiên đường với những viên muối trắng làm thành những chiếc đèn chùm, và bức tường muối trơ lạnh bỗng trở nên sinh động bởi vô vàn bức tượng và phù điêu sắc sảo… Hầm mỏ trở thành một thành phố ngầm lộng lẫy dưới độ sâu gần 300m dưới lòng đất, và hầm mỏ ấy đã quyến rũ được hàng triệu du khách đến tham quan. 700 năm trước, nơi đây là muối và là tài nguyên chủ yếu làm giàu cho đất nước Ba Lan, 700 năm sau nơi đây tiếp tục làm giàu cho Ba Lan bằng sự diệu kỳ của muối qua bàn tay sáng tạo của các nghệ nhân Ba Lan…

Toàn cảnh tòa nhà mỏ muối trên mặt đất
Và càng nghĩ càng thấy chạnh lòng với cách làm du lịch của đất nước mình. Có lẽ vì chúng ta đã được quá nhiều sự ưu đãi của thiên nhiên, một đất nước ngát màu xanh của biển trải dài từ Bắc chí Nam mà vẫn chưa tận dụng được ưu thế của mình nói gì đến kỳ công làm đẹp, làm nên sức quyến rũ diệu kỳ bằng sức sáng tạo của con người…♦
Nằm cách trung tâm thành phố Krakow, Ba Lan khoảng 15km về phía đông nam, mỏ muối Wieliczka là mỏ muối lâu đời thứ hai trên thế giới (mỏ xưa nhất ở Bochnia, Ba Lan, cách Wieliczka 20km). Lịch sử ghi lại, vào khoảng 20 triệu năm trước, khu vực Wieliczka còn là biển, với những hang động tự nhiên. Do kiến tạo của vỏ trái đất, khu vực này dần trở thành đất liền và muối ở biển đã được tích tụ trong những hang động và các khe ngầm tạo thành mỏ muối. Vào thế kỷ 13, đây là nơi cung cấp muối lớn nhất cho cả nước, có tên gọi là Magnum Sal (hay Great Salt), đóng vai trò quan trọng đối với kinh tế Ba Lan. Toàn bộ mỏ có khoảng 2.000 căn buồng lớn nhỏ, hầu hết mọi thứ đều làm từ muối và điểm sâu nhất là 326,7m. |